Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:40 (GMT +7)

Búp chè xưa trở về

Truyện ngắn. Nguyễn Phú

Người trong vùng kháo nhau hội làng Chè năm nay sẽ tổ chức to lắm. Theo thần phả của làng, năm Quý Mão này vừa đúng ba trăm năm Bà Chúa Hoa Chè mang giống chè quý về vùng bán sơn địa khai khẩn, lập làng. Những ba trăm năm cơ mà, biết bao đời con dân làng Chè được ân hưởng từ công đức của Bà Chúa. Từ làng Chè, những búp chè đã tung cánh bay, thơm khắp muôn phương. Mấy năm nay, con cháu làng Chè, trong Nam ngoài Bắc, trời Tây đất Mỹ kéo nhau về dự hội làng đông vui lắm. Nam thanh nữ tú thập phương, cả khách nước ngoài cũng ùn ùn kéo đến, thật là người xe như nước, áo quần như nêm.

Minh họa: Dương Văn Chung

Theo gia phả Ngô tộc, Thiện là hậu duệ đời thứ mười bảy của Bà Chúa. Bố Thiện đang là tộc trưởng của dòng họ Ngô ở làng Chè. Thế nên, ngày mẹ bỏ bố con Thiện để về với ông bà tổ tiên, bố Thiện không tục huyền với người đàn bà khác đã trở thành sự lạ ở làng. Người trong họ tộc giục giã, mối lái, thúc ép ông thế nào ông cũng một mực chối từ. Bị thúc ép nhiều quá, ông từng tuyên bố: “Không để tôi yên thân nuôi thằng Thiện, thì tôi sẽ bỏ cái làng này mà đi”. Thế là mấy bà chị gái của bố và mấy ông vai trên trong họ không dám nhắc đến chuyện ấy nữa. Có lẽ bố đã không quên, mãi mãi không quên được mẹ Thiện. Người không ưa bố Thiện thì độc mồm bảo ông là kẻ gàn, dở hơi cám hấp, kẻ si tình nhất thế gian. Ngày ấy, ở quê Thiện những người đàn ông có hai vợ không phải là hiếm.

Năm nay, xuân về sớm quá, mới đầu tháng Chạp đã có mưa xuân. Những hạt mưa mang về phép màu, mang đến thần dược. Chỉ qua vài đợt mưa, cây lá khắp vùng đồi bừng dậy khoe sắc, hoan ca. Những vạt chè nảy búp non mưng mưng, mọng căng, xanh ngời như những phiến ngọc khảm trên đồi. Hương chè xuân làm đất trời thêm dịu dàng, nồng nã. Ngắm đồi chè non lấp lánh dưới nắng xuân lòng Thiện cũng nôn nao khó tả. Có một điều gì đấy đang động cựa trong lòng, mơ hồ như mạch nước len lỏi, rì rầm dưới tầng tầng đá sỏi, dưới những búi rễ cây rừng. Tiếng chim chích gọi Thiện bước ra ngoài. Những chú chim chăm chỉ vừa bắt sâu trên những nhành bạch mai cổ thụ vừa lích rích chuyện trò. Cả thảy có năm chú chim, Thiện cứ đinh ninh đấy là một gia đình với ông chim, bố mẹ chim và hai em bé chim. Cả khu vườn với mai, hồng, táo, lựu và quả đồi kia nữa là tổ tiên trao truyền lại cho bố con Thiện. Mỗi cái cây dường như đều có linh hồn, đều gắn với những người trong dòng tộc. Đã nhiều lần, Thiện ngồi trong vườn cây, giữa đồi chè để trôi ngược về những thời đoạn huy hoàng của dòng họ...

Mải ngắm gia đình chim chích, Thiện giật mình khi thấy bố cách đó không xa. Ông ngồi dưới gốc cây mận đang lấm tấm hoa, hững hờ buông cần câu trên mặt ao. Thiện biết, bố đâu có câu cá. Năm nào cũng vậy, cứ vào độ này là bố ngồi câu những kí ức, bố tìm hình bóng mẹ và tháng ngày lứa đôi hương mật trong những vòng nước đồng tâm kia. Đã có lần Thiện gặp bố rơi nước mắt và thầm gọi tên mẹ. Mẹ Thiện ra đi hơn hai mươi năm rồi. Là người đàn bà đẹp nên khi sang thế giới khác bà cũng chọn một ngày thật đẹp, những đóa hoa xuân nở rực rỡ khắp vườn đồi. Nhìn mái tóc như phủ một lớp hoa mận trắng, cái dáng ngồi như gẫy gập tấm lưng gầy của bố, lòng Thiện dâng lên nỗi xa xót. Khổ thân bố, một đời gà trống nuôi con, có phúc có phần giờ này cả đống cháu rồng rắn vây quanh mới phải. Thiện biết bố mong lắm một nàng dâu để ông được có cháu ẵm bồng, vui tuổi già. Tất cả là do Thiện phận hẩm duyên ôi, kém người nên mới ra nông nỗi thế. Bao năm qua nhà chỉ đuồn đuỗn hai bố con.

*

  Họp thôn mấy phiên rồi nhưng phương án tổ chức hội xuân làng Chè vẫn chưa ngã ngũ. Phe truyền thống gồm các cụ cao niên trong làng và bố con Thiện, phe hiện đại là cánh trẻ, đứng đầu là mấy đại gia mới nổi. Lễ hội là để tưởng nhớ Bà Chúa Hoa Chè, là dịp con cháu muôn nơi trở về sum vầy nơi cố thổ, để vinh danh đặc sản chè của quê hương, để nhiều người biết đến làng Chè... Những điều ấy già trẻ lớn bé trai gái trong làng ai cũng biết. Nhưng phe truyền thống thì muốn tổ chức gọn gàng, theo đúng những nét cổ truyền lại cho gần gũi, ấm áp. Phe hiện đại lại muốn đây là dịp tốt để quảng bá thương phẩm chè nên phải làm càng rầm rộ, càng to càng tốt. Phải kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tức là ngoài phần lễ theo thông lệ, tổ chức các trò dân gian như thi hái chè, nấu cơm, đánh vật, chọi gà như mọi năm thì cần tổ chức thêm các hoạt động mới, ấy là mời các vùng chè khác đến giao lưu, thi người đẹp Hoa Chè, quay vòng trúng thưởng, đua xe đạp vòng quanh hồ...

Hôm qua, trong lúc bố Thiện đang nói về cái hay, cái đẹp của việc giữ gìn lề lối cổ khi tổ chức hội xuân thì Trần Lợi, một đại gia trẻ trong làng, đại diện phe hiện đại đứng phắt dậy bảo: “Cháu xin lỗi chú và các cụ cao niên, làng ta bao đời phong túc và phát triển như ngày nay là nhờ ơn mưa móc của Bà Chúa Hoa Chè... Nhưng nếu không biết phát huy những thế mạnh của làng thì làng Chè cũng mãi chỉ là một ngôi làng xó núi, không thể vươn ra bên ngoài được. Làng Chè như một nàng công chúa say ngủ, ta đã đánh thức nhưng nàng còn ngái ngủ. Nên dịp này chúng ta cần phải làm cho nàng tỉnh hẳn, sáng bừng lên...”. Trần Lợi mặt đỏ tía tai, tay chém phần phật khi diễn thuyết. Lúc anh ta ngừng lời, phe hiện đại vỗ tay rào rào cổ vũ nghe như sấm dậy vang trời.

Thiện nghe những lời của Trần Lợi không phải không có lý. Phải công nhận mươi năm qua, không có những người như Trần Lợi thì những ngôi nhà trong làng Chè vẫn chỉ thưng gỗ, mái tranh, mái cọ đâu có nhiều nhà mái ngói, bê tông, hai ba tầng như bây giờ. Ngay như Thiện, mang tiếng là kĩ sư nông nghiệp nhưng cũng đã làm gì được nhiều cho cái làng này đâu. Tâm nguyện của Thiện là bảo tồn giống chè quý mà Bà Chúa để lại. Ba mươi năm trước, làng Chè cuốn xoáy vào luồng gió mở cửa. Người ta bàn nhau phải trồng cây gì cho kinh tế cao, thoát nghèo cái đã. Ăn chưa no, mặc còn thiếu chẳng ai rỗi hơi ngắm hoa, thưởng chè. Ngày ấy, chè chỉ để mua bán trong một vùng nhỏ hẹp, giá trị kinh tế chẳng đáng là bao. Thế là chuyển đổi, đất làng Chè được thử nghiệm không biết bao loại cây. Những vạt chè hàng trăm năm tuổi mốc meo, cỗi cằn trên những quả đồi bị người ta đào tróc hết đi để trồng vải, xoài. Vải, xoài không lên được thì chuyển sang sở, hồi. Mấy năm trời vất vả đến khi sở cho quả, hồi cho hoa lại chả có người mua, thế rồi chuyển sang trồng cam, bưởi. Khốn nỗi cam với bưởi chả hợp đất, được mấy vụ đầu cho quả, những vụ sau được quả nào thì còi cọc, cóc cáy quả ấy, múi khô khốc, đắng nghét. Bấy giờ người ta mới nhớ đến cây chè.

Đất làng Chè chỉ hợp với chè. Nhưng qua hàng chục năm, chỉ còn rơi rớt mấy cây chè cổ, làm thế nào để có được những đồi chè như xưa. Người ta tách khóm, giâm cành từ mấy cây chè cổ, nhà Thiện cũng có một cây. Đợt ấy chả hiểu sao từ cây mẹ đến những cây con đều chết ráo, cả vùng hình như chẳng còn cây chè nào. Người ta rì rầm làng quay lưng với cây chè nên Bà Chúa phạt. Làng phải cử người đi xin lại giống chè từ những người vùng khác đã từng đến xin giống chè quý của làng. Bao công lần mò, lặn lội mà chả được mấy cây. Chè về những đất ấy cũng biến đổi, chả còn hồn vía chè của làng Chè. Cuối cùng mấy người có máu mặt bàn nhau đi mua giống chè ở một trại ươm ở tỉnh bên. Thôi thì đành phải vậy. Từ đấy, lễ hội tưởng nhớ ơn đức của Bà Chúa Hoa Chè cũng được phục dựng, duy trì lại vào mỗi dịp xuân về.

Giống chè mới hợp với đất làng, cho năng suất cao, mã đẹp mà không sao có được cái vị, sắc, hương của giống chè cổ nữa. Giống chè mới nhanh thoái hóa, vị nhạt, hương phai, màu nước hãm chè ngày càng xấu đi. Bố con Thiện cùng với cụ Ninh, bậc cao niên có tiếng sành chè trong làng đã đi khảo sát khắp vùng nhưng không tìm được giống chè xưa nữa. Thiện biết một số cơ sở sản xuất và thương lái đã “phù phép” bằng hóa chất để đánh lừa khách hàng. Nghĩ đến điều ấy, lòng Thiện đau lắm, nhưng lực bất tòng tâm, người ta làm ăn, mình lại chả có bằng chứng gì.

Minh họa: Dương Văn Chung

Dăm năm qua, tiền tổ chức hội xuân đều do mấy đại gia trong làng đóng góp, họ cứ bảo là lòng thành cung tiến dâng lên Bà Chúa thì ai dám từ chối. Vả lại, trưởng thôn mới ngoài bốn mươi, là một chân trong hội làm ăn của làng. Thế nên, mọi việc cánh trẻ đề xuất đều êm xuôi. Năm nay, nhùng nhằng là vì họ đòi làm lớn quá, mà toàn những cái đâu đâu. Phe truyền thống đề cao cảnh giác, sợ rằng tạo tiền lệ, phe hiện đại được đằng chân lân đằng đầu, rồi phá nát lề lối ông bà để lại. Nghe đâu phe hiện đại còn thuê cả cánh phóng viên của mấy báo mạng về viết bài đưa tin.

*

Dòng suy nghĩ đưa bước chân Thiện ra Nguyệt Hồ. Xa xưa hồ có tên là Nguyệt, bởi hồ tròn vạnh như mặt trăng. Sau dân trong vùng gọi gọn lại là Nguyệt Hồ, nghe có vẻ nên thơ và cổ kính. Nắng xuân rọi xuống mặt nước lấp lánh, đứng trên đồi chè nhìn xuống sẽ có cảm giác đứng trước một tấm gương lồng lộng. Tương truyền, hồ nước là nơi Bà Chúa tắm táp khi dừng chân ở vùng đồi. Sau này, hội làng tổ chức đều có nghi thức rước nước từ hồ về tắm cho Bà Chúa Hoa Chè trong hậu cung đình làng. Về lai lịch Bà Chúa Hoa Chè theo thần phả của làng ghi lại thì bà vốn là quý phi họ Ngô trong cung vua. Vốn đẹp người, đẹp nết lại có tài pha trà nên bà được nhà vua hết mực yêu chiều. Quý phi có một thói quen rất nhã, ấy là tắm bằng nước hãm hoa chè. Đó là bí thuật làm say đắm đấng quân vương.

Ngày đêm được kề cận mình rồng nên Ngô quý phi sớm mang long thai. Nhưng hậu cung là chốn thị phi, đấu đá, quý phi mắc hàm oan, bị giam vào lãnh cung, sống mà như chết. Tháng Giêng năm Dần, binh biến hoàng cung, được con hầu cứu giúp, quý phi đã trốn khỏi lãnh cung, mang theo một mầm chè quý tách từ gốc chè cổ thụ trong vườn thượng uyển. Trốn chạy qua bao dặm đường khổ ải, thấy vùng đồi này đất đai tươi tốt, con người thuần phác, quý phi dừng lại, mang những thứ trang sức quý còn giữ được đổi lấy điền thổ, chiêu mộ dân trong vùng khai khẩn lập nên làng Chè. Ngày bà về trời, dân làng tưởng nhớ ân đức lập đình thờ, suy tôn làm thành hoàng, thường gọi là Bà Chúa Hoa Chè.

Chuyện về Bà Chúa trong họ tộc nhà Thiện ai cũng biết, nhưng dân trong vùng nhiều người cũng không tường tận. Thời gian như nước qua cầu, Bà Chúa đã là người giời, cách những mấy trăm năm. Ngày trước, nghe Thiện kể chuyện về Bà Chúa, Miên cứ mắt tròn mắt dẹt mà nghe. Nhà Miên ở xóm Xoan, tức xóm trại, tách khỏi làng Chè dăm bảy chục năm rồi nên có những điều xa xưa của làng Miên cũng không biết được. Năm ấy, cả hai đứa đã mười bảy tuổi. Miên đẹp nao nức khắp vùng. Miên thường được chọn làm nhân vật chính, trinh nữ đội bình nước trong đoàn rước của làng. Người làng bảo Miên mỗi ngày thêm đẹp, sáng láng vì được Bà Chúa ban ơn. Trai trong vùng le ve, bâu bám quanh Miên từ trường về nhà, từ nhà đến trường. Bố Miên yêu con gái hơn ngọc quý, nhưng ông nghiêm lắm, Miên xao lãng việc học hành là chết với ông. Giai làng Chè mấy đứa bị ông bắn súng đạn xoan cho bươu đầu vì cái tội đêm đêm quấy rầy Miên. Thế nhưng Thiện đến nhà ông lại vồn vã, vui ra mặt. Không hẳn là Thiện học giỏi có tiếng, là bạn học của Miên, có lẽ ông quý Thiện là vì bố Thiện với ông từng là đồng ngũ. Hai người có vẻ hợp nhau lắm, nhưng mỗi người một hoàn cảnh nên họ cũng ít có dịp hàn huyên riêng với nhau.

Ngại ánh mắt của bố mẹ và các em nên Nguyệt Hồ thường là nơi hò hẹn của hai đứa. Trai gái mười bảy, mười tám mọng căng, thơm ngát như búp chè xuân. Mơ ước nhiều lắm, khát khao nhiều lắm mà phải giấu hết sau những thẹn thùng. Những đêm trăng, Miên hay gội đầu bồ kết, chanh sả, mùi hương ấy đã ướp đẫm những giấc mơ con trai đầy mê dụ, ẩm ướt của Thiện. Trong mơ, Miên là búp chè non căng nõn. Nhưng trước khi cả hai cùng đỗ đại học, rời làng lên thành phố, hai đứa còn chưa dám cầm tay nhau. Bao năm rồi, hương tóc năm nào vẫn vấn vít bên hồ để mỗi khi qua đây lòng Thiện lại nhói lên như có ai châm chích mũi kim vào.

*

Bố Thiện hằm hằm bước vào nhà, vứt bộp quyển sổ bìa da xuống mặt bàn. Nhìn biểu hiện của bố, Thiện đoán chắc lại có việc gì liên quan đến khâu tổ chức lễ hội làm ông bực mình. Chiều qua, sau khi họp bàn, cả làng đã thống nhất phương án kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tức là phần lễ vẫn diễn ra theo lối cũ, nhưng phần hội có thêm các cuộc thi, trò chơi theo mong muốn của cánh trẻ cho thêm phần khí thế. Đấy là một sự xuống nước, chia sẻ của phe truyền thống trước phe hiện đại. Ấy thế mà sáng nay, nếu bố Thiện và mấy vị cao niên trong làng không cương quyết thì rồi bọn trẻ sẽ làm ô uế cả lễ hội cho mà xem.

Ai đời, chúng học đòi ở đâu rước về hai cái thứ bằng gỗ sơn đỏ choe choét, cái của đàn ông to dài như cột nhà, cái của đàn bà to tròn như cái mẹt lớn. Trần Lợi lại oang oang diễn thuyết: “Bà Chúa bao năm không chồng, có âm mà không có dương... thế nên làng ta chưa thực sự ngóc đầu lên được. Nay thêm hai cái sinh thực khí này vào hội cho âm dương hài hòa, vạn vật sinh sôi, sung túc”. Trần Lợi còn bảo rằng làng Chè phải hội nhập, phải học hỏi những cái hay, cái đẹp khắp nơi. Rước sinh thực khí ở tỉnh này tỉnh kia nước ta làm rồi, đến Nhật, Hàn họ cũng có thì mình cũng nên làm. Đây là văn hóa phồn thực, không có gì là xấu xa cả. Cánh Trần Lợi tìm tòi, đổi mới cũng chỉ là muốn thu hút khách thập phương đến với làng Chè... Tao đẻ ra chúng mày tao không biết đấy là văn hóa à. Nhưng nó không phải của mình thì đừng vơ vào. Bà Chúa là người đức độ, đoan chính, tiết hạnh, là Chúa của làng Chè này. Chúng mày làm thế là báng bổ Chúa, nhổ vào họ Ngô nhà tao, chổng mông vào cả cái làng, cái xã này. Ức quá là ức, bố Thiện gầm lên rồi bỏ về nhà.  

Thiện ra đến nhà văn hóa vẫn thấy một đám người già xen lẫn người trẻ chỉ trỏ, tranh cãi ỏm tỏi. Chúng bay không mang hai cái của nợ này đi thì không có hội hè gì sất. Tao nói lần cuối đấy, chúng bay nghe chửa? Ông Kiểm, bí thư chi bộ, là người trong họ Ngô nhà Thiện nói mà như hét. Nét mặt ông đanh lại, ánh mắt như hai tia chớp phóng ra. Ánh mắt ấy chiếu thẳng vào Trần Lợi, đến Thiện cũng phải rùng mình. Có lẽ, biết không thể làm tới, Trần Lợi hất hàm ra hiệu cho hai thanh niên tóc nhuộm xanh đỏ khênh bộ sinh thực khí lên xe kéo, lôi đi. Thiện định nói một câu gì đó cho tan đi không khí căng thẳng, nghĩ thế nào lại lẳng lặng bỏ về.

Một bước... hai bước... ba bước... Ngày trước, từ nhà Thiện men theo ven hồ sang tới nhà Miên đúng năm - trăm - hai - mươi - ba bước chân. Chưa khi nào chân Thiện lỗi nhịp. Đã bao lâu Thiện không còn được cái cảm giác háo hức đếm bước chân mình. Vậy mà lúc này, Thiện lại đang vừa bước vừa lẩm nhẩm đây. Những điều xưa cũ, người năm cũ,... chợt ùa về làm Thiện nôn nao, chạnh buồn. Năm trăm hai mươi ba. Cổng nhà Miên đây rồi. Những chùm hoa giấy hồng tươi, mỏng tang treo trước gió, vài tiếng gà eo óc quanh đống rơm vàng, chú cún con ư ử như hờn dỗi điều gì.

Cửa khóa ngoài, phía trong không thấy bóng người. Nhà Miên giờ chỉ còn bố mẹ, Miên biệt trời xa, mấy đứa em đã ra thành phố. Bà mẹ vẫn tham việc, hàng ngày bán hàng khô ở chợ Dốc Chè. Thường xuyên ở nhà chỉ có bố Miên, có lẽ ông chạy đi đâu đó cho đỡ buồn. Nhiều lần Thiện đi ngang qua mà không nhìn vào, có lần định bước qua cánh cổng ấy, lại thôi. Thiện vừa muốn thăm người đồng ngũ của bố lại vừa muốn kiểm chứng lời đồn về cây chè quý. Trong Thiện có một dòng sông cứ mỗi lúc càng thêm rộng ra, sâu ngút sau cái ngày Miên ở lại đất nước mặt trời mọc, chỉ gửi lại cho Thiện vài câu như dao cứa. Nhiều lúc Thiện thần người tự hỏi một mối tình năm năm trời kết thúc lại nhanh gọn, phũ phàng thế ư? Lúc cô đơn nhất, Thiện nghĩ chính Miên là kẻ đã đánh cắp tuổi trẻ, đã giết con tim đầy khát khao, mộng mơ của Thiện. Biết chuyện của đôi trẻ, kể từ ngày đó, bố Thiện và bố Miên cũng thường tránh mặt nhau.

Anh Thiện, có phải anh Thiện đấy không? Cô gái đỗ chiếc xe Wave bên Thiện rồi nở nụ cười, nhanh nhảu bắt chuyện. Thiện thấy bối rối, chắc cô gái đã bắt gặp anh ngó nghiêng vào nhà Miên. Thiện chưa biết nói gì, giải thích ra sao thì cô gái lại lí lách nói cười, giọng cô có chút trách hờn. Bao năm rồi, anh Thiện chẳng đến nhà em. Em là Lam đây. Ồ, Lam đấy ư? Thật là Thiện không thể hình dung cô bé Lam gầy tong như cọng cỏ tranh ngày nào giờ là cô gái cao ráo, căng tràn, bừng sáng trước mặt anh. Mươi năm trước, Lam mới chín tuổi, hồn nhiên lắm, hay lẳng nhẳng bám theo Miên. Để tách cái đuôi khỏi Miên, Thiện thường tặng Lam những thanh kẹo lạc thơm lừng. Thế nên mỗi lúc Thiện đến nhà, cô bé vui lắm, ríu rít như chú chim non.

Minh họa: Dương Văn Chung

Lam mở khóa cổng tanh tách, dắt xe, rồi quay ra kéo nhanh Thiện vào như sợ anh bỏ đi mất. Thiện thấy mình giống đứa trẻ ngoan đang được cô giáo dắt vào một thế giới thanh nhuần. Khu vườn nhà Miên vẫn lưu bao nét cũ. Chiếc chuông gió treo trên tán lộc vừng trơ lá. Hai cây mẫu đơn được bố Miên kì công uốn tỉa trổ hoa đỏ rực tựa hai mâm xôi lớn. Cây táo đung đưa, chen chúc, thơm ngát những quả vàng. Mấy khóm hải đường mơn mởn nụ son. Và kìa, cội bạch mai bên giếng nước, xòe ra tán rộng cỡ một nong tằm, lấm tấm những nụ nõn như sương tuyết. Cây mai này chính Thiện đã trồng ngày Thiện và Miên đỗ đại học.

Lam dắt tay Thiện nhẹ lướt đi giữa khu vườn trong tiếng chuông gió lanh canh. Thiện thấy lòng chợt dịu nhẹ, thanh yên như một chén trà thơm. Anh cứ để Lam dẫn đi, để cô được nói về những cái cây trong vườn, về những ngày tháng qua của cả nhà. Nhưng điều anh muốn nghe nhất đấy là những thông tin về Miên thì Lam lại chẳng hé gì. Dường như trong câu chuyện của cô, Miên ở đâu đó rất xa, trong một vùng sương mù quá vãng. Thiện đã nhiều lần đi lạc trong những vùng sương mờ mịt sinh ra từ những lời đồn về Miên của người trong vùng. Lam đã hai mươi tuổi, Lam hiểu chuyện và đủ tinh tế hay còn một điều gì đó mà Thiện không biết được.

Lam dẫn Thiện đến bên cây chè giữa vườn. Lam bảo cây chè này được trồng từ đời cụ nội cho ông nội Lam ra xóm trại. Cái đận người làng tách nhánh làm giống cây chè đang xanh tốt bỗng dưng chết khô. Dăm năm trước, lúc nhà Lam qua đại hạn thì giữa vườn mọc lên cái mầm chè, đúng chỗ gốc chè cổ ngày xưa. Cả nhà ai cũng cho là sự lạ. Thiện vô tình chẳng nghĩ đến cái hạn nào của gia đình Lam. Thiện mải nhìn cây chè như bị thôi miên, từ những đốm mốc ở thân cây, hình lá, đường gân, búp chè đều giống những gì cụ Ninh mô tả. Thiện hái một búp chè đưa vào miệng nhai nhẹ, vị chát dịu tan ra, tràn thấm nơi đầu lưỡi, một mùi hương thanh nhẹ ngưng trong vòm họng rồi loang dần lên cánh mũi Thiện đang phập phồng xúc động.

Đúng là nó rồi, Thiện muốn reo lên. Thiện lại say sưa kể cho Lam về Bà Chúa Hoa Chè, về giống chè quý mà Thiện tin rằng đấy chính là giống chè Bà Chúa đã mang đến làng Chè. Lam chỉ mủm mỉm cười khi thấy Thiện bỗng chốc như một người khác. Vẻ ưu tư, khó gần trên gương mặt đã nhường cho nét tươi ngời, ấm áp, say mê. Lam thoăn thoắt hái từng búp chè xuân, những ngón tay mịn hồng của cô như những cánh sen đang múa trên ngọc bích. Trước khi Thiện về, Lam đưa cho Thiện cả túi chè, lại không quên xin số điện thoại của anh.

Bước ra cổng nhà Miên, Thiện men theo ven hồ, vội bước. Lòng Thiện đang nở những đóa hoa, lâng lâng khó tả.

*

Thiện bước vào nhà gặp đúng lúc bố đang tiếp hai vị khách lạ. Mà không hẳn khách lạ, Thiện đã nhận ra Du, bạn học cùng cấp ba với mình. Du đang làm phó phòng văn hóa và thông tin huyện. Ngày trước, Thiện với Du không thân nhau, lên thành phố lại mỗi đứa một trường, giờ cùng về lại quê nhưng danh phận kẻ cao người thấp. Trong mắt người làng xã Du đã lên ông này ông nọ, còn Thiện chả biết làm vườn đồi giàu có ra sao, nhưng vẫn chịu tiếng là anh kĩ sư thất nghiệp về bám bố, ế vợ đến nơi. Thế nên, mấy lần gặp nhau, Thiện chả mặn mà. Thiện định chào hỏi qua loa rồi ra phía sau ngắm lại những búp chè từ vườn nhà Miên nhưng Du đã kéo Thiện ngồi xuống. Thiện ơi, tôi có nhiều tin tốt cho ông đây. Du nói nhiều, nói say mê, hứng khởi như cái cách Thiện vừa kể với Lam về Bà Chúa, về giống chè cổ.

Có hai thông tin làm Thiện lưu tâm. Một là huyện đang có kế hoạch khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị trên công nhận lễ hội làng Chè là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hai là vùng chè của làng Chè đang được một công ty của Nhật liên hệ khảo sát, kí kết hợp đồng thu mua. Họ sẽ giúp ta nhân nguồn gen quý của giống chè cổ. Dịp này, tỉnh, huyện sẽ siết chặt công tác kiểm tra đối với một số cơ sở thu mua, sản xuất chè để giữ thương hiệu cho vùng. Lúc chào bố Thiện về, Du còn bật mí: kéo được công ty này để mắt tới làng Chè là nhờ công rất lớn của một vị tiến sĩ đang làm việc bên Nhật.

Quá nửa đêm, Thiện vẫn chưa chợp mắt được. Thiện không thể thoát ra khỏi ý nghĩ về cây chè giữa vườn nhà Miên, về những dự định trong năm tới. Thiện tin vào trực giác, kiến thức và linh cảm của mình. Cây chè giữa vườn nhà Miên đúng là giống chè cổ thuần chủng! Ngày mai, Thiện sẽ mời cụ Ninh đến thẩm chè... Chiếc điện thoại gừ gừ rung lên. Thiện có tin nhắn, là tin zalo của Lam. Sê - ri ảnh hiện ra, một tai nạn thảm khốc, một quãng đời của người con gái làng Chè cũng hiện ra. Thiện không khóc được, nước mắt thấm ngược vào trong, thành muối xát lên tim gan, đau nhói.

“Hai năm phải sống trên xe lăn, chị Miên như người không chân. Ngày chị Miên tập lại những bước chân trên đất người cũng chính là ngày bố em phát hiện ra mầm chè giữa vườn nhà. Thật là một điều kì lạ!”.

Lam nhắn nhiều lắm, trách Thiện rồi lại trách Miên, bảo rằng hai anh chị quả là trời không chịu đất, đất chẳng chịu trời, định thi gan ở không hết kiếp. Trong đầu như có thước phim quay tít, Thiện chả nghĩ được gì nữa. Mỗi bức ảnh, mỗi dòng tin của Lam, Thiện chỉ biết thả những cái icon giàn giụa nước mắt. Tin nhắn cuối Lam thông báo hai mươi mốt tháng Chạp Miên sẽ bay về nước và ở lại Việt Nam, nếu có thể Thiện hãy cùng gia đình Lam đi đón người về...

Gần sáng, Thiện thiếp đi trong mộng mị. Thiện thấy mình lướt trên khắp các thang ruộng, sườn đồi làng Chè. Một cơn gió ào đến mang theo ngàn vạn búp chè non như những cánh bướm chấp chới đậu lên khắp người Thiện, xanh ngời dưới nắng xuân.

N.P.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước