Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
12:45 (GMT +7)

Các anh mang mùa xuân đến cho quê hương

VNTN - Những ngày đông đã qua, nhường vào đó là sự ấm áp của tiết trời sang xuân. Mở toang cửa sổ cảm nhận cái nắng dìu dịu, nhìn rặng hoa đào trước ngõ, sau những ngày Tết vẫn đua nhau bung nở, đỏ rực một góc trời. Lòng chợt nghĩ đến những người lính nơi biên cương, đảo xa.

 

Nhà giáo Nguyễn Thị Tuyết Lệ (Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Ngân, huyện Định Hóa)

Ước mong ngày đoàn tụ gia đình bên mâm cơm đêm Giao thừa là một điều vô cùng giản dị, nhưng có lẽ với những người lính thì đó như một điều xa xỉ, một ước mơ mà được thực hiện ở gia đình này thì buộc gia đình kia phải nhường nhịn, sẻ chia. Nói như vậy không hề quá, người lính luôn phải thực thi những nhiệm vụ, trọng trách nặng nề để bảo vệ quê hương, đất nước. Đặc biệt là những người lính nơi tuyến đầu biên giới và hải đảo xa xôi đang đêm ngày canh giữ từng tấc đất, ngọn sóng cho quê hương, đất nước. Với những đơn vị đông quân số hay ở những nơi đường giao thông thuận lợi, gần nhà, những người lính còn được luân phiên về bên gia đình, ăn bữa cơm đầm ấm cùng vợ con hay người thân, những ngày lễ tết còn có cơ hội nắm tay người yêu dạo phố... Nhưng với những người lính nơi biên giới, hải đảo thì mơ ước giản dị ấy ít khi thực hiện được.

 

 

Khi nhà nhà, người người nô nức dắt nhau đi chợ Tết để mua đồ dùng, vật dụng trang hoàng nhà cửa, thực phẩm ăn Tết, sửa soạn mâm cỗ cúng Giao thừa, mua tấm áo mới biếu mẹ già, tặng con trẻ,... ấy cũng là lúc những người lính nơi xa xôi cắt cử nhau canh gác, tự gói bánh chưng, bánh tét, đồ xôi, chuẩn bị mâm cỗ đón Giao thừa. Vắng người thân, các anh chỉ có tình đồng đội nhưng trong sâu thẳm mỗi trái tim người lính vẫn có nỗi nhớ thương da diết. Hạnh phúc hơn cho những người lính đến phiên về nghỉ Tết, được sum họp bên gia đình, song lại chạnh lòng thương đồng đội nơi xa đang bồng súng đứng gác nơi biển đảo lộng gió hay đi tuần tra dọc đường biên giới để bảo vệ bình yên cho muôn nhà.

Không chỉ có các anh là nôn nao nỗi nhớ, có người mẹ già tóc bạc, ngồi bỏm bẻm nhai trầu ngóng đợi con, hễ một tiếng động nhỏ ngoài phía cổng cũng đủ để cho mẹ giật mình, đôi mắt sáng lên ngóng đợi nhưng rồi lại chùng xuống. Vẫn biết con không được về nhưng nỗi lòng và trái tim mẹ vẫn đợi chờ. Thương lắm hình ảnh người vợ trẻ bế con mong chồng từng giây khắc, cảnh con trẻ cứ tíu tít đợi quà cha… Các anh chỉ có thể đoàn tụ với gia đình qua giọng nói phát ra từ chiếc điện thoại, hay may mắn hơn là hình ảnh chập chờn do sóng điện thoại thiếu ổn định. Nhưng như thế cũng làm vơi bớt đi nỗi nhớ nhà. Tất cả những điều đó phải chăng là sự hy sinh, sự cống hiến thầm lặng, chỉ những ai đã, đang có mặt trong hoàn cảnh đó mới đủ cảm nhận được sự vất vả, hy sinh của các anh. Lính thời bình, không có khói lửa chiến tranh, ít đi nỗi đau của sự mất mát chia lìa nhưng sự cống hiến thì không hề nhỏ, các anh đổi cả tuổi thanh xuân cho sự bình yên của Tổ quốc, phía sau các anh là sự thiếu thốn tình cảm gia đình, luôn sống trong niềm thương, nỗi nhớ.

Mùa xuân đã giăng khắp lối, không khí ngày Tết cũng đã đi qua, nhưng nghĩ về các anh - những người lính mang trên vai trọng trách thiêng liêng, vẻ vang mà Tổ quốc giao phó - chỉ xin được cầu chúc mùa xuân sẽ mãi ấm áp ở bên các anh. Mỗi mùa xuân của đất nước là mùa xuân của lòng người tri ân, của sự biết ơn vô cùng đến các thế hệ cán bộ chiến sĩ ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Cả nước luôn hướng về các anh - những người con hy sinh thầm lặng. Các anh mãi là những người mang mùa xuân đến cho từng tấc đất quê hương.

 

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Đảo Sơn Ca… rì rào sóng vỗ

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Gửi những “thiên sứ bảo vệ hòa bình”

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Yêu từ trong tâm tưởng đến hành động

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Sóng dưới lòng sâu

Hướng về biển đảo quê hương 4 năm trước