Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
00:01 (GMT +7)

Cảnh giác trước “mê hồn trận” lừa đảo qua mạng

Sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Song, đi kèm với đó, các loại tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn tinh vi đã lợi dụng công nghệ số để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân...

Một nạn nhân đến trình báo tại cơ quan Công an về việc nhận được cuộc điện thoại giả danh cán bộ Công an và bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 100 triệu đồng qua mạng.

Bài 1: Trùng trùng “cạm bẫy” trên mạng

Hàng chục tỷ đồng là số tiền bị lừa đảo qua mạng mà các nạn nhân đến trình báo tại cơ quan công an trên địa bàn tỉnh trong hơn hai năm trở lại đây. Đáng nói, những chiêu trò lừa đảo qua mạng internet không mới và đã được lực lượng chức năng cảnh báo nhiều lần, song số lượng nạn nhân mới "sập bẫy" vẫn không ngừng gia tăng.

Những cuộc gọi giả danh

Một trong những thủ đoạn cũ mặc dù đã được các lực lượng chức năng cảnh báo nhưng vẫn nhiều nạn nhân mới mắc phải đó là các đối tượng mạo danh cán bộ nhà nước như công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân gây sức ép với yêu cầu phục vụ điều tra. Quá lo sợ nên người dân đã “ngoan ngoãn” chuyển một số tiền lớn vào tài khoản đối tượng cung cấp.

Điển hình là vụ việc trong tháng 4/2022 của bà Vũ Thị Soi, 74 tuổi ở xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên). Trong lúc bấn loạn vì bị dọa dẫm có liên quan đến vụ việc buôn bán ma túy, “thần hồn nát thần tính”, bà đã răm rắp nghe theo hướng dẫn của đối tượng gọi cho bà tự xưng là Trung tá của Bộ Công an đang làm bên thi hành án. Nhận thấy giọng nói run run của “con mồi”, đối tượng tiếp tục “bồi” thêm liên quan đến vụ việc này, cơ quan Công an đã bắt tạm giam 3 tháng hai người bạn của bà để điều tra và yêu cầu trong quá trình điều tra phải phong tỏa tài sản, đề nghị bà chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản, nếu điều tra trong sạch sẽ trả lại. Hắn không quên dặn bà đây là chuyên án ma túy quan trọng, nguy hiểm, yêu cầu bà giữ bí mật, nếu để lộ ra sẽ bị thủ tiêu. Nóng lòng muốn chứng minh sự trong sạch của mình, vậy là bà Soi đã giấu giếm người thân ra ngân hàng chuyển khoản cho số tài khoản đối tượng cung cấp 194 triệu đồng. Sau khi tài khoản bị “bốc hơi”, bà Soi không liên lạc được với chủ số điện thoại tự xưng là trung tá ở Bộ Công an đó. Biết bị lừa, bà đến trình báo cơ quan Công an.

Bà Soi khiến tôi nhớ lại hình ảnh người đàn ông cao gầy 74 tuổi tên Bùi Văn Quang ở phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) thất thểu bước ra khỏi trụ sở Công an TP. Thái Nguyên cuối năm ngoái. Khi ấy, ông lên trình báo về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản 115 triệu đồng với thủ đoạn tương tự như bà Soi ở trên. Kể lại sự việc, ông Bùi Văn Quang cho biết khi đó mình rất hoang mang bởi đối tượng gửi qua Zalo cho ông hình ảnh văn bản lệnh bắt bị can để tạm giam có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoàn toàn khớp với ông. Trong đầu ông lúc ấy chỉ có suy nghĩ làm theo để chứng minh mình không vi phạm pháp luật, ai ngờ… Trình báo cơ quan Công an xong, ông Quang lẳng lặng về nhà, không dám nói với người thân trong gia đình, phần vì xấu hổ, phần vì sợ các con xót của sẽ “mắng” cha. Nào ngờ, chính sự im lặng “chết người” đó của ông lại khiến vợ của ông bị mất số tiền tiết kiệm 550 triệu đồng. Bởi chưa đầy một tháng sau vụ việc của ông Quang, vợ ông, bà Nguyễn Mai Trang cũng nhận được cuộc điện thoại nói bà liên quan đến vụ việc rửa tiền và yêu cầu phối hợp chuyển tiền phục vụ điều tra, nếu không thì sẽ phong tỏa căn nhà, tạm giam bà 3 tháng. Răm rắp nghe theo lời đối tượng, bà Trang đã rút tiền ở 5 cuốn sổ tiết kiệm, sau đó chuyển cho tài khoản mà đối tượng yêu cầu tổng số tiền 550 triệu đồng. Sau đó, phát hiện mình bị lừa, bà mới thông báo với Công an và người nhà.

Những tin nhắn “ma”

Lợi dụng sự mất cảnh giác cũng như hám lợi của người dân thiếu hiểu biết nên thời gian qua, các tội phạm công nghệ cao đã dùng thủ đoạn như gửi các tin nhắn, đề nghị truy cập đường link để nhận tiền, quà sau đó chiếm đoạt tài sản. Điển hình như vụ việc của anh Đào Công Thụ, ở huyện Đại Từ. Sau khi có điện thoại của một đối tượng thông báo anh thuộc diện hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, anh nhận được một tin nhắn vào điện thoại di động với nội dung: “Bạn đã đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”, kèm một đường link, yêu cầu anh truy cập và khai báo tài khoản ngân hàng. Không hề nghi ngờ, anh nhanh chóng ấn vào liên kết trên, thấy xuất hiện một trang web thoạt nhìn như của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và đã điền toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản và mật khẩu ngân hàng, cả mã OTP. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, toàn bộ số tiền gần 2 tỷ trong tài khoản của anh đã “không cánh mà bay”.

Thời gian qua, trên địa bàn T.P Thái Nguyên liên tiếp xảy ra một số vụ việc người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Như trường hợp chị Trần Hoài Lam, xã Quyết Thắng có quen và thường xuyên nói chuyện qua mạng xã hội với một người đàn ông xưng tên là Eng Frank White đang làm việc tại Canada. Một thời gian sau, đối tượng nói đã gửi tặng chị một gói hàng giá trị. Rồi chị nhận được điện thoại của một người tự nhận là nhân viên công ty chuyển phát nhanh quốc tế yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà. Háo hức nhận quà nên chị Lam đã chuyển nhiều lần tổng 105 triệu đồng tới số tài khoản đối tượng nhưng chờ mãi vẫn không thấy quà đâu.

Một thủ đoạn “xưa cũ” nhưng hiện vẫn có nhiều nạn nhân mắc phải là tội phạm công nghệ cao “hack” số tài khoản zalo, facebook của người quen thân nạn nhân rồi nhờ chuyển tiền. Ngày 08/8/2022 vừa qua, bà Nguyễn Thu Hà, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của con gái bà đang sinh sống tại nước ngoài nhờ chuyển tiền gấp. Do trước đó hai mẹ con thường xuyên nói chuyện qua tin nhắn nên bà Hà không hề nghi ngờ gì và đã chuyển 30 triệu đồng đến số tài khoản như trong tin nhắn. Sau đó bà mới ngã ngửa đã bị mất oan 30 triệu đồng vì phát hiện ra tài khoản Facebook của con bị “hack”.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, nhất là mùa dịch COVID-19 vừa qua, lượng người dân mua sắm trực tuyến tăng vọt, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân qua mua, bán hàng trực tuyến bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Thủ đoạn các đối tượng thường dùng là lập nick ảo để lên mạng xã hội mua hàng sau đó chiếm đoạt. Năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Võ Tiến Dũng, sinh năm 1996, hộ khẩu thường trú tại xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, Dũng khai nhận, mình thường xuyên lên mạng xã hội Facebook lập các tài khoản khác nhau, vào nhiều trang, nhóm mua bán điện thoại hỏi mua điện thoại. Liên lạc với người bán, vờ đồng ý mua, Dũng hẹn các nạn nhân gặp trực tiếp ở khu vực vắng vẻ tại gần chùa Làng Cả, xã Quyết Thắng để kiểm tra hàng, trả giá, rồi thừa lúc nạn nhân sơ ý sẽ cầm điện thoại tẩu thoát xuống Hà Nội bán. Với thủ đoạn này, Dũng đã thực hiện trót lọt 5 vụ chiếm đoạt điện thoại với trị giá hàng chục triệu đồng.

Sản phẩm xịt đuổi côn trùng của một phụ nữ ở phường Hoàng Văn Thụ đặt hàng trên Facebook và bị gửi hàng chỉ có vỏ chai không.

Với thủ đoạn tương tự, đối tượng Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú: Xóm Vải, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cũng dùng nhiều sim rác để lập các tài khoản Facebook ảo, rồi vào các hội nhóm mua bán, chủ động nhắn tin đặt mua một số sản phẩm như: Chó cảnh, chim cảnh, cần câu, tivi… Đặt hàng xong, Hồng ra ngân hàng chuyển tiền đặt cọc một phần nhỏ giá trị đơn hàng (từ 500 nghìn - 1 triệu đồng) để người bán tin tưởng và gửi hàng cho hắn qua xe khách. Gần đến thời điểm nhận hàng, Hồng chụp ảnh giấy đã nộp tiền chuyển khoản thể hiện số tiền hắn đã giao dịch gửi cho người bán. Tuy nhiên, giấy chuyển tiền này do hắn xin từ ngân hàng về rồi tự ghi nội dung và đóng dấu bằng con dấu giả. Khi chiếm đoạt được tài sản, hắn dùng một tài khoản Facebook khác đăng bán sản phẩm trên hội nhóm với giá trị bằng một nửa thực tế. Hồng khai nhận, bằng thủ đoạn này, hắn đã thực hiện trót lọt 7 - 8 vụ mua bán hàng lừa đảo trên mạng xã hội với tổng giá trị hàng trên 100 triệu đồng. Nguyễn Văn Hồng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Thái Nguyên khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú: Xóm Vải, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) tại cơ quan Công an.

Bên cạnh thủ đoạn nói trên, thời gian qua, khi mua hàng trực tuyến, nhiều nạn nhân đã gặp tình trạng các đối tượng mạo danh shop thật để giao hàng kém chất lượng. Qua khảo sát của phóng viên, những vụ lừa đảo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng qua mạng xã hội xảy ra thời gian qua khá phổ biến. Nhiều người mua hàng qua mạng phải “ngậm đắng nuốt cay” nhận những món hàng không đúng với mình đặt hoặc hàng kém chất lượng. Vì số tiền bị mất không lớn nên các nạn nhân sau khi liên hệ đòi lại tiền và trả hàng không được hầu hết đành ôm cục tức trong lòng và không tố cáo, khiếu nại tới các cơ quan chức năng…

(Vì lí do tế nhị nên tên nạn nhân trong bài viết đã được thay đổi)

(Kỳ sau) Bài 2: “Vỡ mộng” làm giàu trên mạng

Minh Hiếu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 10 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước