Thứ tư, ngày 01 tháng 05 năm 2024
02:00 (GMT +7)

Chuyện “Cá” ở Trường Sa

VNTN - Tôi được vinh dự tham gia Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trưởng Sa vào tháng 5/2014. Mới đó mà đã 6 năm. Vậy nhưng, ngồi mở lại “Ảnh Trường Sa” đã chụp và lưu trên máy tính, những kỷ niệm lại ùa về, nguyên vẹn như chưa hề xa cách.

Nói đến kỷ niệm Trường Sa, có rất nhiều. Nhưng những câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ hay về cảnh quan môi trường, điều kiện khắc nghiệt nơi đây… đều đã được nhiều người viết. Tôi chỉ xin kể lại câu chuyện về một chủ đề còn ít nói đến: Chuyện “cá” ở Trường Sa.

Sau 2 ngày 1 đêm vượt biển trên tàu HQ571, sáng 30/5/2014 chúng tôi cập cụm đảo Đá Lớn. Ngay trong buổi giao lưu đầu tiên, tôi đã có dịp làm quen với anh Phạm Hữu Chinh, Thuyền trưởng tàu “Đá Tây 07” - con tàu có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân ra vùng biển Trường Sa khai thác hải sản. Trước đó, tôi không thể tưởng tượng rằng, những con tàu đánh cá nhỏ bé của ngư dân mình lại đi xa đến thế! Song điều đó cũng chứng tỏ: Trường Sa là nơi có nhiều tôm cá, một ngư trường giàu tiềm năng, thu hút bà con vươn khơi, bám biển. Anh Chinh cho biết: Tàu dịch vụ hậu cần của anh thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, có nhiệm vụ cung cấp nước ngọt miễn phí; sửa chữa miễn phí tiền công cho các tàu bị hỏng hóc; bán dầu theo giá tại đất liền (và thanh toán tiền tại đất liền); tham gia cứu hộ, cứu nạn… Cũng tại đây, tôi gặp gỡ và hỏi chuyện anh Bùi Văn Niệm, Trưởng Đèn Hải đăng Đá Tây. Anh Niệm cho biết, tại Trường Sa, chúng ta xây khá nhiều Hải Đăng. Ban đêm, ánh sáng nhấp nháy của Hải Đăng nhìn thấy từ rất xa, giúp tàu bè định phương hướng, đồng thời đèn biển như một người bạn nhắc nhớ, động viên, khơi gợi niềm tự hào về chủ quyền của Tổ quốc!

Chiều hôm đó, tàu neo cách cụm đảo Đá Lớn chừng vài hải lý. Cánh “thợ câu” bắt đầu triển khai đội hình cần câu dọc 2 bên mạn tàu. Những chú cá “bò ngu” liên tục được nhấc lên. Loài này phàm ăn như rô phi trong ao. Chắc có lẽ vì thế mà cánh lính biển đặt cho cái tên thật ấn tượng! Thi thoảng có “cần thủ” giật được cá to, cổ động viên lại ồ lên, thi nhau chụp ảnh. Có người câu được cả những con vược nặng gần chục cân, nếu ở nhà hàng trong đất liền, giá của chúng không hề rẻ. Chừng 2 tiếng sau, tôi đã thấy chị em rải bìa các tông, phơi cá đầy trên boong!

Đang mải câu thì một đàn cá heo bất ngờ bơi lượn ngay sát mạn tàu. Máy ảnh, điện thoại thi nhau quay, chụp. Nhiều con lao lên khỏi mặt nước rồi uốn vòng xuống, cứ như tạo dáng cho các thợ săn ảnh trên tàu tác nghiệp! Cả tàu xôn xao, vì hầu hết chưa từng nhìn thấy cá heo bơi lượn trên biển… Được biết, cá heo thường sống ở các vùng biển nông, là loài ăn thịt, chủ yếu là ăn cá và mực. Khu vực quần đảo Trường Sa với những rạn san hô gần mặt biển, nơi cư trú của nhiều loại sinh vật cũng là môi trường lý tưởng cho cá heo sinh sống.

Hôm sau, lên đảo Sơn Ca, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một nữ ca sĩ trong đoàn được lính đảo tặng cho 1 chiếc vỏ ốc “khủng”! Quả thật, tôi chưa bao giờ từng nhìn thấy chiếc vỏ ốc nào to đến như vậy, bèn hỏi mượn để “làm kiểu ảnh lưu niệm”… Bấy giờ mới sực nhớ ra: tối qua, trong tiệc giao lưu giữa đoàn Thái Nguyên với chỉ huy tàu, chỉ huy đảo và lãnh đạo Cục Kỹ thuật Hải Quân, nhà bếp có món đặc sản “ốc nhảy”. Các anh nuôi cho biết, đặc sản này là do lính đảo bắt, làm sạch và gửi lên đãi khách sau khi nắm được kế hoạch “nhà tàu” tổ chức buổi tiệc.

Nhưng điều ngạc nhiên của tôi về chuyện “cá tôm” ở Trường Sa chưa dừng ở đó. Hôm sau lên đảo Nam Yết, ra chỗ mấy anh lính đang làm hậu cần, tôi hỏi một cậu đang xẻ thịt con bạch tuộc to tướng: Con này mình câu hay đánh lưới? Cậu lính hồn nhiên trả lời: Chúng em nhặt ở ngoài bãi! Tôi tròn mắt. Thấy vậy, cậu lính giải thích: ở rìa đảo có một cái vũng rất to. Khi thủy triều lên nó ngập hết, nhưng thủy triều xuống thì vũng đó như một cái ao cạn, cá bị mắc kẹt, chúng em chỉ việc ra nhặt về ăn thôi! Tất nhiên không nhiều đến mức đủ cung cấp cho cả đơn vị đâu. Chúng em còn ra cầu cảng câu nữa, như đống cá thu kia là bọn em câu đấy ạ!

Hôm sau, ghé thăm đảo Đá Tây, cảm nhận về “cá” ở Trường Sa trong tôi có thể nói là lên đến đỉnh điểm khi chứng kiến cả ngàn vạn con cá to bằng chuôi dao, ve vẩy trong làn nước biển trong vắt ngay dưới chân! Đá Tây là cụm đảo nổi (xây trên các rạn san hô), nên được nối với nhau bằng các nhà cầu. Và ngay dưới gầm cầu là nơi trú ngụ của đàn cá ấy. Chúng bơi ken sát nhau, không khác gì đàn cá koi trong các khuôn viên du lịch.

Tôi chợt tủm tỉm cười khi nghĩ lại câu trả lời của một cậu lính tham gia giao lưu trên đảo:

- Ở trên đảo thiếu nhất là gì?

- Phụ nữ.

- Ở trên đảo sợ nhất cái gì?

- Cá!

Trần Thép

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Đảo Sơn Ca… rì rào sóng vỗ

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Các anh mang mùa xuân đến cho quê hương

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Gửi những “thiên sứ bảo vệ hòa bình”

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Yêu từ trong tâm tưởng đến hành động

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước