Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
10:07 (GMT +7)

Chất “MỘC” của “Khoảnh khắc trong tôi”

Tay máy lão thành Vương Minh Lập vừa trình làng 55 bức ảnh nghệ thuật qua triển lãm cá nhân “Khoảnh khắc trong tôi”. 70 tuổi, mới cho ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên, ông hoàn thành triển lãm cũng như lời khẳng định, với ông nhiếp ảnh thực sự là một phần của cuộc sống, sự cần mẫn đam mê của người cầm máy sẽ đánh bay tuổi tác.


 

1.Không gian tự nhiên hòa quyện cùng ánh sáng trời của sảnh Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam càng như tôn thêm những nét nghệ thuật từ mỗi khoảnh khắc trong ảnh. Và chắc chắn khi dạo một vòng triển lãm “Khoảnh khắc trong tôi” nhiều người không khỏi giật mình vì một lẽ, ở cái tuổi thất thập cổ lai hi ấy vậy mà bàn chân Vương Minh Lập đã in dấu khắp nẻo đường của đất nước. Cảnh vật, con người từ bản làng vùng cao cho tới nơi đô thị sầm uất đều hiện diện qua ảnh Vương Minh Lập. Mỗi góc máy ông chụp là khoảnh khắc ngưng đọng của thời gian, là hình ảnh chân thực của đời sống, thể hiện bản ngã của ông trước sự chuyển động của nhân sinh.

Với cách sắp xếp hài hòa, tạo những điểm nhấn, 55 bức ảnh tại triển lãm đã đem đến cho người xem những rung động thú vị. Từ những tác phẩm ấy người xem không khỏi ngỡ ngàng bởi những góc nhìn giản dị, rất “đời” được tay máy Vương Minh Lập chắt lọc qua ống kính. Để có được những bức ảnh đó quả thật người chụp phải có sự nhạy cảm đến nhường nào, và hơn hết là một tâm hồn luôn giao hòa, biết tận hưởng từng khoảnh khắc sống động của thế sự.

Hay chụp những góc ngang máy, thuận mắt, nhưng ảnh về sinh hoạt đời thường của Vương Minh Lập vẫn không kém phần mới mẻ. Cái hấp dẫn trong tác phẩm ở triển lãm chính là chất “mộc” rất “đời” của khuôn hình và thần thái nhân vật. Để làm được điều đó nếu không chịu khó đi sâu khám phá đời sống, sinh hoạt của người dân thì không thể có được. Vì vậy, khi xem ảnh của Minh Lập người xem luôn có cảm giác những khoảnh khắc ấy đã từng gặp đâu đó ngoài đời. Đấy là hình ảnh một cụ già dân tộc đôi tay đang trau chuốt làm nghề truyền thống; là giây phút giải lao thoải mái trên nương cùng nụ cười tỏa nắng của hai thiếu nữ dân tộc; hay niềm vui của những cháu học sinh dân tộc đi học về; hội giã bánh giầy ở Mộc Châu...

Hẳn người xem triển lãm không khỏi thích thú khi chứng kiến một bức ảnh khá đơn giản, một thanh niên người Mông với động tác trồng chuối múa kèn, trong tác phẩm “Nghệ nhân”. Đây là bức ảnh thu hút khá đông người xem tại triển lãm. Khi ngắm tác phẩm này NSND Lê Khình thích thú: Tôi tâm đắc với bức ảnh này lắm! Bức ảnh thể hiện một động tác rất khó trong múa sô lô của người Mông. Người Mông phát triển điệu múa dân gian của họ đến mức độ có những động tác cực khó như: trồng chuối, lăn lộn, nằm ngửa… Và múa không chỉ thể hiện nghệ thuật mà người Mông còn coi nó như trò thi phô diễn tài năng, nhất là động tác múa của người đàn ông. Họ vừa múa vừa thổi kèn, vừa nhào lộn với những động tác võ thuật. Bức ảnh thật thú vị! Qua đó mới thấy người chụp đã rất kỳ công và bắt đúng cao trào trong một động tác múa dân gian rất khó của người Mông để bấm máy. Và khi xem ảnh chỉ cần nhìn một động tác của người múa đó thôi đã khái quát được những điểm cơ bản trong đặc trưng văn hóa múa Mông, vừa thổi kèn vừa múa… đầy tính nghệ thuật và kỹ thuật cao, kết hợp giữa vũ đạo và võ thuật.

Nghệ nhân

Không phô trương, gai góc, rất ít những góc máy độc, lạ… nhưng những tác phẩm đề tài cuộc sống sinh hoạt chiếm số lượng vượt trội trong triển lãm vẫn luôn đem tới những cảm xúc lạ cho người xem. Và có lẽ chính những bức ảnh đó đã lột tả con người Vương Minh Lập, một người giản dị, hiền lành, điềm tĩnh, chân thành, nhưng luôn ẩn chứa những khát khao, nhiệt thành với cuộc sống.

Ngoài tác phẩm “Nghệ nhân”, tác phẩm “Hoa của thép” cũng gây ấn tượng mạnh khi ngắm nhìn. Không cần tăng màu sắc, độ tương phản nhưng đứng trước bức ảnh này ta vẫn thấy rõ sự lung linh huyền ảo và rất thật. Những ánh thép trong lò luyện tạo ra một hòa sắc tuyệt diệu. Muôn vàn hạt lửa thép bung ra, tỏa sáng trong không gian với nhiều sắc độ đậm nhạt. Những hạt lửa ấy tung bắn, hòa quyện như một vũ điệu cuồng say, của những ánh sao li ti đang ào ạt, tuôn chảy. Trên nền sáng đó bừng lên thế đứng khỏe khoắn, dũng cảm và cần mẫn của người công nhân luyện thép đang làm việc. Vẻ đẹp gần gũi và chân thực, chỉ một khoảnh khắc đơn sơ nhưng đã tạc nên được biểu tượng người thợ trong lao động dựng xây Tổ quốc.

Hoa của thép

2. Từng là người lính đã đi qua cuộc chiến, phải chăng những năm tháng tuổi trẻ sống, chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn lịch sử, thuộc đoàn 559 chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ đã hình thành trong ông cái nhìn bao dung, bình dị và thuần mộc. Đằng sau những tác phẩm của Vương Minh Lập ta còn nhìn thấy những câu chuyện, những số phận, những mảng sáng tối của văn hóa vùng miền, nhất là vùng đất biên cương phía Bắc. Đó là những mảng màu trầm của đá núi, của kiến trúc bên phố cổ Đồng Văn trong “Chợ sớm”, Em bé vùng cao ở Mèo Vạc và Xín Mần (Hà Giang), những ruộng bậc thang, những cung đường cua tay áo của Tây Bắc hùng vĩ…

Nói về chất “mộc” trong ảnh của Minh Lập, họa sĩ Hoàng Báu, Chủ tịch Hội VHNT thành phố Thái Nguyên cảm nhận: Với đề tài sinh hoạt, mỗi bức ảnh Vương Minh Lập thật sự là một khoảng lặng đáng nhớ. Cuộc đời này dường như ai cũng bận rộn, lo toan, ngày qua ngày lao vào công việc. Những khoảng lặng trong ảnh của ông đã khơi gợi, nói hộ tiếng lòng của người xem: Có lúc nào đó dừng chân, bất chợt ngỡ ngàng nhận ra trong sự toan tính mà quên đi những gì là giản dị nhất, bình thường nhất ấy lại đem đến cho chúng ta nguồn cảm hứng, niềm vui và xoa dịu những vết thương thường nhật của cuộc đời.

Như mẹ hiền

Còn NSNA Trịnh Việt Hùng thì đánh giá khá cao bộ ảnh tại triển lãm. Anh cho biết: Đối với tôi, những bức ảnh trong triển lãm đều là những bức ảnh rất tốt để phục vụ cho xã hội cũng như tôn vinh mảnh đất con người Thái Nguyên. Vương Minh Lập chụp phong cảnh cũng rất đẹp nhưng ông thành công trong những tác phẩm đời sống sinh hoạt. Với đề tài này ông đã chạm vào được những nét đời thường nhất, thể hiện tốt cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân. Để chụp được những nét đó không hề đơn giản. Vương Minh Lập chụp rất thật, chụp trên hiện trường không có sự dàn dựng sắp xếp. Ảnh của ông không chắp ghép, photoshop, đây là điểm tốt của nhiếp ảnh cổ điển rất cần phát huy.

Người xem tại triển lãm

Đến với nghệ thuật nhiếp ảnh khi đã lớn tuổi, năm 2010 ông mới là thành viên Chi hội Nhiếp ảnh Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, và 70 tuổi, mới cho ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên. Ở cái tuổi thất thập đó nhiều người khó tưởng tượng nổi Vương Minh Lập “dám” tổ chức một triển lãm. Nói về điều này ông xúc động: Bắt tay vào làm tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tổ chức trưng bày. Tuy nhiên, khi biết tin tôi sắp mở triển lãm cá nhân, bạn bè, người thân và các tổ chức Hội VHNT trong tỉnh đã hết lòng ủng hộ, nên triển lãm đã thành công ngoài mong đợi. Là một người con đất Thái Nguyên, tôi làm triển lãm này để góp một phần nhỏ bé nhân kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh, 59 năm Ngày thành lập thành phố Thái Nguyên. Và hơn hết tôi muốn “báo cáo” kết quả sáng tác, công bố với mọi người rằng mình vẫn đang cầm máy, luôn sẵn sàng dấn thân để săn lùng cái đẹp.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy