Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
15:10 (GMT +7)

Chiếc khuyên bạc của mẹ

Thuở bé, tôi là cái đứa ít ốm vặt, nhưng cứ hễ ốm là trận nào ra trận ấy, nhất là vào mùa hè. Ngày đó, chiếc khuyên bạc của mẹ tôi là một báu vật trong nhà. Có lẽ, anh em chúng tôi không thể bình yên lớn lên mà thiếu chiếc khuyên bạc của mẹ. Riêng tôi, luôn nghĩ về kỷ vật đó với lòng biết ơn.

Chiếc khuyên bạc của mẹ
Chiếc khuyên bạc của mẹ

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cảnh nhà đông con nên đôi vai mẹ tôi phải nặng gánh mưu sinh với biết bao bộn bề lo toan. Ngày hôm ấy, ngót ngét cũng hai chục năm trước, mẹ đi làm đồng về khi đã non trưa. Cái nắng gắt của tiết trời mùa hạ khiến khuôn mặt mẹ lựng đỏ, những giọt mồ hôi lấm tấm vương trên vầng trán mẹ. Chưa kịp uống hớp nước nào cho khỏi cơn khát, thì mẹ lại bắt gặp vẻ uể oải, mỏi mệt của mấy anh chị em tôi. “Chúng mày ốm hết cả thế này có khổ tao không?”. Vừa nói, mẹ vừa sờ tay lên trán tôi. Rồi mẹ vội chạy đi, một lát sau tôi thấy tấm khăn mặt ướt mẹ gấp lại đắp lên trán tôi. Mẹ bảo ở yên đấy để mẹ đi luộc trứng đánh gió cho. Đánh gió là cách nói khác của cạo gió hay bắt gió, nhưng nghe có vẻ ghê hơn. Ở vùng tôi, mọi người thường hay nói thế.

Sợi dây chuyền bạc mọi khi mẹ vẫn dùng để đánh gió bị mất, chưa kịp mua cái khác thay thế thì anh chị em chúng tôi đột nhiên ốm, cứ như rủ nhau cùng ốm. Thấy trong người mệt lử, miệng đắng ngắt, tôi vẫn nằm sõng soài ở giường, trong miên man mà nằm ngủ thiếp đi lúc nào không hay, khi mở mắt ra thì mẹ đã đang ngồi cạnh bên tôi. Chiếc nồi số tám đặt trong chiếc rế tre quen thuộc, hơi bốc lên khi tay mẹ mở nắp vung ra. Lúc này, tôi nằm thật im để mẹ đánh gió. Và mẹ đánh bằng cái khuyên bạc đi mượn từ hàng xóm.

Những cái quệt ngang trán rồi dọc từ trán thẳng xuống sống mũi tôi từ tay mẹ, có lúc mẹ mạnh tay khiến tôi mếu máo vì đau. Mẹ bảo tôi bị “trúng gió”. Tay mẹ thoăn thoắt và dứt khoát, như thể muốn giúp tôi chóng hết đau, muốn gió độc trong cơ thể tôi được tống khứ ra ngoài, cuốn xéo đi thật xa. Mẹ quệt phần trán trước vì thấy tôi bảo “con thấy đau đầu lắm”. Bỗng chốc, cảm giác trong người tôi dễ chịu hơn hẳn. Tôi thoáng nghĩ: Mẹ giỏi thật! Mẹ giống như một bác sĩ, chỉ khác là mẹ không mặc chiếc áo blouse như họ thôi.

Tôi chẳng nhớ mẹ đã từng quệt bao nhiêu lượt trên trán mình, chỉ biết rằng cơ thể tôi như vừa được nạp vào người thứ thần dược vậy. Tôi nhớ mình đã cười “hì” một cái trước khi buông câu “Con khỏi rồi mẹ, không phải đánh cho con nữa đâu”. Có một nụ cười chớp nhoáng của đứa con gái là tôi khi ấy, chẳng biết mẹ có kịp thấy không? Tôi vừa dứt lời thì mẹ đã ngăn luôn: “Chưa được, còn phải đánh nữa, cứ nằm yên đấy”.

Nỗi muộn phiền hằn sâu trong ánh mắt mẹ. Nói rồi mẹ tôi gỡ chiếc khuyên bạc từ trong chiếc khăn mùi soa. Tôi nhìn thấy những mảnh nhỏ li ti của lòng trắng trứng bám vào xung quanh, do quệt đi quệt lại nên hai nửa lòng trắng ấy cũng đã dần vụn ra. Chiếc khuyên màu đen sì giơ trước mắt tôi, mẹ bảo tôi lát nữa chịu khó nằm sấp xuống để mẹ đánh cả phần sau lưng, thế mới mong đỡ được. Khi ấy, nồi nước có phần hạ nhiệt, kinh nghiệm mẹ dặn tôi là phải tranh thủ đánh thật lực khi nước còn nóng bỏng, trứng còn chưa nát, mới phát huy tác dụng. Mẹ lại lọ mọ bắc nồi xuống dưới bếp, đun ù nó bằng thứ rơm khô trên chiếc kiềng ba chân, tiện tro bếp sẵn đó, mẹ đã lấy nó kỳ, cọ sát vào khuyên để làm sạch chiếc khuyên thành màu trắng sáng. Khi tôi tỉnh táo hơn, mẹ không quên đưa cho tôi phần lòng đỏ trứng gà mà bảo tôi ăn. Rồi mẹ tận tay nấu cho anh em tôi nồi cháo hoa. Cầm bát cháo trên tay mà lòng tôi thấy rưng rưng. Ánh mắt mẹ trìu mến nhìn tôi, ôn tồn động viên “cố mà ăn vào”. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ khiến lòng tôi thấy được an yên trong vòng tay của mẹ.

Ngày còn thơ, trông tôi còi lắm! Nhẹ tòm. Thế nên, cô giáo đã từ chối tôi vào học lớp mẫu giáo lớn. Vì lý do đó, mà tôi bị học muộn hơn một năm so với các bạn đồng tuổi. Có lẽ, cũng bởi thế mà mẹ cũng hay lo lắng, chăm sóc tôi hơn kể từ năm ấy. Bây giờ, nhiều người gặp lại tôi với thân hình béo mầm, hẳn sẽ là một bất ngờ với họ.

Mẹ dành quan tâm tới tôi phần hơn, còn anh chị lớn, mẹ để tự túc. Mẹ giục anh, chị của tôi đánh thật kỹ cho mau khỏi, để mẹ còn mang khuyên đi trả. Hồi ấy, xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Cái gì có thể vay, mượn được thì mọi người đều sẵn lòng giúp. Nhưng, để đảm bảo nhất, mẹ tôi vẫn cứ mong ước mua được một chiếc khuyên như thế, cốt là để đề phòng trong nhà khi có người ốm. Bởi mẹ nghĩ, đâu thể cứ đi mượn mãi như vậy được.

Năm tháng qua đi, biết bao những trận ốm tôi không hề biết đến dùng thuốc Tây là gì, không một mũi tiêm, cũng chẳng truyền nước. Chỉ bằng những vị thuốc dân dã, sẵn có trong vườn nhà mà người xưa truyền lại, mẹ tôi nhớ và làm theo. Khi thì uống lá nhọ nồi giã lấy nước, bã đắp trán, chườm khăn ấm và lau người để đỡ sốt, khi lại xông nước lá thập cẩm như lá sả, lá bưởi, gừng,... Song, lấy khuyên bạc đánh gió là cách mẹ tôi hay dùng nhất. Thật tâm, khi giờ tôi được làm mẹ, mỗi khi con tôi ốm bệnh, tôi mới càng thấm thía biết mấy những nhọc nhằn của mẹ tôi thuở trước.

Đã có lúc tôi ngồi một mình, ngoái nhìn về khoảng trời ký ức của tuổi thơ. Nhớ những trưa hè oi ả, trốn giấc ngủ trưa, tôi hòa vào cùng lũ bạn, cứ túm năm tụm ba, nào đánh khăng, nào chơi chuyền, nào truy lùng tổ chim nơi bụi tre, bờ ao. Là con gái mà cứ mê chạy theo chân anh trai đi xem đánh cù, bẫy chim. Để rồi, đằng sau những thú vui hấp dẫn, mê mẩn ấy là lúc tôi thò lò mũi dãi, sốt ngày, sốt đêm khiến mẹ lo lắng, thao thức vì tôi. Có lần, khi mẹ đánh gió cho tôi, mà tôi vẫn như mơ màng nghĩ về những trận đánh khăng bất phân thắng bại, vì hai đội tham gia chơi quá ư là đỉnh. Ngày đó, đúng là chỉ có kỳ nghỉ hè kéo dài suốt ba tháng, chẳng phải lo chuyện học hành, bọn trẻ như chúng tôi mới có dịp quậy phá, tung tẩy nô đùa, vui chơi thỏa thích đến như thế.

Từng là một đứa bé ham chơi, vốn có phần được cưng chiều, chợt một ngày cô bé ấy dường như được ngộ ra, lòng chợt thương dáng mẹ hao gầy bước đi trong mỗi chiều mưa, rồi lòng tự dặn lòng, sẽ bớt thói ham chơi, quan trọng hơn là tôi cần phải tự biết chăm sóc bản thân khi thấy cơ thể bất ổn, không còn tư tưởng cậy trông vào mẹ nữa.

Tôi không có thói quen kêu toáng hay rên rỉ mỗi khi bị mệt mỏi, cứ cố vượt qua, khi không còn sức chịu đựng, tôi mới tìm cách tự cứu mình làm sao để thoát khỏi trạng thái ấy. Cái cảm giác không muốn làm phiền, nhờ vả tới người khác là một suy nghĩ lệch lạc của tôi ngày ấy. Lâu dần, nó đã trở thành bản tính vừa không tốt, vừa khó thay đổi. Có lần, khi bệnh tình của tôi trở nên trầm trọng, mọi người xung quanh biết thì lúc đó đã không còn là ốm qua loa nữa. Và chắc chắn lúc ấy, chiếc khuyên bạc không còn là thứ mà mẹ tôi nghĩ đến đầu tiên để chữa trị cho tôi. Đó phải là tới trạm xá, là đến bệnh viện kia. Tôi biết rằng, người đau lòng nhất lúc đó là mẹ. Tôi thấy mình như có lỗi và thấy thấm dần cảm giác về tác hại của sự im lặng, không phải mọi sự im lặng đều là tốt.

Ngày còn là học sinh, có ai là không háo hức mong chờ tới ngày bế giảng. Tôi cũng giống những người bạn của mình, cũng hồi hộp cho tới ngày 31 tháng 5 lắm. Nhưng rồi, trong tôi bây giờ có chút ngậm ngùi, tiêng tiếc, khi đúng hôm ấy tôi bị ốm rất nặng, chẳng thể cùng nhau nắm tay các bạn và tạm biệt các thầy cô giáo đã dìu dắt chúng tôi suốt bốn năm học cấp hai, để tạm rời xa mái trường, đến với những chân trời mới. Có những người bạn từ bấy đến nay, tôi chưa một lần gặp lại. Một người sống bằng những hoài niệm như tôi, luôn nghĩ rằng, mọi điều diễn ra hôm nay đều có thể trở thành một phần của ký ức mai này. Bởi thế, dù vui hay dù buồn, cũng đều đáng để trân trọng cả.

Còn nhớ, ngày mà mẹ tôi sắm được chiếc khuyên bạc, không phải thứ đồ dùng mẹ mua riêng cho bản thân mẹ, vậy mà mẹ tôi vui lắm. Cảm tưởng, mẹ tôi coi chiếc khuyên ấy như một người thân trong nhà của mình, cần phải được mọi thành viên được biết và trân trọng. Mẹ mừng ra mặt và nói như vừa để khoe, vừa để nhắc với anh chị em tôi như một lời thông báo. Chiếc khuyên được mẹ tôi chọn cất cố định một chỗ, nơi góc chiếc chạn bát đặt cạnh bếp. Dễ nhìn khi tìm, dễ lấy khi cần.

Chiếc khuyên ấy hình tròn, chất liệu được làm từ bạc. Mặt lồi nhẵn bóng, mặt lõm có khắc một chữ Trung Quốc. Tôi được biết, chữ đó đọc là “Phú”, dịch ra tiếng Việt nghĩa là Phúc. Tôi có tìm hiểu và biết một chút về tiếng Trung Quốc, do trước đây tôi từng được học học phần Hán Nôm. Chữ Phúc (福)có cấu tạo từ bốn bộ thủ: Bộ thủ bên trái là bộ thị (礻); bộ thủ bên phải gồm bộ miên (宀), bộ khẩu (口) và bộ điền (田). Chữ được viết theo quy tắc: trái trước, phải sau, trên trước, dưới sau. Trong tiếng Trung, chữ Phúc mang ý nghĩa cho sự tốt lành, may mắn.

Trải qua không biết bao lần “đánh gió”, chiếc khuyên của mẹ giờ đây không còn tròn vo và bóng sáng, như lúc ban đầu tôi được cầm trên tay khi mẹ mới mua về. Nó vênh vao một chút, chữ Phúc cũng không còn được rõ nét, một phần bộ miên và bộ khẩu bị phai mờ. Cũng phải, những vết xước trên thân chiếc khuyên là kết quả của việc mẹ tôi dùng tro bếp thoa lên, để cọ sạch lớp đen bám trên khuyên.

Thật trùng hợp, mẹ tôi cũng tên là Phúc, biết là việc sản phẩm tạo ra là do từ phía nhà sản xuất. Nhưng, sao tôi vẫn cứ có cái ý nghĩ, rằng mẹ tôi và chiếc khuyên ấy thật hữu duyên đó chứ. Thời buổi khó khăn, lo ăn cho no, mặc cho ấm thì việc trong nhà có một chiếc khuyên bạc là quý lắm. Bao thứ mẹ phải chi tiêu, lo liệu, ấy vậy mà mẹ vẫn dứt khoát mua cho bằng được mới chịu. Mọi người trong gia đình tôi từ đó, cứ mỗi khi cần dùng tới chiếc khuyên thì chẳng ai bảo ai, cứ như lời mẹ tôi đã dặn, tìm đến đúng vị trí cất mà lấy dùng.

Có khuyên mà không có trứng gà, thật chẳng khác gì có đèn để thắp mà lại hết dầu để tra. Thế nên, trứng gà của nhà, mẹ tôi mặc định là luôn để dành. Phòng bị là thế, ấy vậy mà vẫn có lúc trứng không đủ dùng. Có lúc, tôi vẫn hay bắt gặp mọi người cạo gió cho nhau bằng thứ dầu nóng hoặc rượu. Có vẻ hiệu quả thì ngang nhau, nhưng dùng trứng ưu điểm là không để lại những vết bị bầm tím trên da như dùng hai thứ kia.

Xã hội phát triển, y học hiện đại, cũng có những thay đổi trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Thay vì áp dụng kinh nghiệm dân gian như ngày trước, hiện nay, nhiều loại thuốc tân dược có chất lượng hiệu quả, các cơ sở khám chữa bệnh mọc lên nhiều, sẽ có nhiều sự lựa chọn cho mọi người. Song, cách làm xưa cũ của mẹ mỗi khi tôi bị trái gió trở trời, vẫn còn được con cháu của mẹ áp dụng, miễn sao thấy hợp lý. Chiếc khuyên như một kỷ vật của mẹ để lại, anh trai tôi giữ gìn cẩn thận, như cái cách mẹ tôi từng trân quý nó một thuở.

Đã bao mùa hè đi qua, mẹ tôi cũng đã khuất bóng. Ký ức của đứa trẻ như tôi về những ngày ốm được mẹ kề bên chăm sóc, trong những năm tháng còn có vòng tay chở che của mẹ ngày nào, sẽ mãi là mảng ký ức chẳng thể xóa nhòa. Biết bao chiếc khăn mùi soa, biết bao đôi lòng trắng trứng gà đã từng song hành cùng chiếc khuyên bạc năm xưa, biết bao cái “quệt gió” từ tay mẹ nơi vầng trán tôi. Tất cả như hằn in trong dòng hồi ức nơi tôi, cứ mỗi độ hè về lại như được đánh thức.

Một chiều, tôi trở về nhà - nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Tôi bắt gặp đứa cháu gái đang ngồi chờ đánh gió. Cầm chiếc khuyên của mẹ đặt trong lòng bàn tay mình, lòng tôi lại se sắt những nhớ thương vô bờ. Tuổi thơ tôi trôi qua, nó không đủ dữ dội như trăm ngàn con sóng xô bờ nơi biển cả, nhưng cũng đủ vọng nên những náo động nơi tim mình mỗi khi hoài niệm, về một thời đã xa lắc xa lơ. Tôi thấy, mình như vừa được gặp lại chính mình của bấy nhiêu năm qua...

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đêm huyền minh

Văn xuôi 3 ngày trước

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 tuần trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 2 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 2 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 2 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 2 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 3 tuần trước