Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
05:44 (GMT +7)

Con sói lạc loài (kỳ II)

Kỳ II: “Phần đời không muốn nhớ”

Công trường B5 đã giải tán, Khoái lần về Công ty lắp máy ở Hà Nội. Công ty không đuổi nhưng cũng chẳng bố trí công việc cho gã. Ở nhà ăn tập thể, mọi người trong bàn đều bỏ sang bàn khác khi Khoái bưng bát đến ngồi.

 

 


 

Cuộc đời của Khoái “đù” là những chuyến đi…

Lần đường tìm về quê ở Thừa Thiên, Khoái bị cha ruột đuổi: “Nhà này, làng này không chứa chấp loại ăn cắp vặt!”. Nhục quá, Khoái lại lộn về Thái Nguyên, tìm những thằng bạn lưu manh cũ trong băng Tiến “Xồm” sống lay lắt.

Sợ mang tiếng nhục vì ăn cắp vặt, Khoái quyết định… ăn cắp lớn. Không tổ chức băng nhóm cố định, cứ thỉnh thoảng Khoái lại rủ thêm vài gã chiến hữu đánh một quả đậm, nhắm vào những nhà buôn bán giàu có hoặc kho hàng của nhà nước, sau đó trốn về Hà Nội ăn chơi.

Có lần khoái ngỏ ý mượn “mấy nghìn” của Toàn “Côi”, một tay buôn bán giàu có. Tay này biết Khoái, nể thì có nể nhưng dứt khoát không cho mượn vì “Khoái “đù” trên răng dưới cát tút, mượn cũng như cướp lấy gì mà trả”. Điên quá, Khoái bắn tiếng trả lời: “Khoái này nói mượn thì chắc chắn trả. Nếu muốn quỵt thì nhà mày sẽ chẳng còn gì”. Chỉ ít ngày sau, Khoái tổ chức 4 thằng đàn em đột nhập nhà Toàn vơ sạch. Biết rõ ai là thủ phạm, nhưng Toàn “Côi” đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì không có bằng chứng, sợ Khoái “đù” nổi máu điên “chơi” thêm cho phát nữa.

Thủy, chủ một hiệu buôn xe đạp cũng thừa máu giang hồ nghe tiếng cười khẩy: “Khoái “đù” đột vòm giỏi lắm, sao không thử đột nhà này?” Chưa đầy 48 giờ sau, qua một đêm, toàn bộ xe đạp và két sắt trong cửa hiệu bỗng dưng biến mất sạch. Trong khi đó, Khoái và đám đàn em thì ung dung thuê khách sạn ở Hà Nội nằm khểnh ăn chơi phè phỡn.

Khoái đánh quả nào là trót lọt quả ấy, Tiến “Xồm” và đám lưu manh chuyên nghiệp đều suy tôn gã làm đàn anh. Đàn anh các băng nhóm đất Thép, kẻ nào tỏ ra không phục, gã chặn đường tìm đến nơi đánh kẻ ấy la lết. Lần đụng độ nào Khoái cũng thắng, đám lưu manh Thái Nguyên phục lăn phục lóc.

Chưa bao giờ bị bắt quả tang nhưng danh tiếng quá lẫy lừng, Khoái bị liệt vào dạng lưu manh chuyên nghiệp, bị bắt đi tập trung cải tạo nhiều lần. Bắt là trốn, Khoái chẳng mấy khi ngồi trại lâu. Có lần, thấy Khoái bị dẫn vào, ông Nguyễn Bá Tơ, giám thị Trại Phú Sơn 4 đã hỏi gã: “Anh còn định trốn nữa không?”. Khoái trả lời lễ phép nhưng rất… hỗn: “Dạ, còn tuỳ, vui thì ở, buồn thì trốn”.

Quả nhiên, gã chỉ ngồi trại không đầy một năm. Nhiều tháng trời, mỗi buổi cơm gã đều âm thầm nhón một nhúm muối, về trát vào song sắt cửa sổ buồng giam và một đoạn rào dây thép gai ở trại. Khi cả hai đều mục nát, gã lợi dụng đêm tối bẻ song, vạch rào đào thoát.

Khoái trốn trong nhà Lê Tự Lâm, một người bạn học sinh Miền Nam. Trước khi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, người bạn cũ bảo Khoái: “Nhận tội, đi tù còn có án, còn có ngày về làm lại cuộc đời. Trốn tránh mãi cũng có ngày bị bắt tập trung cải tạo, án vô thời hạn. Không lẽ mày muốn cả đời làm một thằng lưu manh?”.

Khoái im lặng rời nhà bạn. Về lại Thái Nguyên, gã tập hợp đàn em, định bụng làm một vụ thật lớn, sau đó sẽ cao chạy xa bay biệt tăm biệt tích. Lừa bạn cũ đang lái xe cho một cơ quan nhà nước, Khoái mượn được một chiếc xe tải, định bụng cùng đàn em hốt ổ kho bách hoá ở Thái Nguyên. Đêm đến, điều hẳn xe vào giữa nhà kho, gã mới nhận ra thật không may: kho vừa mới được dọn dẹp, gần như trống hoác, chỉ có mấy cuộn vải nằm chỏng chơ. Lời khuyên của bạn cũ trở lại, một ý nghĩ chợt đến trong đầu, Khoái bảo đàn em đem xe về trả. Ở lại một mình, gã mở toang 2 cánh cửa kho, sau đó bẻ gạch non viết lên tường mấy chữ: “Của nả không đầy một xe, không bõ, Khoái “đù” không cướp!”.

Bãi vàng là nơi tội phạm thường ẩn náu khi xưa. Ảnh tư liệu minh họa.

Từ manh mối này, đồn trưởng đồn Công an số 4, ông Nguyễn Trường Xuân quyết định bắt các tên Quốc Bảo, Đăng, Mười,… những đàn em của Khoái. Đám này khai ra Khoái. Đang ngồi uống rượu và ba hoa ở ga Đồng Quang, Khoái bị công an chộp cổ. Gã khai nhận tuốt tuột tất cả các vụ trước đó và nhận án 5 năm tù, ngoan ngoãn quay lại Trại Phú Sơn 4 làm một người tù. Gã thú thật với ông Xuân: “Cháu biết thế nào cũng có ngày phải ngồi trước mặt chú. Nhưng ra đầu thú sợ em út nó cười, nên cháu viết lại mấy chữ để các chú đỡ mất thì giờ”.

Khoái vào tù, mẹ hắn nghe tin đổ bệnh. Biết tin, Khoái lại trốn về thăm mẹ, sau đó tự tìm đường lên trại nộp mình. Sau đó, gã còn trốn thêm vài lần vì những lý do rất vớ vẩn. Mãi đến năm 1981, Khoái mới trả xong nợ pháp luật và được trả tự do.

Ra khỏi cổng Trại, Khoái sà vào một hàng phở gọi một tô phở “không người lái” cho đỡ thèm. Trả lời anh mắt ái ngại của cô hàng phở, Khoái thú thật: “Tôi mới ra tù, phải để dành tiền về quê”.

Tô phở bưng ra, lùa đũa tính vơ nắm bánh, Khoái đã trợn mắt ngạc nhiên: dưới lớp bánh trắng phớ là cả một tô thịt nhiều gấp 3 lần tô phở bình thường. Lẽ ra đó sẽ là tô phở ngon nhất trong đời, nhưng hoá ra nó lại đắng nghét. Miếng đầu tiên chưa trôi qua cổ, gã đã nghe một tiếng bốp của ai đó vừa bị tát, tiếp theo là tiếng bát đĩa vỡ xủng xoảng. Cô hàng thương người của gã đang ôm mặt, nước mắt giàn giụa vì bị chủ quán đánh, gọi là “con đĩ”, chỉ vì trót cho thịt vào tô phở “không người lái” đã trả tiền trước. Lật tung bàn ăn có tô phở còn ăn dở, Khoái giáng cho gã chủ quán một quả đấm vào giữa mặt, khiến hắn nằm sõng xoài và bỏ đi.

Lao thẳng ra ga, gã xin tờ giấy ghi nguệch ngoạc mấy chữ: “Đô, anh mới ra tù, cần tiền tiêu. Chuẩn bị cho anh mấy nghìn, mai lên lấy! - Khoái đù”. Giúi tờ giấy vào tay một gã lưu manh chỉ biết mặt không nhớ tên, gã bảo: “Mày làm cách nào tao không cần biết, nhưng phải chuyển thư này đến tay thằng Từ Thủ Đô ngay lập tức”.

Từ Thủ Đô là một tướng cướp trẻ tuổi nhưng khét tiếng ở Lạng Sơn, cầm đầu một băng cướp có vũ khí gây nhiều tội ác, sau này đã phải nhận án tử hình. Vào đầu thập niên 1980, Đô có hàng chục đàn em, bản thân đi đâu cũng kè kè một khẩu AK cưa báng. Khi Khoái quay lại ga, gã đưa tin lấm lét bảo: “Anh Đô nhắn “bác” có gan thì lên Lạng Sơn mà lấy, tiền không thiếu”.

 Vừa định lủi đi, gã đã bị Khoái nắm cổ áo lôi lại, kèm một lệnh gọn lỏn: “Dẫn đường!”.

Tại Lạng Sơn, Từ Thủ Đô chờ Khoái ở một hẻm núi vắng vẻ. Chập choạng tối, Khoái được gã dẫn đường đưa đến, chỉ lối vào xong là co cẳng chạy ngược trở lại. Đón Khoái là hai hàng đàn em của Đô, thằng nào cũng mặt sát khí đằng đằng. Khoái phớt tỉnh, cứ vậy tiến vào. Gặp Đô, gã bảo: “Kiểu đón khách của em màu mè quá!”.

Thấy Khoái chỉ đi một mình, tay không tấc sắt, Đô có vẻ nể trọng, lưu khách lại uống rượu một đêm, sáng hôm sau đưa ra một gói giấy báo bọc 3.000 đồng, bảo: “Em cũng đang khó khăn, anh cầm tiêu tạm, hết thì nhắn em”. Hai thằng giang hồ với nhau, Khoái không khách khí, chỉ cảm ơn và đút túi cầm về.

Không đếm, Khoái giúi vào tay gã chủ quán phở một nắm tiền, bảo “trả tiền tô phở bữa trước”, tặng thêm cho gã một đấm lăn quay rồi xềnh xệch nắm tay cô gái lôi đi. Lê Thị Thu, tên cô gái, không thốt một tiếng, cứ thế sấp ngửa chạy theo, bỏ lại gã hàng phở cũng là ông anh rể ở phía sau vừa quệt máu mũi vừa há hốc mồm. Vậy là Khoái có vợ, chẳng kịp hẹn hò yêu đương, thậm chí chẳng kịp biết cả tên nhau và cũng chẳng cưới xin. Trai tứ chiếng, gái giang hồ đưa nhau về xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ tìm một vạt đồi hoang vắng vô chủ dựng nhà, bắt đầu cuộc sống mới.

Tổ ấm của tỷ phú vùng vàng lúc tuổi xế chiều

Cuộc sống gia đình không đơn giản như Khoái tưởng. Mang tiếng “vua trốn tù”, biệt danh đã quá nổi nên Khoái tìm mãi không ra việc. Đi đâu, làm gì gã cũng bị xa lánh, nghi kỵ. Mấy ngàn đồng bạc nhanh chóng bốc hơi. Bí quá, con thú hoang quyết lại lần về đường cũ. Thỉnh thoảng, gã lại bỏ nhà đi biệt chừng mươi bữa, nửa tháng, mỗi lần về giúi cho vợ một nắm tiền rồi lại đi.

Chia nhỏ trục đường tàu hoả từ Lạng Sơn vào đến Đông Hà, Khoái gây ra hàng loạt vụ cướp. Ở từng chặng, gã dùng nắm đấm chinh phục và kết nối một đám em út riêng. Nhóm cướp ăn hàng đoạn Vinh – Đông Hà, gã gọi là băng “Đường 9 Nam Lào”. Cứ lên tàu là chúng đội mũ cối, mặc đồ bộ đội, xuống ga lại cởi ra. Đánh quả theo những chuyến tàu nhưng Khoái không cho đàn em của mình đánh cướp, giật dọc trên tàu, dễ bị phát hiện và bắt giữ. Nhiệm vụ của chúng là đi nhiều chuyến trên một cung đường nhất định để theo dõi, phát hiện những băng nhóm trộm cướp khác ở trên tàu. Đến thời điểm thích hợp, khi đám cướp kia tụt xuống ga nào đó chia nhau chiến lợi phẩm thì băng của Khoái bám theo. Đàn em cứ việc canh chừng, mình Khoái tả xung hữu đột đánh cho cả đám cướp kia bò lăn bò càng và cướp sạch những gì chúng vừa “thu nhập” trên suốt cả chuyến tàu.

 Lần nào cũng thế, sau khi đánh cướp, Khoái đều bắt những “đồng nghiệp” gặp vận rủi của băng kia phải thề giải nghệ, nếu không thì “gặp đâu đập què chân què tay ở đó”. Nhiều tên cướp trên xe lửa sợ đòn, đành bỏ nghề hoặc chuyển địa bàn để khỏi chạm mặt băng của Khoái. Nhưng cũng không ít băng căm tức, tổ chức gài bẫy, nhiều lần đánh chém băng của Khoái tơi bời. Ăn đòn không ít, nhưng kết cục phần thắng vẫn nghiêng về phía tướng cướp Khoái “đù”. Có điều, những trận đụng độ xuất hiện ngày càng nhiều đã khiến băng chuyên “cướp của kẻ cướp” bị Công an phát hiện. Cuối cùng Khoái cũng bị bắt.

Khoái không chối tội nhưng cướp nhiều quá không nhớ hết nên cán bộ chấp pháp hỏi vụ nào thì nhận vụ đó. Gã thành thật: “Tôi không cướp của thường dân vì họ cũng nghèo, có cướp được cũng không đủ tiêu. Cướp của cướp mới được nhiều, đỡ mất thời gian!”.

(Còn nữa)

Nguyễn Hồng Lam

Kỳ I: Kẻ bất trị

 

Kỳ III: Thiên đường không bóng chim câu

 

Kỳ IV: Rời nẻo đường cong

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

Xem tin nổi bật 2 tháng trước