Cái tên tác giả
VNTN - Trong sáng tác, cái tên tác giả bao giờ cũng phải liền kề với tác phẩm. Điều này thực ra không có chuyện gì đáng phải bàn luận. Đó là những qui định trong luật bản quyền, luật báo chí, xuất bản, đồng thời cũng là lẽ thường tình đối với mỗi người viết. Về phía độc giả, đặc biệt là những người làm nghiên cứu, phê bình, giảng dạy thì cái tên tác giả gắn với tác phẩm lại càng là điều không thể thiếu. ở đó hàm chứa những vấn đề về phong cách, bút pháp, tiểu sử… Vậy mà cái sự rất hiển nhiên và tất yếu ấy xem ra vẫn chưa thật sự chuẩn mực, thanh thoát.
Đọc trên mạng internet thấy hiện tượng một số truyện ngắn, kí, tản văn, thơ, phim truyện, ca khúc… chỉ thấy tác phẩm mà không tìm thấy cái tên tác giả đâu cả. Khi đưa tác phẩm lên mạng, người ta đã ném cái tên tác giả ra một cách không thương tiếc. Trên một số blog cá nhân thì cái việc trái khoáy kia có khi chỉ như “chuyện thường ngày ở huyện”. Đã không ít nhà sáng tác than phiền và bức xúc về việc này. Nhưng than phiền cũng chỉ để phiền thôi, chứ ai đứng ra giải quyết? Luật Báo chí cũng không đủ sức can thiệp. Cuối cùng chỉ có thể đưa ra những phán quyết về sự thiếu văn hóa hoặc kém văn minh của người sử dụng blog mà thôi. Chính người viết bài này, một lần do ngưỡng mộ ca khúc “Mong ước kỉ niệm xưa” đã cất công lên mạng để dò tìm tác giả là ai mà rồi phải chịu thất vọng. Trên mạng thì la liệt tên ca sĩ này, ca sĩ nọ trình bày bài hát, nhưng cái tên tác giả sáng tác ra nó thì như mò kim đáy biển. Vào phần bình luận để may ra có ai đó vì yêu ca khúc này mà nhắc đến tên tác giả của nó, vậy mà rượt đuổi tới gần một trăm bình luận với đủ lời lẽ ngợi ca, tung hô nhưng vẫn tịnh không thấy ai động đến, hỏi đến cái tên ông nhạc sĩ tài danh đã sáng tác ra bài hát đó tên gì? Chao ôi! Có lẽ không có cách nào khác là phải vận đến hai từ “vô ơn” để nói về hiện tượng này.
Chuyện vô tình hoặc cố tình gạt cái tên tác giả ra khỏi tác phẩm của họ có gây ra những phiền phức không? Có người quan niệm đó là chuyện nhỏ, cho rằng tác phẩm mới là thứ quan tâm chứ cái tên tác giả thì có gì quá cần thiết (?)
Trao đổi với một số nhà sáng tác, mới thấy sự việc này cũng không ít …bi hài. Có một nhà văn đã bị một nhà biên kịch điện ảnh lấy một truyện ngắn làm phim nhưng phớt lờ cái cụm từ “dựa vào truyện ngắn cùng tên của nhà văn A, nhà văn B” như ta thường thấy. Khi nhà văn nọ phát hiện ra tác phẩm của mình bị nhà biên kịch đạo văn, tìm tới hỏi thì được trả lời một cách rất…vô tư: “Tôi lấy truyện ngắn đó trên mạng, mà ở trên mạng không có tên tác giả”. Quả là “vô tư” thật. Lại có một cô giáo khi đọc trên mạng thấy một bài thơ rất hay muốn dùng làm tài liệu tham khảo giảng bài, nhưng ngặt nỗi mạng cũng không ghi tên tác giả. Thế rồi, để dễ bề ăn nói với học sinh, cô giáo gắn luôn cho tác giả bài thơ nọ là của Xuân Diệu (vì trong quan niệm của cô thì chỉ có Xuân Diệu mới có thể viết được bài thơ hay như thế). Cũng vậy, trên thực tế đã có không ít những bài thơ bị những người vô tâm, vô ý gạt tên tác giả ra khỏi đứa con tinh thần của họ để rồi sau đó người đời hiểu lầm đó là ca dao. Bài “Trên trời mây trắng như bông” của Ngô Văn Phú là một ví dụ điển hình.
Tưởng đó chỉ là những chuyện “văng mạng” trên mạng hoặc trong truyền miệng, vậy mà đôi khi trên báo chí và hệ thống truyền thông chính thống cũng xảy ra những việc tương tự. Có một số bài viết giới thiệu, quảng bá, phê bình phim truyện người ta chỉ nêu độc cái tên đạo diễn cùng dàn diễn viên mà quên luôn cái tên người biên kịch. Không hiểu vì sao ở Việt Nam người ta rất hay “quên” tên những người biên kịch như vậy. Trong khi đó nhà biên kịch mới là người sáng tạo lần thứ nhất. Không có họ thì không có tác phẩm điện ảnh ấy. Hẳn là người biên kịch rất quan trọng nên luật điện ảnh Mỹ mới đề ra một qui định rất rõ ràng là khi kịch bản bị sửa chữa, dù chỉ một từ trong phần lời thoại cũng phải có chữ kí đồng ý của tác giả biên kịch thì phim mới được tiến hành sản xuất. Còn ở ta thì… hãy đợi đấy!
Cái tên tác giả được ghi cùng tác phẩm là chuyện thường tình và cũng không phải chuyện quá lớn cần phải trao đi đổi lại, nhưng nếu xem thường nó, ít am hiểu về nó thì chắc chắn sẽ gây ra không ít hệ lụy.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...