Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
07:31 (GMT +7)

Cũng cần phải “học” để dạy con

VNTN - Cách đây không lâu, trên mạng xã hội youtube có đăng tải một video clip dài gần 6 phút về việc một ông bố người Mỹ dạy cô con gái chừng 5 tuổi nói lời xin lỗi. Video được rất nhiều lượt chia sẻ trên các trang mạng xã hội, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng trên toàn thế giới. Bối cảnh là một chuyến mua sắm trong siêu thị của người cha và hai con gái nhỏ, cô em cố ý hất cuốn sách trên tay cô chị xuống đất, người cha yêu cầu cô bé phải nói lời xin lỗi chị của mình. Cô bé nhất quyết không chịu. Người cha không quá nóng giận mà kiên trì dạy bé phát âm câu “I am sorry”. Cuối cùng em cũng làm theo, phát âm rõ ràng câu nói đó, và nhận được ánh mắt yêu thương từ cô chị. Không dừng lại ở đó, ngay sau khi nói xin lỗi chị gái mình, cô bé bị một nữ khách hàng va phải và ngã ra sàn siêu thị. Cô gái lạ mặt không những không xin lỗi mà còn buông những lời tục tĩu với ba cha con. Với sự can thiệp của cảnh sát, nữ khách hàng đã bị giữ lại. Nhưng một điều kì diệu đã xảy ra, bé gái vừa bị ngã đã mang những thứ mà cha vừa dạy về cách nói lời xin lỗi để hướng dẫn nữ khách hàng. Bằng ánh mắt ngây thơ, một tâm hồn trong sáng, cô bé đã “cảm hóa” được sự thô lỗ, lời xin lỗi đã được nữ khách hàng nói ra.

Hãy khoan bàn đến cách giáo dục trẻ em ở nước ngoài, mà tập trung vào câu nói mà người cha đã dạy cô bé “Tôi xin lỗi”. Có lẽ ở Việt Nam, chúng ta thấy hiếm gặp những ông bố, bà mẹ dạy con nói những lời xin lỗi một cách đơn giản mà hiệu quả như vậy. Nguyên nhân là do đâu?

Phải chăng chúng ta sợ nói lời xin lỗi? Lời xin lỗi không quá khó nói, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ lòng tự trọng, sự chân thành, thẳng thắn khi nói ra điều đó.

Sợ nói lời xin lỗi, hay nói một cách “giảm nhẹ” đi, tức là ngại nói lời xin lỗi có lẽ có một phần nguyên nhân từ lòng kiêu hãnh, sự tự đề cao bản thân, lý tưởng hóa bản thân, mặc dù biết mình sai nhưng nhất quyết không nhận mình sai. Và theo đó sợ nói lời xin lỗi vì khi xin lỗi tức là tự nhận mình có lỗi, và giá trị bản thân bị hạ thấp. Và khi không muốn nói lời xin lỗi, người ta sẽ tìm cách làm cho mình trở thành không có lỗi, tức là bao biện, chối lỗi, đổ thừa. Cái sai lúc này thuộc về kẻ khác, hoặc do nguyên nhân khách quan, chủ thể được xem xét lại, từ mắc lỗi nhiều đến mắc lỗi ít và thậm chí có thể kết luận “vì hoàn cảnh khách quan nên ông ấy không có lỗi”.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, ở Việt Nam, cảnh sát giao thông mắc lỗi khi xử lý người đi đường nhưng vẫn cố tìm ra sai lầm của người dân để che lấp đi lỗi lầm của bản thân, dĩ nhiên trong những trường hợp ấy, không bao giờ chúng ta có thể nghe được lời xin lỗi. Hoặc giả, trong lịch sử phong kiến, nếu một vị quan nào đó phạm sai sót gì với dân, nhưng với vị thế của bậc “phụ mẫu” thì lỗi lầm lại là tại dân, trong từ điển của quan trên không có lời xin lỗi...

Bên cạnh việc tự đề cao bản thân, có lẽ sự thiếu cảm thông từ cộng đồng cũng khiến cho lời xin lỗi khó được thực thi. Khi cá nhân biết sai và nói lời xin lỗi nhưng đáp lại là sự nóng giận, tiếng “quát tháo” từ cộng đồng thì chủ thể nói lời xin lỗi kia sẽ cảm thấy lời nói của mình là vô giá trị. Từ đó sẽ ngại nói ra những lời xin lỗi, kể cả lỗi ấy là vô tình hay cố ý gây ra. Thực tế thì sẽ không quá xa lạ khi thấy một cuộc va chạm xe trên đường, một người cố nói lời xin lỗi nhưng người bên kia “bừng bừng hỏa khí” nhất quyết không chịu. Và như vậy con người càng dần mất đi lòng dũng cảm đối mặt với chính bản thân và với cả cộng đồng. Hẳn đó cũng là một điều đáng buồn.

Lời xin lỗi phải xuất phát từ sự chân thành của trái tim và được rèn luyện khi nhân cách mới được hình thành. Bài học từ một clip ngắn nhưng vô cùng ý nghĩa đã khiến nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ không khỏi suy ngẫm. Trong mỗi “tế bào xã hội”, dạy con một cách kiên nhẫn và đơn giản về việc nhận lỗi và biết nói lời xin lỗi bằng sự chân thành của chính trái tim, là điều mà chính các phụ huynh cũng cần phải “học”.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy