Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
02:00 (GMT +7)

Cảnh giác trước “mê hồn trận” lừa đảo qua mạng

Bài 2: “Vỡ mộng” làm giàu trên mạng

Tin tưởng vào những lời quảng cáo kiếm tiền nhanh, đơn giản khi làm cộng tác viên xử lý đơn hàng online trên các gian hàng điện tử hay đầu tư tài chính với số lãi siêu khủng trong thời gian ngắn, nhiều người đã “khóc dở, mếu dở” khi mất số tiền hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng để trả học phí cho sự thiếu hiểu biết của mình.

Nạn nhân đến trình báo tại cơ quan công an


“Sập bẫy” vì tin quảng cáo mật ngọt

Vào mạng xã hội Facebook, tôi thấy tràn ngập những trang quảng cáo mời gọi tuyển nhân viên có thu nhập cao qua mạng như “Sàn TMĐT Lazada”, “Việc làm trực tuyến”, “Shopee tuyển dụng online”, “Làm thêm mùa dịch”... Chỉ cần để lại một dấu chấm ở trang quảng cáo “Việc làm trực tuyến” trên mạng xã hội Facebook, chưa đầy mười phút sau tôi nhận được nhắn: Bạn đủ điều kiện ứng tuyển, kết bạn ngay với nhân viên để được hướng dẫn cụ thể. Zalo: 0163480XXXX (Bích Khuyên). Làm theo hướng dẫn, tôi đã nhắn cho số zalo có tên Bích Khuyên để được “phỏng vấn”. Nhân viên này nhanh chóng giới thiệu với tôi: em là Tô Bích Khuyên làm ở công ty TNHH Shopee - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Để tôi tin tưởng, người này còn gửi cả ảnh thẻ nhân viên của mình.

Công việc chính của cộng tác viên mà tôi cần làm được Bích Khuyên giới thiệu là thanh toán những đơn hàng do hệ thống đưa xuống (thanh toán vào tài khoản ngân hàng chuyên dụng của hệ thống để kích lượt mua và độ hot của sản phẩm). Sau khi thanh toán xong, hệ thống xử lí trong 5-10 phút, cộng tác viên sẽ lập tức được hoàn lại tiền vốn + hoa hồng. Ví dụ NHIỆM VỤ của tôi là đặt một đơn hàng 900 nghìn đồng thì hoa hồng sẽ nhận 90 nghìn đồng. Vậy, tổng shop hoàn trả cho tôi là 990 nghìn đồng. Lời giới thiệu của Khuyên càng hấp dẫn hơn bởi hoa hồng không phải trả theo ngày mà xong NHIỆM VỤ nào được tất toán ngay NHIỆM VỤ đó! Mỗi ngày làm được tối đa 3 NHIỆM VỤ, nếu làm đủ thu nhập 1 ngày khoảng 300 nghìn - 1 triệu đồng!

Nhân viên này cũng giải thích với tôi: Trên shopee có rất nhiều gian hàng kinh doanh buôn bán. Để gian hàng của họ được lên Top, hay được đánh giá là Shop yêu thích, cần lượng người đặt đơn để tạo “tương tác”, vì vậy họ thuê bạn là người mua hàng để làm NHIỆM VỤ, mỗi lượt đặt hàng thành công của bạn sẽ được trả hoa hồng là 10 - 15% giá trị đơn hàng. Lợi ích công việc này là bạn nhận được hoa hồng còn bên Shop được quảng bá thương hiệu sản phẩm. Vì vậy việc hợp tác này 2 bên cùng có lợi. Khuyên cũng gửi cho tôi rất nhiều tin nhắn thể hiện khách hàng được chi trả tiền hoa hồng thành công để tạo dựng lòng tin.

Theo lời giới thiệu của Khuyên thì công việc này quả thực đơn giản, chỉ cần vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh và có số tài khoản ngân hàng để giao dịch là tôi có thể kiếm được “tiền tươi” dễ dàng, mà chỉ tranh thủ thời gian rỗi, lại “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Để kiểm chứng những lời Khuyên tư vấn, tôi đã gọi điện tới hệ thống SHOPEE (SHOPEE VIETNAM) và nhận được câu trả lời: Công ty không nhận nhân viên làm việc theo hình thức trên.

Thế nhưng, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để liên hệ với công ty trước khi bắt tay vào làm việc. Phần đa, khi nghe những lời quảng cáo, mời gọi hấp dẫn từ người tư vấn đều dễ dàng bị “sập bẫy”. Như trường hợp của chị Ngô Thị Nguyệt, sinh năm 1983, ở phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). Đang làm thuê rất vất vả mà lương tháng chỉ vài triệu đồng cho một quán ăn ở phường Trưng Vương nên thời gian rảnh, chị muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Lướt mạng Facebook thấy thông tin tuyển làm thêm, chị khấp khởi mừng thầm khi được đưa vào nhóm kín trên Zalo để kiếm tiền. Sau đó, chị Nguyệt thực hiện NHIỆM VỤ đầu tiên và chuyển khoản đơn hàng trị giá 700 nghìn đồng. Chỉ 15 phút sau, tài khoản của chị đã nhận đủ cả tiền gốc và hoa hồng là 770 nghìn đồng.

Thấy kiếm tiền dễ dàng, chị Nguyệt đã liên tiếp chuyển tiền nhiều lần để thực hiện các NHIỆM VỤ tiếp theo nhưng hệ thống liên tục báo lỗi. Chị thắc mắc và được nhân viên tư vấn cứ tiếp tục thao tác các NHIỆM VỤ khác, khi hệ thống được khắc phục, Công ty chuyển hoa hồng một thể. Tổng cộng chị chuyển khoản 15 lần với số tiền hơn 350 triệu đồng. Sau nhiều lần không được hoàn lại gốc và hoa hồng như trước và mất liên lạc lại với người đã giới thiệu mình vào làm, biết mình bị lừa chị đã đến cơ quan Công an trình báo. Hôm tôi gặp chị, thấy sự lo lắng, tuyệt vọng trên đôi mắt nhiều nếp chân chim của chị. Không xót xa sao được khi trên 350 triệu là số tiền lớn chị lam lũ làm việc, tích cóp bao nhiêu năm để trang trải cuộc sống và nuôi dạy con cái, giờ phút chốc “không cánh mà bay”. Chưa đầy một tháng sau khi sự việc xảy ra, chị suy sụp hoàn toàn và vẫn giấu kín mọi việc không cho người thân hay. Trong câu chuyện trình bày với điều tra viên, chị đã bật khóc nức nở: “Tại tôi tham quá, làm gì có công việc nào kiếm tiền nhanh lại dễ dàng thế chứ. Tôi sai rồi, chỉ mong không chị em nào mắc như tôi nữa…”

Không riêng chị Nguyệt, chúng tôi còn gặp nhiều phụ nữ có trình độ như sinh viên, cán bộ, công chức cũng đã bị lừa “cháy túi” hàng trăm triệu đồng khi làm NHIỆM VỤ “giật đơn” nói trên. Như trường hợp chị Hoàng Thị Thắm, hiện đang làm kế toán ở một đơn vị đóng tại huyện Đồng Hỷ. Chỉ vì muốn tìm việc làm thêm mà chị Thắm đã bị “cho vào tròng”, mơ tưởng công việc nhẹ nhàng thu nhập cao, nhanh chóng và cuối cùng bị lừa mất trên 130 triệu đồng.

Điều đáng nói là, ngoài những lá đơn trình báo của công dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua hình thức tuyển dụng nhân viên bán hàng (seller), cộng tác viên online để hưởng hoa hồng mà lực lượng Công an tiếp nhận, vẫn còn không ít nạn nhân vì số tiền bị lừa không nhiều hoặc lo ngại người nhà biết nên “ngậm bồ hòn” làm ngọt không đến trình báo.

Một tin nhắn nạn nhân gửi tiền qua hình thức chuyển khoản khi làm cộng tác viên online

“Cháy túi” vì tin đầu tư nhanh, thu lãi khủng

Mơ ước kiếm tiền nhanh chóng qua đầu tư tài chính, nhiều người đã đầu tư tiền ảo và rồi chuốc đắng khi mất rất nhiều tiền thật. Điển hình là vụ việc của chị Hoàng Thị Cúc, sinh năm 1989, ở phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên). Chị Cúc tham gia đầu tư kinh doanh qua mạng dưới hình thức ủy thác đầu tư cho đại lý Eslite. Khi đầu tư, vốn khởi điểm là 10 triệu đồng/tài khoản, chị Cúc ủy thác vốn cho công ty Eslite để văn phòng Eslite theo cược tại trang web: https://ploutosnet.com với cam kết lãi suất trên 300 nghìn đồng/ngày với điều kiện chị phải trích lại 30% phí lợi nhuận. Do tin tưởng nên chị Cúc đã mở 2 tài khoản, nạp tổng số tiền 152 triệu đồng nhưng sau đó không rút được lãi. Những ngày sau đó, chị đã nhiều lần liên hệ lại với đại lý thì chỉ thấy những tiếng “tút tút” kéo dài.

Cũng mong kiếm tiền nhanh chóng qua đầu tư tài chính, tin tưởng vào lời tư vấn của người bạn, khoảng tháng 9 năm 2020, chị Nguyễn Thị Thu Minh, sinh năm 1992, phường Tân Thịnh đã tham gia đầu tư tài chính vào sàn Fxtradingmarkets do tổ chức Lion Community (Lion Group) đại diện đứng ra giao dịch theo hình thức đầu tư ngoại hối Forex để nhận lợi nhuận siêu khủng đều hàng tháng từ 20 - 25% (lãi suất 240 - 300%/năm). Khi đầu tư, chị hào hứng, tràn đầy hy vọng vào lời “bánh vẽ” của người tư vấn rằng đồng tiền FXT sẽ lên sàn quốc tế, nếu không rút tiền ra khỏi hệ thống sẽ được quy đổi sang đồng tiền FXT người đầu tư nắm giữ đồng FXT sẽ có cơ hội nhân 2, thậm chí nhân 100 lần tài sản đầu tư của mình. Tuy nhiên, trong hai tháng, sau nhiều lần nạp tiền vào tài khoản của mình trên trang web “Fxtradingmarkets”, chị Minh không thể truy cập được vào trang web. Khi đó, chị đã liên lạc với người bạn để đòi lại tiền đầu tư nhưng không được. Vậy là chị Minh đành chấp nhập “đổ sông đổ biển” số tiền trên 200 triệu đồng.

Có lẽ không riêng chị Minh mà thời điểm giữa năm 2021 vừa qua, khi thông báo của nhà sáng lập vào sàn “Fxtradingmarkets” dừng hoạt động, cùng với hàng loạt các website liên quan không thể truy cập, nhiều người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và cả nước đã “chết đứng” bởi họ đang đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng vào sàn giao dịch này. Thống kê cho thấy tại Việt Nam có ít nhất 60.000 người đang lao đao vì bỏ tiền đầu tư vào sàn “Fxtradingmarkets”. Nhiều người đi vay mượn bạn bè, người thân, còn cắm cả giấy tờ nhà đất để lấy tiền đầu tư giờ chỉ biết khóc ròng vì mất trắng tiền đầu tư và chìm trong đống nợ.

Theo các chuyên gia, nhiều mạng lưới được quảng cáo là đầu tư tiền số nhưng lại không hề có nền tảng tiền kỹ thuật số nào trên đó. Dù vậy, người ta vẫn đổ xô vào đầu tư vì tin nhau. Từ đó dẫn đến bị lừa đảo hoặc thậm chí vi phạm pháp luật bởi Việt Nam chưa công nhận các loại tiền kỹ thuật số là phương tiện thanh toán hay loại hình đầu tư hợp pháp. Từ các vụ việc trên có thể thấy, các nhà đầu tư thường đi theo phong trào, cả tin và có đôi chút tham lam, thấy lãi suất cao, nhưng không kiểm chứng mà đã đổ vào đầu tư tiền ảo, nên mất tiền thật. Tưởng rằng chỉ vài cú nhấp chuột, là sẽ ngồi “rung đùi” khi tiền tự “chảy” vào túi, sở hữu tiền tỷ, nhà lầu, xe hơi nhưng cuối cùng lại “cháy túi” và ngập trong nợ nần.

Những tin nhắn trao đổi giữa nhân viên chốt sale “dụ dỗ” phụ nữ làm thêm online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

“Không có bữa trưa nào miễn phí”

Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại về câu ngạn ngữ phương Tây này, tương tự như "Miếng pho mát miễn phí chỉ nằm trong bẫy chuột", khi đi tìm hiểu thông tin về những vụ lừa đảo qua mạng, từ việc xin làm cộng tác viên online cho các sàn giao dịch thương mại điện tử, hay đầu tư tài chính trên mạng thời gian qua. Có thể nhận thấy, các nạn nhân bị lừa đảo dễ dàng do bị đánh vào lòng tham khi tìm kiếm việc làm, đầu tư đơn giản mà thu nhập cao trên mạng. Do đó đã tự nguyện “sập bẫy”, trở thành “con mồi” béo bở cho các trò lừa đảo qua mạng đó!

Mới đây nhất là vào ngày 3/8/2022, anh Trần Văn Minh, sinh năm 1970, ở xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) kết bạn với tài khoản Zalo mang tên “Hải Anh” của một đối tượng giới thiệu việc làm kiếm thêm thu nhập. Theo lời hướng dẫn, anh đã tải ứng dụng “CoinCasino” về điện thoại di động của mình rồi nạp tiền vào chơi để được hưởng hoa hồng. Sau đó, anh Minh chuyển tổng số tiền 250 triệu đồng đến số tài khoản Ngân hàng Á Châu mang tên Le Quang Huy nhưng hoa hồng đâu không thấy, chỉ thấy số tiền lớn bị mất, làm cuộc sống gia đình bị đảo lộn.

Gặp gỡ những nạn nhân bị lừa đảo, tôi thấy họ vừa đáng thương lại vừa đáng trách. Mong rằng từ thực tế bản thân, mỗi người hãy lấy đó làm bài học kinh nghiệm “xương máu” nhớ đời để không mắc phải. Đồng thời, “rỉ tai” tuyên truyền cho bạn bè, người thân để không ai bị “tiền mất, tật mang”, gặp phải những hệ luỵ đau lòng từ việc lừa đảo qua mạng…

Bài 3: Giao dịch tài chính trên mạng, cẩn thận “tiền mất, tật mang”

------

(*) Tên của các nạn nhân đã được thay đổi

Minh Hiếu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 10 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước