Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
10:35 (GMT +7)

Cần lắm sự đoàn kết, sáng tạo trong thời kỳ mới

VNTN - Tôi là một trong những hội viên sáng lập của Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái (1987); tính đến nay đã được 31 năm, qua sáu nhiệm kỳ Đại hội. Mỗi kỳ chuẩn bị Đại hội lại xốn xang với những kỷ niệm và cả trách nhiệm.

Chi hội Văn nghệ dân gian được thành lập trên cơ sở tách ra từ Chi hội Văn xuôi từ nhiệm kỳ II, cố nhà văn Vi Hồng làm Phân hội trưởng, nhiệm kỳ sau là nhà giáo Vũ Anh Tuấn. Từ nhiệm kỳ Đại hội IV đến nay tôi được phân công làm Phân hội trưởng (sau đó đổi thành Chi hội trưởng). Kể từ khi tách thành chuyên ngành riêng, hoạt động của phân/chi hội có nhiều lúc thăng, lúc trầm. Thế nhưng có một thứ không hề thay đổi đó là tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau trong chuyên môn cũng như cuộc sống đời thường. Để tạo được sự đoàn kết, tôi nghĩ ngoài ý thức trách nhiệm của mỗi hội viên thì vai trò của “người cầm trịch” có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nói tới đây, tự nhiên tôi liên tưởng đến một chuyện có thật ở quê tôi cách đây hơn 50 năm. Bản có hơn bảy chục nóc nhà, nhà của cụ Quẻ to nhất gồm 5 gian 2 chái nhà sàn, toàn bộ bằng gỗ nghiến, gia đình “ngũ đại đồng đường” (5 thế hệ sống chung một nhà). Xét về kinh tế thì không giàu, chỉ là có của ăn của để không lo lúc giáp hạt. Điều đáng nói là đại gia đình với gần bốn mươi nhân khẩu lớn nhỏ ấy ở chung, ăn chung, làm chung mà thuận hòa, đầm ấm và luôn vui vẻ, thương yêu nhau. Cả vùng ai cũng khen tài “lãnh đạo” của cụ Quẻ. Hỏi bí quyết thì rất đơn giản, đó là tình yêu chân thành, ứng xử công bằng không thiên vị. Người lớn làm việc lớn, người nhỏ làm việc nhỏ, người khỏe làm việc nặng, người yếu làm việc nhẹ… Hưởng thụ cũng vậy, luôn công bằng và nhường nhịn. Cụ sống minh mẫn đúng 100 tuổi rồi qua đời. Hết mãn tang ba năm, gia đình bắt đầu có những rạn nứt, rồi tách dần ra ở riêng. Tôi nghĩ, Hội ta cũng như đại gia đình vậy, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Tôi có đọc bài viết của nhà thơ Nguyễn Hữu Bài, tâm trạng đồng cảm với ông về những “nốt nhạc buồn”, bởi một vài nhiệm kỳ trở lại đây quả đúng là có những “rạn nứt” nho nhỏ… thật đáng tiếc, nhưng cũng may những chuyện đó không nhiều, không lớn.

Thiển nghĩ, với một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp như Hội VHNT thì tinh thần đoàn kết chân thành là yếu tố tiên quyết vô cùng quan trọng. Giới văn nghệ sỹ được thiên phú về tính nhạy cảm, họ rất dễ phân biệt giữa đoàn kết chân thành với các kiểu “đoàn kết lấy lòng”, “đoàn kết cơ hội” khác. Vì thế, kính đề nghị trong tiêu đề Báo cáo của Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh khóa VI trình Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 nên đảo chữ đặt lại là: “Đoàn kết sáng tạo…”. Đã là văn nghệ sỹ thì phải sáng tạo, đó là trách nhiệm. Còn tổ chức Hội là nơi hội tụ của văn nghệ sỹ, do đó vai trò hàng đầu của Hội phải là đoàn kết. Có đoàn kết mới có sức mạnh, mới có tâm sáng để sáng tạo.

Người ta nói, những người hoạt động văn nghệ dân gian thường hay hoài cổ nhưng tôi không nghĩ vậy. Những cái hay cái đẹp của truyền thống thì nên gìn giữ và phát huy. Hội VHNT của chúng ta đã có một thời, ở những nhiệm kỳ đầu thực sự là ngôi nhà chung của anh em văn nghệ sỹ. Anh em hội viên nếu rảnh thời gian là ghé đến Hội chơi. Khách chủ vui vẻ, chan hòa, chân thành. Nhiệm kỳ I tôi được phân công phụ trách Văn phòng (như Chánh Văn phòng hiện nay), không có phụ cấp lương, không có phòng riêng trang bị đầy đủ tiện nghi. Bàn làm việc cũng là bàn uống nước, thậm chí lúc đông khách thì thành ghế ngồi. Công việc chính hàng ngày của tôi và kể cả của Chủ tịch Hội là tiếp hội viên, còn công việc của Hội thường phải tranh thủ hoặc đem về nhà làm vào buổi tối. Có nhiều vị khách chưa là hội viên cũng kéo đến “xin ý kiến” cho những sáng tác mới của họ. Có lần, tôi và nhà văn Hồ Thủy Giang đã phải “vui vẻ chịu trận” cả một buổi sáng để tiếp và nghe “một nhà thơ” đọc hết tập bản thảo dày ông mới sáng tác. Văn phòng Hội không ngày nào vắng hội viên đến trao đổi chuyện văn nghệ. Rồi các nhiệm kỳ sau, tôi được phân công phụ trách biên tập Báo Văn nghệ cũng vậy. Hội viên đến tòa soạn báo như về nhà. Văn phòng Hội không có chè ngon thì hội viên đem đến. Bây giờ nghĩ lại vẫn “thèm” không khí, tình người ngày ấy. Phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe đạp chứ đâu có ô tô, xe máy như bây giờ. Có những hội viên xa Văn phòng Hội cả chục cây số nhưng tuần nào cũng đến Hội. Rồi họ góp ý, họ lo cho công việc của Hội như việc nhà mình.

Đại hội nhiệm kỳ VII đang đến gần, cùng với niềm háo hức chờ Đại hội diễn ra, cá nhân tôi mong muốn và hy vọng, truyền thống đoàn kết sẽ được củng cố và phát triển từ trong từng chi hội chuyên ngành, các hội địa phương. Những nơi đã giữ gìn tốt thì phát huy tốt hơn nữa để Hội VHNT Thái Nguyên luôn là ngôi nhà chung của anh em văn nghệ sỹ, tràn ngập niềm vui, đầm ấm tình người. Hội viên đến Hội không còn cảm giác làm phiền, khách đến nhà không đúng lúc, hoặc phải nghe ở đâu đó những “nốt nhạc buồn” như cách nói của nhà thơ Nguyễn Hữu Bài nữa.

Điều mong muốn nữa là sau Đại hội nhiệm kỳ VII, Hội sẽ được trẻ hóa hơn. Trẻ hóa về tuổi đời, bằng cách phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp thêm nhiều hội viên trẻ ở tất cả các chuyên ngành. Và, quan trọng hơn là trẻ hóa về năng lực sáng tạo, tư duy sáng tạo, phù hợp với thời kỳ mới. Với chuyên ngành Văn nghệ dân gian, đây là thử thách cực kỳ lớn. Chi hội cũng đã trao đổi, trước mắt sẽ đổi mới về phương pháp: phương pháp tiếp cận và nghiên cứu tư liệu nguồn di sản; phương pháp bảo tồn và phát triển vốn văn hóa truyền thống các dân tộc…

Một vài ý hoài niệm, ý kiến đóng góp chân thành của tôi trước thềm Đại hội. Kính chúc Đại hội VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 thành công tốt đẹp.

Nông Phúc Tước (Chi hội Văn nghệ dân gian)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại hội có nhiều đổi mới

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Những dấu ấn nhiệm kỳ

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi đưa văn chương của tôi đi xa hơn

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi chắp cánh khát vọng sáng tạo

Các kỳ Đại hội 4 năm trước