Chuyện kể của những bậc đá
VNTN - Rabindranath Tagore là một đại văn hào người Ấn Độ. Mảng truyện ngắn của ông vừa giàu tính văn chương vừa thể hiện sự cảm thông và thấu hiểu đối với phụ nữ trong khi thời của ông phụ nữ ở Ấn Độ vẫn bị coi là “giới thứ hai”. Những truyện ngắn của ông lúc nào cũng đượm buồn. Một sự buồn của đời sống nơi trần thế.
Nếu bạn muốn nghe kể chuyện về những ngày đã qua thì hãy ngồi xuống đây, ngồi xuống dãy bậc này và hãy cho tôi mượn đôi tai của bạn để rót vào đó tiếng thì thầm của những con nước róc rách.
Sắp đến tháng Ashwin* rồi. Dòng sông ăm ắp nước. Dãy bậc đá này chỉ còn bốn bậc chưa bị ngập. Nước đã tràn lên những đoạn bờ sông thấp, nơi những cây kachu mọc rậm rạp bên dưới những cành xoài. Ở đoạn uốn cong của dòng sông, ba đống gạch cũ như ba hòn đảo nhô lên khỏi mặt nước. Những chiếc thuyền đánh cá được cột vào thân của những cây babla bên bờ sông, chòng chành giữa những con sóng thủy triều. Những búi cỏ mọc cao trên bờ cát đã hứng được những tia nắng mặt trời buổi sớm; chúng đang bắt đầu trổ hoa, và những bông hoa dại mới chúm chím chứ chưa nở bung.
Những chiếc thuyền nhỏ với những cánh buồm xinh chầm chậm trôi trên dòng sông đầy nắng. Vị thầy tu đã ra sông tắm theo nghi lễ. Cánh phụ nữ đi theo từng tốp hai hoặc ba người ra sông lấy nước. Tôi biết đó là lúc Kusum ra bến nước, tắm trên những bậc đá này.
Nhưng sáng hôm đó tôi không thấy cô ra sông. Bhuban và Swarno than thở trên bến nước. Họ nói rằng người bạn của họ đã đi lấy chồng, đã đặt chân đến một nơi rất xa, nơi có những con người, những ngôi nhà và những con đường lạ hoắc. Theo thời gian hình ảnh của Kusum gần như đã mờ nhạt trong tâm trí tôi. Một năm trôi qua. Những người phụ nữ ra bến nước giờ đây hiếm khi nhắc đến Kusum. Nhưng một buổi chiều tối tôi, dãy bậc dẫn xuống bến nước này, bỗng giật mình khi đôi bàn chân quen thuộc chạm vào mình. Vâng, đôi chân ấy giờ đây không còn có những chiếc vòng ở cổ chân nữa, đôi chân đã mất đi âm thanh của ngày xưa, âm thanh xôn xao nghe vui tai tựa như tiếng nhạc.
Kusum đã trở thành một góa phụ. Người ta nói rằng chồng cô hay vắng nhà, và rằng trong thời gian họ là vợ chồng cô chỉ gặp anh ta một hoặc hai lần. Rồi Kusum nhận được một bức thư báo tin chồng đã chết. Là một góa phụ tám tuổi, cô xóa vết son trên trán đi, tháo vòng đeo tay, vòng đeo chân ra, và trở về nhà cha mẹ đẻ ở bên bờ sông Hằng. Nhưng ở đó cô chỉ gặp lại vài người bạn chơi trước kia. Trong số họ, Bhuban, Swarno, Amala đã đi lấy chồng; chỉ có Sarat là vẫn còn ở đó, và người ta nói tháng mười hai tới cô bạn ấy cũng sẽ “sang sông”.
Như dòng sông Hằng mỗi ngày một đầy hơn sau những cơn mưa, Kusum càng ngày càng trở nên trẻ trung và xinh đẹp. Nhưng tấm sari mang màu u ám, khuôn mặt trầm tư, dáng vẻ lặng lẽ đã phủ một tấm mạng buồn lên tuổi trẻ của cô, và giấu nó đi trước con mắt của những người đàn ông. Mười năm đã trôi qua, và dường như không một ai nhận thấy Kusum đã lớn.
Vào một buổi sáng cuối tháng chín, một vị thầy tu còn trẻ có dáng người cao ráo và nước da đẹp không biết từ đâu tới làm phận sự ở đền thờ thần Shiva ở gần bến nước. Sự có mặt của vị thầy tu đó khiến cả làng xôn xao. Cánh phụ nữ bỏ bình múc nước của họ ở nhà, đổ đến đền thờ để vái chào vị thánh nhân đó.
Càng ngày càng có nhiều người đến gặp vị thầy tu đó. Danh tiếng của ngài nhanh chóng được truyền tới tai các phụ nữ trong vùng. Hôm thì vị thầy tu đọc Bhágbat, hôm khác ngài diễn giải Gita hoặc giảng giải sách thánh. Một số người đến gặp vị thầy tu để xin lời khuyên, một số người đến xin bùa, một số người đến xin thuốc.
Nhiều tháng trôi qua. Vào tháng tư, đúng thời gian xảy ra nhật thực, không biết bao nhiêu người từ khắp nơi đổ đến tắm ở sông Hằng. Một hội chợ được tổ chức dưới bóng cây babla. Nhiều người hành hương đến gặp vị thầy tu, và trong số họ có một tốp phụ nữ đến từ ngôi làng nơi trước kia Kusum đã được gả chồng.
Đó là vào buổi sáng. Vị thầy tu đang vừa bước trên dãy bậc dẫn xuống bến nước vừa lần tràng hạt thì bỗng nhiên một người phụ nữ trong đoàn hành hương dùng khuỷu tay huých một người phụ nữ đi cùng và nói: “Thế này là thế nào nhỉ! Người kia là chồng của Kusum mà!”. Người đi cùng vén mạng che mặt lên nhìn và kêu lên: “Ôi trời ơi! Đúng vậy! Người đó là con trai thứ của gia đình Chattergu ở làng mình!”. Người thứ ba trong đoàn hành hương cũng vén mạng lên nhìn và thốt lên: “Đúng vậy! Lông mày của anh ta, mũi, mắt của anh ta không lẫn vào đâu được!”. Nhưng một người phụ nữ khác, không quay mặt nhìn vị thầy tu, chỉ lặng lẽ múc nước và thở dài: “Lạy Trời! Người đàn ông đó không còn nữa; anh ta sẽ không trở về đâu. Tội nghiệp Kusum!”.
Một người khác nói: “Anh ta không có bộ râu rậm như người kia”; một người khác nói: “Anh ta không gầy như vậy, không cao như vậy.” Cuộc tranh luận không kéo dài bởi vì họ chẳng có thời gian.
Vào một đêm trăng tròn, Kusum tìm ra bến nước ngồi ở bậc cuối cùng sát mép nước, phủ bóng mình lên dãy bậc là tôi. Lúc đó ở bến nước không có bất kỳ ai khác. Những con dế kêu râm ran quanh tôi. Tiếng cồng và tiếng chuông trong đền thờ đã tắt - làn sóng âm thanh cuối cùng lịm dần cho đến khi nó như cái bóng của âm thanh chìm vào những bụi cây trên bờ sông phía xa xa. Ánh trăng soi lấp lánh trên mặt nước sông Hằng. Trên bờ sông phía trên dãy bậc dẫn xuống bến nước, trong những bụi cây và bờ rào, dưới cổng của đền thờ, trên nền của những ngôi nhà đổ nát, bên cạnh bể nước, trong một khóm cọ hiện lên những cái bóng kỳ dị. Lũ dơi bay ra từ những cành chhatim. Thảng hoặc có tiếng chó sủa vang lên gần những ngôi nhà rồi rơi vào thinh không.
Vị thầy tu chầm chậm bước ra khỏi đền thờ. Bước vài bước trên dãy bậc dẫn xuống bến nước vị thầy tu nhìn thấy một người phụ nữ đang ngồi một mình và ngài định quay gót trở lại đền thờ, nhưng Kusum đã ngoái đầu nhìn lên. Tấm mạng bay khỏi mặt Kusum và ánh trăng sáng ngời soi rõ khuôn mặt cô.
Một con cú bay vù qua đầu họ. Giật mình, Kusum vội kéo tấm mạng che mặt xuống. Rồi cô cúi rạp xuống chân vị thầy tu trong nghi thức chào đầy tôn kính.
Vị thầy tu cầu phúc cho Kusum và hỏi:
- Cô là ai?
Kusumđáp:
-Tôi là Kusum, thưa thầy.
Hai người không ai nói thêm một lời nào nữa. Kusum lặng lẽ quay gót trở về nhà. Nhưng đêm đó vị thầy tu còn ngồi lại trên dãy bậc dẫn xuống bến nước rất lâu. Cho đến khi mặt trăng trôi từ phía đông sang phía tây và cái bóng của vị thầy tu từ đằng sau chuyển lên phía trước ngài, vị thầy tu mới đứng dậy, quay về đền thờ.
Từ đó trở đi ngày nào tôi cũng thấy Kusum cúi chào vị thầy tu. Khi ngài giảng sách thánh, cô đứng lặng im ở một góc lắng nghe ngài nói. Sau khi kết thúc nghi thức hành lễ buổi sáng, vị thầy tu thường gọi cô tới và nói về đạo giáo. Có thể cô không hiểu được tất cả những gì vị thầy tu nói; tuy vậy, cô luôn lắng nghe chăm chú và cố gắng hiểu lời của ngài. Vị thầy tu hướng dẫn cô các nghi thức cúng lễ, và cô làm theo những gì mình đã được chỉ dẫn. Hàng ngày cô phụ giúp việc cúng lễ ở đền thờ - hái hoa để cúng dường, đi lấy nước ở sông Hằng để cọ rửa sàn của đền thờ.
Mùa đông sắp qua. Những cơn gió lạnh vẫn còn thổi ràn rạt trên sông. Nhưng thỉnh thoảng vào buổi tối những làn gió xuân ấm áp từ phía Nam tràn về; bầu trời rũ bỏ vẻ lạnh lẽo của nó; những cây sáo bắt đầu tặng cho không gian âm thanh du dương của chúng, tiếng nhạc đã lặng câm trong một thời gian dài giờ lại bắt đầu ngân lên trong ngôi làng. Những người chèo thuyền buông mái chèo, để mặc cho thuyền của mình trôi lững lờ theo dòng nước và say sưa hát những khúc ca về thần Krishna.
Đó là lúc tôi bắt đầu nhớ Kusum. Đã một thời gian rồi cô không đến đền thờ, cũng chẳng ra bến nước. Vị thầy tu cũng không ra bến nước nữa.
Thế rồi bỗng nhiên một buổi tối tôi lại thấy hai người gặp nhau trên dãy bậc này.
Tôi thấy Kusum hỏi bằng giọng buồn rầu:
- Thưa thầy, thầy gọi tôi có việc gì ạ?
- Tại sao ta không thấy cô tới đền thờ nữa? Tại sao cô lại chểnh mảng việc cúng lễ?
Kusum im lặng không trả lời.
- Hãy nói cho ta nghe cô có chuyện gì.
Ngoảnh mặt đi chỗ khác, cô đáp:
- Tôi là một kẻ có tội, thưa thầy, và vì thế mà tôi không xứng đáng với việc thờ cúng nữa.
Vị thầy tu nói:
- Kusum, ta biết cô có sự xáo động ở trong lòng.
Kusum kéo một đầu sari lên che mặt, lặng lẽ ngồi xuống bậc đá dưới chân vị thầy tu và khóc.
Vị thầy tu khẽ nhích ra xa một chút và nói:
- Hãy nói cho ta nghe cô có chuyện gì nào, và ta sẽ chỉ cho cô cách để tìm lại sự bình an trong lòng.
Cô trả lời bằng giọng run rẩy:
- Nếu thầy bắt tôi phải nói, thì tôi phải nói. Nhưng, tôi không thể giải thích một cách rõ ràng được. Thầy có lẽ phải tự đoán ra thôi. Tôi tôn thờ một người như tôn thờ một vị thần, tôi tôn thờ người ấy, và niềm hạnh phúc của sự tôn thờ ấy tràn ngập trong tim tôi. Nhưng một đêm tôi mơ thấy vị thần của lòng tôi đang ngồi trong một khu vườn ở một nơi nào đó, nắm chặt tay tôi và thì thầm với tôi những lời của tình yêu. Cảnh trong mơ đó không biến mất hoàn toàn. Đối với tôi nó vẫn hiển hiện. Hình ảnh trong mơ ấy cứ ám ảnh tâm trí tôi. Tôi tránh xa người ấy trong sợ hãi, nhưng hình ảnh trong mơ cứ bám chặt lấy tôi. Từ đó trái tim tôi không còn biết đến sự bình yên nữa -tất cả đã trở nên u tối!
Trong khi Kusum vừa gạt nước mắt vừa kể chuyện của mình, tôi cảm thấy vị thầy tu miết bàn chân phải của thầy lên mặt đá cứng. Sau khi Kusum kể xong, vị thầy tu nói:
- Cô hãy nói cho ta biết người cô thấy trong mơ là ai?
Siết chặt hai tay vào nhau, Kusum nói bằng giọng van vỉ:
- Xin thầy đừng buộc tôi phải nói. Tôi không thể nói ra.
Vị thầy tu khăng khăng nói:
- Cô phải nói cho ta biết người đó là ai.
Vẫn siết hai tay vào nhau, Kusum hỏi:
- Tôi nhất định phải nói ra ư, thưa thầy?
Vị thầy tu đáp:
- Đúng vậy, cô phải nói ra.
Kusum vừa khóc vừa thốt lên:
- Người đó chính là thầy!
Thốt ra những lời đó Kusum gục mặt xuống bậc đá khóc nức nở. Khi cô bình tĩnh lại, và ngồi thẳng người lên, vị thầy tu nói:
- Đêm nay ta sẽ rời khỏi nơi này và có lẽ cô sẽ không bao giờ gặp lại ta nữa. Cô nên biết ta là một thầy tu, không thuộc về cuộc đời trần tục. Cô hãy quên ta đi.
Kusum đáp bằng giọng yếu ớt:
- Sẽ như vậy, thưa thầy.
Vị thầy tu nói:
- Ta phải đi rồi.
Không nói thêm một lời nào nữa, Kusum cúi rạp xuống chào vị thầy tu. Rồi vị thầy tu lặng lẽ quay gót bước đi.
Trăng lặn; đêm tối. Tôi nghe thấy một tiếng “tõm” trên sông. Gió rít trong bóng tối, như thể muốn thổi tất cả mọi vì sao khỏi bầu trời.
* Tháng Ashwin là tháng Chín của người Hindu.
Truyện ngắn. Rabindranath Tagore
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...