Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:02 (GMT +7)

Có cha

SÁNG TÁC CỦA CÁC NHÀ BÁO

VNTN - Ông Nhắt héo quắt trên giường đã mấy tháng rồi. Toàn thân ông bất động, duy cặp mắt lờ đờ chầm chậm quét đi quét lại những khuôn mặt tới gần. Tuổi ngót bảy mươi, con trai con gái, dâu rể đủ đầy, chưa đại thọ nhưng chết cũng đẹp rồi. Bà Nhắt đã nhờ các vãi chùa tụng hết kinh Kim Cương, Bát Nhã...; chiếc quan tài đỏ hoét đặt cạnh giường ván thiên kênh lên tựa cánh cửa thuyền rồng rộng mở, chỉ chờ ông chui vào là thong dong xuôi Tây Trúc.

Nhưng mà ông chưa đi đấy, làm gì được ông nào! Các thầy cúng mấy phen bấm quẻ tính giờ tịch cho ông đều sai bét. Thôi chết rồi! Có thế mà không nghĩ ra! Bà Nhắt đâu, xem còn đứa nào thì gọi hết chúng về. Nghĩa tử là nghĩa tận, đừng nên chấp nhách làm gì! Bà Nhắt hu hu khóc, tiếng khóc ẩn chứa nỗi hờn ghen. Nhưng nước này, không cho gọi mấy đứa con rơi của ông ấy về thì biết bao giờ ông ấy mới chịu đi? Nghĩ vậy bà xỉ mũi rèn rẹt nói ráo hoảnh: Chúng mày đi gọi mau lên! Mấy người con nhìn nhau đùn đẩy, chẳng ai chịu chấp hành lệnh mẹ.

Ông Nhắt là ai mà nghe có vẻ “hoành tráng” thế?

Nói “hoành tráng” e chưa chuẩn lắm. Phải nói ông Nhắt là một người đàn ông lẫy lừng. Ông nguyên là y tá làng Bùi. Đêm đêm, chiếc xe đạp không đèn không chuông đi rất thầm lặng làng trên xóm dưới. Tay nghề ông giỏi đến độ được suy tôn là “Hoa Đà tái thế”, chữa đâu khỏi đấy. Có người nói ông nổi tiếng là bởi sự liều. Phương châm táo bạo của ông là “đau đâu tiêm đấy”. Đau mắt, ông tiêm thẳng vào mi. Ho suyễn kéo dài ông dùng chiếc kim dài nửa gang tay phập ngay vào phổi. Đau bụng thì tiêm vào rốn. Vân vân và vân vân… Nhưng lại có người nói chả phải, ông Nhắt nổi tiếng là nhờ thủ đoạn. Những năm thập niên tám mươi ấy dân tình nheo nhóc, các con bệnh đa phần ốm đói. Thuốc của ông chỉ mấy lọ Penicillin, Streptomycine, một vốc thuốc Vitamin các loại, dăm liều thuốc xổ giun… Nhưng thuốc không nặng bằng thang. Cái “thang” mới giữ vai trò quyết định. Sau khi cho thuốc, bao giờ ông cũng phán một câu đại loại: Phải bồi dưỡng bằng một cân thịt nạc, một con gà hầm… Thời buổi con người phải đếm lùi từng hôm trông mau tới ngày giỗ tết để có tí chất nhờn bôi mép thì lời phán của ông giống như ơn trời mưa móc làm mát ruột mát gan con bệnh.

Nhưng nếu chỉ có thế thì chân dung ông Nhắt chưa đủ nét. Ông có tác phong hành nghề độc đáo hào hoa. Trong túi thuốc của ông luôn có một chai rượu được nấu từ thứ nếp cấy trên cánh đồng Tốt Động, nơi nghĩa quân Lam Sơn đã chém đầu năm vạn giặc Minh. Địa danh này sáng chói trong Đại cáo bình Ngô nên có một nhà thơ nổi tiếng sành rượu khi nếm thử đã mắt lim dim đầu gật gật phán rằng: Rượu nếp làng Bùi có vị đằm sâu của lịch sử và ngát hương văn hiến! Chả biết nhà thơ nói thật hay khoác, chỉ biết rằng ông Nhắt rất mê thứ rượu này. Khi cần tiêm, ông rót ra một cốc, quẹt diêm. Lửa rượu mạnh múa lượn chập chờn xanh lét, loàng một tí là cái hộp nhôm đựng xơ ranh và kim tiêm đã sôi xèo xèo. Ông tắt lửa, rút thuốc tiêm cho bệnh nhân xong thì làm tớp rượu đang còn nóng rãy. Một công đôi việc. Tiêm xong vài nhà là hơi thở ông Nhắt đã nồng ngậy vị phong tình. Cái nồng ngậy làm xiêu đổ những tiết hạnh…

Người đầu tiên đến nhận cha là anh Hạo, còn gọi là Hạo sẹo vì mép còn nguyên vết sẹo ông bố hờ lấy dao rạch trong một lần ăn vụng cơm của đứa em khác cha cùng mẹ. Anh đến thẳng chỗ ông Nhắt nằm, chỉ tay vào mặt ông quát lớn: Ông chờ đ. gì mà chờ! Ông tằng tịu với mẹ tôi mà không dám nhận, để lão Dụng hành hạ mẹ con tôi mấy chục năm nay. Mọi người thấy anh Hạo hùng hổ thì khẽ khàng khuyên: Thôi anh ạ, chuyện cũ bỏ qua. Hãy để cho ông ấy vui lòng nhắm mắt. Nghe lời, anh Hạo ngồi uống nước khan, chờ. Cứ như thể ông Nhắt sẽ ra đi ngay lúc đó.

Người thứ hai tìm đến nhận cha là anh Xin.

Anh mang tên Xin bởi ngày anh còn là cái bào thai, bà Nhắt chưa kịp đánh ghen thì bà Sửu mẹ anh đã trầu cau đến nhà cúi mặt vân vê gấu áo đã cao xếch lên: Em xin chị. Em chỉ xin đứa con nuôi cho đỡ quạnh về già, chứ không dám tơ hào tình ngãi… Đàn bà thường cay nghiệt khi ghen nhưng cũng dễ mủi lòng khi đối thủ đã bó gối quy hàng. Nghe nói khi bà Sửu sinh, bà Nhắt còn giấu chồng mang trứng gà đến cho bà Sửu tẩm bổ.

Anh Xin rón rén đến chõng ông Nhắt sẽ sàng ngồi xuống, cầm bàn tay sâu xia của ông bóp bóp. Tình phụ tử trào dâng, mắt anh Xin chớp lịa…

***

Vậy là hai đứa con rơi đã đến nhận cha. Thế mà ông Nhắt vẫn bền gan đợi. Cái điệu này là vẫn còn sót đứa nào nữa đây. Bà Nhắt, bằng trực giác đàn bà đã chột dạ. Thôi chết rồi! Hay là…?

Trong đầu bà vụt nhớ hình bóng của một con bé mang tên Bủng chập chờn. Mẹ Bủng chết ngay khi vừa sinh Bủng. Khi ông bà ngoại băng, Bủng vừa bảy tuổi. Bủng được tha hết nhà này sang nhà khác làm nghề bế trẻ. Có người nói Bủng bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, nhưng cũng có người nói Bủng ngu đần bởi những trận đòn vô cớ. Lũ trẻ làng Bùi tẩy chay đứa con hoang, không cho Bủng chơi cùng. Bủng buồn quá, cứ đứng đằng xa thèm thuồng. Một lần bọn trẻ chơi trò bịt mắt cốc, Bủng thấy hay hay, sán lại. Bủng nhón tay cốc nhẹ một cái vào đầu đứa đang bị bịt mắt như cách người ta nựng yêu. Thế mà Bủng sợ đến nỗi mặt mày tái xanh tái xám. Chả khó khăn gì, đứa kia đoán trúng Bủng liền. Bủng sung sướng quá! Bủng đã được chấp nhận vào cuộc chơi. Một đứa bịt mắt Bủng thật chặt và một trận cốc dập dồn trút xuống đầu Bủng. Bủng thấy trời đất quay cuồng, mắt tóe đóm sáng lòe. Bủng định thần đoán đứa cốc mình. Đứa nào cũng cốc, nhưng chẳng đứa nào chịu nhận. Thế tức là Bủng đoán sai, bị bịt mắt chịu cốc tiếp cho đến khi nào đoán đúng. Ngày nào đầu Bủng cũng như cái đe cho những búa tay thẳng cánh giáng xuống cho đến khi Bủng ôm đầu khuỵu xuống mới thôi… Cứ thế, Bủng ngơ ngẩn lớn lên giữa sự ghẻ lạnh vùi dập của lũ trẻ làng Bùi.

Mặc kệ bộ não đã dừng lại ở tuổi bé con, cái cơ thể sinh học của Bủng cứ hằng ngày phát triển. Người làng Bùi thấy Bủng bắt đầu làm dáng. Cái dáng nghiêng lệch một bên bởi Bủng đã bế không biết bao nhiêu đứa trẻ từ khi Bủng cũng là một đứa trẻ vẹo xiêu. Hàm răng Bủng chả ai quan tâm chỉ bày nên cứ để răng xương chèn răng sữa, thành ra một hàm răng khổng khểnh đẩy tung cặp môi Bủng lên. Nhờ thế mà hóa tươi! Bủng lấy lá duối đánh trắng bộ răng ấy. Bủng không đòi tiền công bế em nữa, mà đòi bằng quần áo. Cô Toan lôi từ đáy rương chiếc váy hoa từ hồi ra chơi với chồng ngoài Hà Nội cho Bủng. Bủng sướng run chi, bế con cho cô Toan trèo trẽo cả ngày không biết mệt. Tối nào Bủng cũng ra sân kho hóng gió. Mái tóc rối lùi được Bủng vuốt mãi, vuốt mãi cho nhanh dài. Người ngợm Bủng nồng nặc mùi xà phòng, chẳng ra thơm, không ra khét, nó cứ ngầy ngật gây gây. Nhìn Bủng đi dép nhựa gót cao giống y chú ếch đi hài quả ớt. Chiếc váy hoa rộng thồng nhầu nhão quét lệt phệt trên đường làng nom vừa tức mắt, vừa buồn cười. Bủng diễu dện qua lại trước mặt đám trai hoi làng Bùi như một con bù nhìn ruộng dưa đong đưa theo gió. Chúng được thể buông lời chòng ghẹo. Chỉ chờ có thế, Bủng phắt ngay lại, vần vè: Chơi cho bằng chạc bằng chà, lớn thì không dám bé hòa không chơi… Bà mà thèm chơi với lũ chõn con chúng mày à! Người yêu bà là sinh viên đang học trên Hà Nội nhớ. Đẹp trai học giỏi hơn chán vạn lũ nhênh nhàng lêu lổng chúng mày nhớ!... Bọn trai ré lên cười. Bủng càng chửi tợn. Trêu được Bủng mà dễ à. Còn lâu nhớ, còn mướt nhớ! Bủng rũ váy đánh phật, đi thẳng. Cái váy vải satanh lâu ngày co hếch đằng sau trông từa tựa cái lồng úp gà bị kênh, hớ hênh phát ngốt.

***

Cái gì đến đã đến. Cô Toan cuống cuồng: Giời ơi là giời! Người chả ra người, ngợm không ra ngợm, thế mà còn vác bụng thế này thì sống làm sao! Thằng nào? Mày nói ngay! Thằng nào? Để tao bắt nó phải chịu trách nhiệm. Bủng ngước mắt lên trời, cười. Bủng làm sao biết là thằng nào. Cái đêm Bủng ngủ ở sân kho, trăng thanh gió mát, Bủng thấy người yêu Bủng về nằm kề bên cạnh, bảo anh yêu em lắm. Thế là Bủng mắt nhắm mắt mở choàng lấy ngay. Yêu nhau nhanh quá, Bủng chưa kịp tỉnh ngủ thì người yêu đã vùng dậy. Bủng dụi mắt nhìn chỉ thấy một thằng mặc quần đùi lẩn nhanh vào xóm. Lúc ấy Bủng nghĩ, chắc là mình nằm mơ như mọi hôm. Thế nên mặc cho cô Toan gầm thét mấy Bủng cũng chỉ cười trừ, miệng lúng búng mấy câu vô nghĩa: Quần đùi… quần đùi…

Cô Toan ngấm ngầm làm cuộc điều tra. Đối tượng nghi vấn số một là ông Nhắt. Bà Nhắt mấy phen mát mẻ dò ý chồng, nhưng lại hơi chờn chợn bởi thái độ ông lạ lắm. Ông vò xé chân tay, đầu ngúc ngoắc sang phải sang trái liên hồi, rít rẩm trong cổ họng. Rõ là người có nỗi oan sai không thể thanh minh, không thể giải phóng nên nó bấn bách ép nặng trong lòng…

Mọi chuyện tưởng không ai còn nhớ, nhưng trong giờ phút rối ren này bà Nhắt lại thông minh đột xuất. Bà xâu chuỗi những sự kiện trong quá khứ lại để rồi đi đến một phán đoán cực kì lôgic. Bà tức tưởi chạy đến bên giường ghé sát tai chồng nói gằn từng tiếng: Ông chờ con Bủng chứ gì?

Ông Nhắt đột nhiên đụng cựa, dồn hết sức tàn cho một cái gật đầu. Bà Nhắt bắt đầu lum loa, át cả tiếng ồn ào đám đông: Ông ơi là ông ơi! Sao ông không nhận con ngay từ khi nó còn ở nhà? Bây giờ biết ở đâu mà tìm?

Nghe tiếng khóc, làng xóm tưởng ông Nhắt đã về rồi nên kéo nhau đến đông nghịt. Thủng chuyện, mọi người bàn tán râm ran. Ra thế! Ra Bủng là con ông Nhắt! Thảo nào ngày trước ông hay quát nạt đứa nào trêu Bủng. Nghe thế, Anh Chiến con cả ông Nhắt quát um lên: Này này, các ông các bà đừng có mà ăn nói lung tung. Bố tôi không có hạng con như thế!

“Bố tôi không có hạng con như thế!”, câu phủ nhận cũng là câu khẳng định. Khẳng định rằng bố tôi chỉ có những người con như tôi thôi. Trứng rồng phải nở ra rồng chứ, làm sao một người danh giá như bố tôi có thể đánh rơi một giọt máu lạc loài như con Bủng!

Anh Chiến cũng khởi nghiệp y tá sau khi thi trượt trung cấp y. Nhưng anh không gặp thời như bố, bởi anh phải cạnh tranh vất vả với mấy tay quân y sĩ phục viên khám bệnh bằng tai nghe và có máy đo huyết áp. Thì anh học chuyên tu lên y sĩ. Anh cũng sắm tai nghe và máy đo huyết áp, nhưng dân làng Bùi vẫn cứ chê anh tay nghề kém. Anh giận lũ dân đen ngu dốt quá, bởi anh kế nghiệp cha truyền, cũng kê “thuốc” kèm “thang” như bố chứ có khác gì đâu? Vậy mà mấy con bệnh nhà quê khi được anh kê thang còn nhăn nhó than phiền trách anh bắt họ ăn những thứ mới nhìn đã phát ngấy lên rồi. Đã không biết ơn thì chớ, họ lại còn mang anh ra làm con ngoáo ộp dọa trẻ con. Nín đi, khóc nữa là mẹ cho bác Chiến tiêm đấy nhé! Chỉ mới nghe thế là “tiếng khóc đang ngân bỗng tắt nửa chừng”… Sự thể này kéo dài là không ổn, bởi làng lại có thêm mấy thằng bác sĩ học chính quy bảy tám năm trời về khai phòng mạch. Trong khi anh vẫn kiên trì khám chữa bệnh theo lối cha truyền thì chúng nó đã mua kính hiển vi và máy siêu âm. Tiên nhân cái thời nhốn nháo thị trường, nó bắt anh phải “chạy đua vũ trang” đến úa bạc cả tâm can. Anh dư sức mua mấy cái máy kia, nhưng trước hết anh phải cóp nhóp bạc tiền tiếp tục hàm thụ lên đại học.

Và bây giờ thì anh đã có thể tự tin mà rằng, anh đã thực sự chuyển biến về chất. Ngôi nhà hai tầng mái chóp của anh có quả bóng thông gió quay tít như một cơ sở điều chế hạt nhân ngay đầu làng cổng treo tấm biển to đùng BÁC SĨ ĐA KHOA DUY CHIẾN. Trong phòng mạch, anh treo tấm bằng tốt nghiệp đại học y khoa hệ hàm thụ. Cạnh đó là bức ảnh chụp anh bắt tay Bộ trưởng Bộ Y tế. Cái dân nhà quê đúng là dễ lừa. Để có bức ảnh ấy, anh đã phải thuê thằng bạn một chầu thịt chó nó mới chịu cùng anh mai phục suốt một buổi, đợi khi Bộ trưởng vừa bước vào thăm lớp hàm thụ là anh xông đến xin bắt tay cho thằng kia a - lê- chớp. Dân làng đồn đại bác sĩ Chiến chắc phải giỏi lắm mới được Bộ trưởng bắt tay chứ! Phòng mạch của anh lại bắt đầu đông khách. Người nông thôn tiêu pha tằn tiện nhưng cực thoáng khi chữa bệnh. Bác sĩ bảo sao nghe vậy. Tiền hết bao nhiêu trả vậy, cấm ai thèm mặc cả bao giờ. Anh Chiến chả mấy mà giàu. Giàu thì phải tiến lên sang. Anh sơn nhà trắng, cưỡi xe Attila màu bạc. Anh khoác bên ngoài tấm thân vâm váp bằng áo trắng đóng thùng. Để đồng bộ, anh sắm thêm đôi kính cận. Nhưng khổ, tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ trong gió đồng khoáng đạt trong lành, lớn lên đọc chưa hết dăm cuốn sách thì cận làm sao. Mới đeo kính được mấy ngày mắt anh đã sưng đã buốt, anh đành phải vít trễ nó xuống sống mũi cốt tạo dáng, còn nhìn thì vẫn phải qua đôi mắt sáng loè thị lực mười trên mười cả hai bên phải trái. Soi vào gương, anh tự thấy mình đã ra dáng trí thức lắm rồi. Thế nhưng bọn thanh niên làng Bùi vẫn nhếch môi cười khẩy khi nghe nhắc tên anh. Chúng dám đặt cho anh cái xú danh “bác sĩ đồ tể” để bôi bác. Xem ra công cuộc làm sang của anh hãy còn gian truân lắm. Bởi vậy, việc anh không nhận một đứa dở hơi làm em là vô cùng sáng suốt.

***

Nhưng anh Chiến đã rơi vào một phen khó xử.

Bốn mươi chín ngày sau khi ông Nhắt qua đời thì đột nhiên Bủng về.

Bủng cười từ đầu làng đến cuối xóm. Mà cười thành tiếng chứ không phải cười bằng răng. Bủng khoe rầm rĩ là có bố rồi. Dù có chết rồi thì vẫn là bố. Dân làng chửi yêu: Đúng là con bố chết cũng cười!

Bủng ào vào nhà anh Chiến, không thèm để ý vẻ mặt cau có của mọi người, tự nhiên chạy tới bàn thờ giở khăn tang ra đội, châm nhang khấn rõ to: Con vội quá, chả kịp mua gì sất, có bi nhiêu đây cúng bố!

Bủng lộn từ trong áo lấy ba bó tiền đỏ đòng đọc như những cục gạch đặt uỵch lên bàn thờ. Xong, vẫn cái khăn trắng trên đầu Bủng tênh tênh chạy khắp xóm, vẻ mặt vô cùng phớn phở. Bủng ngồi chỗ nào là chỗ ấy hóa đông vui. Anh Chiến cho Bủng để tang bố nhưng không chứa trong nhà. Bủng chả cần. Làng xóm bây giờ quý Bủng lắm. Là vì Bủng có bao nhiêu chuyện lạ. Mỗi tối Bủng được mời đến ngủ một nhà để kể chuyện phương xa.

Cái lần Bủng có thai, cô Toan cương quyết kéo Bủng lên xe đi trạm xá mặc cho Bủng một tay giữ chặt cạp váy, tay kia vằng mạnh, nhưng có thêm một vài người giúp sức, cô Toan đã thắng. Để phòng xa chuyện kia có thể tái diễn, cô đuổi Bủng đi. Đi đâu bây giờ? Bủng vạ vật mấy ngày trong xóm nhưng chả ai nhờ Bủng bế con nữa. Một hôm chị Quy lấy chồng bên Trung Quốc về chơi, rủ Bủng. Bủng gật ngay. Chợ người biên giới tấp nập, Bủng chả biết gì, cứ ngước mắt lên cười. Thấy ai hỏi gì Bủng cũng cười nên khách hàng cho là Bủng có duyên lắm lắm. Chị Quy thấy thế hét giá rất cao: năm trăm tệ! Mấy ông già xán vào xỉa tiền ngay. Nhưng Bủng không đồng ý, Bủng chê bọn này già. Bủng đòi phải có tình yêu, phải được… tìm hiểu. Chị Quy đành mang Bủng về nhà chồng. Em nó cùng làng cùng xóm, cho nó ở đây có chị có em. Chồng chị Quy gật đầu ngay. Từ đó có rất nhiều người đến hỏi mua Bủng. Nhưng Bủng dứt khoát rồi. Bủng có phải là mớ tép đâu mà mua được! Chị Quy bảo, em không chịu thì chị biết làm sao? Bủng ngạc nhiên: Ô hay chưa kìa, chị bảo em sang đây lấy chồng chứ có phải đi ở đâu? Nếu đi ở thì em ở làng mình chả sướng gấp vạn lần à? Đến nước ấy thì chị Quy đành chịu. Rồi chị Quy sinh em bé, tự nhiên Bủng có việc làm. Cũng là cảnh nước nhờ mạ, mạ nhờ nước nên Bủng ở được với vợ chồng chị Quy gần chục năm trời. Tin về một con bé dở người khăng khăng không cho bán mình đã loang xa khắp vùng, để rồi đầu năm nay có một anh nông dân thập thò đến cửa. Chị Quy bảo, em tao đó, nó không cha không mẹ, đẻ rất tốt. Mày có ưng thì phải cưới hỏi đàng hoàng. Anh nông dân ALực bùi ngùi thú nhận, anh cũng không cha không mẹ, nhà nghèo nên chưa cưới nổi vợ. Nếu Bủng không chê…

“Chồng em đẹp trai lắm nhé! Cao này… to này… trắng nữa!”

Bủng cứ khoa chân múa tay mãi mà không ai hình dung ra chồng Bủng là người thế nào. Có người sốt ruột quá, hỏi: Chồng mày giống như ai ở làng mình? Bủng trầm ngâm nghĩ ngợi một hồi rồi bất chợt chỉ phắt vào một ông trung niên: Giống anh ý! Ông trung niên chín dừ mặt mũi, trước lúc lảng đi còn buông một câu: Chỉ được cái bố láo! Bủng vẫn vô tư: Thật đấy, nó giống anh y đúc. Nó yêu em ơi là yêu. Ngày nào đi làm đồng nó cũng bắt em đi cùng. Nó lái công nông pành pành pành pành… em ngồi bên nó, thích lắm!

Có người hỏi: Thế Bủng có nhớ nhà không?

Bủng ngẩn người trả lời: Em có nhà đâu mà nhớ. Nhớ xóm thôi! ALực nó sợ em trốn, nó bảo đẻ cho nó đứa con thì nó cho về thăm quê. Em bảo không thèm về thăm quê. Nó cười tít. Hôm chị Quy nhận được điện bên nhà đánh sang, nói em là con bố em, em sướng quá. Em xin về. ALực không cho. Em bảo bố tao chết mà mày không cho về à? Thế là nó bảo, về bây giờ cũng không kịp, đợi bốn chín ngày đi. Ơ, ở bên đó cũng giống mình lắm nhé. ALực xé khăn cho em này, mua hương cho em này, cho em hai trăm tệ rồi đưa ra tận biên giới đổi tiền, dặn mang về cúng bố. Lại mua vé cho em nữa…

Bủng kể đi kể lại về chồng mình cho mọi người nghe với vẻ tự hào. Một người xui: Thôi, ở nhà đừng sang nữa, sống ở nhà có anh có em. Bủng mắm môi ra chiều nghĩ ngợi. Rồi Bủng bất ngờ tuyên bố không đi Trung Quốc nữa. Bủng có bố rồi, có anh em rồi, Bủng ở nhà thôi.

Nhưng rồi một chiều Bủng đang ngồi kể chuyện về một chị bị mua về làm vợ chung cho hai bố con người Tàu, thì thằng Chiểu con ông bán quán đầu cầu phóng xe vào tìm Bủng kêu: Ra nghe điện thoại, nhanh lên! Họ hẹn nửa tiếng sau gọi lại đấy.

Bủng quýnh quáng chân tay như một con xiếc rối dây. Bủng leo lên xe ngồi tơ hơ sau thằng Chiểu như một cái tượng gỗ. Bủng cầm ống nghe mà tay run bắn lên, lộn đầu nghe xuống đầu nói. Bủng hỏi rõ to: Ai gọi gì Bủng đơ.ơ.ới?

Thằng Chiểu vội sửa lại ống nghe cho Bủng. Ra là ALực. Mãi không thấy Bủng sang, ALực bèn tìm đến chị Quy bắt đền. Chị Quy đành phải gọi về số máy này. Nghe Bủng nói chuyện bằng tiếng Quan Thoại với chồng, chẳng ai hiểu gì, chỉ thấy mắt Bủng đỏ hoe, môi dưới Bủng run run nhè nhẹ. Rồi lại thấy Bủng cười.

Bủng ghé tai một bà đang hóng chuyện thầm thì: Chị thấy chửa, ALực nó yêu em ghê lắm nhé. Em giả vờ không sang nữa, thế là nó khóc tu tu như trẻ con í. Thương thế!

Bà này hỏi lại: Ô, thế Bủng lại tiếp tục sang à?

Bủng hạ một câu to và dài, như chuyện sang với chồng là một lẽ đương nhiên: Vơ…ơ...ơng!

Bủng lại nói thầm vào tai tất cả những người xúm quanh: Đừng nói cho ai biết nhớ! Em… chửa rồi đấy! Mới có. ALực nó chưa biết đâu.

Đến lúc này mọi người mới để ý. Cổ Bủng đã hơi ngăng ngẳng, mông hơi xề xệ. Bủng nói rằng, Bủng phải sang thôi. Con của Bủng phải có bố chứ. Rồi Bủng vần vè: Mẹ đánh mỏi tay không bằng cha day con mắt, nhể?

Thấy chưa! Trong cái hộp sọ u tối của Bủng vẫn có một ngăn dành cho sự sáng láng. Bủng nhảy chân sáo ra về. Thằng Chiểu gọi giật: Ê, không trả tiền à?

Bủng nhíu mày: Tao có vay mày đâu?

Thằng Chiểu tuổi đáng làm con cho Bủng, vậy mà nó dám phặc một câu rất hỗn: Bố mày đi gọi không công à. Năm nghìn, đưa đây!

Bủng ớ người một lúc lâu, rồi lộn khắp túi áo túi quần, tịnh không có đồng nào. Một người thương tình móc tiền chìa cho thằng Chiểu. Nó giật phắt lấy, mắt gườm gườm nhìn Bủng. Nhưng Bủng không thèm nhìn lại. Oắt con, chấp làm gì cho mệt!

Bủng nhanh nhẹn thu dọn áo quần, thăm thú chào hỏi bà con đâu ra đấy khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Bủng đã ra một Bủng khác, biết nghĩ trước nghĩ sau.

Bà con dặn dò: Tiền nong thì cất cho cẩn thận nhé, kẻo lên tàu nó móc mất thì khổ. Chỉ để một ít mua vé, còn thì cất vào nịt vú ấy.

Lúc này Bủng mới ớ ra. Phải mua vé nhỉ? Nhưng mà Bủng đâu còn tiền. Hỏi tiền mang về đâu, Bủng bảo cúng bố hết rồi. Mấy người cáu: Cúng là cúng, xong thì lấy lại chứ ông Nhắt ông ấy ăn được tiền à.

Bủng nhe răng cười, chạy ra nhà anh Chiến. Anh gắt: Tôi không biết tiền nào hết. Nhà đám, người ra người vào nườm nượp, biết ai lấy mà hỏi.

Bủng đứng cúi mặt, tay mân mê mãi gấu áo hoang mang. Lúc đó dân làng kéo đến nhà anh Chiến rất đông tiễn Bủng. Ai cũng cố giúi vào tay Bủng một ít tiền. Anh Chiến thấy thế cũng vào buồng mang ra một xấp tiền cho Bủng. Bủng thoắt cười tươi: Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang mang ra mà đựng.

Câu nói vần vè của Bủng khiến ai cũng phải bật cười. Anh Chiến chợt nghĩ ra điều gì đó, liền chạy vào lấy giấy bút viết mấy dòng rồi giúi vào tay Bủng: Đây là địa chỉ của... nhà. Có gửi gì thì cứ theo cái này mà gửi.

Bủng lại cười, nhét tờ giấy vào nịt vú.

Thôi chào bà con, Bủng đi!

Anh Hạo và anh Xin nhìn em mếu máo dùng dằng, đến nỗi Bủng phải gắt lên: Các anh hay nhể! Em đi mai kia em lại về chứ có đi mất đâu mà các anh cứ khóc!

Ra dáng lắm! Cứ như lời lẽ thì trong đầu Bủng không có khái niệm “biên giới”, quả đất này chỉ là một quả cam, chỗ nào có tình yêu thì Bủng ở. Bủng chỉ lấy chồng xa hơn mọi cô gái trong làng, đơn giản thế thôi.

***

Bủng đi được độ nửa tháng thì ông bưu tá lao xe xồng xộc vào phòng mạch của anh Chiến. Anh Chiến dừng tay rà đầu siêu âm trên bụng bệnh nhân, đón phong thư rồi bảo bệnh nhân về, tối ra khám lại. Rồi anh đóng cửa phòng mạch. Chắc anh Chiến nhận được giấy báo lĩnh tiền của Bủng gửi về đấy mà. Phen này thì anh vớ bẫm! Nhưng một thoáng đã thấy anh Chiến bung cửa lập cập nhảy lên chiếc Attila trắng bạc phóng vù ra xã. Anh cau có phân trần: Các cơ quan bây giờ làm ăn tắc trách quá. Thư này đâu phải gửi cho tôi. Không biết cái thằng vớ vỉn nào đã cho địa chỉ để cái thư này nhầm vào nhà tôi.

Phong thư đã xé được mở ra: Công an cửa khẩu L. thông báo tìm thấy một nạn nhân trên đường biên, đề nghị người nhà lên làm thủ tục nhận xác. Kèm theo thư có một tấm ảnh. Bủng! Đúng là Bủng, không lẫn vào đâu được. Khuôn mặt bầu bĩnh ngây ngô, đôi mắt nhắm nghiền nhưng miệng vẫn như cười…

Truyện ngắn. ĐỖ TIẾN THỤY (Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước