Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
13:33 (GMT +7)

Chiêm nghiệm từ những ngày đi qua “cơn bão”

1. Một ngày tháng chín năm hai nghìn không trăm hai mốt, điện thoại bỗng réo, đầu kia tiếng bạn tôi đang ở Thành phố Hồ Chí Minh vang lên: Tám ngày qua tôi tắt điện thoại, hôm nay mới dám gọi cho ông. Vừa trải qua tám ngày Covid ông à! Nghe giọng biết anh bạn đang rất phấn chấn.

Tôi sửng sốt khi nghe tin này vì anh đã bị ung thư đường ruột phải truyền hóa chất cách đây chục năm. Phổi, gan vẫn đang có u. Anh cẩn thận giữ gìn lắm. Vậy mà vẫn bị Covid nó hỏi thăm. Tôi thật mừng vì bạn đã vượt qua những ngày khó khăn và nghĩ đó là một sự kỳ diệu. Tiếp đến nghe anh bạn kể một loạt các biện pháp đã làm và may mắn vẫn được bình an. Thời gian ấy dịch đang hoành hành ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ngoài Bắc bị rất ít. Đặc biệt Thái Nguyên vẫn yên bình.

Vậy mà trước Tết Nhâm Dần nửa tháng, lại giật mình nghe tin bên làng quê Cây Thị, xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên) của tôi đã có người mắc Covid. Đó là người bạn một thời thơ ấu đã cùng tôi chăn trâu trên cánh đồng và đồi bãi quê nhà. Hơn chục ngày sau đã nhận tin anh qua đời. Nghe nói, anh là trường hợp đầu tiên của thành phố Thái Nguyên đã không qua khỏi vì Covid.

Là một cựu chiến binh thời chống Mỹ, có gần chục năm chiến đấu ở vùng Củ Chi, anh hơn tôi mấy tuổi. Vì mắc bệnh nền đang phải đi viện điều trị nên anh chưa tiêm mũi vacxin nào, do vậy khi mắc Covid anh bị trở nặng rất nhanh. Bệnh viện Gang Thép phải chuyển anh về Bệnh viện Nhiệt đới Đông Anh. Vợ và con anh cũng bị dương tính nên đều phải vào viện điều trị tập trung (lúc ấy chưa được tự điều trị tại nhà). Gia đình bị Covid chia tách mỗi người một nơi. Anh em, chòm xóm cũng vậy. Muốn đến động viên thăm hỏi nhau cũng không có cách nào. Lúc đó chỉ còn mỗi chiếc điện thoại là vật duy nhất nối liền tình cảm với gia đình và mọi người.

Vợ con anh ruột gan nóng như lửa đốt. Chị kể, mình cũng bị Covid nhưng không còn tâm trí đâu mà lo cho bản thân. Chỉ lo anh vừa đi viện về đang yếu không vượt qua được, mà lúc cần vợ con nhất thì lại không có ai ở bên. Điều day dứt ấy dày vò chị nhiều ngày đêm, nhiều lúc cầm điện thoại lên mà không dám gọi. Chị sợ điện thoại anh hết pin, chỉ dám ngày liên lạc một lần. Hôm đi vội quá nên không mang theo cho anh bộ sạc. Chị dặn tất cả mọi người trong gia đình không được gọi anh nhiều, để tiết kiệm pin từng ngày. Chị sợ nhất khi gọi đầu kia không có tiếng anh trả lời…

Nhưng rồi cái ngày ấy cũng đến. Hai ngày liền chị gọi anh không được. Chị như phát điên và thầm hy vọng chỉ là do điện thoại hết pin. Rồi, chuông điện thoại của chị réo. Đầu bên kia không phải tiếng anh mà là một người lạ báo chị xuống để nhận tro cốt của anh về… Chị muốn gục xuống tưởng không thể gượng dậy nổi.

Làng tôi có lệ, việc hiếu hỷ là cả làng xúm vào, chị lại tham gia công tác Phụ nữ nên không có việc gì của ai chị không tận tình có mặt. Vậy mà lo việc cho anh, vì Covid, làng xóm vẫn phải giữ đúng tinh thần phòng chống chung, chỉ một số người đại diện. Càng nghĩ tôi càng thấy buồn khôn tả. Làng quê bao năm qua, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng sự đùm bọc thương yêu chưa bao giờ thiếu. Giờ sao con virus quái ác kia lại ngăn cách, khiến mọi thứ trở nên xa xôi.

Tết Nhâm Dần làng tôi không khí trầm lắng. Ai cũng có cảm giác sợ con virus vẫn rình rập đâu đây. Một cái Tết làng xóm không chúc Tết nhau, chỉ nội bộ trong từng nhà. Tôi về bên ngôi nhà của mẹ, thấy được ấm áp quây quần nhưng cảm giác vẫn man mác buồn. Những năm chiến tranh, giữa đạn bom làm người ta lo âu, nhưng sự lo sợ ấy càng làm con người gắn kết, bao bọc nhau. Bây giờ, không có tiếng máy bay, bom đạn gầm thét. Lòng người vẫn thương yêu, đùm bọc nhau, nhưng có một sự vô hình vô tình đẩy mẹ xa con, chồng xa vợ. Vô tình gieo nên nỗi nghi hoặc với người bên cạnh. Vô tình gieo cho người mắc cảm giác mình có lỗi với gia đình và bè bạn.

Vừa qua cái Tết mấy ngày đã lại nghe làng có thêm mấy nhà bị Covid. Làng Cây Sơn liền bên, một bà cụ hơn tám mươi tuổi, gần nhà mẹ tôi cũng ra đi đột ngột trong đêm vì Covid. Một chị con ông bác ruột tôi bị bệnh tim bao năm nay giờ cũng dương tính. Cô em út đang ở cùng mẹ tôi là F1 cũng phải tự cách ly. Tôi lo lắng cho mẹ già đã chín mươi tuổi và hai thằng cháu con cô em út bị bệnh thiếu máu bẩm sinh phải truyền máu định kỳ nữa. Bây giờ mà đều bị cả thì ai chăm ai?

Mấy ngày sau nữa thì đến lượt bản thân tôi được trải nghiệm. Cô bạn thân vào chơi vô tư bảo: “Em sụt sịt mấy hôm nay, vừa test may quá vẫn âm tính, chỉ là cúm loàng xoàng thôi”. Thế thì còn gì phải lo. Vậy là chuyện trò thoải mái. Ngay tối ấy, con gái tôi và hai đứa cháu lên chơi. Lại ngồi chơi với cháu khoảng nửa tiếng thì con và cháu về. Được ba hôm sau, bạn gọi điện lại: “Bây giờ anh chị có mắng em, chửi em em cũng xin chịu. Em xin lỗi, em vừa đi khám tiểu đường định kỳ, test lại bị dương tính rồi”. Ôi chao, cảm giác lo sợ, nhưng vẫn le lói chút hy vọng mong manh. Thử kiểm tra lại các cảm giác đã thấy váng đầu, hơi gai lạnh, cổ đã hơi rát. Vợ tôi cũng thấy sụt sịt mũi, mua bộ kit về tự test và reo lên: “Vẫn một vạch, không việc gì”. Lòng tôi càng hé lên niềm hy vọng, nhưng để chắc ăn, tôi phóng ra Trung tâm Y tế thành phố để test nhanh. Khi chờ kết quả cảm giác như nín thở. Nhận được kết quả âm tính trong khi họng đã thấy đau, giọng nói đã nặng tôi thở phào nghĩ, may ra là viêm họng thông thường.

Sáng hôm sau vợ tôi đi test lại, thấy hai vạch đỏ, quay về ráo hoảnh: Bị rồi! Tôi liền cùng vợ xuống Y tế phường khai báo và test lại. Từ hôm đó, chính thức cửa nhà mang một tấm biển đỏ chót: Khu vực cách ly, gia đình có F0 điều trị tại nhà.

2. Vào thời điểm này, các trường hợp dương tính tăng nhanh. Lúc này đã có chủ trương của y tế cho F0 điều trị tại nhà. Tôi làm thủ tục khai báo tại phường mà phải xếp hàng ngồi đợi. Tâm trạng lo nhưng thấy mọi người vẫn điềm tĩnh đón nhận kết quả dương tính nên cũng yên tâm phần nào. Quả là lúc này mới thấy áp lực đè lên đội ngũ y tế phường xã lớn đến thế nào. Ngày nào phường Túc Duyên của tôi cũng có hàng trăm trường hợp đến khai báo. Đội ngũ y tế làm việc liên tục đến bảy tám giờ tối mới về. Tôi ngồi đợi khoảng một tiếng trong môi trường như thế đã thấy căng thẳng, những nhân viên nữ đứng suốt mấy tiếng đồng hồ, trong nhiều ngày như thế quả là một áp lực ghê gớm. Tại xã Linh Sơn quê tôi còn có trường hợp bệnh nhân điều trị tại nhà, do quá lo lắng nên bị ngạt mũi cứ nghĩ mình đang bị thiếu ô xy. Người nhà cuống cuồng gọi tới trạm xá. Bác sĩ trạm trưởng phải đích thân phóng xe gần hai cây số xuống tận nhà để thăm khám. Ngay tại trạm Túc Duyên đã có trường hợp của y sỹ Trần Thu Huệ cũng bị F0 do lây nhiễm trong khi làm việc. Thấy mình còn đủ sức, chị vẫn sẵn sàng đến trực trong những ngày căng thẳng này.

Khi cả nhà đã bị F0, tôi mới nhớ đến con gái và hai thằng cháu tối hôm trước có lên chơi. Bấm máy a lô. Tiếng con gái bảo: “Cả nhà con cũng bị rồi, hôm nay đến thằng bé sốt”. Tôi sững người vì lo lắng. Người lớn đều đã tiêm hai mũi vacxin, hai thằng cháu còn nhỏ chưa tiêm. Bỗng thấy mình có lỗi, thấy thương các cháu. Đang đâu truyền sang cho gia đình con cháu sự chịu đựng lo lắng này. Thấy con bảo các cháu vẫn ăn uống tốt, chỉ lo cho bố mẹ tuổi cao thôi. Lúc này, tâm trạng chẳng nghĩ đến bất kỳ điều gì khác ngoài sự cầu mong cho cả nhà đều bình an. Thật lòng, tôi lại thoáng nhen lên ý nghĩ trách móc người bạn gái. Lại nghĩ, giá hôm đó bạn không vào thì nhà mình đâu bị cả nhà thế này. Nhưng rồi ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua, tự dặn lòng phải lạc quan lên. Hãy đón nhận và coi như đây là một thử thách tinh thần, và cả về cái nhìn thật khách quan nhân ái trong chính con người mình.

Ý nghĩ tích cực làm lòng tôi nhẹ nhõm hơn. Cả nhà động viên nhau làm theo kinh nghiệm mà bạn bè và trên mạng phổ biến. Súc miệng nước muối, tập thể dục, ăn đủ dinh dưỡng, nhiều hoa quả, uống thêm vitamin C và luôn tự theo dõi sức khỏe của mình. Có một liều thuốc tinh thần vô giá, đó là sự quan tâm của người thân và bạn bè. Cứ nghe một cuộc gọi của anh em hỏi thăm hay hỏi có cần gì thì giúp đỡ, lòng lại rưng rưng. Giữa trời mưa rét, thấy chị, thấy em, thấy những người bạn khoác áo mưa đưa đến những thứ cần thiết, tôi lại mung lung bao điều về tình thân, tình con người. Lại thấy buồn vì say mê viết thế mà không làm sao viết nên được những điều ấy đang hiện hữu ngay bên cạnh mình.

Rồi điều lo lắng nhất của tôi cũng đến. Mẹ và hai cháu nhỏ con cô em phải truyền máu bao năm nay cũng đã dương tính. Trường hợp trẻ nhỏ mắc thường sốt vài lần rồi trở về bình thường. Đằng này thằng cháu vào viện mà hơn ba ngày liền không dứt sốt, lại phải truyền thêm máu. Ba mẹ con nằm viện trông nhau. Mấy anh em và mấy đứa cháu cũng đang bị ở nhà thay nhau chăm sóc mẹ già. Biết đợt mắc dịch này là biến thể omicron triệu chứng có nhẹ hơn, nhưng tỷ lệ nguy hiểm vẫn có, đặc biệt là người già và mắc bệnh nền. Nó không hề nhìn thấy nên người khỏe chăm người bệnh vẫn lo mình bị mắc. Tôi vừa qua khỏi, muốn ngồi cạnh mẹ để chăm sóc động viên mẹ mà vẫn bị con Covid nó hù dọa lo bị lại. Mấy cô em gái muốn xoa bóp, nâng đỡ cho mẹ vẫn có khoảng cách của sự rụt rè. Vả lại mẹ cũng lo mọi người bị mắc nên không muốn cho con cái đến gần. Đó là điều buồn nhất trong lúc người thân yếu đau mà con Covid đã tạo ra cái khoảng cách tàn nhẫn này.

Rồi “cơn bão” cũng tạm qua. Tôi phải gọi là “cơn bão” vì chưa bao giờ một làng quê yên tĩnh thuộc xã Linh Sơn quê tôi bị khuấy đảo tinh thần như đợt dịch này. Chưa bao giờ nơi tôi sinh sống thuộc phường Túc Duyên, hàng gần tháng trời ngày nào danh sách người mắc dịch cũng một hàng dài. Biển đỏ cách ly chỉ có việc di chuyển từ cửa nhà này sang cửa nhà kia chứ không còn để một chỗ nữa. Nó âm thầm nhưng khốc liệt trong từng ngôi nhà. Nó không gầm gào trong vài tiếng đồng hồ mà âm ỉ bao nỗi lo suốt hàng tuần lễ. Bên ngoài ai cũng mừng vì biểu hiện của nó cảm tưởng nhẹ nhàng thôi, nhưng trong lòng vẫn phải nín thở theo dõi diễn biến trong người mình và người thân từng ngày.

May sao nó đã là biến thể nhẹ hơn và may hơn nữa mọi người lớn đã được tiêm tối thiểu hai mũi vacxin. Ngẫm về điều này mới thấy nhịp nối toàn cầu và trách nhiệm của toàn nhân loại. Mới thấy sự dồn toàn lực vào tìm kiếm và tiêm vacxin cho toàn dân của Nhà nước là một quyết sách kịp thời. Tôi thấy một hệ thống y tế tạo ra và nhiều biện pháp phục vụ chống dịch rất hữu ích. Phường Túc Duyên của tôi, trong khối ủy ban có hai bạn trẻ Mơ và Ly đã lập ra nhóm chung tay phòng chống dịch trên zalo để kịp thời thông báo tình hình dịch chung trong tỉnh, đặc biệt cụ thể danh sách từng tổ trong phường đang mắc dịch và điều trị tại đâu; phổ biến cách dùng thuốc và tự theo dõi như thế nào; biểu hiện nào cần gọi cho y tế trực ngay. Việc làm đó thật hữu ích.

Khi cách ly tự điều trị tại nhà, y tế phường Túc Duyên phát cho từng người bản phổ biến những biểu hiện cần chú ý. Rồi cam kết thực hiện phòng chống dịch, đồng thời ghi rõ số điện thoại của nhân viên y tế khi cần. Trong mấy ngày đầu trọng điểm, tôi đã gọi thử hai cuộc đều có người nghe kịp thời. Như vậy là họ đã làm đúng theo qui định chứ không phải làm cho có. Làm được như vậy trong một cường độ và áp lực những ngày qua là một điều hết sức cố gắng của đội ngũ y tế phường. Thật sự họ đã dành được sự yêu mến và cảm phục của tôi.

Chưa biết bao giờ đất nước chúng ta và cả thế giới sẽ chấm dứt nạn dịch này. Chúng ta vẫn phải chung sống, phải làm việc trong môi trường còn dịch. Nhưng tôi vẫn nghĩ “cơn bão” Covid đã tạm qua và bao con người đã có những nỗi niềm riêng qua thử thách này. Tôi nghĩ đến tình người. Khi mắc bệnh, người bệnh phải cách ly cả với người thân, chỉ còn đội ngũ y tế là chỗ dựa tinh thần cho họ. Trong khi các nhân viên y tế cũng phải cách ly với gia đình và chịu nhiều áp lực khác, nếu không có tình người thì làm sao đội ngũ y tế chịu đựng được cường độ làm việc quá tải ngày nối ngày như vậy. Rồi sự chia sẻ của bao tấm lòng nhân ái. Họ đã góp tiền, thực phẩm và còn bao người xung phong lao vào cứu trợ vùng bị dịch.

Tôi nghĩ đến môi trường. Không một ai không nghe thấy và đã chứng kiến về sự biến đổi môi trường. Sự thải khí độc ngày một tăng, lá phổi xanh của quả đất ngày càng bị thu hẹp. Môi trường bị băng hoại thì thiên tai, dịch bệnh xuất hiện là điều tự nhiên. Con người đã dự báo, nhưng sự khắc phục vẫn còn chậm trễ. Qua những ngày dịch bệnh, tôi nghĩ đến sự chưa cân bằng trong lĩnh vực quan tâm đến sức khỏe con người. Những khu nhà cao tầng chót vót mọc lên khắp nơi, những sân chơi đầu tư hàng tỷ đồng. Đấy là dấu hiệu đi lên của đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội. Nhưng đâu đó vẫn còn sự tham ô, lãng phí công quỹ nhiều tỷ đồng. Đâu đó vẫn còn sự đầu tư theo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân gây ra sự lãng phí chưa thiết thực với nhu cầu cấp thiết của xã hội. Giá như những đồng tiền đó được đầu tư cho bệnh viện thì những bệnh nhân yếu đau, bệnh tật, khó ăn, khó ngủ, đau đớn không phải nằm ghép hai ba người một giường…

Nạn dịch toàn cầu và chiến tranh vẫn đang diễn ra. Tôi lại ước, giá như số tiền để sản xuất vũ khí hạt nhân, các loại bom đạn khác được đầu tư vào lĩnh vực khoa học vì sức khỏe của nhân loại thì con người hạnh phúc biết bao. Tôi biết những điều ấy chỉ là ước mơ thôi, vì trước mắt chiến tranh và dịch bệnh vẫn rình rập đâu đó từng ngày. Tôi cầu mong “cơn bão” này lắng dần để cuộc sống gia đình tôi và mọi người lại được bình yên. Với tôi, “cơn bão” Covid vừa qua làng cũng đủ lắng lại trong tôi bao điều suy ngẫm và chiêm nghiệm.

Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước