Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
16:47 (GMT +7)

Chúng tôi bên nhau như thế đấy!

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI BÚT KÝ – PHÓNG SỰ NĂM 2021-2023

Sau khi bế mạc Trại sáng tác do Quân khu I tổ chức, từ Thái Nguyên trở về tôi cứ nhớ mãi mảnh đất này, nơi tôi đã có những kỉ niệm với những người bạn viết…

Chưa đến nửa tháng ở một Trại sáng tác hẳn không phải là dài, và cũng chưa đủ điều kiện, yếu tố để mỗi trại viên cho ra đời một tác phẩm văn học thuộc các chuyên ngành như: Văn, Thơ, Nhạc... có tính dài hơi, tầm cỡ. Song với thời gian ấy cũng là dịp để mỗi chúng tôi - những hội viên Hội Văn học nghệ thuật thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Bắc Ninh cùng một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Quân khu I làm quen, trao đổi, học hỏi lẫn nhau.

Các trại viên đi tham quan Đảo Hoa hồ Núi Cốc (ảnh Phan Thái)

Không kể tuổi tác, nghề nghiệp hay quân hàm, chức vụ… gần ba mươi thành viên từ mọi nơi nhanh chóng hòa đồng dưới mái nhà chung thật sự ấm cúng. Trong không gian tĩnh mịch của một khu điều dưỡng ở Hồ Núi Cốc luôn âm vang tiếng nói, cười và cả những lời ca được cất lên bất kể khi nào. Đó chính là điểm nhấn, là nét khác biệt của các văn nghệ sĩ ở mọi lúc, mọi nơi!

Ngoài tự nghiên cứu, trao đổi, sáng tác tại chỗ, chúng tôi được Ban Tổ chức, Ban Quản lí Trại tạo điều kiện đi thâm nhập thực tế ở một số đơn vị Quân đội, tham quan một vài địa điểm danh lam thắng cảnh quanh hồ Núi Cốc để có thêm tư liệu, tạo hứng khởi trong sáng tác. Thực sự, mỗi thành viên trong Đoàn đều ngỡ ngàng khi đặt chân đến doanh trại Lữ đoàn Pháo binh 382 anh hùng. Từ ngoài cổng vào đến sát khu Trung tâm Sở chỉ huy là làn đường đôi, trải nhựa mịn màng, phẳng đẹp như những trục đường chính trong một thành phố đang phát triển ở nước ta. Dải phân cách giữa và hai bên đường là những hàng cây xanh tươi, mát rượi, thẳng tắp. Cờ phướn, pano áp phích sặc sỡ đủ sắc màu trông thật vui mắt. Lý thú nhất là giữa doanh trại của một đơn vị thường xuyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nhưng có cả đài phun nước, bể cá, vườn hoa… được bài trí đẹp bởi những mô hình thu gọn như Lăng Bác Hồ, Cột cờ Hà Nội, Chùa Một cột; các nhân vật hài, hề trong tranh dân gian Đông Hồ, chuyện cổ tích, ngụ ngôn… với những vật liệu đủ sắc màu khác nhau, do chính bàn tay khéo léo của các chiến sĩ trong đơn vị tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ sáng tác, thiết kế và xây dựng với giá trị công sức bỏ ra hàng trăm triệu đồng.

Từ Lữ đoàn bộ xuống các tiểu đoàn, đại đội đều có nhà hay phòng truyền thống, thư viện hoặc phòng đọc “Hồ Chí Minh”, nhà “Tâm tình đồng đội”, quán cắt tóc “Thanh niên tự quản”… Đến thăm khu chăn nuôi, trồng rau xanh tập trung của Tiểu đoàn 2, ai ai cũng trầm trồ, khâm phục về việc quán triệt tinh thần, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp là mỗi cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phong trào “Chăn nuôi, tăng gia tự túc”, biến đồi hoang thành trang trại… hiệu quả như thế nào? Tiểu đoàn, đại đội có khu chăn nuôi, vườn rau và ao thả cá theo mô hình phát triển kinh tế “vườn, ao, chuồng”. Trong chuồng luôn luôn duy trì đầu lợn thịt từ 100 con trở lên, trên 20 đầu lợn nái, đủ cung cấp con giống cho toàn Lữ đoàn. Rau xanh có 7 loại, duy trì mùa nào thức ấy, đảm bảo cho bộ đội đủ ăn quanh năm, không phải mua ngoài, suốt từ năm 2001 đến nay… Các đơn vị luôn luôn đạt danh hiệu “Đơn vị tăng gia sản xuất giỏi”.

Tham quan công tác huấn luyện pháo 122-D30 của Tiểu đoàn 2 và pháo phản lực BM21 (Kachiusa) của Tiểu đoàn 3, chúng tôi mới thấy hết mọi gian nan vất vả của mỗi chiến sĩ, nhất là việc tiếp thu kiến thức về tính năng kĩ chiến thuật của từng loại pháo, đáp ứng với yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Viết đến đây bỗng tôi nhớ lại lời giới thiệu của Đại tá, Chính uỷ Lữ đoàn Đỗ Khắc Long là có những chiến sĩ người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa khi biên chế vào Lữ đoàn trình độ văn hóa thấp, đơn vị đã phải tổ chức lớp bồi dưỡng, bổ túc để những chiến sĩ cá biệt ấy có đủ trình độ văn hóa nắm bắt, tiếp thu, đáp ứng với yêu cầu của đơn vị binh chủng kĩ thuật.

Mặc dù mưa nắng thao trường gian nan vất vả, nhưng cán bộ chiến sĩ luôn lạc quan, yêu đời, thậm chí có những lúc đùa nghịch, tếu táo trong phạm vi cho phép. Điều đó được thể hiện rất rõ qua 4 câu thơ do các chiến sĩ sáng tác mà Thiếu tá Bùi Ngọc Tuân, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 trong khi giới thiệu động tác thu pháo của một khẩu đội đọc lên ai ai cũng không thể nhịn được cười: “Pháo anh nằm giữa rừng sâu/ Hai bánh xe to với một nòng/ Ban ngày gục xuống không đánh đấm/ Ban đêm nổi dậy chờ tiến công”…

Đến với Lữ đoàn Pháo binh 382 anh hùng lần này, ngoài được hiểu rõ truyền thống “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, quyết thắng” của Lữ đoàn qua tham quan thực tế, mỗi chúng tôi biết thêm những con người cụ thể tiêu biểu, xuất sắc bằng da bằng thịt, từ người lãnh đạo cao nhất đến nhân viên phục vụ… đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung ấy. Đó là Đại tá Lữ đoàn trưởng Trần Văn Hiếu, quê Lương Tài, Bắc Ninh luôn gương mẫu, hết mình với công việc, được mọi người tin yêu mến phục. Biết là người cùng quê, tôi muốn có một bài phóng sự về anh, nhưng Trần Văn Hiếu một mực từ chối: “Em có gì để mà viết!...”. Nghe nói năm 2001 và vài năm trước đây, đơn vị tôn vinh bầu là chiến sĩ thi đua, anh khiêm tốn dứt khoát không nhận, nhưng năm 2022 này đành phải chiều theo ý kiến đại đa số và cấp uỷ… Thật là một cán bộ mẫn cán, mẫu mực!

Đó là Thượng tá Hoàng Thị Thanh Tâm, nhân viên Quản lý - Tài chính của Tiểu đoàn 2. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái Nguyên, nhưng Hoàng Thị Thanh Tâm có quê ngoại cũng ở Thị Cầu, Bắc Ninh. Với khát khao được cống hiến nên mặc dù học giỏi, vừa tốt nghiệp THPT năm 1988, Hoàng Thị Thanh Tâm đã tình nguyện nhập ngũ, mặc dù trong nhà, nhất là mẹ đang có những đắn đo, chưa thật ủng hộ. Trong suốt gần 35 năm phấn đấu liên tục, từ một chiến sĩ trực tổng đài, chị đã tự học để có được tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Kế toán. Đặc biệt, trong 10 năm (từ 2012 đến 2022), với chức danh là nhân viên Quản lý - Tài chính của Tiểu đoàn 2 kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ Lữ đoàn, Hoàng Thị Thanh Tâm luôn nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong suốt 10 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có 3 năm là chiến sĩ thi đua toàn quân, hàng chục cuộc tham gia hội thi, hội thao, hội diễn văn nghệ các cấp đều đạt nhất, nhì hoặc huy chương vàng, bạc... Số Bằng, Giấy khen mà Hoàng Thị Thanh Tâm được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu, các ngành... trao tặng còn nhiều hơn tuổi đời của chị (có đến 45 Bằng khen, gần 20 Giấy khen). Thật là một tấm gương sáng cho mỗi cán bộ chiến sĩ cũng như thế hệ trẻ đơn vị noi theo, học tập!

Các trại viên tham quan nơi huấn luyện của Tiểu đoàn 2/ Lữ đoàn Pháo binh 382

Trong thời gian ngắn ngủi ở Trại sáng tác lần này, chúng tôi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp kì thú “sơn thuỷ hữu tình”của hồ Núi Cốc qua những chuyến “chu du” bằng tàu, bằng thuyền. Được nghe giới thiệu huyền thoại tình sử li kì, bi ái về chàng Cốc - nàng Công. Được tham qua đảo Văn hóa (đảo Cái) - đảo to nhất trong số 89 đảo trong quần thể hồ Núi Cốc với ngôi nhà cổ trên mấy trăm năm; đồng tiền xu cổ to, nặng đúc bằng sắt qua nhiều thập kỷ vẫn vẹn nguyên; những đồ gốm xa xưa tinh xảo của nhiều vùng miền trong cả nước… Đặc biệt chúng tôi được đắm mình trên “Đảo Hoa” nhỏ nhắn xinh đẹp hình bát úp, mới được một đôi vợ chồng trẻ cải tạo, đầu tư xây dựng trong vài năm gần đây. Vừa chiêm ngưỡng, vừa nhẹ bước bên những khóm hoa muôn màu sặc sỡ được chăm sóc, cắt tỉa chỉn chu, mỗi chúng tôi như thấy lòng mình thoải mái, thanh thản hẳn lên. Những chiếc máy ảnh bán chuyên nghiệp, máy ảnh du lịch nhỏ nhắn hay điện thoại thông minh thay nhau lia ngang, lia dọc ghi hình, ai cũng muốn có được cho riêng mình cũng như tập thể những kỉ niệm sâu sắc lần đầu đặt chân đến nơi đây! Và cảm nhận trước vẻ đẹp nên thơ, với nhiều cảm xúc ấy, tôi đã nảy ra mấy vần thơ với tiêu đề: “Đến với Đảo Hoa” mến tặng con người, cảnh vật quyến rũ ở đây với 4 câu mở đầu: “Dẫu mù sương vẫn sặc sỡ kiêu sa/ Em như nàng Tiên giáng trần bên hồ Núi Cốc/ Đảo Hoa ơi! Những phút giây có được/ Mãi bên nhau níu kéo suốt cuộc đời…”.

Ngoài những cuộc đi tập trung có tổ chức, vào buổi sáng hoặc chiều tối sau bữa ăn, để xua đi mệt mỏi, căng thẳng qua thời gian nghiên cứu tư liệu, viết bài, chúng tôi lại cùng nhau thành từng tốp, từng nhóm từ ba đến năm, bảy người đi dạo dọc các trục đường quanh hồ. Thật sảng khoái, lí thú biết nhường nào khi dạo gót bên nhau được hít thở không khí trong lành từ hồ thổi vào, được thưởng thức hương thơm thoang thoảng mát dịu của hoa thiết mộc lan, hoa sữa, hoa hồng dại… được ngồi cùng nhau bên những quán vắng ngắm mặt hồ trong xanh, rồi nhâm nhi những chén trà Thái thơm nồng, tinh khiết; tâm tình chuyện nhà chuyện cửa, đọc thơ; cùng hát cho nhau nghe những bài hát nổi tiếng của quê mình như Quan họ Bắc Ninh, hát then, hát lượn… của dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn Thái Nguyên, Bắc Kạn; các bài hát mới trữ tình ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu… Tất cả như cháy hết mình đến nỗi có những chủ quán cũng tập trung người nhà đến nghe, khen hết lời… rồi mạnh dạn hỏi các cô chú, anh chị là văn công phải không mà hát hay thế!? Rồi miễn phí tiền loa đài và hẹn tối hoặc sáng mai lại đến uống nước, hát cho vui…

Cũng trong Trại sáng tác lần này, chúng tôi được tiếp xúc giao lưu với các cháu đoàn viên thanh niên Trại Huấn luyện viên cấp I Nguyễn Chí Thanh Khu vực phía Bắc Lần thứ V - năm 2022, do Liên hiệp các Hội Thanh niên Việt Nam tổ chức. Do cùng ăn nghỉ, sinh hoạt và làm việc chung trong khuôn viên của Đoàn An - Điều dưỡng 16 Quân khu I suốt trong một tuần nên ngẫu nhiên giữa hai đơn vị có mối quan hệ gắn bó. Nhất là tính cách sôi nổi, hoạt động không biết mệt mỏi ngày đêm của các cháu; những buổi giao lưu văn nghệ trong Lễ khai mạc, bế mạc. Đặc biệt đêm liên hoan đốt lửa trại kết thúc khóa huấn luyện có các văn nghệ sĩ chúng tôi cùng tham gia múa hát… thực sự là những kỉ niệm đẹp đồng thời cũng là những cảm hứng tươi mới có thêm những tác phẩm sáng tác theo chủ đề về thanh niên tại Trại sáng tác lần này.

Việc gì đến rồi sẽ đến! Vừa mới thực sự quen nhau lại đến giờ phút phải chia tay. Dẫu không có những giọt nước mắt lăn dài như thời hoa lửa, song đâu đó vẫn có những giây phút bịn rịn, quyến luyến sâu đậm, khó phai!

Nguyễn Tự Lập

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước