Cái lạnh xuyên thấu tâm can
VNTN - Suwanni Sukhontha (1932 - 1984) là một nhà văn viết tiểu thuyết người Thái Lan. Bà giành giải thưởng văn học SEATO vào năm 1971, giải thưởng này sau đó được kế tục bởi giải viết văn S.E.A. sau khi SEATO bị giải thể. Tác phẩm của Suwanni được biết đến nhờ cấu trúc hiện thực. Bà được chú ý do dùng loại ngôn ngữ phổ thông mang tính châm biếm đối lập với phong cách phổ biến đương thời. Suwanni còn nổi tiếng với sự thấu hiểu tinh thần nữ giới và cách dùng thủ pháp chấm phá để tạo nên hình tượng giàu ý nghĩa. Bà mất vì bị đâm trong một vụ cướp giật năm 1984.
Vùng nước ở khúc cong lặng ngắt như tờ, nước lạnh lẽo trong màn sương ban mai. Thỉnh thoảng một chiếc thuyền chạy ngang qua lại làm mặt nước gợn sóng lăn tăn khiến cho mớ bè gỗ trôi dọc sông nhấp nhô nặng nề.
Những đám rau muống nhỏ cũng trôi theo cùng. Mớ chồi non mỏng manh của chúng nhô lên cao như thể kiêu hãnh vì vẻ đẹp hoàn hảo của mình. Một số lại ngả xuống mặt nước và ta có thể thấy được màu xanh non lung linh lúc chúng chuyển động trên dòng nước đỏ đục ngầu.
Mấy đám rau đó được xâu bằng dây cột vào một cái cọc đã mục ngập sâu dưới nước nhưng vẫn đủ tốt để ngăn chúng không trôi theo dòng.
Một đôi chân gầy nhẳng lội qua làn nước bùn, băng qua bờ sông vào chỗ nước sâu hơn cao đến thắt lưng, rồi đến ngực, đến đầu. Một lúc sau, người đó nổi lên với kho báu đáng thèm muốn trong tay rồi ngồi trên một cái bè chờ lấy lại hơi và nhìn lũ cá nhỏ đẹp đẽ bơi tung tăng ở đầu mấy súc gỗ. Dù nước đục tới mức nhìn như phù sa nhưng vẫn có thể nhìn thấy lũ cá nhỏ thân có sọc xanh sáng màu hơi đỏ tía lấp lánh trong dòng nước. Ngay khi người ngồi trên bè gỗ cử động, lũ cá nhỏ liền giật mình bỏ trốn.
Nước nhỏ giọt trên tóc khiến cho tầm nhìn mờ đi trong giây lát. Người đó đưa một tay lên lau mặt để nhìn cho rõ một chút trước khi nước lại chảy xuống y như cũ.
Màn sương mỏng nhẹ vẫn vương vất trên mặt nước, nhưng rồi chậm rãi dời đi và từ từ tan biến như những kẻ yêu nhau thì thầm trước khi chia tay.
Bầu trời trong xanh. Một bầy hải âu lao ra khỏi nước khi một con tàu phát ra tiếng leng keng chạy hết tốc lực trên cầu. Bụi trên cầu rơi xuống như cát qua màn sương và chìm vào dải nước tĩnh lặng.
Đợi cho con tàu chứa những ánh nhìn thoáng qua trên những khuôn mặt xám xịt đã đi khuất, người có mái tóc dài rũ xuống lại nhảy xuống nước khiến cho sóng lại gợn lên. Dòng sông toàn là bùn với cát. Không lâu sau cô bé đã nổi lên bám vào một súc gỗ như để nghỉ lấy sức vậy.
Một con cá căng sọc màu vàng chấm đen, đuôi vẫy vẫy bơi hối hả gần đó. Lát sau nó vẫy nước tung tóe đi săn lũ côn trùng kém may mắn.
Một con thuyền lớn khua sóng trên mặt sông làm mấy súc gỗ va vào nhau và lũ cá con bơi nhốn nháo khắp nơi.
Cậu bé ngồi thả chân xuống nước nắm chặt cái bè, nhìn không chớp mắt và gần như nín thở như người đã biến mất dưới nước vậy. Chỉ khi cô bé đã nổi lên, cậu bé mới kín đáo hít một hơi thở thật sâu.
“Lên đi chị. Để em làm cho.”
“Nước lạnh đấy.” Người dưới nước bám vào mớ dây cột đám gỗ súc vào nhau nhìn lên. Vầng mặt trời vàng vọt ẩn hiển trên đường chân trời nhưng không hề giúp cái lạnh cắt da giảm đi chút nào.
Hai chị em bám vào mớ dây cột bè gỗ. Chắc chắn là họ không đi lặn tìm ngọc trai rồi. Hai đứa và cậu em trai nhỏ ở trong một túp lều cạnh cây cầu Rama VI sống dựa vào thứ có vẻ vô giá trị.
“Mình về trước đã, lỡ nó thức dậy thì sao.”
“Cũng được.”
Đôi tay trắng bệch gầy guộc bồn chồn bám chặt vào bè gỗ. Khuỷu tay cô bé trông mảnh mai và yếu ớt như cây sậy hầu như không thể kéo thân người lên được.
Cái lạnh khiến cô bé run rẩy nhưng vẫn không thôi vẫy nước tung tóe vui vẻ trước khi lên bờ. Cô bé nhảy từ cái bè này sang cái bè khác tới khi đến được bờ sông và hái được một nắm đọt rau muống mập mạp khi đi qua vài đám.
Cha mẹ chúng mất cả rồi. Người cha mất trong lều. Còn người mẹ mất ở bệnh viện, để lại cô bé với hai đứa em trai không biết gì ngoài cái đói rã ruột.
Gã người Hoa mua mớ dây cũ trả chúng cái giá rẻ bèo, đôi khi chỉ đủ để mua một chai nước mắm. Ít ra việc mẹ mất cũng giúp chúng biết đến vị bác sĩ.
“Bác sĩ nói là dù mẹ không mổ tiếp thì dù sao mẹ vẫn chết thôi,” cô bé an ủi em trai mình lúc mẹ họ cũng ra đi nốt. Ba đứa ngồi chán nản trong ngôi nhà xơ xác. Chiếc đèn dầu nhỏ đã sắp cạn dầu rồi. Một vì sao sẽ phát ra ánh sáng mạnh hơn khi so với thứ ánh sáng từ trạm điện gần đó chạy được nhờ đập thủy điện Bhumibol.
Người cha mắc bệnh loét dạ dày, thế nên không có gì ngạc nhiên khi người mẹ mất vì cùng một căn bệnh. Bác sĩ nhìn ba đứa trẻ mà không biết phải làm gì khi biết được rằng chúng thậm chí còn không thể mang xác mẹ ra khỏi bệnh viện về cái nơi mà ba đứa gọi là nhà.
Sàn nhà bằng gỗ mốc meo, bẩn thỉu; mái nhà thủng lỗ chỗ vá víu bằng đủ mọi vật liệu.
Cái từ “vật liệu” đối với một kiến trúc sư có lẽ mang nghĩa là món đồ đắt tiền mới được làm ra, nhưng ở đây nó lại có nghĩa là những mẩu tôn lượn sóng, vải bạt cũ đã rách và ván trông thật kì cục.
Lúc ở đây ông gần như nín thở, nhưng năm con người đó đã dùng nơi này để ăn và ngủ. Họ thậm chí còn không biết mình chết vì cái gì nữa. Sức khỏe tốt là thứ gì đó họ chưa từng biết, bởi vì ngay cả chạy vạy từng bữa ăn cũng khó rồi.
Ông từng nhìn thấy đám nhà cửa lộn xộn này từ trên cầu rồi. Một cảnh nhức mắt như thế vốn đã nên loại bỏ từ lâu.
“Đây là nhà tôi,” bệnh nhân từng nói như là lời mời.
Nhưng không có chỗ nào cho ông ngồi trong ngôi nhà này hết.
Bức ảnh của bệnh nhân đã chết để trên bàn mổ trở lại ám ảnh ông. Sống với hoàn cảnh như vậy thì những điều như thế này là thứ ông đã tận mắt nhìn thấy gần như ở mọi trường hợp. Bệnh lao hoành hành người nghèo sống ở những nơi chật chội, những người trong hoàn cảnh không thể làm gì khác.
Ba khuôn mặt nhỏ nhắn nhìn ông như thể chúng mong nhận được lòng tốt. Ông nỡ lòng nào bỏ đi mà không nghĩ tới chúng chứ?
Không chỉ có ba khuôn mặt đó thôi mà còn có hàng trăm hàng ngàn khuôn mặt như thế ẩn giấu đây đó.
“Ở Thái Lan, thời tiết có lợi cho bệnh lao, thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi số liệu thống kê bệnh nhân mắc bệnh phổi ở đây cứ tăng lên mỗi ngày, và giờ con số đó trong thị trấn này lúc nào nào cũng cao - thực tế là cao nhất thế giới đấy.”
Bác sĩ kết thúc bài phát biểu của mình như thế. Một hội phụ nữ mời ông tới nói chuyện để gây quỹ thành lập một tổ chức cho bệnh nhân mắc bệnh lao.
Nhiều người trong hội này là các chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Họ mời vị bác sĩ dùng bữa với tư cách là người bình luận, để chúc mừng hoặc cảm ơn ông hoặc vì lí do nào cũng như nhau cả. Thế nên lúc này ông đang ngồi trong cái nhà hàng này.
Rượu khai vị theo kiểu phương Tây có màu đỏ sẫm hoặc trắng nhạt uống bằng cốc thanh nhã tùy theo sở thích cá nhân.
Trên bàn, bát đĩa sành còn mới toanh; những chiếc nĩa bạc sáng lấp lánh; khăn bàn cũng sẫm màu giống khăn ăn được xếp thành hình hoa sen đang mở cánh. Tiếng nhạc du dương phát ra êm tai thật phù hợp cho kiểu sắp xếp này.
Bác sĩ nhấp một ngụm rượu. Vị của nó thật dễ chịu trôi tuột qua lưỡi xuống cổ. Chất cồn chính là thứ kích thích dịch tiêu hóa để ăn các món khác nhau mà cảm thấy ngon hơn.
“Chắc ông đã có nhiều kinh nghiệm với bệnh nhân rồi phải không bác sĩ?” người phụ nữ ngồi bên cạnh gợi chuyện trong khi chờ đồ ăn.
Ông thoáng nghĩ tới ngôi nhà bên cầu Rama VI.
“Bệnh lao thật kinh khủng”. Cô ta rụt vai lại. Đôi bông tai dài đu đưa và lấp lánh đua tranh cùng đôi mắt thon thon của cô ta trông như những món đồ trang sức lớn sẫm màu.
Cái miệng hay nói của cô ta mở ra để lộ hàm răng như ngọc.
“Nếu tôi mắc phải bệnh đó thì ông sẽ chữa cho tôi chứ?”
“Rất sẵn lòng”. Vị bác sĩ đặt cốc xuống, vui vẻ nhìn cái hình ảnh xinh đẹp này của một người phụ nữ. “Nhưng mà…”. Ông cười ngọt ngào. “Cô có gì phải sợ bệnh lao đâu Khunying”. Ông gọi cô ta theo tước vị mà mình nhớ được. Cô ta là con gái của một quận chúa. “Như tôi có nói thì bệnh lao chỉ xảy ra ở người nghèo hoặc yếu ớt thôi, những người thiếu ăn ấy… còn trường hợp của cô thì…”. Ông ngừng nói và uống ngụm rượu cuối cùng trong cốc.
“Ôi trời!”. Giọng cô ta nhẹ như gió thoảng qua tán lá. “Ông nói gì vậy bác sĩ? Tôi đâu có giàu. Tôi nghèo là đằng khác đấy.”
Ông thở dài và cứ thế lơ đãng xoay lật chiếc cốc không trong tay trước mắt. Ánh lấp lánh của mớ đá quý đó thực sự không khớp với lời cô ta gì cả.
“Ông chỉ nói chuyện với Khunying thôi sao, bác sĩ?” - người phụ nữ phía bên kia bàn than phiền bằng giọng ngọt ngào. “Nói chuyện với chúng tôi nữa đi chứ.”
Vị bác sĩ ngước mặt lên nhìn. Phía bên kia bình hoa có nhiều đôi mắt đang chĩa vào ông.
“Xin thứ lỗi cho tôi,” ông nói nhỏ.
“Ông không gọi thêm một cốc rượu nữa sao bác sĩ?”
Ông làm theo.
“Tôi sẽ say trước khi đồ ăn dọn ra mất,” ông vừa cười vừa nói.
Mỗi bên đều tuân theo những lề thói xã hội hoàn hảo ở bàn ăn. Bác sĩ cười với người này, nói chuyện với người kia, cười với người thứ ba đến khi buổi giao lưu kết thúc.
Một người phụ nữ xinh đẹp đề nghị cho ông quá giang.
“Sao ông không tự thưởng cho mình một chiếc ô tô?” bà ta hỏi.
“Tôi không biết lái.”
“Và cũng không có thời gian học lái nữa,” bà ta thêm vào. “Hẳn ông bận rộn lắm nhỉ?”
Bác sĩ cười.
“Thực ra là tôi không mua nổi.”
“Ồ, tôi không tin đâu.”
“Chà, cô nên tin thì hơn”. Ông châm một điếu thuốc nữa. “Tôi hút thuốc có sao không?”
“Không sao. Tôi cho ông xuống ở đâu đây?”
Bác sĩ nói cho bà ta biết.
“Đồ ăn tối nay không tệ. Tôi thích tới đây. Nó yên tĩnh. Không nhiều người lắm, dù hơi đắt.”
“Tôi ít khi tới đây lắm.”
“Chắc ông phải bận lắm. Khi nào ông rảnh thì lại tới nhé. Lần này tôi mời.”
“Cảm ơn cô.”
“Đồ uống cũng ngon nữa. Người pha chế khá giỏi đấy. Tôi nghe nói anh ta cứ được đề nghị tăng lương suốt nếu tới mấy khách sạn lớn làm… Mấy người chủ quán bar đang tranh nhau những bartender giỏi.”
“Thật vậy sao?”
“Tôi cũng thích anh ta lắm. Khunying ngồi cạnh ông thích tới đây lắm. Cô ta thích cocktail nhẹ và đã cho chúng tôi mấy công thức rồi, nhưng khi tôi làm thử thì lại không được ngon như anh ta làm. Tôi chỉ pha được hai loại mình thích thôi”. Bà ta cứ nói thế mãi rồi đổi đề tài. “Nhà ông cùng hướng nhà tôi đấy.”
“Tôi sợ mình đòi hỏi quá đáng rồi,” bác sĩ xin lỗi. “Thực ra tôi có thể bắt một chiếc taxi. Cứ cho tôi biết khi tới được nhà cô nhé. Lúc đó tôi sẽ xuống. Làm như vậy tôi có thể giả vờ là tôi dẫn cô về.”
“Không sao mà. Tôi sẽ thả ông xuống nhà trước.”
“Đừng có cố chấp vậy. Tới nhà thì phải cho tôi biết đấy.”
“Nếu vậy thì ông phải giúp tôi bằng cách ở lại uống một li nhé? Có qua có lại mà…”. Mắt bà ta lấp lánh khi nói thêm. “Tôi sẽ cho ông thấy tôi giỏi pha nước uống ra sao.”
Ông lưỡng lự hồi lâu.
“Đồng ý nhé?”
Ông gật đầu bằng lòng.
Vùng nước ở đó thật tĩnh lặng và yên bình. Vầng mặt trời đang mọc làm màn sương tan biến. Hai đứa trẻ đang ngụp lặn dưới nước. Thoáng liếc qua hẳn sẽ khiến bạn nghĩ rằng chúng đang chơi đùa.
Gã người Tàu mua đồ cũ lại ép giá rẻ bèo cho mớ dây thép. Đôi khi số tiền đó còn không đủ để mua một chai nước mắm nữa là.
Mớ đọt rau muống non vẫn cứ trung kiên đâm thẳng lên trời. Đó là thứ duy nhất không cần số tiền khó khăn lắm mới kiếm được mà mua.
Một cái bóng đen trải dài trên mấy cái bè gỗ, nó dừng lại đứng bất động.
Làn gió ban mai tươi mát làm nhẹ đi cái cảm giác nặng nề do uống rượu.
“Nhìn kìa, bác sĩ tới sớm quá!”
Mấy đứa trẻ người còn nhỏ nước long tong vội vàng ngoi lên đầy hân hoan.
Đôi mắt cô bé màu đen tuyền nhìn ông chăm chăm như thể ngừng thở. Đôi mắt ấy không chỉ sáng le lói, chúng lấp lánh theo kiểu không thể tả được.
Dù không khí đã được ánh nắng làm ấm lên nhưng cái lạnh tê tái vẫn xâm lấn trái tim ông.
Suwanni Sukhontha
Trương Thị Mai Hương dịch
Nguồn: thaishortstories.wordpress.com
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...