Cùng nhau làm rõ các yếu tố làm nên tác phẩm cho thiếu nhi
Ngày làm việc thứ hai của Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi năm 2022 (Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên), sáng 5/8, các học viên đã được nghe nhà văn Hồ Thủy Giang và nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh truyền đạt các nội dung: Nhận diện văn học thiếu nhi (VHTN); Các dạng thức và đặc trưng cơ bản của VHTN…
Viết cho thiếu nhi không dễ
Trong phần chia sẻ của mình, nhà văn Hồ Thủy Giang đã giúp học viên nhận diện rõ hơn về VHTN. Theo ông, VHNT có thể phân biệt thành 2 dạng cơ bản. Một là “thiếu nhi viết”, cho thiếu nhi đọc, hoặc cho người lớn đọc. Hai là “người lớn viết” cho thiếu nhi, với các nhân vật là thiếu nhi hoặc nhân vật là con vật, đồ vật... Một số tác giả nổi tiếng có thể kể đến ở Việt Nam như: Tô Hoài, Vũ Tú Nam…
Việc thưởng thức của độc giả cũng khá đặc biệt. Có loại tác phẩm gọi là VHTN nhưng người lớn và thiếu nhi đều thích. Lại có loại tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng thiếu nhi không thích mà người lớn thích. Có người nói vui nhưng cũng chính xác đó là: “Văn học thiếu nhi là dành cho thiếu nhi và người lớn thông minh đọc”. Nhưng dù sao thì chân lí nhất vẫn là viết cho thiếu nhi trước hết phải dành cho thiếu nhi đọc.
Thực trạng hiện nay, các tác giả thường không “mặn mà” vì nghĩ VHTN không có chiều sâu, bó hẹp trong sự phản ánh, không có nhiều điều để nói, ít cơ hội công bố. Báo chí thì hầu hết không có trang dành cho VHNT, cả nước chỉ có Hoa học trò, Báo Thiếu nhi, Báo Nhi đồng, Khăn quàng đỏ. Nhà xuất bản thì hầu như chỉ có NXB Kim Đồng, chút ít ở NXB Trẻ.
Vì vậy, nhà văn Hồ Thủy Giang khẳng định: Việc viết cho thiếu nhi là khó viết và khó hay. Để viết được, tất nhiên phải hóa thân nhưng thường sẽ bị sa vào chuyện không hiểu tâm lí thiếu nhi nên thường “đóng giả” thiếu nhi. Ví dụ như một đứa trẻ nhìn thấy quả hồng bằng nhựa thay vì gọi nó là “quả hồng giả” như người lớn thì sẽ gọi nó là “quả hồng giả vờ”. Và, cái dở nhất nhưng khó tránh nhất là việc đưa tính giáo dục vào tác phẩm một cách lộ liễu, thô thiển. Đó là những điều cần tránh khi sáng tác cho thiếu nhi.
Nhà văn Hồ Thủy Giang: “Viết cho thiếu nhi nhìn chung là khó khăn”
Nhà văn Hồ Thủy Giang cũng chia sẻ về kinh nghiệm sáng tác VHTN của bản thân qua việc đã xuất bản 3 tập truyện, khoảng 40 truyện ngắn, trong đó 3 - 4 phần dành cho thiếu nhi và 6 - 7 phần nhắm vào người lớn. Truyện của ông thường có nhân vật là thiếu nhi, chủ yếu là thể loại “đồng thoại”. Đây là thể truyện trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hóa để tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng tượng của trẻ em. Lối viết của ông chủ yếu nói về những hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên, đời sống. Ông thường viết để nhằm chứng minh cho một câu tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ như: ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung, con cóc là cậu ông trời; gầy như nhái bén… Hoặc đó có thể là một hiện tượng có thật ở loài vật như: Kì đà và Hải âu cùng sống chung trong hang; hiện tượng con tằm sau khi đẻ hóa thành con ngài bay lên trời rồi chết… rồi sau đó giải thích theo ý riêng của mình chứ không theo phân tích khoa học, thậm chí không theo thực tế.
Một kinh nghiệm sáng tác của nhà văn là: “Đừng quá phụ thuộc vào lý thuyết, tạm thời quên đi hết tất cả mọi thứ, chỉ còn ta và tờ giấy trắng. Sau khi viết xong thì sẽ dùng lý thuyết để gọt giũa, chỉnh sửa lại tác phẩm”.
Nhà văn cũng nhấn mạnh về giọng văn gần gũi, ngôn ngữ đẹp và đặc biệt là tính phiêu lưu trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Bởi, lứa tuổi thiếu nhi rất mê sự phiêu lưu, nên tác phẩm sẽ được các em đón nhận nhiều hơn.
Hãy nhập vai để có thể “cảm, nghĩ, yêu, ghét” như thiếu nhi
Bổ sung cho phần chia sẻ của nhà văn Hồ Thủy Giang, nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh đã đưa ra những các yếu tố mà một tác phẩm VHTN cần phải có.
Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh: “Những phương tiện nghệ thuật mang dấu ấn trẻ thơ sẽ tạo ra khả năng “thanh lọc” để biến tính giáo dục thành tính tự giáo dục”
Theo nhà thơ, VHTN gồm ba dạng thức cơ bản: Những sáng tác sử dụng yếu tố kỳ ảo, những sáng tác đồng thoại và những sáng tác mà viết trong thiếu nhi nhưng người lớn rất thích đọc. Dù thể nào thì cũng cần phải chú ý đến 5 yếu tố đặc trưng của nó, gồm: Sự hài hòa giữa cảm quan người lớn và tâm hồn trẻ thơ; Sự hồn nhiên vô tư trong sáng trong các sáng tác; Sự thơ mộng và lãng mạn; Sự ly kỳ tạo dấu ấn mạnh mẽ; Tính giáo dục mang dấu ấn đặc thù của tuổi thơ.
Có 4 điều cần chú ý khi sáng tác đó là: Không giáo điều áp đặt; Không khô khan lý thuyết suông; Ẩn sâu trong hình tượng nghệ thuật ngộ nghĩnh đẹp đẽ phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ và phù hợp với trình độ tiếp nhận của trẻ thơ; Những phương tiện nghệ thuật mang dấu ấn trẻ thơ sẽ tạo ra khả năng “thanh lọc” để biến tính giáo dục thành tính tự giáo dục.
Từ kinh nghiệm bản thân, nhà thơ nhắn nhủ đến các học viên: “Khi viết hãy nhập vai để có thể “cảm, nghĩ, yêu, ghét” như thiếu nhi. Và dù viết cho đối tượng nào thì cũng cần hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, cố gắng bồi đắp cái đẹp cho người đọc bằng ngôn ngữ giàu tạo hình, như vậy tác phẩm sẽ để lại ấn tượng với độc giả”.
Các học viên chăm chú lắng nghe bài giảng
Với mỗi nội dung các giảng viên đều kèm theo những ví dụ minh họa sinh động được kể một cách tự nhiên, hấp dẫn. Ngoài ra, các giảng viên cũng dành thời gian để trao đổi, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của học viên nên không khí buổi học rất sôi nổi và lôi cuốn. Chỉ trong một buổi sáng, các học viên đã thu về những kiến thức bổ ích và bước đầu định hướng cho mình khi trải nghiệm trong lĩnh vực Văn học thiếu nhi.
Học viên chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên
A.T
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...