Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
02:23 (GMT +7)

Con sói lạc loài (Kỳ IV)

(tiếp theo và hết)

Kỳ IV: Rời nẻo đường cong

Chuyện đánh nhau cứ xảy ra như cơm bữa. Sau này hồi tưởng lại, Khoái thú nhận: “Thật ra tôi cũng… ác, lần nào cũng đánh người ta trước. Mà đã đánh là hộc máu. Nhưng tất cả đều là những thằng đáng bị đánh”.

 

 


Chuẩn bị lên đường đi Phước Sơn, Quảng Nam làm vàng

Biết kẻ hận mình nhiều, đi đâu Khoái cũng kè kè một khẩu súng, một dao tông bên người. Nhưng người quý gã cũng không ít. Sợ gặp phải thằng liều dễ ăn đòn, thấy Khoái ở chỗ này, đám đầu trâu mặt ngựa liền lảng đi chỗ khác. Ít bị sách nhiễu, trấn cướp, các chủ bưởng khác đâm mang ơn, thường mời Khoái sang lán đãi đằng, cho vay tiền, mượn gạo nuôi lính. Có hầm “vào cầu”, chủ bưởng còn đem cả vốc vàng cốm sang tặng Khoái gọi là “lộc bất tận hưởng”. Khoái “đù” không xin, không lấy không của ai, chỉ đề nghị những hầm đang ăn nên làm ra cho mượn tạm vài “cạ” (buổi đào) tại hầm của họ để cho lính mình làm, lấy đó làm nguồn sống lay lắt.

Sau 6 tháng 20 ngày đói rã, hầm của Khoái bắt đầu trúng vàng, trúng rất đậm. Trong gần 2 tháng, trung bình mỗi ngày Khoái “bốc” lên từ đất được gần một kg vàng. Trả hết nợ nần, Khoái mạnh tay đầu tư mua thêm máy móc, đất hầm, mở rộng khai thác cùng lúc nhiều hầm. Người xin làm thuê kéo đến kìn kìn. Khoái nhận tất, chỉ với 3 điều kiện: không ma tuý, rượu không được uống quá 3 chén/ngày, không được ăn cắp. Nhân công của gã rời bãi, gã có thêm một điều kiện thứ 4, khá kỳ cục: không được ngồi chơi tại nhà bạn quá 5 phút, nếu bạn đi vắng, chỉ có vợ bạn ở nhà. Trong thẳm sâu, dù đã chấp nhận, nỗi đau riêng của gã vẫn chưa nguôi ngoai được.

Vào lúc cao điểm, nhân công của Khoái lên đến 300 người, chia làm 4 ca luân phiên. Mọi chi phí từ cơm áo, thuốc men… Khoái lo tất, trả công mỗi người 1 chỉ vàng/ tháng. Về tết hoặc gia đình có chuyện phải từ giã bãi, gã tặng thêm một chiếc xe Dream, giá trị có lúc lên đến cả chục lượng vàng. Ai ở lại sinh cơ lập ngiệp, Khoái giúp vàng xây nhà dựng cửa, không chút so đo. Cặp vợ chồng Hạnh - Thu là một trong số những người đầu tiên được Khoái “đù” giúp xây nhà dựng cửa. Ông Hạnh phục viên, hay đau ốm, công việc không ổn định, sau đó đã được Khoái “đù” mời lên bãi làm chung với gã suốt cả chục năm ròng rã.

Cái tứ lãng mạn và kết cục có hậu trong chuyện tình của ba người Khoái - Hạnh đã đến tai nhà văn Triệu Bôn. Trong một lần dự trại sáng tác ở Hồ Núi Cốc, ông đã chủ động tìm gặp Khoái, gợi chuyện và kiên nhẫn ngồi nghe gã bộc bạch tâm tình suốt nhiều ngày. Biết mình trở thành nguyên mẫu nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết “Phần đời không muốn nhớ”, Khoái “đù” khoái lắm. Cũng nhờ cuốn sách này, tên tuổi Khoái “đù” đã nổi càng nổi hơn, vượt ra ngoài ranh giới tỉnh Thái Nguyên.

Mùa đông năm 1995, nghe tin ông già Triệu Bôn bệnh nặng phải nhập viện, Khoái tức tốc rời bãi vàng về Hà Nội thăm. Biết vợ chồng ông già Triệu Bôn đều là nhà văn, cuộc sống khá chật vật, gã giang hồ cầm vào đặt cuối chân giường bệnh của nhà văn một chai 650 mi đựng toàn vàng cám, gọi là “biếu anh chút để bồi dưỡng, của nhà… làm được”. Hơn hai năm sau, nhà văn Triệu Bôn đều không thắng được bệnh tật và tuổi tác, quy tiên. Kể chuyện cũ, nhắc tên người cũ, mắt gã giang hồ vẫn rơm rớm. Trên giường bệnh, nhà văn già Triệu Bôn đã nhỏ nhẹ: “Chú Khoái à, quan hệ của tôi và chú, sao lại để vàng bạc xen vào. Chú cầm cái chai về đi. Người như chú, sống sao gọi là tình là nghĩa, chắc tôi đâu cần nói”. Phút đó, Khoái “đù” chợt “ngộ”, khóc rưng rức. 13 năm sau kể lại chuyện cũ, gã giang hồ đầu bạc vẫn còn nức nở.

Một lán trại của dân đào vàng ở Miền Trung. Ảnh tư liệu.

Cầm chai vàng cám trở về, Khoái “đù” như lột xác. Không còn đánh nhau, không còn tranh giành, có cơ hội giúp ai, cho ai là gã không hề tiếc. Vợ chồng Uý - Lan ở Đồng Hỷ cho Khoái mượn ô tô cầm cố để khui hầm, khi có vàng, Khoái về xây tặng hẳn một căn nhà để trả nghĩa. Anh thợ Vũ Đình Khương, quê Hải Phòng, lấy vợ xong không có chỗ ăn chỗ ở, Khương phải lặn lội lên Thái Nguyên đào vàng thuê, mấy năm liền không về thăm vợ con. Khoái thấy thương, mua đất, mua nhà ở Đồng Hỷ tặng, bảo đưa vợ con lên lập nghiệp. Hết thời làm vàng, Khoái còn tặng anh này 1 xe máy để chồng chạy xe ôm, vợ buôn chè, nuôi 2 đứa con ăn học đàng hoàng.

Trong gần chục năm trời, gã ruổi rong khắp các bãi vàng Boong Xay, Thần Sa, Cà Ná, Na Rì… ở hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Cạn, nổi tiếng như một chuyên gia “tăm vỉa” (dò mạch vàng) và các kỹ thuật đào đãi, đánh hoá (lọc vàng từ quặng xái bằng hoá chất). Kiến thức không nhiều nhưng gã đúng là tay lão luyện, khui hầm nào là thắng hầm đó. Thắng nhiều, thắng đậm nhưng gã không tham. Cho dù hầm vàng đang khui có trúng đến mấy, gã cũng tuyệt đối không cho thợ làm vào ban đêm hay lúc trời mưa, sợ nguy hiểm. Khui hầm mà đụng mạch nước, vết nứt…là gã bỏ, bắt lấp lại ngay.

Mùa mưa năm 1991, hầm vàng của Khoái ở Boong Xay đang trúng lớn thì gã phát hiện có vết nứt. Buộc thợ bỏ hầm, họ tiếc của không nghe, Khoái xách súng AK ra lắp đạn quạt liền mấy băng. Sợ Khoái nổi điên, thợ vội chui lên hết. Người cuối cùng vừa thoát khỏi miệng hầm thì ầm một tiếng, cả khối núi đổ sập, chôn luôn cả hầm vàng của Khoái dưới độ sâu 40 - 50m.

Khui hầm, kinh nghiệm, kiến thức và toàn bộ chi phí, Khoái chịu tất. Nhưng vàng thu được, gã chia đều cho thợ, hầu như chẳng lấy phần hơn. Có những lúc, gã hào phóng quá, nợ ngân hàng như chúa chổm nhưng người làm công chẳng ai biết, bởi sau ít lâu, khui trúng mạch vàng, thu nhập của thợ lại rủng rỉnh, trong khi họ chẳng phải nợ nần ai cả. Khoái cũng mạnh tay làm từ thiện, dù chẳng để lại tên. Các bệnh viện, trường học ở các địa phương gần nơi gã lập hầm đào đãi đều xem Khoái như một Mạnh Thường Quân hào phóng. Riêng cho bản thân và gia đình mình, Khoái làm được không nhiều. Sau mấy chục năm lưu lạc, gã chỉ về Huế xây cho cha mẹ già một căn nhà nhỏ, sau đó giúp người cha dọn nhà vào Đồng Nai lập nghiệp. Xong, gã lại đi, lại lưu lạc tiếp.

Một sàng tuyển vàng đang hoạt động trong bãi vàng thời đó. Ảnh tư liệu.

Cách cho, cách tiêu của Khoái vào thời đang ăn nên làm ra cũng chẳng giống ai. Gã thích tiêu xài bằng vàng lá và đi cho, đi ủng hộ không bằng tiền mà bằng… xe máy. Nguyễn Thị Thu, vợ sau của gã nhẩm tính, trong gần chục năm, (1988 - 1996), Khoái “đù” tặng từ thiện tất cả 152 chiếc xe máy, trong đó có 130 xe Dream II (thời điểm đó trị giá 10 lượng vàng/chiếc). Riêng Khoái thì gạt phắt: “Đã cho thì đừng nhắc, đến tai lại khiến người ta tổn thương”…

Gắt vợ, nhưng thật ra, người tổn thương nhiều nhất, không ai khác, chính là Khoái “đù”. Khoái gặp người vợ này vào khoảng 1 năm sau ngày lên làm vàng ở Thần Sa. Ba giờ sáng, Khoái phát hiện một bóng người khả nghi chạy sấp ngửa từ một lán vàng ra bìa rừng. Nghi kẻ trộm, gã đón đường quật ngã. Hoá ra là đàn bà. Chị ta có 2 đứa con nhỏ, lên bãi làm thuê nuôi con, vừa trộm được nắm vàng cám định lẻn trốn thì bị Khoái phát hiện. Cám cảnh, Khoái thở dài, bốc thêm cho một nắm vàng cám nữa rồi thả cho đi. Về nhà chưa bao lâu, Nguyễn Thị Thu lại quay lại bãi, xin làm cho Khoái. Rổ rá cạp lại, họ lấy nhau, có thêm một mụn con gái. Ngày đứa bé tròn 2 tuổi (1992), Khoái mua 40 con lợn, hàng trăm chai rượu ngoại vào đãi cả 600 người trong bãi vàng Thần Sa một bữa say tuý luý.

Mua đất, dựng nhà cho vợ con ở thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên xong, Khoái “đù” lại tiếp tục cắm mặt vào bãi vàng. Lâu lâu tạt về thăm con, gã lại ngửa mũ cối trút cho vợ một mũ vàng cốm, rồi đi. Nhàn cư vi bất thiện, người đàn bà 3 mặt con lao vào cờ bạc, đề đóm, thua xiểng niểng. Khoái biết chuyện, nhưng đang hồi phất mạnh nên chẳng can. Thỉnh thoảng, gã cũng bỏ hầm bỏ bãi, theo vợ đi ngồi sới, sát phạt máu me tìm cảm giác.

Càng chơi càng thua, càng thua càng cú, máu cờ bạc lậm dần sang Khoái lúc nào không hay. Bắt đầu từ năm 1994, chỉ thỉnh thoảng Khoái mới lên bãi coi sóc, chỉ đạo thô dăm hôm, thời gian còn lại cứ lượn về ngồi sới. Cứ ngỡ tiền của mình có là vô biên, vợ chồng gã xài rất sang. Để tìm vui, gã thuê xe chở cả vợ lẫn đám em út về Hà Nội, xuống Hải Phòng thuê nguyên cả Khách sạn đánh bạc nhiều ngày ròng rã. Có bận hứng lên, hai vợ chồng còn mò sang cả Campuchia, rồi Hồng Kông ăn chơi cho biết. Đánh người thì toàn thắng nhưng đánh bạc thì toàn thua, đến khi đã khánh kiệt Khoái cũng chẳng hay biết, cứ ngỡ đời mình vẫn còn khấm khá như đời những người thợ làm thuê của mình.

Năm 1996, tất cả các bãi vàng ở Thái Nguyên và Bắc Kạn đều bị đóng cửa. Thợ thuyền của Khoái chạy dạt mỗi người một nơi. Người ở lại thì chuyển nghề. Trong khi Khoái đang toát mồ hôi chạy vạy ngược xuôi để tìm đủ 500 triệu trả nợ ngân hàng, tránh phải ra toà thì vợ gã đã vướng vào một bản án 8 năm – cái giá cho chuyện làm liều để kiếm tiền đánh bạc.

Lụn bại, cơ hội làm lại không còn, Khoái “đù” chuyển nghề sang… chạy xe ôm, kiếm tiền nuôi con chờ vợ mãn hạn. Cuối năm 2007, nghe lời rủ rê, gã còn mò sang tận huyện Đắk K’Nu, tỉnh Kong Pong Chàm, Campuchia, tính thử thời vận bằng cách đi tăm vỉa, khai thác vàng thuê cho một tay tỷ phú Campuchia. Dự định hợp tác bất thành, sau 10 ngày Khoái đành quay về nhà, mang theo một bao tải quặng đã nghiền nát thành cám, trong đó có vô số vảy li ti màu vàng mà gã khẳng định chắc như bắp là vàng cám. Với bao cám quặng ấy Khoái cứ hy vọng, cứ ngồi chờ, chờ mãi, nhưng chẳng thấy tay tỷ phú kia gọi lại.

Hôm tôi đến, Khoái lại xúc một bát cám quặng lấm tấm ánh kim ấy ra khoe. Biết tôi từng qua lại và quen nhiều tay chủ bưởng chủ hầm ở bãi vàng Phước Sơn, Quảng Nam, tay giang hồ đã trải đời trọn vẹn một hoa giáp bày tỏ ý định muốn nhờ tôi tiến cử để Khoái có thể bắt đầu cơ hội mới trên vùng đất hứa đầy lam sơn chướng khí ấy trên dãy Trường Sơn. Gã bảo: “Tôi đọc báo, tôi biết. Vàng trên ấy không thiếu, nhưng cứ làm như mấy thằng cha ở Miền Trung thì không lấy được vàng đâu. Tôi mà không lên đó là không xong”.

Khu vực bãi vàng quanh suối Dek (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai). Ảnh tư liệu.

Dĩ nhiên tôi không nhận lời. Bảo rằng một tay giang hồ từ trong máu như Đoàn Đắc Tô, tức Khoái “đù” khét tiếng đoạn tuyệt hẳn với chuyện phiêu lưu, e là không thể. Ngăn ông ta bằng lời lẽ thiệt hơn, e là vô ích, cũng chẳng cần. Và rồi khỏi cần tôi giới thiệu, chỉ cần nói ra vài cái tên, dăm đặc điểm, Khoái cũng lưu vào bộ nhớ. Cuối năm 2010, một mình, Khoái lần lên bãi vàng Phước Sơn, Quảng Nam thật. Các chủ bưởng, chủ hầm mới nổi ở xứ này, nghe danh Khoái “đù” cũng đón tiếp gã giang hồ đầu bạc khá nồng nhiệt.

Nhưng công cuộc “tái xuất giang hồ” của Khoái ở Phước Sơn kéo dài chỉ được chừng vài tháng. Những kinh nghiệm thủ công “đầy ứ ự” của Khoái, lên Phước Sơn hoá ra lại trở nên khá lạc hậu lỗi thời. Ở xứ đó, bây giờ người ta đào núi bằng xe xúc, tăm vỉa bằng mũi khoan công nghiệp chứ không rị mọ ghè đẽo cò con như thời của Khoái. Trong khi gã giang hồ già tỏ ra coi thường kiến thức quặng vỉa của các ông chủ trẻ thì đổi lại, đám này cũng chẳng mấy khi chịu nghe góp ý, hướng dẫn của một người mà họ đánh giá là rất giàu những kinh nghiệm “xưa như trái đất”. Không ai chịu ai. Cuối cùng, Khoái “đù” đành xếp tay nải hạ sơn, tránh trước một cuộc đụng độ giang hồ “cỡ hành tinh” mà bằng kinh nghiệm lăn lộn hàng chục năm, gã biết chắc không chóng thì chầy cũng phải nổ ra.

Hạ sơn, nhưng mộng vàng, gã không bỏ hẳn. Gọi điện vào Miền Nam cho tôi, gã vẫn nói chắc như dao chém: “Phải quay lại chứ. Trên đó cần anh mà, bỏ sao được. Giờ họ chưa cần, nhưng thất bại thêm dăm chuyến nữa là sáng mắt ra ngay, lại không về tận Thái Nguyên mà năn nỉ, xin lỗi, rước anh vào cho bằng được đấy à? Gặp họ, em cứ nói là anh Khoái mày nhắn vậy”.

Ảo tưởng? Tất nhiên. Mà cũng không hẳn thế. Người như Khoái, tôi tin là chỉ rũ bỏ giang hồ khi và chỉ khi đã sức tàn lực kiệt, muốn đeo đuổi cũng không còn sức để đeo chứ không vì lý do nào khác. Cũng chẳng phải vì Khoái không liệu trước những hiểm nguy mất mát có thể và sẽ đang chờ. Vì thế, tôi không khuyên can, nhưng cũng không nhận lời, dù chỉ là bắc một mảnh ván giữa hai bờ, một bên là đời sống bình thường, có thể là tẻ nhạt nhưng yên ổn, với bên kia là những bất trắc đầy hứa hẹn và cám dỗ. Nghĩ vậy thôi, nhưng tôi không nói ra lời. Một cuộc đời quá nhiều thăng trầm như Khoái, nếu bị tôi bóc nốt cả những ảo tưởng thì với tuổi già, họ sẽ sống bằng gì?

Cách đây không lâu, đúng là gã lại gọi điện thoại cho tôi thật. Nhưng không phải báo chuyện tìm vàng. Cũng chẳng liên quan gì đến giang hồ. Khoái mời tôi ra Thái Nguyên dự đám cưới con gái gã. Thật lạ khi nghe gã giang hồ đầu bạc ấy bảo rằng: “Chú ra mừng cho cháu. Con cái nó trưởng thành, mình cũng thấy vui ghê chú ạ!”.

(Hết).

Nguyễn Hồng Lam

Kỳ I: Kẻ bất trị

 

Kỳ II: “Phần đời không muốn nhớ”

 

Kỳ III: Thiên đường không bóng chim câu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

Xem tin nổi bật 2 tháng trước