Bí ẩn năm sinh Trần Khánh Dư
VNTN - Tài năng và công lao của Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, theo nhà sử học lớn Phan Huy Chú, chỉ đứng sau Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật và Phạm Ngũ Lão. Theo phép viết sử của người xưa, chỉ có con vua như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… mới ghi năm sinh. Còn đại tài như Trần Hưng Đạo cũng chỉ ghi năm mất. Điều này tác giả Trần Nhuận Minh cũng đã nói trong bài “Trần Khánh Dư có lập công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, năm 1258 hay không?” (tạp chí Hồn Việt, số 91, tháng 4/2015) . Do yêu cầu của công tác nghiên cứu, chúng ta cần tìm hiểu xem năm sinh của Trần Khánh Dư là năm nào, còn năm mất đã ghi trong Đại Việt sử kí toàn thư là 1339. Vì vậy, đến giờ chúng ta vẫn còn tranh cãi về… tuổi thọ của ông, vì điều đó có liên quan đến nhiều vấn đề khác của lịch sử.
Khó khăn chồng chất
Có thể biết được Trần Khánh Dư là cháu nội của Thượng phụ Thái sư Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ, con của thượng tướng Trần Phó Duyệt. Trần Thủ Độ sinh năm 1194, mất năm 1264 nhưng Trần Phó Duyệt sinh năm nào, mất năm nào, mẹ ông là ai cho đến nay vẫn chưa xác định được. Điều này khiến cho việc tìm ra năm sinh của Trần Khánh Dư khó khăn chồng chất.
Tác giả Trần Nhuận Minh trong bài viết đã nói trên, đưa ra hai cách suy luận: Một là, “nếu năm 1258 Trần Khánh Dư 16-18 tuổi thì ông sinh năm 1240-1242, mà mất năm 1339 thì ông thọ 97- 99 tuổi”. Hai là, “Các tướng thời Trần (do ốm mà mất) như Trần Liễu thọ 40 tuổi (1211- 1251), Trần Quang Khải thọ 53 tuổi (1241 - 1294), Trần Quốc Tảng, thọ 61 tuổi (1252 - 1313)... Trong tình hình tuổi thọ chung của người Việt ở thời ấy, khó lòng tin được Trần Khánh Dư đã sống đến 97 hay 99… trong khi sử ghi vị tướng thọ nhất ở thời Trần là Trần Nhật Duật chỉ đến 77 tuổi. Nếu Trần Khánh Dư có tuổi thọ bằng Trần Nhật Duật, thì ông sinh năm 1262”.
Trần Khánh Dư được vua Trần Thánh Tông khích lệ bằng cách nhận làm con nuôi.
Chắp nối từ các sử liệu
Để trả lời nghi vấn của tác giả Trần Nhuận Minh không phải dễ dàng. Tuy nhiên, có thể dựa vào gia thế, các điển tích của Trần Khánh Dư để suy đoán ra độ tuổi của Trần Khánh Dư.
Sau khi Trần Cảnh lên ngôi, sáng lập vương triều nhà Trần (ngày 31/12/1225) đã tác hợp cho Trần Thủ Độ lấy Trần Thị Dung làm vợ. Theo thống kê, nhà Trần có khoảng 35 cuộc hôn nhân nội tộc, có lẽ do dòng họ không muốn mất quyền lực vào tay dòng tộc họ ngoại như nhà Lý. Bởi vậy, việc Trần Thủ Độ lấy chị họ mình là Trần Thị Dung đã bị người đời lên án. Huống chi là với chức Thượng phụ Thái sư Trung vũ đại vương thì Trần Thủ Độ càng không thể lấy thêm một người vợ nữa, dù ngoài tộc hay trong tộc họ Trần. Bởi vậy, không thấy sử sách ghi Trần Thủ Độ có vợ khác. Nên bước đầu có thể xác định Nhân Thành Hầu Trần Phó Duyệt sẽ là con của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung. Ông phải sinh ra từ năm 1227 trở đi vì ông là con trai thứ, trước ông phải có một người anh trai (con trưởng được phong vương, còn con thứ đều phong hầu, theo lệ nhà Trần).
Như vậy, nếu Trần Khánh Dư chỉ có thể sinh vào các năm 1241- 1257 thì đến cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, năm 1258, Trần Khánh Dư sẽ là 1 - 17 tuổi. Nếu xét về việc Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản 15 tuổi (Trần Quốc Toản sinh năm 1267) không được dự hội nghị Bình Than năm 1282 thì có thể suy ra độ tuổi quy định để các vương hầu nhà Trần luận bàn việc nước, đánh giặc cứu nước là phải trên 15 tuổi. Theo quy định của nhà Trần, tiểu hoàng nam là 17 tuổi, đại hoàng nam là 20 tuổi, là độ tuổi có thể gia nhập quân đội. Như vậy, Trần Khánh Dư muốn chỉ huy quân đội, dù là một đơn vị quân thấp nhất cũng phải đủ 17 tuổi. Như vậy, ông phải sinh vào năm 1241.
Tác giả Nguyễn Khắc Thuần trong Danh tướng Việt Nam cũng nhận định rằng: “Không tài liệu nào cho hay ngày tháng năm sinh của Trần Khánh Dư, nhưng, căn cứ vào hành trạng cuộc đời của ông, nhất là sự kiện ông đã mưu trí tổ chức những trận đánh úp quân xâm lược Mông - Nguyên trong cuộc chiến tranh vệ quốc lần thứ nhất của triều Trần (1258), chúng ta cũng có thể ước đoán rằng, ông nhỏ hơn Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chừng mươi tuổi” (Xem: Nguyễn Khắc Thuần (2007), Danh tướng Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội). Trong khi Hưng Đạo Vương (chúng ta tính được tuổi ông) lại sinh năm 1232. Nếu Trần Khánh Dư có khả năng sinh vào năm 1241 theo các tư liệu lịch sử kể trên thì “ước đoán” của Nguyễn Khắc Thuần cũng rất hợp lý.
Đến năm 1282, lúc gặp gỡ vua Trần Nhân Tông, Trần Khánh Dư đã lớn tuổi. Bởi vậy, Trần Khánh Dư mới xưng “lão” với quân hiệu. Nhưng vua lại gọi ông là “nam nhi”. “Nam nhi” ở đây chỉ người trung niên, dày dặn nhưng không thể là người già như tự nhận của Trần Khánh Dư.
Bởi vậy, nếu như chúng ta đã xác định được Trần Khánh Dư sinh vào năm 1241 thì ông sẽ sống thọ 98 tuổi (tức 99 tuổi tính theo tuổi âm lịch). Điều này phù hợp với cuộc đời của ông vì từ khi lập công trong kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất năm 1258 đến năm mất 1339, Trần Khánh Dư sống và làm quan dưới các triều vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Dụ Tông, Hiến Tông. Như vậy, ông là một vị danh tướng sống và làm việc liên tục dưới 7 triều vua, đây là điều khá đặc biệt trong lịch sử dân tộc.
Lạ lùng “Thiên Tử Nghĩa Nam”
Trần Khánh Dư sau khi lập công trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông Cổ năm 1258 liền được vua Trần Thánh Tông nhận làm Thiên Tử Nghĩa Nam. Điều này khá đặc biệt vì năm 1258, Trần Thánh Tông mới lên ngôi vua.
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí viết về Trần Khánh Dư như sau: “Lúc giặc Nguyên mới vào cướp phá lần đầu, ông thường bất ngờ cho quân ra đánh úp (nên sau đó) được vua Trần Thánh Tông khen là bậc có trí và dũng, cho làm Thiên Tử Nghĩa Nam”. Đại Việt Sử ký toàn thư của sử thần nhà Hậu Lê chép rằng: “Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân thấy giặc sơ hở liền vào đánh úp. Thượng hoàng khen ông có mưu lược, nhận làm Thiên Tử Nghĩa Nam”.
Đền thờ Trần Khánh Dư tại Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Phong Pink
Trần Thánh Tông sinh năm 1240. Còn theo như xác định trên thì Trần Khánh Dư sinh năm 1241. Hậu thế chúng ta sẽ thắc mắc tại sao chỉ hơn kém một năm mà một bên là cha, một bên là con. Nhưng trong chế độ phong kiến điều đó là hợp lẽ. Vua là thiên tử (con trời), đứng trên thiên hạ, chú bác cô dì, anh chị em ruột của vua cũng phải xưng thần tử. Nên dù có thua một tuổi và cùng là hoàng tộc, Trần Khánh Dư không thể bằng vai phải lứa với vua. Đã như vậy thì chỉ có thể là vua - tôi, ưu ái hơn là phò mã hoặc con nuôi của vua (Thiên Tử Nghĩa Nam). Nhưng Trần Khánh Dư không thể là phò mã của vua Trần Thánh Tông được vì vào thời điểm 1258, bản thân vua Trần Thánh Tông mới 18 tuổi, mới có một người con gái còn rất nhỏ là công chúa Thiên Thụy (Trần Nhân Tông sinh ra năm 1258 nên có khả năng công chúa Thiên Thụy là chị ông sẽ sinh trước năm 1258), không thể gả cho Trần Khánh Dư được. Như vậy Trần Thánh Tông chỉ có thể nhận Trần Khánh Dư là Thiên Tử Nghĩa Nam dù chỉ hơn thua một tuổi. Cũng may cho Trần Khánh Dư, nếu sinh trước hoặc sinh cùng năm với Trần Thánh Tông thì không thể có diễm phúc được là Thiên Tử Nghĩa Nam vì dù sao vua Trần Thánh Tông cũng sợ điều tiếng của dân gian.
Trong khi đó, xét về đường hoạn lộ thì Trần Khánh Dư lại là “thế hệ thứ ba” phò tá nhà Trần. Trần Thủ Độ, Trần Phó Duyệt phò tá Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông. Bởi vậy, Trần Khánh Dư dĩ nhiên sẽ được cất nhắc để “tiếp nối truyền thống”, phò tá vị vua tương lai là Trần Nhân Tông (sinh năm 1258, trị vì 1278 - 1293). Có thể có sự thúc đẩy nào đó của Thượng phụ Thái sư Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ đối với Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông trong chuyện nhận Trần Khánh Dư làm Thiên Tử Nghĩa Nam. Bởi Trần Thủ Độ (mất năm 1264) trong năm 1258 ông là một quyền lực lớn đối với nhà Trần.
Lịch triều hiến chương loại chí và Đại Việt Sử ký toàn thư do đó đã viết rằng sau khi Trần Khánh Dư được làm con nuôi của vua Trần Thánh Tông đã được ưu ái trong việc lập công. Sau khi nhận Trần Khánh Dư làm Thiên Tử Nghĩa Nam, vua Trần Thánh Tông sai ông đi đánh người Man ở vùng núi. Ông thắng lớn, được vua phong làm Phiêu kị Đại tướng quân. Chức vị này nếu không phải là Hoàng tử thì không được phong. Rồi từ trật Hầu, Trần Khánh Dư thăng mãi đến Tử phục Thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ.
Sau này, ông lại phò tá vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông hai lần đánh đuổi giặc Nguyên - Mông vào các năm 1285, 1287-1288. Thậm chí, từ sau đó cho đến khi qua đời (1339), ông còn phò tá thêm các ba vị vua Anh Tông (trị vì 1293 - 1314), Minh Tông (trị vì 1314-1329), Hiến Tông (trị vì 1329 -1341) trong việc cai quản vùng biển Đông Bắc, không cho hải quân nhà Nguyên đang cai trị Trung Quốc xâm phạm, quấy rối.
Như vậy năm sinh của Trần Khánh Dư vẫn chỉ là phỏng đoán vì ở thời Trần ông có thể thọ được đến như vậy hay không? Nếu không thể thì những ghi chép trong Đại Việt Sử ký toàn thư có thể đã có sự nhầm lẫn. Việc làm sáng tỏ năm sinh của Trần Khánh Dư sẽ là cứ liệu quý giá để nghiên cứu về cuộc đời của một vị tướng tài nhiều công trạng nhưng cũng lắm chuyện thị phi này.
Nguyễn Văn Toàn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...