Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:24 (GMT +7)

Chiếc ấm trà tử sa – Tiêu Kiến Quốc (Trung Quốc)

Ở phía tây Dương thành có một quán trà Như Ý chuyên kinh doanh các loại trà và đồ uống trà. Quán có hai nhân viên phục vụ, người già là lão Hoàng, khoảng hơn 50 tuổi phụ trách việc mua bán; người trẻ là A Khang làm các việc vặt.

Ông chủ quán hàng lúc còn sống rất coi trọng lão Hoàng bởi vì lão là người có kinh nghiệm. Khi xem trà, lão Hoàng không bao giờ hỏi người bán, cũng không pha thử mà lão chỉ nhón một ít trà để vào lòng bàn tay, sau đó úp hai bàn tay vào nhau hà một hơi thật mạnh rồi đạy lại, một lúc sau đưa lên mũi, hai mắt kim kíp hít một hơi mạnh là có thể nói đây là chè vùng nào. Người bán chè nghe lão Hoàng nói chỉ còn biết mở to mắt khâm phục và vui lòng nhận tiền theo giá lão đưa ra.

Bây giờ ông chủ đã mất, con trai ông chủ là Tiểu Đông kế nghiệp. Tiểu Đông có phần không ưa lão Hoàng, điều này cũng không trách được vì lão Hoàng lưng đã còng, tóc đã bạc, sức khoẻ mỗi ngày một yếu chỉ còn được đôi mắt là vẫn còn sáng, người như thế đứng trong quán hàng sẽ làm mất thể diện của quán.

A Khang cũng nhìn ra ý của Tiểu Đông, nhân lúc lão Hoàng không có nhà, A Khang nói với Tiểu Đông là mình muốn đứng ở vị trí của lão Hoàng mà chỉ nhận tiền lương bằng nửa của lão thôi. Lúc đầu Tiểu Đông có ý do dự sợ rằng A Khang không làm được công việc của lão Hoàng.

A Khang nói: “Làm việc buôn bán là dựa vào sự nhanh nhẹn linh hoạt, mua hai bán ba, lãi nhỏ bán chạy là thu lợi lớn”. Tiểu Đông nghe A Khang nói có lý nên chấp thuận. Khi lão Hoàng về quán, thấy A Khang mặc áo dài đứng trong quán mời chào khách, hiểu ra sự việc là thế nào rồi, lão thở một hơi dài cầm lấy cái chổi đi vào nhà trong.

Sự thay đổi này làm lão Hoàng ăn không ngon bởi vì người đã có tuổi mà phải làm việc nặng như xách nước, bổ củi mệt đến bở hơi tai, có lúc mồ hôi ròng ròng…

Tiểu Đông lại như không nhìn thấy điều đó, có lúc thấy lão Hoàng chậm chạp còn thúc giục lão. Lão Hoàng hiểu là Tiểu Đông muốn đuổi lão về quê. Lão lẩm nhẩm tính toán thấy còn gần ba tháng nữa là hết năm, thôi đành cắn răng chịu đựng đến cuối năm vậy. Không ngờ nửa tháng sau lão Hoàng lâm bệnh. Điều này làm Tiểu Đông vô cùng lo sợ: Nhỡ ra lão Hoàng có thế nào mình không những tốn tiền tốn của mà còn làm cho quán hàng bị xui xẻo. Chỉ khi thầy thuốc nói là bệnh của lão Hoàng do nội tâm mà phát ra, điều dưỡng một thời gian sẽ khỏi, Tiểu Đông mới yên tâm.

Khi lão Hoàng khỏi bệnh, số tiền thuốc thang trừ hết mấy tháng tiền công mà lão Hoàng vẫn còn nợ nhà Tiểu Đông một khoản không nhỏ nữa. Tiểu Đông tỏ ra nhân nghĩa nói: “Lão làm cho nhà tôi mấy chục năm rồi, số tiền nợ không cần phải trả, khi nào khỏi hẳn ông về quê mà dưỡng lão”.

Lão Hoàng rất bình tĩnh nhìn Tiểu Đông nói: “Nợ thì phải trả, nếu không thì tôi có về với tổ tiên cũng không an tâm. Thế này vậy: Sau ba ngày nữa anh cho tôi đứng bán một ngày, tôi sẽ cố gắng thu được nhiều tiền hơn ngày thường để có tiền trả nợ và lấy ít tiền lộ phí về quê có được không?”.

Tiểu Đông nghe vậy, trong lòng nghĩ: Ba ngày tới có ngày lễ gì nhỉ? Đông chí đã qua rồi, tết dương lịch lại chưa đến, vậy có khác gì ngày thường đâu? Thôi thì để cho có tình người và để cho lão Hoàng được mãn nguyện, Tiểu Đông gật đầu đồng ý.

Đến ngày thứ ba, Tiểu Đông cũng vì tò mò mà dậy sớm ra phố dạo xem và ngạc nhiên thấy các nhà của người phương Tây đều dán hình một ông già đội mũ đỏ. Hỏi ra mới biết hôm nay là ngày lễ Chúa giáng sinh của người phương Tây và nghe nói ngày này họ rất hào phóng trong chuyện mua bán. Tiểu Đông nghĩ thầm: Thật là hiểm, suýt nữa thì bị lão Hoàng chiếm mất cơ hội. Tiểu Đông về quán hàng đã thấy lão Hoàng mặc áo dài, dáng vẻ phấn chấn đang đứng cùng với A Khang đón khách. Đúng là hôm nay người nước ngoài đến mua hàng nhiều nhưng khách đến đều bị A Khang đứng phía trước giành mất, có lúc nhiều khách A Khang đang bận thì Tiểu Đông lại đích thân đón khách, cố ý không để cho lão Hoàng có cơ hội, lão Hoàng thấy vậy chỉ biết nở nụ cười gượng gạo.

Đến buổi chiều có một vị khách người Anh, Tiểu Đông biết vị khách này. Ông ta tên là Cmutơn, một người am hiểu văn hóa Trung Quốc. Cmutơn xem trà và xem các bộ đồ trà, xem một lượt rồi lắc lắc đầu tỏ vẻ chưa tìm được thứ mình ưng ý. Trong lúc Cmutơn xem hàng, A Khang luôn bám theo sau. Khi đến giá bày các bộ đồ trà đời nhà Thanh, Cmutơn đều cầm các bình trà lên gõ thử, ngửi ngửi rồi lấy tay sát sát đáy các bình trà vài lần. Ông ta nói như bâng quơ: “Những đồ này đều là đồ giả, âm tạp, vị tanh, có gờ, tôi cần bình trà Nghi Hưng chính thống”. Nghe Cmutơn nói, A Khang chỉ biết ngẩn người đứng yên, còn Tiểu Đông cũng không biết nói thế nào.

Cmutơn nhún vai quay người định đi ra thì lão Hoàng bỗng thốt lên: “Cmutơn tiên sinh, chờ cho một chút”. Cmutơn ngoái đầu lại nhìn lão Hoàng vẻ nghi ngờ. Lão Hoàng cười hỏi Cmutơn: “Nếu là đồ thứ thiệt ông có thể chịu được giá tiền không?”. Cmutơn chỉ ra chiếc xe đỗ ngoài cửa, nói vẻ tự tin: “Tiền không thành vấn đề”.

Lão Hoàng gật gật đầu đi vào nhà trong, mang ra một chiếc bình trà. Nhìn chiếc bình trà, Tiểu Đông và A Khang cười suýt rơi cả răng vì đây là chiếc bình trà mà mấy năm trước một thương nhân Nghi Hưng gửi biếu mừng thọ ông chủ 60 tuổi nhưng khi quà được gửi đến thì ông chủ đã qua đời.

Nhìn mặt ngoài chiếc bình rất đẹp, nhưng đáy bình có một vết nứt, tuy không dò nước nhưng không có ai mua. Tiểu Đông đã định vứt nó đi nhưng lão Hoàng giữ nó lại. Bây giờ chiếc bình trà có màu đen sẫm, sáng bóng đang ở trước mặt Cmutơn.

Cmutơn vừa nhìn đã trợn tròn mắt. Đây là một chiếc bình trà Tử Sa bụng phình như cái trống, quai tay cầm tròn trịa. Bên ngoài có khắc 24 hàng chữ, dưới đáy có khắc 5 chữ: “Bình sinh nhất phiến tâm” (Cả đời một tấm lòng).

Cmutơn dùng đốt ngón tay giữa gõ gõ vào ấm thấy phát một thứ âm thanh trong trẻo. Khi dùng mu bàn tay lướt nhẹ qua miệng bình thì ngoài cảm giác trơn bóng còn có một cảm giác mát mẻ như sờ vào da con người. Cmutơn đọc các dòng chữ khắc trên bình, từng chữ từng dòng như có sự cuốn hút mê hồn. Cmutơn trầm ngâm một lúc lâu mới nói: “Đây là chiếc bình trà tam tuyệt”.

Nghe Cmutơn nói Tiểu Đông và A Khang đều không hiểu thế nào cả.

Lão Hoàng nhìn Cmutơn mỉm cười hỏi: “Sao ông lại khẳng định đây là bình trà tam tuyệt?”, Cmutơn không cần suy nghĩ nói: “Cái tuyệt thứ nhất là dáng bình, dáng này do Tể tướng Trần Hồng Thọ thời đời Thanh vẽ kiểu, bình có tính hoang dã thổ mộc. Cái tuyệt thứ hai là bài thơ nổi tiếng vịnh về trà của nhà thơ Lô Đồng đời Đường khắc trên bình trà. Cái tuyệt thứ ba là bình này do nghệ nhân Nghi Hưng Diệp Thời Xuân làm ra. Chiếc bình này tập hợp được ba cái tuyệt nên gọi là “Bình trà tam tuyệt”.

Những lời giải thích của Cmutơn làm Tiểu Đông và A Khang cứ há hốc mồm ra nghe mà không hiểu thật hay giả, còn lão Hoàng vừa cười vừa chìa ra ngón tay cái, nói: “Cmutơn tiên sinh quả nhiên thông hiểu văn hóa Trung Quốc, nhất là hiểu rất sâu sắc về văn hóa uống trà, thật đáng khâm phục”.

Sau đó Cmutơn lại yêu cầu pha thử trà, đây là phương pháp kiểm tra hiệu quả nhất với bình trà.

Lão Hoàng xắn tay áo, nhón một ít trà bỏ vào trong ấm rồi rót nước sôi vào. Một lúc sau hơi nóng bốc lên, vị trà từ trong bình trà phả qua vòi ấm thơm nức cả phòng. Lão Hoàng từ từ rót một tách đưa cho Cmutơn, Cmutơn cũng từ từ nhấp một hớp, chỉ thấy sau một luồng hơi nóng là vị ngọt đậm đà ở đầu lưỡi. Cmutơn không kìm được cảm giác khoan khoái, thốt lên: “Bình tốt, trà ngon!”.

Cmutơn hỏi lão Hoàng bình trà này bán bao nhiêu thì lão Hoàng không nói mà chỉ chìa ra một ngón tay. Tiểu Đông thấy vậy trong lòng nghĩ sao cái bình nứt này mà đòi lấy của người ta những một ngàn đồng thì thật là viển vông. Nhưng không ngờ Cmutơn lại gật đầu trả lời: “Tôi đồng ý mua”, nói xong lấy ra một ngàn đồng đặt trên quầy hàng.

Lão Hoàng lại không tỏ ra vui mừng, nói với Cmutơn: “Chiếc bình này quả là rất đẹp nhưng ông xem chưa kỹ. Đây là bình giả do người ta bắt chước làm ra, nó không phải là “Bình trà tam tuyệt” đâu. Ông bỏ ra ngần ấy tiền mà không sợ bị lừa à?”. Tiểu Đông nghe lão Hoàng nói mà như bị dội một gáo nước lạnh, suýt nữa ngất xỉu, bởi vì có ai làm nghề buôn bán mà lại tự nhận mình bán hàng giả đâu?

Cmutơn nhìn lão Hoàng rồi cười rất vui vẻ, nói: “Hoàng sư phụ là người ngay thẳng thật thà, nếu cái bình này là “Bình trà tam tuyệt” chính thống thì nó sẽ là vật báu của Nhà nước, mà người hiểu biết như Hoàng sư phụ sẽ không đem bán nó. Tôi biết nó là hàng giả, nhưng kỹ nghệ để làm giả nó cũng đáng tiền, cái chủ yếu là tôi đã tìm ra cái chìa khóa để mở ra nền văn hóa uống trà của Trung Quốc từ cái bình này, đây là cái quý vô giá. Hoàng sư phụ ạ, vì sự thật thà của ông, tôi quyết định từ nay về sau sở của tôi sẽ đều đến đây mua trà của ông.

Cmutơn nói xong cầm lấy bình trà ra xe đi ngay. Lão Hoàng cũng đã chuẩn bị sẵn hành lý từ lúc nào, lão vái chào Tiểu Đông rồi chỉ cầm lấy 100 đồng từ trên mặt quầy hàng và bước nhanh ra khỏi quán.

Lát sau, Tiểu Đông mới như tỉnh cơn mê, bảo A Khang đuổi theo. A Khang lắp bắp nói: “Ô tô của người Tây đi nhanh như thế đuổi thế nào được?”. Tiểu Đông giậm chân quát: “Anh là thằng ngốc, tôi bảo anh đuổi theo lão Hoàng, ông ấy mới là vật báu vô giá!”.

Tiểu Đông vội chạy ra ngoài nhưng đã không thấy bóng dáng của lão Hoàng đâu nữa.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Nguồn:  Storychina.cn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước