Cần nỗ lực cùng nhau
VNTN - Hoạt động kém hiệu quả, không thu hút, công tác chuyên môn trầm lắng, thiếu nguồn lực kế cận…, là hiện trạng buồn mà các Chi hội chuyên ngành như Múa, Âm nhạc, Sân khấu thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đang gặp phải hiện nay. Việc tìm một hướng hoạt động tích cực và hiệu quả hơn, hẳn là bài toán đầy thách thức.
Chi hội Sân khấu sau một thời gian dài không có hoạt động gì đáng kể, bộ máy tổ chức đã được “xốc” lại từ năm 2010. Hiện chi hội có 19 hội viên, duy trì hoạt động nhưng cũng chỉ ở từng bộ phận, như Chèo (Đoàn Nghệ thuật tỉnh), bộ phận Kịch (Trung tâm Văn hóa tỉnh). Trong 5 năm qua kết nạp được thêm 2 hội viên mới nhưng lại có 2 hội viên xin rút khỏi chi hội; tổ chức được một chuyến đi thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh (2014). Hội viên trẻ nhất năm nay cũng ngoài 40 tuổi, cao nhất đã ở tuổi 85. Với đặc thù sân khấu là ngành cần được đào tạo bài bản chứ không phải ngày một ngày hai mà thành, khó khăn lớn nhất của chi hội hiện nay là vấn đề đội ngũ kế cận. Năm 2011, 2012, chi hội đã phối hợp tổ chức 2 cuộc hội thảo bàn hướng đi cho chuyên ngành sân khấu. Tuy nhiên về cơ bản, tham luận với những giải pháp cũng chỉ là… lý thuyết, hoạt động chuyên môn vẫn rơi vào trạng thái trì trệ. Những người trẻ, có năng lực nghề nghiệp thì hiện còn đang công tác ở các cơ quan văn hóa, hoặc đoàn nghệ thuật nên khá bận công việc. Những người có tuổi thì năng lực sáng tạo hạn chế, tâm huyết cũng giảm dần…
Xét ở khía cạnh cá nhân, hội viên ở các chuyên ngành này đều tự do sáng tạo và có được nhiều thành tích cá nhân khá tốt. Song để tập hợp lại trong ngôi nhà VHNT thì họ lại không mấy mặn mà. Chính Chi hội trưởng Chi hội Múa, biên đạo Hoàng Thiện Thực cũng đã thẳng thắn thừa nhận sự kém phát triển và ì ạch của chi hội mình, mà nguyên nhân là bởi người đứng đầu không có sự năng nổ, nhiệt thành, chuyên tâm với tổ chức này. Anh bộc bạch: “Bản thân đang công tác tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, một ngày phải lên lớp 10 tiết dạy, chưa kể các công việc hành chính của nhà trường từ tổ chức khoa, công đoàn… Nỗi lo cơm áo cũng chi phối khá nhiều, nghệ sĩ chúng tôi không thể sống tốt mà chỉ dựa vào ngày 8 tiếng ở cơ quan, cũng phải có thứ nọ thứ kia bên ngoài để làm. Thế nên không thể có được sự đắm đuối, tâm huyết với hoạt động chi hội”.
Ông Triệu Văn Doanh, Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên thì cho rằng: Đây là đội hình đặc thù, nhân tài không có nhiều nên việc tập hợp, bồi dưỡng khó. Hàng năm Hội đều có công văn gửi đến từng Chi hội về việc xây dựng kế hoạch để Hội xét duyệt và thực hiện, song chi hội múa không làm, sân khấu trước đây hầu như không hoạt động, 2 năm trở lại đây có chủ động xây dựng kế hoạch, cũng đi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Riêng âm nhạc, đặc thù là không sáng tác được nhiều, mỗi năm mỗi tác giả cũng chỉ có được 4-5 tác phẩm. Muốn tác phẩm đi vào đời sống cần phải được dàn dựng, công bố, biểu diễn, nhưng hiện nay không mấy ai làm được. Các nhạc sĩ vẫn viết nhưng không có đoàn nghệ thuật dàn dựng, nghệ thuật quần chúng cũng không dùng. Về trách nhiệm của các chi hội, ông Doanh thẳng thắn “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là người đứng đầu các tổ chức Chi hội phải nghĩ ra việc để làm chứ tổ chức Hội không áp đặt được. Dẫu hội viên không ngừng sáng tạo, nhưng phải thừa nhận rằng vai trò của người Chi hội trưởng là thiếu tinh thần trách nhiệm, không tập hợp được đội ngũ. Sự quan tâm từ Hội chính là hết sức tạo điều kiện động viên sáng tạo cho hội viên, ví như tác phẩm âm nhạc thì được gửi phát ở đài truyền thanh thành phố và các huyện, sách in ra được gửi xuống các phòng văn hóa thông tin quảng bá; kịch bản sân khấu hay, biên đạo tác phẩm múa chất lượng sẽ được tạo điều kiện biểu diễn…”.
Làm thế nào để thay đổi tình hình là câu hỏi không dễ có câu trả lời. Rõ ràng các chi hội không thiếu phương thức hoạt động, song đã có dịp nào ngồi lại cùng bàn thảo, góp ý cho nhau? Cùng chuyên ngành nhưng khi tham gia chi hội trung ương tại địa phương thì các nghệ sĩ lại rất hào hứng, trong khi ở Hội cấp tỉnh lại khá “uể oải”. Bản thân các Chi hội trưởng, Chi hội phó cũng rất trăn trở, lúng túng trong việc tổ chức hoạt động, ở thời kinh tế thị trường. Và dù họ có năng nổ, nhiệt tâm đi nữa, thì vẫn là chưa đủ. Họ - những người thuần túy hoạt động chuyên môn - cần sự hỗ trợ từ tư duy, định hướng, nghiệp vụ hoạt động Hội, sự tháo gỡ về cả tổ chức và cơ chế hoạt động của các cấp lãnh đạo Hội. Điều này đặt ra những câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo Hội VHNT cấp tỉnh, từ Ban Chấp hành đến Ban Thường vụ, Thường trực: Hội đã làm gì, giúp đỡ gì về nghiệp vụ, tháo gỡ ra sao với những khó khăn, vướng mắc của họ? Sự khơi gợi nhu cầu cho các chuyên ngành, quan tâm, cầu thị, mời thầy mời thợ để bù đắp yếu kém cho từng lĩnh vực, rất cần bàn tay của tổ chức. Và nên chăng, cần gắn hoạt động của chi hội địa phương và chi hội trung ương lại với nhau?
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...