Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
02:55 (GMT +7)
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC

Cái chết của một viên chức

Anton Chekhov (1860 - 1904) sinh ra tại thị trấn Taganrog miền Nam nước Nga. Năm 1879, ông theo học ngành y tại Đại học Quốc gia Moskva. Sau khi tốt nghiệp (1884), Chekhov hành nghề y nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Những truyện ngắn của Chekhov đem lại một cái nhìn rộng lớn về xã hội nước Nga cuối thế kỷ XIX trong những bối cảnh có tính phổ cập và bất biến với thời gian.

Anton Pavlovich Chekhov (Nhà văn Nga)
Anton Pavlovich Chekhov (Nhà văn Nga)
Chùm truyện ngắn của Anton Pavlovich Chekhov

 

Cái chết của một viên chức

Vào một buổi tối thú vị, Ivan Đơmitơríts Tsêrviakốp, một viên quản trị hành chính không kém phần thú vị hơn, đã ngồi ở hàng ghế bành thứ hai, giương ống nhòm lên sân khấu xem vở Chuông Kornêvinh(1).

Y vừa xem vừa cảm thấy trong lòng khoan khoái vô cùng. Bỗng dưng... Trong các truyện thường gặp chữ “bỗng dưng” này, các tác giả đã có lý: cuộc đời quả là đầy dẫy những chuyện bất ngờ. Bỗng dưng mặt y nhăn nhó, mắt hoa lên, hơi thở nghẹn lại... Y rời mắt khỏi chiếc ống nhòm, hơi cúi xuống và... hắt xì!!! Các bạn thấy đấy, y đã hắt hơi. Không ở đâu lại có lệ cấm người này người nọ hắt hơi cả. Người nhà quê hắt hơi, cảnh sát trưởng hắt hơi, và đôi khi cả các viên chức bậc ba(2) cũng hắt hơi. Ai mà chẳng hắt hơi.

Tsêrviakốp không hề cảm thấy ngượng ngùng chút nào, y lấy khăn mùi xoa ra lau, và như một người lịch sự, y nhìn quanh xem thử cái hắt hơi của mình có trót làm phiền ai không? Liền đấy y cảm thấy bối rối. Y nhìn thấy một người đã có tuổi ngồi trên hàng ghế đầu ngay phía trước y đang lấy găng tay cẩn thận lau cổ và cái đầu hói của mình, mồm càu nhàu câu gì không rõ. Tsêrviakốp nhận ra vị có tuổi là tướng Brigialốp đương nhiệm tại tổng cục đường sắt.

“Mình làm bắn nước bọt vào ngài rồi! - Tsêrviakốp nghĩ. - Không phải thủ trưởng của mình, ở nơi khác, nhưng dù sao thì vẫn không hay ho gì. Phải tạ lỗi mới được”.

Tsêrviakốp đằng hắng, nghển cổ ra trước, thì thào vào tai vị tướng:

- Thưa ngài, ngài thứ lỗi cho, tôi trót hắt hơi... tôi vô ý...

- Không hề gì, không hề gì...

- Ngài làm ơn làm phúc tha lỗi cho. Tôi... tôi... không muốn thế đâu ạ!

- Thôi, anh làm ơn ngồi yên cho! Để tôi xem nốt!

Tsêrviakốp ngượng ngùng, bối rối cười ngây ngô và lại nhìn tiếp lên sân khấu. Xem thì vẫn xem nhưng không còn cảm thấy khoan khoái nữa, trong lòng đầy thắc thỏm lo âu. Đến giờ giải lao, y mon men đến chỗ Brigialốp, loanh quanh một lúc rồi đánh bạo lắp bắp nói:

- Tôi... tôi trót hắt hơi vào ngài... Xin ngài... thứ lỗi cho... Tôi không... không có ý... thế.

- Ôi dào, đủ rồi... Tôi đã quên rồi mà anh còn cứ nói mãi! - viên tướng nói, môi dưới trề ra, tỏ vẻ sốt ruột, khó chịu.

“Ngài nói ngài quên mà mắt ngài trông giận dữ thế, - Tsêrviakốp nghĩ, hồ nghi liếc nhìn viên tướng. - Ngài cũng không muốn nói nữa. Cần phải thanh minh với ngài rằng quả thật là mình không hề cố ý... rằng đó là quy luật của tự nhiên, không thì ngài lại nghĩ rằng mình muốn làm bắn nước bọt vào ngài. Bây giờ chưa nghĩ thế nhưng sau này có thể nghĩ!...”

Khi về nhà, Tsêrviakốp kể lại chuyện xảy ra cho vợ nghe. Nhưng y cảm thấy rằng vợ mình quá xem thường chuyện đó; bà ta chỉ hoảng sợ một chút thôi nhưng sau khi biết ngài là thủ trưởng ở “nơi khác” thì yên tâm trở lại.

- Nhưng mà thôi ông cứ đến gặp ngài mà xin lỗi đi, - bà ta nói. - Không thì ngài có thể nghĩ rằng ông không biết xử sự cho phải nhẽ ở nơi công cộng!

- Đúng là phải thế! Tôi đã xin lỗi rồi nhưng thái độ ngài có vẻ khác thường làm sao ấy... Ngài không nói một lời nào đứng đắn cả. Ừ mà cũng không có lúc nào để nói cho ra đầu ra đũa...

Cái chết của một viên chức
Minh họa

Ngày hôm sau, Tsêrviakốp mặc bộ lễ phục mới, húi đầu tử tế rồi đi đến chỗ Brigialốp để thanh minh... Bước vào phòng khách của tướng Brigialốp, y trông thấy nhiều người đang đợi xin gặp và cạnh họ là chính ngài Brigialốp lúc này đã bắt đầu nghe các lời thỉnh cầu. Hỏi một vài người xong, vị tướng đưa mắt nhìn Tsêrviakốp.

- Dạ thưa ngài... hôm qua ở rạp “Arcađi”(3) ngài còn nhớ không ạ, - Tsêrviakốp bắt đầu bẩm báo, - tôi... tôi hắt hơi... trót bắn dãi rớt vào... Xin... xin ngài...

- Rõ thật vớ vẩn... Có trời biết là thế nào nữa? Anh muốn gì nào? - vị tướng quay sang hỏi người tiếp theo.

“Ngài không muốn nói chuyện với mình! - Tsêrviakốp tái mặt nghĩ. - Thế là ngài giận đấy... Không, không thể để thế được... Mình phải thanh minh với ngài...”.

Khi viên tướng đã nói chuyện xong với người thỉnh cầu cuối cùng và đi vào làm việc ở nhà trong, Tsêrviakốp bèn bước theo và lắp bắp nói:

- Thưa ngài, nếu tôi có cả gan dám làm phiền ngài thì cũng chỉ vì, thưa ngài, tôi hối hận lắm ạ!... Tôi không cố ý đâu ạ, chắc ngài đã rõ đấy ạ!

Viên tướng cau mặt khoát tay:

- Này anh kia, có phải anh định giễu tôi không thì bảo! - viên tướng nói và đi vào trong phòng, đóng cửa lại.

“Mình giễu cợt gì mới được chứ? - Tsêrviakốp nghĩ. - Ở đây hoàn toàn không có chuyện gì đáng cười cợt cả! Ngài làm tướng mà ngài không hiểu! Nếu vậy thì mình sẽ không đến gặp ngài để xin lỗi nữa. Thôi mặc ngài! Mình sẽ viết cho ngài một bức thư, còn đến đấy gặp thì thôi! Ôi dào, thôi không đến nữa!”.

Tsêrviakốp đã nghĩ ra thế khi trở về nhà. Thư gửi cho viên tướng y không viết. Y nghĩ hoài, nghĩ mãi cũng không biết phải viết thế nào. Hôm sau, y lại đi đến đấy thanh minh lần nữa.

- Hôm qua tôi có đến làm phiền ngài. - Y lắp bắp nói, khi viên tướng đưa mắt về phía y với ý hỏi, - dạ không phải là để cười cợt như ngài đã có lời phán đâu ạ. Xin ngài thứ lỗi vì khi hắt hơi đã làm bắn nước bọt ạ... chứ tôi không có ý giễu cợt gì đâu ạ. Tôi đâu dám cười cợt ạ? Nếu như tôi mà giễu cợt thì còn đâu là sự kính trọng với... các bậc bề trên.

- Cút ngay! - viên tướng quát to, người run lên, mặt tái xanh vì giận dữ.

-Sao... kia ạ? - Tsêrviakôp khẽ hỏi lại, lặng người đi vì sợ hãi.

- Xéo ngay! - viên tướng giậm chân quát.

Trong bụng Tsêrviakốp như có cái gì vừa bị đứt ra. Không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, y đi giật lùi ra cửa, bước ra ngoài phố và lê bước quay về...

Đi về nhà như cái xác không hồn, y mặc nguyên bộ lễ phục, nằm xuống đi văng và... tắt thở.

 

(1). Chuông Kornêvinh (1877) ‒ vở Ô-pê-rét của nhạc sĩ Pháp R.G.Plankett (Planquette 1848-1903).

(2). Ở nước Nga thời Nga hoàng các viên chức tòng sự tại các cơ quan dân sự được sắp xếp theo các thang bậc, do Nga hoàng Pêtơrơ I đặt ra từ 1722. Tất cả có 14 bậc, cao nhất là các quan chức bậc từ 1 đến 4.

(3). “Arcađi” - công viên mùa hè ở Pêtérburg, ở đó có một nhà hát, chuyên diễn các vở hài kịch.

 

Anh béo và anh gầy

Trên sân ga của tuyến đường sắt Nikôlai(1) có hai người bạn cũ gặp nhau: một người béo, một người gầy. Anh béo vừa ăn ở nhà ga xong, môi láng nhẫy bơ như quả đào chín. Người anh ta toát ra mùi rượu nho loại nặng, mùi nước hoa cam. Còn anh gầy thì mới xuống tàu, hai tay lỉnh kỉnh nào vali, nào hộp, nào túi. Người anh ta toát ra mùi thịt ướp, mùi bã cà phê. Sau lưng anh ta là một người đàn bà gầy gò, cằm dài - đó là vợ anh ta, và một cậu học sinh cao lêu nghêu mắt nhíu lại - đó là con trai anh ta.

Cái chết của một viên chức
Minh họa

- Porphiri đấy à? - anh béo kêu lên, khi vừa nhác thấy anh gầy. - Đúng là cậu ư? Ôi, ông bạn thân mến của tôi! Bao nhiêu đông qua hè lại chúng mình không gặp nhau rồi!

- Trời! - anh gầy sửng sốt. - Misa! Bạn từ thuở nhỏ của tôi! Cậu ở đâu ra thế?

Hai người bạn ôm nhau hôn đến ba lần, mắt rưng rưng chăm chăm nhìn nhau. Cả hai đều kinh ngạc một cách đầy thú vị.

- Cậu ạ, - anh gầy bắt đầu nói sau khi hôn xong. - Mình quả không ngờ! Đột ngột quá! Nào, cậu nhìn thẳng vào mình xem nào! Ô, trông cậu vẫn đẹp trai như xưa, vẫn lịch thiệp, sang trọng như xưa! Chà, hay thật! À, mà cậu bây giờ thế nào rồi? Giàu không? Lấy vợ chưa? Mình thì có vợ rồi, cậu thấy đấy... Đây, vợ mình đây, Luida, nguyên họ là Vanxenbắc, theo đạo Luyte(2)... Còn đây là con trai mình, Naphanain, học sinh lớp ba. Này con, bác đây là bạn hồi nhỏ của bố đấy! Cùng học phổ thông với nhau đây.

Naphanain ngập ngừng một lát rồi bỏ chiếc mũ mềm xuống.

- Cùng học phổ thông với bố đấy con ạ! - anh gầy nói tiếp - À này, cậu còn nhớ cậu bị chúng nó trêu chọc thế nào không? Chúng nó gọi cậu là Gêrôxtrát(3) vì cậu lấy thuốc lá châm cháy một cuốn sách mượn của thư viện, còn mình thì chúng nó gọi là Ephian(4) vì mình hay mách. Hô... hô... Dạo ấy bọn mình trẻ con thật! Đừng sợ con, Naphanain! Con lại gần bác chút nữa nào... Còn đây là vợ mình; nguyên họ là Vanxenbắc... theo đạo Luyte...

Naphanain suy nghĩ một lát rồi nép vào sau lưng bố.

- Này anh bạn, bây giờ sống ra sao? - anh béo hỏi, nhìn bạn mình với vẻ đầy hoan hỉ. - Làm ở đâu? Thành đạt rồi chứ?

- Ừ, mình cũng có đi làm, anh bạn ạ! Hai năm nay mình là viên chức bậc tám, cũng được mề đay “Xtanixláp”(5). Lương lậu chẳng đáng là bao... nhưng mà thôi, thây kệ nó! Vợ mình dạy nhạc, mình thì làm thêm tẩu thuốc bằng gỗ. Tẩu đẹp lắm cậu ạ! Mình bán một rúp một cái đấy. Nếu ai mua cả chục hay nhiều hơn thì, cậu biết đấy, có bớt chút ít. Cũng cố sống qua loa thế nào xong thôi. Cậu biết không, trước mình làm ở cục, bây giờ thì mình được chuyển về đây, thăng lên bậc bảy cũng trong ngành đó thôi... Mình sẽ làm ở đây. Còn cậu sao rồi? Chắc là cỡ viên chức bậc năm rồi chứ? Phải không?

- Không đâu, anh bạn ạ, cao hơn thế nữa đấy, - anh béo nói. - Mình là viên chức bậc ba rồi... có hai mề đay của Nhà nước.

Anh gầy bỗng dưng tái mét mặt, ngây ra như phỗng đá, nhưng lát sau thì anh ta toét miệng cười mặt mày nhăn nhúm; dường như mắt anh ta sáng hẳn lên. Toàn thân anh ta rúm ró, so vai rụt cổ khúm núm... Cả mấy thứ vali, hộp, túi của anh ta như cũng co rúm lại, nhăn nhó... Chiếc cằm dài của bà vợ như dài thêm ra; thằng Naphanain thì rụt chân vào và gài hết cúc áo lại...

- Dạ, bẩm quan trên, tôi... tôi rất lấy làm hân hạnh ạ. Bạn... nghĩa là bạn... từ thuở nhỏ, thế rồi bỗng nhiên làm chức to thế. Hì hì hì.

- Thôi, cậu đừng nói thế đi! - anh béo cau mặt. - Sao cậu lại giở giọng thế? Mình với cậu là bạn từ thuở nhỏ - việc gì cậu lại giở giọng quan cách thế.

- Dạ bẩm quan... Quan lớn dạy gì kia ạ... - anh gầy cười hì hì, người càng rúm ró hơn. - Quan lớn chiếu cố cho thế này là đội ơn mưa móc cho kẻ bần dân đấy ạ... Dạ bẩm quan trên, thưa đây là con trai tôi Naphanain... và vợ là Luida, theo đạo Luyte đấy ạ...

Anh béo định quở trách điều gì thêm, nhưng gương mặt anh gầy toát ra vẻ kính cẩn, lâng lâng hoan hỉ đến mức anh béo cảm thấy buồn nôn. Anh béo ngoảnh mặt đi và đưa tay từ biệt anh gầy.

Anh gầy nắm ba ngón tay anh béo, cúi gập mình xuống chào và cười lên như một chú tẫu: “Hì hì hì”. Bà vợ mỉm cười. Naphanain kéo chân lại và buông thõng chiếc mũ xuống.

Cả ba người đều sững sờ một cách đầy thú vị.

__________

(1). Tuyến đường sắt Nikôlai - đường sắt nối liền Pêtérburg (nay là Lêningrát) và Maxcơva. Ðược gọi để kỷ niệm Hoàng đế Nga Nikôlai I (1796 - 1855).

(2). Ðạo Luyte - một trong những biến dạng của đạo Tin lành (cùng với đạo Thiên Chúa và Chính giáo là ba nhánh chính của Kytô giáo). Ra đời trong thế kỷ XVI, do những nỗ lực của Luyte (1483 - 1546) và những tông đồ của ông ở nước Ðức.

(3). Gêrôxtrát - người Hy Lạp, năm 356 trước Công nguyên đã đốt đền Áctêmiđa Ephecxcaia để tên mình trở thành bất tử.

(4). Ephian (khoảng 500 đến 461 trước công nguyên) - nhà hoạt động chính trị của Aten thời cổ. Năm 480 trước công nguyên đã phản bội, chỉ cho quân Ba Tư lối đi vòng qua khe Phennôpinxki. Toán dân binh Xpácta ở Hy Lạp cổ bảo vệ khe núi này, đã hy sinh một cách anh hùng.

(5). Mề đay “Xtanixláp” - thứ huân chương dành để thưởng cho các quan chức cơ quan dân sự, ở nước Nga trước Cách mạng. Mề đay gồm có ba loại.

Nhà văn Anton Chekhov.

Nguồn: trieuxuan.info

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN HỒ THỦY GIANG:

Truyện ngắn của Chekhov thường có nhân vật “con người nhỏ bé”. Nhỏ bé về thân phận, nhỏ bé về tâm lí. Hai truyện ngắn “Cái chết của một viên chức” và “Anh béo và anh gầy” là 2 trong nhiều truyện ngắn tiêu biểu về kiểu nhân vật này. So với các nhà văn Nga tiền bối và cùng thời, khi chọn đề tài “Con người nhỏ bé”, Chekhov có phần hơi khác. Nếu như các nhà văn Nga truyền thống thường khắc họa mẫu người này thành những con người đáng thương, tội nghiệp, đáng cảm thông thì Chekhov lại lấy cảm hứng hài hước, châm biếm, giễu cợt là chủ đạo. Truyện ngắn “Cái chết của một viên chức” và “Anh béo, Anh gầy” là một ví dụ.

Cả 2 truyện ngắn này đều có cốt truyện rất đơn giản, các biến cố cũng không hề nhấn mạnh. Nói cách khác là ông đã “tung ra” những xung đột chìm. Cái chết dần dần của Tsêrviakốp trong “Cái chết của một viên chức” được thông qua một quá trình ngầm, “tự diễn biến”, “tự khiếp sợ”, sự khiếp sợ mỗi lúc một tăng lên rồi cuối cùng dẫn đến tình trạng mình tự giết mình. “Anh béo và anh gầy” so với “Cái chết của một viên chức” có phần nhẹ nhõm hơn, nhưng sự tự ti một cách bất thường, thái quá của nhân vật anh gầy cũng là một mạch ngầm không kém phần dữ dội, cảnh báo một lối sống thảm thương, nhợt nhạt, tha hóa của con người trong thời đại quyền lực lên ngôi. Cả 2 truyện ngắn đều là những lưỡi dao sắc lẻm chĩa vào tâm lí nô lệ tinh thần. Từ đó, làm thức tỉnh những khát vọng về một thế giới đẹp đẽ, công bằng, cao thượng.

Truyện ngắn của Chekhov thường có cái kết bất ngờ. Đó cũng là điểm mạnh và sự cần thiết của kiểu truyện ngắn mini mà nhà văn luôn sử dụng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước