Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
07:31 (GMT +7)

Bùn và đất có khác nhau?

VNTN - Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia diễn ra từ ngày 1 - 4/7/2016 vừa qua, đề thi môn Văn ở phần đọc hiểu là bài thơ “Tiếng Việt” của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, trong đó có câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Ngay sau đó đề thi đã gây xôn xao dư luận và đem đến không ít những băn khoăn, nghi ngại cho các em học sinh và các bậc phụ huynh.

Dư luận xã hội trở nên khá gay gắt khi nhiều người cho rằng câu thơ đó phải là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” như trong các ấn bản phẩm đã lưu hành lâu nay mới đúng. Hai từ “bùn” và “đất cày” đã được cộng đồng mạng đem ra mổ xẻ, so sánh và đa số đều cho rằng chữ “đất cày” sẽ phù hợp với ngữ cảnh của bài thơ hơn, còn “bùn” từ xưa tới nay vẫn được xem như một thứ dơ bẩn, nhếch nhác nên không thể đem ví nó như tiếng nói thiêng liêng của một dân tộc được. Cuối cùng cuộc tranh cãi đã lắng xuống khi có sự xác nhận bởi chính lưu bút của cố tác giả Lưu Quang Vũ được gia đình ông công bố. Thế nhưng một “làn sóng” khác lại mở ra, khá nhiều người vẫn tỏ ra bức xúc và không đồng tình với chính cả tác giả bài thơ, bởi dù theo bút tích thì câu thơ đúng là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” nhưng ở ấn bản đầu tiên được công bố khi ông còn sống thì lại là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Một bài thơ với các câu thơ khác nhau cùng được lưu hành song song ngay từ khi tác giả đang còn sống là một việc rất không nên có.

Bấy lâu nay câu ca dao “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” gần như đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt; rồi những áng văn, lời thơ khác cũng đã chỉ ra rằng “bùn” không phải là thứ để cho ta nâng niu, trân trọng. Rất ít người nhận ra rằng, trong thực tế thì "bùn" lại chính là hình ảnh mộc mạc, lam lũ, gợi nhớ tới sự gian nan, khổ cực của những người nông dân hai sương một nắng. Ngược lại “đất cày” lại là thứ luôn được đề cao. Nó tượng trưng cho sự khỏe khoắn, sinh sôi nảy nở. Vì vậy câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” dễ dàng được chấp nhận hơn trong bối cảnh của bài thơ “Tiếng Việt”.

Tới đây thì ta không bàn về sự hay dở của hai câu thơ trên nữa mà cần phải xét đến những hệ lụy của nó. Có nhiều những ý kiến than phiền, chỉ trích về việc ban soạn thảo đề thi đã chọn đoạn trích của bài thơ này cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay. Đặc biệt có không ít sự lên án, quy chụp vội vã của một bộ phận các văn sĩ, trí thức qua các trang mạng cá nhân, cho rằng, những người ra đề thi đã thiếu cẩn trọng dẫn đến việc làm sai lạc câu thơ. Chính điều đó gây ra không ít sự hoang mang, thậm chí là phẫn nộ trong cộng đồng. Rất nhiều người đã phản ứng, tỏ ra thiếu thiện cảm đối với ngành giáo dục hiện nay. Trong khi đó một số ít khác đưa ra quan điểm và những lập luận ủng hộ đề thi, đã nhanh chóng bị số đông lấn át và bác bỏ.

Để xảy ra chuyện “ầm ĩ” này hẳn là điều không ai mong muốn. Chúng ta cần phải thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Suy cho cùng, lỗi không phải từ những người ra đề thi, bởi đã có dẫn nguồn chính xác từ bài thơ “Tiếng Việt” trong tập thơ tuyển theo như bút tích của Lưu Quang Vũ. Và nếu như phải tìm ra người có lỗi trong chuyện này thì có lẽ nó thuộc về chính tác giả bài thơ, cho dù ông không cố ý. Tuy nhiên, nói thế không phải là ban soạn thảo đề thi không có phần trách nhiệm, việc chọn những bài văn, câu thơ còn chưa có sự thống nhất trong văn bản đưa vào làm đề thi là điều cần phải cân nhắc. Việc để cho những yếu tố khách quan đó chi phối, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung thì thực sự là điều không nên.

Hy vọng rằng sau này trong quá trình biên soạn đề thi, hội đồng ra đề thi cần phải kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi. Đồng thời cũng phải hạn chế những sơ suất để không gây ra những chuyện ồn ào không đáng có như thế này.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy