Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:04 (GMT +7)

Có còn níu lại trong ta

Tùy bút. Phạm Quý

Tết về, tâm thế đónTết mỗi người một khác. Tuổi thơ khác, thanh niên khác, và tuổi già cũng khác. Nhiều người bảo Tết nhạt đi dần, chả còn gì háo hức như Tết xưa. Người lại bảo thời đại @ bây giờ phiên phiến thôi, không nên rườm rà tiếc nuối những điều đã xưa rồi. Người mong Tết đến với sự háo hức đón chờ, người lại lo Tết về, mệt nhoài vì bao điều phải làm cho Tết.

Có một điều hiển nhiên rằng muốn hay không muốn thì Tết vẫn đến. Ai sẵn sàng đón Tết với một tâm thế háo hức thì nhẹ tênh, hân hoan và dư âm của Tết luôn ấm áp trong lòng. Ai hững hờ, coi nhẹ mà tâm thế đón Tết như gánh nặng thì Tết đến, Tết đi nhạt như chẳng chút gì để tâm.

Có thể tôi là người hoài cổ, cứ muốn níu lại cái tinh thần của Tết xưa mà không ủng hộ cái thông thoáng, thực dụng của thời hiện đại. Không! Tôi thấy những nét văn hóa ấy thấm đẫm tình người, gắn bó với thiên nhiên vạn vật mà Tết nhắc ta đừng quên. Cái tinh thần ấy, nét văn hóa ấy bắt đầu từ ngày Hai mươi ba tháng Chạp, Tết tiễn ông Công ông Táo về trời. Chưa biết tâm linh mang lại điều gì, chỉ biết trước ngày ấy phải dọn dẹp bếp núc cho ngăn nắp sạch sẽ để năm mới đến. Thổ công không biết có phù trì mình không, nhưng chắc chắn thấy thư thái, thoải mái hơn khi căn nhà mình trở nên ngăn nắp, gọn gàng. Rồi nhà nhà thả cá ra sông. Có thể ông Công ông Táo thời đại này ngồi tàu vũ trụ về trời, nhưng ta đang trả lại sông suối những giống nòi để chúng sinh sôi.

Xuân vùng cao. Ảnh: Việt Hùng

Không phải ngẫu nhiên những người xa quê hương lại bỗng nhớ đến quay quắt cái mùi khói cay nồng của cỏ, của lá khô, âm ỉ cháy bên con đường làng những ngày áp Tết. Nhớ mùi lá dong quện trong hương nếp, tỏa lan trong cái se lạnh tiết trời cuối năm. Nhớ mùi hương trầm đêm Ba mươi, lòng như lắng xuống, bỗng thấy thời gian trôi nhanh như gió cuốn cuộc đời, bỗng rưng rưng nhớ từng gương mặt người thân yêu đã tháng ngày khuất bóng. Xứ trời Tây đầy hoa tươi, siêu thị ngợp hàng, con đường bên ấy cũng rộng rãi, nhộn nhịp người đi, sạch bong làm gì có rác, có ngọn khói nào, sao lòng người lại bỗng nhớ những điều đơn sơ, thậm chí là nghèo túng ở quê nhà thế nhỉ? Chính những con người ấy họ tiếc, họ sợ mất đi những điều dung dị mà lắng sâu cái hồn của Tết ở quê nhà.

Trong khi nhiều người trong nước kêu sợ Tết, vẫn bảo Tết lắm rườm rà phong tục, mệt người. Ừ, mệt thật. Nhiều khoản chi tăng lên phải lo. Nào gạo nước, bánh trái rượu chè. Nào quà biếu bố mẹ ông bà. Nào tiền mừng tuổi cháu con. Rồi phải đi chúc Tết. Đi chúc Tết như đi khoán, như chạy sô. Tết xong thở phào, như vừa trút đi gánh nặng.

Giả sử bây giờ có một cuộc thăm dò về Tết, chắc chắn sẽ có những ý kiến thế này: Thôi bỏ Tết ta đi, làm một ngày như Tết tây, lấy cái tinh thần năm mới là được, làm gì phải lắm chuẩn bị rườm rà. Muốn đến với bố mẹ, anh em đâu cứ phải Tết. Muốn ăn uống, gặp gỡ nhau đâu phải Tết. Quanh năm ngày rộng tháng dài sao cứ phải dồn vào vài ngày cho chen chúc tàu xe, cho bao chạy đua vì Tết.

Nhưng giả sử nếu bỏ Tết đi, sẽ không ít người quên về quê thăm bố mẹ, anh em lấy một lần trong năm. Bởi đâu phải họ vô tâm, mà công việc níu kéo, mà trăm ngàn lý do để có thể khất lần. Ngay những người kề cận láng giềng, không có công chuyện gì đặc biệt, không có Tết, chắc gì cả năm đã bước vào nhà nhau chuyện trò. Tôi nhớ những cái Tết ở làng tôi mấy chục năm về trước, ông bà, bố mẹ tôi cứ lần lượt đi chúc Tết khắp làng trong ngày mùng Một, mùng Hai. Ở nhà luôn phải có người trực để đón người đến nhà mình chúc Tết. Sang các ngày sau kiểm lại, thấy có ai đó không đến nhà mình lòng đã áy náy không yên, lại nghĩ một năm qua gia đình mình có điều gì chưa phải với xóm làng. Chính vì thế mà làng xóm hay anh em trong nhà có gì xích mích nhau đều được hòa giải, làm lành trước khi năm mới đến. Tôi cho đây là một nét đẹp văn hóa đầy nhân văn. Cái tinh thần của Tết không phải chỉ có chuẩn bị đồ ăn thức uống, mua sắm đồ đạc mà còn chuẩn bị cho mỗi thành viên gia đình, làng xóm một tinh thần đoàn viên, sum họp, một sự vị tha, nhân ái. Điều này làm nên cái hồn của Tết, háo hức, hân hoan và yên bình trong xóm làng, yên bình trong từng mái nhà và trong mỗi tâm hồn. Ngay câu chúc Tết đầu năm cũng ấm áp và nhiều lắm cái tình. Nếu không thân ái với nhau, làm sao câu chúc thanh thoát mang đến cho nhau nhiều vui vẻ thế. Có thể năm nào cũng chúc câu ấy, nhà nào cũng chúc câu ấy, nhưng có tinh thần Tết nó vẫn truyền cho nhau sự hưng phấn trong lòng, nó vẫn đầy mới lạ như câu chúc đầu tiên. Sát vách nhà nhau, vừa ngồi chuyện trò lúc tối, thời khắc chuyển sang năm mới câu chúc đã tràn đầy hứng khởi. Vậy, Tết chẳng có một sự linh thiêng đặc biệt trong mỗi con người hay sao?

Không những Tết nhắc đến tình người, Tết còn nhắc ta yêu quí, biết ơn vạn vật quanh mình. Nhiều dân tộc, Tết đến rửa sạch những dụng cụ sản xuất như cày bừa, dao cuốc, dán tấm giấy đỏ vào chúng như biết ơn. Chuồng các con vật, cây cối quanh nhà, nguồn nước sinh hoạt đều được mời gọi đón mừng năm mới. Có lẽ chỉ còn các vùng quê mới còn chút tình yêu, mới biết ơn thiên nhiên đang ban tặng bao điều quí giá cho cuộc sống của mình.

Đã hơn nửa thế kỷ vui đón Tết, mái đầu đã điểm bạc rồi, tôi vẫn còn nguyên cái cảm xúc háo hức đón Tết như trẻ thơ năm nào. Tôi vẫn thích Tết lắm. Tôi vẫn yêu những mùi vị, những tinh thần của Tết và cũng nghiệm ra bao điều để có được chữ Tết với mỗi cuộc đời. Dù thời cuộc có phát triển tới mức nào. Dù những mưu cầu thực dụng trong cuộc sống có lấn át tới đâu thì cái chân thực, cái đẹp, cái thiện trong mỗi con người không thể mất. Chính Tết cổ truyền có đủ tinh thần đó. Ai yêu những điều đó sẽ biết yêu Tết và cần Tết hơn. Khi còn bố mẹ già, và bây giờ chính mình cũng đã già mới hiểu những khát vọng được quây quần bên con cháu những ngày Tết đến xuân về. Ở cái tuổi xế chiều, miếng ăn đâu còn quan trọng, những ham muốn bao điều khác đâu còn cần thiết. Bây giờ chỉ còn niềm vui khi một ngày được tề tựu đông đủ cùng cháu con, thấy chúng lớn khôn, chăm chỉ làm ăn và có cuộc sống yên bình. Trong cái không khí ấy, mới thấy và quí những giá trị mà cả cuộc đời mình nhọc nhằn gây dựng nên. Ấy là cái tình, cái tâm mà cả gia đình biết nâng niu, gìn giữ.

Vẫn có những người không muốn Tết về. Tôi biết không phải họ không thích Tết mà muốn tránh Tết với nhiều lý do. Có thể từ xích mích gia đình không giải quyết nổi, ngày thường còn không muốn nói với nhau thì mong sum họp dịp Tết làm gì? Có thể do quá tham lam, mà có người sa vào làm ăn bất chính dẫn đến nợ nần, sa chân luật pháp thì còn đâu niềm vui đón Tết? Thế nên, nhìn những con người lam lũ quê tôi, quanh năm sấp mặt trên ruộng đồng, nhưng thấy họ hối hả chuẩn bị Tết với thu nhập ít ỏi mà vui vẻ thanh thản bình yên, tôi thấy yêu quí họ vô cùng. Họ đang gợi lại cho tôi bao ký ức. Họ đang tiếp thêm cho tôi bao cảm xúc về mỗi Tết đến xuân về.

Tôi không mong trở về thời thiếu thốn của Tết xưa, nhưng cái tinh thần của Tết, cái nhân văn của Tết thiển nghĩ đời sống càng đầy đủ càng phải giữ gìn hơn. Đừng để một ngày ta khắc khoải vì những gì để mất. Có bao điều của cuộc sống này quá đỗi giản đơn, nhưng khi nó đã mất đi thì bỗng thấy nó trở nên quý giá vô cùng. Tết sẽ cảm thấy bình thường khi mình được quây quần bên gia đình bè bạn. Nhưng nếu ta phải xa nhà trong dịp Tết, mới bỗng nôn nao nhớ không khí Tết vô cùng. Cũng như những người đang sống ở phương trời xa kia sẽ có bao khắc khoải, nhớ nhung mỗi khi Tết đến trên quê hương mình.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước