Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
07:53 (GMT +7)

Cây gạo cuối sân trường

Truyện ngắn. Hồ Thủy Giang

Hưng lặng lẽ chọn một chỗ ngồi kín đáo. Hôm nay là ngày kỉ niệm năm mươi nhăm năm ngày thành lập trường. Học sinh của mấy chục khóa từ các tỉnh cùng một lúc đổ dồn về trường cấp III phố huyện.

Là một học sinh của khóa đầu tiên, Hưng cảm thấy bỡ ngỡ vì xung quanh toàn những gương mặt không quen biết. Cựu học sinh khóa học của Hưng có lẽ không còn nhiều. Những năm tháng chiến tranh, rồi cuộc sống đầy những khó khăn trong thời bao cấp khiến mọi người tứ tán khắp bốn phương, cũng có nhiều người đã hi sinh ngoài mặt trận hoặc qua đời vì bệnh tật. Lòng Hưng thoảng một chút bùi ngùi.

Hiệu trưởng nhà trường bước lên bục. Một thày giáo còn rất trẻ. Hưng chạnh nghĩ, hồi học ở đây, thày hiệu trưởng của nhà trường đã ngót sáu mươi, tóc bạc nửa đầu, lưng đã hơi còng xuống. Bây giờ hẳn thày đã quy tiên. Chao ôi! Không gian, thời gian sao biến đổi quá nhiều.

Sau những lời chúc mừng, cảm ơn tất cả những thế hệ học trò đã có nhã ý trở về dự buổi kỉ niệm với trường cũ, thày hiệu trưởng chuyển sang mục giới thiệu và biểu dương những học trò thành đạt của nhà trường trong suốt hơn năm mươi năm qua. Nghe từng cái tên được công bố, Hưng ngẩn mặt. Chỉ là một trường huyện heo hút ở tận cuối tỉnh mà cái danh sách học trò thành đạt hóa ra không phải là ít. Một thiếu tướng đã vào sinh ra tử trong chiến trường Miền Nam, hai doanh nhân tiêu biểu từng lĩnh Giải thưởng Sao vàng Đất Việt, một đương kim đại biểu Quốc hội, ngót mười tiến sĩ… Những cái tên xa lạ lướt qua tâm trí Hưng. Không có một cái tên quen thuộc nào cả. Cũng dễ hiểu thôi, vì những người này chắc phải học cách Hưng chừng mươi, mười lăm khóa. Nhưng Hưng bỗng nhổm hẳn người lên khi nghe đến cái tên nhà văn Nguyễn Phan Hoàng được thày hiệu trưởng đọc dõng dạc với giọng đầy vẻ tự hào. Nguyễn Phan Hoàng? Nhà văn ư? Hình như cũng có đôi lần Hưng được thấy cái tên này trên sách, báo. Trên bục, thày hiệu trưởng nhấn giọng:

- Nhà trường vô cùng tự hào và vinh dự được nhà văn Nguyễn Phan Hoàng, một cựu học sinh khóa một của nhà trường về dự lễ kỉ niệm. Lần này về trường, nhà văn Nguyễn Phan Hoàng có đem theo hai trăm cuốn tiểu thuyết tặng các thày cô giáo và các em học sinh trường ta. Đây là cuốn tiểu thuyết nhà văn viết về chính mái trường thân yêu của chúng ta trong những năm tháng đầy cam go và khốc liệt thời kì chiến tranh mà nhà văn đã phải thai nghén, ấp ủ gần hai chục năm mới hoàn thành. Quả là một món quà vô giá đối với thày trò nhà trường chúng ta hôm nay. Tôi xin giới thiệu nhà văn Nguyễn Phan Hoàng lên bục trao tượng trưng cuốn sách cho nhà trường và có vài lời tâm sự.

Thày hiệu trưởng dứt lời, một người đàn ông trạc bảy mươi tuổi bước lên.

Hưng trân trối nhìn lên sân khấu. Gương mặt vuông chữ điền. Sống mũi cao. Đôi vai hơi nhô. Cái cười nở rộng. Đúng là thằng Hoàng ngồi cùng bàn với mình rồi chứ còn ai nữa. Ừ, nhưng nếu không phải đã được nghe giới thiệu hoặc vô tình gặp ở ngoài đường chắc Hưng cũng không thể nhận ra nó. Hơn năm mươi năm rồi còn gì.

Nguyễn Phan Hoàng đứng trước mi - cơ - rô:

- Kính thưa toàn thể các bạn. Cho phép tôi được xưng hô như vậy, vì tôi nghĩ rằng dù là những học trò khóa đầu tiên, nay đã bước vào tuổi bảy mươi như chúng tôi hay một học trò khóa năm mươi, vừa rời khăn quàng đỏ của trường ta, tất cả đều là bạn học…

Cả hội trường rộ lên trước cách nói đầy ấn tượng của Nguyễn Phan Hoàng. Riêng chỉ có Hưng lúc này tai như ù đặc, không nghe thấy một lời nào. Tâm trí Hưng như lửng lơ tận đâu đâu. Ừ nhỉ, tại sao cái thằng Hoàng học dốt gần nhất lớp, kể cả môn văn mà nay lại trở thành một nhà văn nổi tiếng như vậy? Sự xuất hiện hơi đường đột của Hoàng khiến Hưng chợt nhớ lại vài kỉ niệm cũ. Đúng rồi. Ngày trước thằng Hoàng luôn là một thành viên lép vế của lớp 10A (như lớp 12 bây giờ). Ở trong lớp, nó luôn thiếu tự tin, ngồi co ro tận góc bàn. Giờ ra chơi thường cũng chỉ đứng nhìn mọi người chứ không dám tham gia vào bất cứ một trò nào. Còn Hưng hoàn toàn ngược lại, có thể nói là một ngôi sao về mọi mặt, điểm luôn cao nhất lớp, ăn nói trơn tru, dõng dạc, tài đàn hát cũng ra trò. Bạn bè lúc nào cũng xúm quanh Hưng để nhờ vả về những bài toán khó. Tuy môn văn Hưng không quá nổi trội như môn toán nhưng cũng đủ sức để phụ đạo những kiến thức thế nào là “nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh” cho những thằng lơ ngơ như Hoàng. Hưng còn nhớ, hồi ấy không hiểu vì trong lớp lười ghi bài hay vì lí do nào khác mà cứ mỗi lần Hoàng bị thày giáo gọi lên bảng kiểm tra miệng đầu tiết học, nó đều ấp úng nói cái câu muôn thuở: “thưa thày em quên vở”. Vì thế, tụi bạn trong lớp mới đặt ra cái biệt danh tuy hơi dài nhưng rất được ưa dùng lúc bấy giờ là Hoàng “thưa thày em quên vở”. Hồi đi học, nếu Hoàng được ai đó biết đến thì chính là nhờ cái biệt danh kì quặc ấy chứ hoàn toàn không phải từ một năng lực nổi trội nào. Vậy mà bây giờ cái thằng Hoàng “thưa thày em quên vở” ấy lại trở thành một nhà văn nổi tiếng hay sao? Vừa nãy, thấy thày hiệu trưởng giơ cao cuốn tiểu thuyết, Hưng đoán nó phải dày tới năm, sáu trăm trang. Tuôn được từng ấy chữ nghĩa lên trang giấy đâu có phải chuyện đùa. Lạ thật! Chả lẽ để trở thành nhà văn lại không cần đến một trí tuệ mẫn tiệp, một kiến thức đầy đủ hay sao? Những thứ đó, thằng Hoàng làm sao có thể có được. Cùng học chung một lớp, Hưng còn lạ gì cái thằng Hoàng lơ ngớ, dốt đặc cán mai ấy. Bỗng dưng, Hưng thấy hơi tủi phận nhớ lại con đường sự nghiệp đầy những thất bại của mình. Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp ở trường Đại học Bách khoa vào loại giỏi, Hưng được phân công công tác về một nhà máy lớn. Nhưng rồi một lần do chủ quan, Hưng đã làm cháy một thiết bị rất đắt tiền, nhập từ nước ngoài nên đã bị sa thải. Để kiếm sống, Hưng phải mở một quầy hàng kinh doanh nhỏ. Cảm thấy tài năng bị bỏ phí, Hưng đã có lần cặm cụi thử sáng tác văn chương. Hưng nghĩ, ngày học phổ thông cũng đã mấy lần được đi thi học sinh giỏi văn toàn huyện, toàn tỉnh nên nếu cố gắng cũng có thể trở thành một nhà văn chứ không chịu làm thân phận một gã bán hàng vặt suốt đời. Nhưng rồi càng cố bao nhiêu thì mục tiêu đặt ra càng xa bấy nhiêu. Số bản thảo vứt đi đã có tới vài cân mà Hưng vẫn chưa hề có một tác phẩm được đăng báo. Hưng đành cay đắng bỏ bút, nghĩ rằng cần phải có một tri thức thâm sâu, trác việt lắm mới có thể trở thành nhà văn được. Cuộc hội ngộ hôm nay đã làm Hưng quá bất ngờ và có chút chạnh lòng. Tại sao một người như Hoàng lại có thể trở thành nhà văn cơ chứ? Hưng định bụng lát nữa sẽ phải tiếp xúc Hoàng bằng được để tìm lời giải đáp cho cái câu hỏi cứ bám riết lấy tâm trí Hưng từ lúc Hoàng xuất hiện đến giờ.

Hội trường tan. Hưng chặn đường, gặp Hoàng dưới gốc cây gạo cổ thụ cuối sân trường. Sau lời chào xã giao, Hưng vào thẳng vấn đề:

- Chúc mừng cậu. Nhưng quả là tớ không bao giờ nghĩ rằng cậu lại trở thành nhà văn. Ngày trước cậu là thằng Hoàng “thưa thày em quên vở”.

Hoàng tươi cười:

- Nhà văn thì cũng chỉ là một cái nghề thôi mà, có gì mà cậu phải quan trọng hóa lên như vậy. Nhưng tớ rất vui vì cậu còn nhớ tớ là thằng Hoàng “thưa thày em quên vở”. Một cái biệt danh đúng là khó quên. Với riêng tớ nó còn là một dấu ấn không thể phai mờ về cuộc sống đầy mồ hôi, máu và nước mắt.

Hưng hơi ngạc nhiên:

- Chuyện ấy thì có liên quan gì đến máu và nước mắt? Ngày ấy hình như cậu rất lười chép bài nên…

- Không phải thế. Cậu có biết là những năm tháng ấy mẹ tớ phải giấu cả nhà đi bán máu mà vẫn không đủ tiền mua vở viết và sách giáo khoa cho tớ không? Vì vậy, một cuốn vở tớ phải ghi gộp mấy môn học. Tớ không dám mang lên cho thày vì sợ bị phạt.

Hưng kinh ngạc:

- Thật thế sao? Cái điều kinh khủng ấy mà cho đến tận hôm nay tớ mới biết đấy.

Hoàng khẽ cười:

- Có sao đâu. Ừ, mà hồi đó cậu tập trung tâm trí vào chuyện học hành. Cậu luôn đứng đầu lớp. Nhà cậu lại khá giả nên cũng ít tìm hiểu xung quanh. Còn với tớ, đó là những năm tháng không thể nào quên.

Hoàng nhìn lên tán cây gạo cổ thụ rồi nhìn sâu vào mắt Hưng, như để dò tìm điều gì đó sâu xa trong kí ức. Một lát, Hoàng nói rất khẽ:

- Cậu còn nhớ chuyện gì dưới gốc gạo cổ thụ này không?

- Nhưng là chuyện gì? - Hưng ngơ ngác.

- Vậy là cậu quên thật. Cậu còn nhớ sau cái đêm chia tay học sinh cuối cấp toàn trường, cậu và Vi đã hôn nhau ngay dưới gốc cây gạo này không?

Mặt Hưng hơi ngẩn ra. Một lúc khá lâu dường như Hưng mới nhớ lại chuyện cũ:

- Ờ... ờ… nhớ… nhớ rồi. Nhưng cậu nhắc đến cái chuyện vặt vãnh ấy làm gì?

“Vặt vãnh ư?”- Hoàng chợt thấy lòng đau như dao cắt. Chẳng lẽ nó không biết rằng cái chuyện mà nó cho là vặt vãnh kia đã làm cho mình vĩnh viễn phải ôm mối tình đơn phương với Vi thuở ấy. Nhưng nặng nề hơn là đã biến Vi thành một người đàn bà cô đơn đến suốt cuộc đời. Vậy mà bây giờ nó dửng dưng, coi như vô can.

Giọng Hoàng hơi gằn:

- Cậu có biết cuộc sống của Vi bây giờ thế nào không?

Hưng khẽ lắc đầu, cười nửa miệng:

- Sau cái đêm hôm ấy tớ không còn gặp lại cô ấy một lần nào nữa. Chả rõ tình hình ra sao.

Hoàng khẽ thở dài:

- Học xong cấp ba, Vi tình nguyện gia nhập vào Đội Thanh niên xung phong 91 của tỉnh. Cậu có biết hồi ấy Đội Thanh niên xung phong 91 của tỉnh mình nổi tiếng khắp cả nước không? - ngừng một lát, Hoàng hỏi bằng một giọng trầm - và cậu có biết trong đêm Nô - en năm 1972 đã có 60 đội viên của Đại đội 915, Đội 91 hy sinh tại khu vực ga Lưu Xá, trong đó có nhiều bạn học của trường mình không?

Hưng lắc đầu:

- Trời! Cậu lại đánh đố mình rồi. Làm sao mình nhớ được những chuyện đã quá xa xôi đó.

- Vi bị thương hai lần, vậy mà khi giải ngũ không hề có một chính sách đãi ngộ nào. Tớ chinh chiến mấy mươi năm, ngày trở về gặp lại Vi mới biết rõ mọi chuyện. Tuy hơi muộn, nhưng tớ đã cố sức lên huyện, xuống tỉnh đòi lại công bằng cho Vi một suất lương thương binh. Bây giờ thì cuộc sống của Vi cũng đỡ hơn rồi.

Hưng nhăn trán:

- Vậy chồng con cô ấy đâu mà cậu phải…?

Hoàng nhìn sững vào vẻ mặt lạnh tanh, vô cảm của Hưng, khẽ bậm môi. Hình như cậu ta không hiểu thế nào là cuộc đời của một nữ thanh niên xung phong quá lứa nhỡ thì, lại hai lần thương tích nặng như Vi. Hoàng định trả lời cay đắng “chồng Vi đã chết từ cái đêm cậu hôn cô ấy dưới gốc gạo này rồi” nhưng kìm lại được. Hoàng nghĩ, dù sao thì tất cả đã quá muộn rồi, mọi trách oán giờ đây đều trở thành vô nghĩa.

Hoàng mở cặp, lấy cuốn tiểu thuyết ghi tặng Hưng, trong lòng thoáng nghĩ: “Chẳng biết nó có chịu đọc hết cuốn tiểu thuyết này không? Mà nếu đọc, liệu còn nhớ được những cái tên mình không muốn thay đổi của các bạn trong lớp, sau trở thành thanh niên xung phong Đội 91 đã hi sinh tại Lưu Xá không?”. Xong xuôi, Hoàng xin phép có việc phải trở lại văn phòng nhà trường.

Hưng nhìn theo Hoàng, sực nhớ mình chưa hỏi vì sao Hoàng lại có thể trở thành một nhà văn.

Hưng khẽ thở dài, lững thững rời sân trường.

Cây gạo già oằn mình trút vội những bông hoa cuối mùa bầm đỏ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 6 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước