Câu hỏi từ bình dân đến đẳng cấp
VNTN - Nếu quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, hẳn nhiều người cũng đã từng "đối mặt" với một câu hỏi rất bình dân là: Tại sao người ta lại sẵn sàng bỏ ra vài ba trăm triệu hoặc nhiều hơn chỉ để “chạy” được một chỗ làm với mức lương vài ba triệu hàng tháng, cho dù công việc đó có hoặc không phù hợp với ngành nghề chuyên môn được đào tạo.
Câu trả lời đại khái là, "công chức trăm triệu" không lo bị mất việc, hàng ngày có thể "sáng vác ô đi tối vác về" nhưng cuối đời vẫn có lương hưu. Còn nếu vào được chỗ "ngon" thì chẳng mấy chốc mà "thu hồi vốn", rồi thời gian sau khi đã thu hồi được vốn liếng thì là quá trình “gặt hái”... Với những gia đình khá giả, họ chỉ mong con cái có được công việc nhàn nhã, không phải ca kíp đêm hôm, có điều kiện và môi trường để ăn diện, giữ gìn thể trạng, nhan sắc, để dễ bề... dựng vợ gả chồng. Tuy vậy, câu trả lời chung sẽ là: nếu không "chạy" thì chẳng bao giờ có được việc làm trong cơ quan nhà nước (?). Thật là chuyện đáng phải bận lòng.
Hẳn còn nhiều "đáp án" khác cho câu hỏi nói trên bởi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng nhìn chung, thật khó mà nhận ra khuynh hướng tích cực trong đó và buộc chúng ta phải đặt ra một câu hỏi đẳng cấp: Đến bao giờ thì không còn ai phải nghĩ đến chuyện "chạy công chức" nữa - hoặc nói chuẩn hơn là, đến bao giờ thì Nhà nước sẽ không dành chỗ cho những người chỉ vì "chạy" mà được nhận vào biên chế, kể cả ở các địa phương?
Dĩ nhiên, những người đã và đang "chạy" ấy đâu phải không biết là bộ máy công quyền của nước ta đang thuộc vào loại "to nhất thế giới", nhưng hiệu quả thì có phần... ngược lại. Và, với khoảng 11 triệu người hưởng lương các dạng từ ngân sách Nhà nước thì việc làm để "đủ ăn" đã là hết sức chật vật rồi, nói gì đến chuyện tích lũy hoặc đầu tư để làm ăn bên ngoài môi trường công chức.
Không phải là "vơ đũa cả nắm" nhưng dường như chỉ có những ai quen chấp nhận sự trì trệ, muốn an phận làm việc theo kiểu "nước chảy bèo trôi " hoặc có trình độ không tương xứng với bằng cấp thì mới đặt mục tiêu làm ở cơ quan Nhà nước bằng mọi giá lên hàng đầu. Bởi trong một môi trường xã hội tiến bộ, coi trọng hiệu quả, chất lượng công việc như hiện nay, có không ít sinh viên dù chưa ra trường đã được các doanh nghiệp, các cơ sở trong và ngoài nước để mắt săn đón. Vì sao thì ai cũng biết. Và với tư duy năng động, để bắt kịp xu hướng phát triển theo hướng hiện đại, nhiều người trong số họ vẫn sẵn sàng "nhảy việc" đến những chỗ làm khác hấp dẫn hơn, cơ hội thăng tiến tốt hơn.
Gần đây, tại nhiều diễn đàn và cả ở Quốc hội đã có ý kiến đề xuất: Nhà nước chỉ nắm những khâu then chốt, còn cái gì tư nhân làm được thì nên xã hội hóa. Quả thật, nếu thực hiện nghiêm túc và đồng bộ theo cách đó, chắc chắn bộ máy sẽ gọn nhẹ hơn rất nhiều, hoạt động có sự tập trung, chuyên sâu sẽ hiệu quả hơn. Cũng có nghĩa là sự hấp dẫn của khối công chức "ngoài Nhà nước" sẽ được nâng lên một mức mới. Chúng ta biết rằng, tại nhiều nước phát triển, có rất nhiều công ty, tập đoàn tư nhân được Chính phủ của họ đặt hàng chế tạo cả vệ tinh, máy bay, tên lửa… Thậm chí có một số cơ sở còn được giao thực hiện các đề tài nghiên cứu tuyệt mật. Rõ ràng là tư duy độc lập, tự chủ của họ đã thực sự tạo ra vị thế và sức ảnh hưởng nhất định với xã hội.
Nếu một đất nước mà phần lớn công dân chỉ lo "đầu tư" cho một mục đích là có chỗ làm an nhàn, không lo thất nghiệp dù không thể sống bằng tiền lương và sống chung với thang bậc "4 ệ " theo thứ tự: hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ, thì cũng có nghĩa là chấp nhận sự tụt hậu... muôn đời.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...