Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
21:20 (GMT +7)

Cảm thức mùa xuân trong thơ Phật hoàng Trần Nhân Tông

 

 Phật hoàng Trần Nhân Tông là một đấng minh quân lỗi lạc, là một nhà tư tưởng - văn hóa lớn của dân tộc. Ông là đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, là người góp phần đưa Phật giáo ở Việt Nam lên địa vị cao trong đời sống tín ngưỡng của người Việt. Những đóng góp của Trần Nhân Tông cho văn hóa dân tộc là điều không thể phủ nhận. Và cũng giống như những nhà tư tưởng - văn hóa khác trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Phật hoàng dùng thơ văn để thể hiện tâm trạng, chí hướng hoặc triết lý nhân sinh.

Cảm thức mùa xuân trong thơ Phật hoàng Trần Nhân Tông
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Từ trước đến nay, mùa xuân vẫn là một đề tài muôn thuở trong thi ca kim cổ. Nói về mùa xuân, mỗi thi nhân đều có những cách thể hiện khác nhau. Có người cảm nhận mùa xuân qua những sự vật bình dị nhất như cây chuối, hoa xoan (Nguyễn Trãi), có người lại miêu tả mùa xuân qua những hình ảnh tuyệt mỹ của cỏ non và hoa lê (Nguyễn Du). Trần Nhân Tông cảm nhận mùa xuân theo một cách riêng. Là một nhà thơ, cũng là một bậc giác ngộ, Trần Nhân Tông cảm nhận mùa xuân từ hai góc nhìn, góc nhìn thiền môn và góc nhìn trần thế.

Mùa xuân từ góc nhìn thiền môn

Sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông trước đây có trích dẫn một bài kệ ngắn của Trần Nhân Tông tả cảnh mùa xuân, đó là bài Xuân hiểu (Buổi sớm mùa xuân). Toàn bài thơ như sau:

Xuân hiểu

Thụy khởi khải song phi,

Bất tri xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp,

Phách phách sấn hoa phi.

Dịch nghĩa:

Buổi sớm mùa xuân

Ngủ dậy mở cánh cửa sổ,

Không biết rằng mùa xuân đã về.

Một đôi bươm bướm trắng,

Phần phật cánh, bay đến bên hoa. 

Câu mở đầu đúng tính chất mở từ nội dung cho đến cách thức. Buổi sáng khi thức giấc, thiền sư mở cánh cửa sổ. Nếu ở góc độ bình thường, có thể thấy là một hành động bình thường mỗi khi người ta thức giấc. Tuy nhiên nếu đứng từ góc nhìn nhà Phật, thì hành động mở cửa sổ có thể là kết quả của một quá trình tu tập. Người đọc có thể hình dung được thiền sư không đơn giản vừa bước ra từ giấc ngủ mà bước ra từ một quá trình tu tập thiền định để nay giác ngộ. Mở cửa sổ cũng là mở ra một sự giác ngộ, mở ra một chân trời mới của tri thức.

Câu thơ thứ hai cũng biểu thị cảm thức Phật giáo tương đối rõ nét, không biết rằng mùa xuân đã về. Thiền sư nhập thân vào cõi thiền định, cả thể xác lẫn tinh thần đều ở trạng thái thiền, không bị vướng bận bởi sự vận chuyển của thế giới tự nhiên bên ngoài, sau đó hoàn thành quá trình tu tập để bước ra thế giới thực. Sự ngỡ ngàng được thể hiện tương đối rõ trong hai chữ “bất tri” (không biết).

Và sự biểu hiện cao nhất của sự ngộ đạo được thể hiện qua hình ảnh của đôi bướm trắng. Như chúng ta đều biết, loài bướm là hóa thân của sâu, khi sâu nhả tơ làm kén qua một thời gian nhất định sẽ phá kén để hóa thân thành bướm. Quá trình đó được ẩn dụ với quá trình tu tập của thiền sư. Loại sâu từ hình hài xấu xí ban đầu đã hóa thân thành loài bướm xinh đẹp, từ sự chậm chạp di chuyển trên cành lá cây đã hóa thân với đôi cánh bay lượn linh hoạt khắp trời. Sự giác ngộ của một bậc chân tu cũng vậy, ban đầu có thể là một người bình thường, thô lậu, nhưng sau khi tu tập thành công sẽ trở thành một người hoàn toàn khác, linh hoạt, vui tươi.

Đặc biệt đôi bướm trắng còn liên tục vỗ cánh (phất phất) bay đến bên hoa. Bướm vờn hoa, có lẽ hình ảnh không quá xa lạ nhưng trong hoàn cảnh này, hình ảnh đó biểu thị được sự giao hòa giữa Phật pháp với đời thường. Bài kệ trên đã thể hiện được một cách rõ ràng cảm thức mùa xuân của vua Trần Nhân Tông qua điểm nhìn Phật giáo.

Ở một bài thơ khác, người đọc còn thấy được hình tượng đẹp đẽ của mùa xuân tràn ngập cõi Phật.

Thế số nhất sách mạc,

Thời tình lưỡng hải ngân.

Ma cung hồn quản thậm,

Phật quốc bất thăng xuân.

(Đề Cổ Châu Hương thôn tự)

Dịch nghĩa:

Số đời hoàn toàn mờ mịt,

Tình người đổi thay qua đôi mắt.

Khi cung ma bị quản chặt,

Thì cõi Phật tràn ngập mùa xuân.

 (Đề chùa làng Hương, Cổ Châu)

          Trong câu thơ thứ 2, “tình người đổi thay qua đôi mắt” được dịch từ hai chữ “hải ngân”. Trong thơ của Tô Thức có câu: 凍合玉樓寒起栗,光交銀海眩生花. Đống hợp ngọc lâu hàn khởi lật/ Quang giao ngân hải huyễn sinh hoa. Các nhà chú giải giảng rằng: Kinh của Đạo giáo gọi xương vai là ngọc lâu và mắt là ngân hải. Ở đây có lẽ là ngân hải nhưng vì niêm vận, tác giả phải đổi ngược thành hải ngân. Như vậy con người nhìn thế sự chuyển vần qua đôi mắt, và khi tâm ma đã bị kiềm tỏa thì nơi nơi đều là mùa xuân, nơi nơi đều là cõi Phật. Khi đó, mùa xuân, cảnh xuân là kết quả của sự ngộ đạo.

Trong bài thơ Xuân vãn, thiền sư đã đúc kết lại quá trình tu tập. Khi thi nhân và thiền sư hòa làm một, thi nhân nhìn mùa xuân bằng cách nhìn của thiền học, khi bậc giác ngộ đã hiểu rõ quy luật của tự nhiên, hiểu được tính chất căn bản của “đông hoàng diện” (mặt của chúa xuân), thì khi đó việc ngắm cảnh mùa xuân đôi khi chỉ đơn giản là ngồi trên thảm cỏ ngắm nhìn hoa rụng.

Xuân vãn

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.

Như kim khám phá đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Dịch nghĩa:

Xuân muộn

Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ “sắc” với “không”,

Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa.

Ngày nay đã khám phá được bộ mặt chúa xuân(1)

Ngồi trên nệm cỏ(2) giữa tấm phản nhà chùa, ngắm cánh hoa rụng.

          Mùa xuân qua điểm nhìn của bậc giác ngộ luôn toát lên màu sắc triết lý nhà Phật. Những sự vật tưởng chừng như bình dị, nhưng khi được khúc xạ qua cảm nhận của Phật hoàng Trần Nhân Tông đều thể hiện được ít nhiều sắc thái Thiền môn. Điều đó làm nên một trong những nét độc đáo trong thi ca của ông.

Mùa xuân từ góc nhìn trần thế

Vua Trần Nhân Tông là hiện thân của sự hòa hợp giữa Phật với Người, giữa Đời với Đạo. Trước khi đắc đạo thành Phật, ông là một bậc minh quân, thành tựu của ông thể hiện cả ở phương diện trị quốc và an bang (chống ngoại xâm), tức ông đã hoàn thành trách nhiệm với triều đại, đó là trách nhiệm Đời của ông. Với ông, mùa xuân là mùa tưởng nhớ đến tổ tiên, những người đã đặt nền móng đầu tiên cho triều đại nhà Trần hưng thịnh. Do đó, khi xuân về, ông đã đến viếng lăng của ông nội mình là vua Trần Thái Tông. Ông viết:

Tì hổ thiên môn túc,

Y quan thất phẩm thông.

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

(Xuân nhật yết Chiêu Lăng)

Dịch nghĩa:

Quân thị vệ như hùm như gấu, trước nghìn cửa đứng nghiêm túc.

Áo mũ các quan đủ cả bảy phẩm.

Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay,

Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong.

(Ngày xuân thăm Chiêu Lăng)

Ngày xuân, tưởng nhớ đến tổ tiên là điều thường thấy trong văn hóa người Việt. Công đức lớn lao của tiền nhân đã khiến cho Trần Nhân Tông cảm thán. Hình ảnh người lính già đầu bạc còn kể về chuyện xưa, mang đậm phong cách của hào khí Đông A thời Trần.

Bài thơ Xuân cảnh và bài thơ Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ cũng thể hiện được tương đối rõ nét góc nhìn thế tục của Trần Nhân Tông.

Trong bài Xuân cảnh, thi nhân viết:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi. 

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thúy vân.

(Xuân cảnh)

Dịch nghĩa:

Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi,

Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay.

Khách đến chơi không hỏi việc đời,

Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt ở chân trời.

(Cảnh xuân)

Cảnh vật trong mắt của thi nhân hiện lên vui tươi, sinh động, phản ánh cuộc sống muôn màu một cách sinh động nhất. Bức tranh ấy với những: dặm dương liễu, chim hót, ngôi nhà, bóng mây. Đó là những sự vật rất đời thường, bình dị và gần gũi với mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên hình ảnh người khách khi đến chơi mà không bận việc đời lại phảng phất ý vị Thiền. Hình ảnh những người tri âm cùng tựa lan can ngắm nhìn đám mây biếc ở phía cuối chân trời càng thể hiện được sự siêu thoát trong suy nghĩ của thi nhân - bậc giác ngộ.

Nhan đề bài thơ Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ (Đêm mười một tháng hai) đã thể hiện được cảm thức thời gian, cụ thể là tháng hai, thời tiết đã dần chuyển về cuối xuân. Trần Nhân Tông viết:

Hoan bá kiêu sầu phong vị trường,

Đào sinh, trúc đạm ổn long sàng.

Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú,

Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường.

(Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ)

Dịch nghĩa:

Chén rượu rửa sầu có phong vị đậm đà,

Chiếc chiếu đào sinh yên ổn trên giường rồng.

Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày,

Bóng hoa tràn ngập cửa sổ, giấc mộng đêm xuân triền miên.

(Đêm mười một tháng hai )

Theo sách Dịch lâm 《易林》, rượu được gọi là “hoan bá” (chén vui), vì nó tiêu trừ nỗi lo, đưa lại niềm vui, tức là chén rượu. Theo sách Từ hải 《辭海》 ở Tứ Xuyên có một loại đào sinh trúc đốt dài, vỏ mềm có thể làm chiếu nên người ta gọi thứ chiếu đan bằng trúc Tứ Xuyên là “đào sinh”. Thi nhân đã miêu tả một cuộc sống thoải mái, bình thường, vừa phiêu khoát, thoát tục lại thanh cao, trang nhã. Giấc mộng mùa xuân kéo dài như hòa hợp của con người với thiên nhiên. Đây có thể là một cảnh giới của việc tu tập Thiền tông.

Mặc dù, phân chia thành hai điểm nhìn nhưng trong một điểm nhìn tổng thể, thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn là sự kết hợp giữa Phật với Đời. Cửa Thiền của một cánh cửa để những bậc chân tu, đắc đạo bước vào nhưng để bước vào cánh cửa của cõi Phật, mỗi bậc chân tu đều phải đi qua cánh cửa của cõi Đời. Sự hòa hợp giữa Phật vời Đời trong cảm thức của Trần Nhân Tông khiến cho mùa xuân trong thi ca của ông mang một màu sắc riêng, có thể gọi đó là mùa xuân nhân thế trong cái nhìn của bậc chân tu Phật môn.

 

Chú thích:

(1) Chúa xuân (đông hoàng): tức đông quân là thần mùa xuân. Bài Lập xuân hậu thi 立春後詩 của Vương Sơ có câu Đông quân kha bội hưởng san san, Thanh ngự đa thời hạ cửu quan: Chúa xuân đeo ngọc kêu lanh canh, Cưỡi ngựa xanh nhiều lúc đi xuống chín cửa quan.

(2) Nệm cỏ (bồ đoàn): tấm nệm bằng cỏ bồ hình tròn, nhà sư thường dùng trong lúc ngồi thiền định hay lễ bái. Việt âm thi tập chú: “Thiền gia ngữ. Thiền gia chi thiền bản bồ đoàn tức nhân gia mộc bản bồ tịch dã”. Nghĩa là: Thiền bản bồ đoàn, thuật ngữ nhà Thiền, là loại chiếu bằng cỏ bồ, cũng như chiếu cói của nhân dân.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy