Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
02:46 (GMT +7)

Bảo tồn và phục dựng điệu hát ví ở Định Hóa

VNTN - Vùng đất ATK huyện Định Hóa có nhiều di sản văn hóa. Bên cạnh khối di sản vật thể gồm quần thể 13 điểm các di tích lịch sử văn hóa đã được Chính phủ xếp hạng thì một số di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: múa rối cạn của dân tộc Tày ở Thẩm Rộc (xã Bình Yên) và Du Nghệ (xã Đồng Thịnh). Ngoài ra, hát lượn cọi, một loại hình nghệ thuật dân ca đặc trưng của dân tộc Tày Nùng ở địa phương cũng đã được quan tâm bảo tồn lập dự án. Và một loại dân ca nữa cũng đang được cơ quan chức năng sưu tầm nghiên cứu bảo tồn, đó là hát ví ở vùng Tày Định Hóa .

Hát ví là hát theo kiểu ngẫu hứng trong mọi lúc, mọi nơi, là một loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Tày nói chung, ở huyện Định Hóa nói riêng. Hát ví của dân tộc Tày giống như hát đối, hát giao duyên của dân tộc Kinh ở vùng xuôi.

Hai học viên đang hát ví tại đình làng Quặng

Định Hóa là vùng đa dân tộc, yếu tố giao lưu và hội tụ văn hóa là đặc trưng nổi bật nhất của vùng đất này. Một số loại hình văn nghệ dân gian được nhân dân sáng tạo, lưu truyền nổi bật ở đây như: hát Then, Sli, Lượn cọi, Lượn Shương, hát nhà tơ. Cách đây trên hai thập kỷ (từ 1994 đến 2003) người viết có may mắn được đi điền dã kiểm kê về di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện Định Hóa. Chuyến đi do Sở Văn hóa - Thông tin là cơ quan đầu mối cùng sự tham gia, cộng tác đắc lực của Bảo tàng tỉnh Bắc Thái,  các cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Định Hóa, UBND các xã; sinh viên khoa Bảo tàng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và các nhân chứng là nhân dân các dân tộc ở địa phương thuộc 23 xã, 1 thị trấn. Qua kiểm kê, nghiên cứu đoàn đã thu được nhiều kết quả đáng mừng: trong số các loại hình dân ca thì hát ví chiếm tỉ lệ đáng kể và phân bố ở hầu hết các xã trong huyện. Về văn bản, đoàn mới sưu tầm được hai văn bản đều bằng chữ Hán Nôm, đó là Thơ đối của một gia đình ở thôn Khau Diều, xã Định Biên và Hát ví của một gia đình thầy giáo ở xã Trung Lương. Nghiên cứu hai văn bản này cho thấy đây là sách mẫu dùng để có thể vận dụng hát đối thơ, hát ví của một số người có học hành, có chữ nghĩa thời bấy giờ, cụ thể là vào thế kỷ XIX - XX cách nay từ 150 -  200 năm. Có thể coi hai văn bản này thuộc loại văn bản khuyết danh, còn những bài hát ví truyền miệng hoàn toàn là văn học dân gian.

Những bài hát ví truyền từ đời nọ sang đời kia được nhân dân sáng tạo trong bất cứ hoàn cảnh thời điểm nào, lúc đi hái củi, làm nương rẫy, làm đồng, hội lồng tồng, lễ mừng sinh hoạt thường ngày. Hát ví không có nhạc cụ, chỉ cần có một hai tốp người hoặc chỉ một vài người khi ngẫu hứng ví luôn.

Hát ví người Tày cũng tập trung chủ yếu vào chủ đề tình yêu đôi lứa (ví kết bạn). Ở thời phong kiến lễ giáo còn nặng nề, nam nữ thụ thụ bất thân nhưng qua lời ví họ đã tỏ tình nhiều khi rất mạnh dạn: Yêu nhau trông mắt liếc qua/ Chớ mà liếc lắm người ta biết tình; Biết tình thì mặc biết tình/ Con mắt chẳng liếc trong mình chẳng yêu…

Ngoài chủ đề tình yêu nam nữ, hát ví của người Tày huyện Định Hóa cũng thể hiện các chủ đề khác trong sinh hoạt như: đố, chúc đám cưới, lễ hội như trong lễ hội lồng tồng; ví những sự vật hiện tượng tự nhiên và xã hội. Người con gái đố: Quả gì bốn múi năm khe/ Quả gì nứt nẻ như đe thợ rào/ Quả gì kẻ ước người ao/ Quả gì lấp lánh như sao trên trời. Người con trai giải đố: Quả khế bốn múi năm khe/ Quả na nứt nẻ như đe thợ rào/ Quả mận kẻ ước người ao/ Quả lựu lấp lánh như sao trên trời.

Đám cưới là một trong những lễ nghi quan trọng nhất của đời người, ngoài việc dự đám cưới người Tày còn hát ví (đối) trong đám cưới. Người quan lang giống như người cầm chịch trong đám cưới ở dưới xuôi của người Kinh, ông quan lang ví rằng: Mừng cho anh chị lấy nhau/ Tốt số làm giàu, tốt phận nuôi con/ Sinh ra giai đẹp, gái giòn/ Gái thì giống mẹ, giai thì giống cha…

Địa bàn tập trung hát ví nhất là vùng trung tâm, các xã: Bình Yên (hiện nay ở đây không còn duy trì may mắn còn bảo tồn được múa rối cạn Thẩm Rộc), xã Thanh Định, Phú Đình một số người già còn hát ví tốt. Đặc biệt, câu lạc bộ hát Dân ca xã Định Biên là một câu lạc bộ tiêu biểu nơi thu hút 30 người tham gia hát ví, già nhất trên 70 tuổi, trẻ nhất 13 tuổi. Câu lạc bộ do chị Phùng Thị Vàng làm Chủ nhiệm, chị Hoàng Thị Quyên làm Phó Chủ nhiệm và có những người hát dân ca lão luyện như: ông Hoàng Luận, ông Lưu Xuân Lai (người xã Phúc Chu, chuyên làm đàn tính), ông Ma Thịnh Đặng (72 tuổi); lớp trẻ tiềm năng cũng tham gia như hai cha con anh Hoàng Quốc Tính (44 tuổi) và con Hoàng Thu Phương (13 tuổi)…

Tham dự một buổi hát ví ở địa phương do Ban Chủ nhiệm tổ chức thực hiện theo dự án “Bảo tồn, phục dựng làn điệu Hát ví của người Tày huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên” thật thú vị và bổ ích. Lớp học có 20 người cả già lẫn trẻ thu hút từ 5 xã như: Định Biên, Thanh Định, Bảo Cường, Quy Kỳ, Phúc Chu. Ông Lai, ông Luận vui vẻ, hòa đồng, đã hướng dẫn các học viên từng bước làm sống lại làn điệu hát ví quê mình. Ông Hoàng Luận cũng là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,  Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên và là một trong những nghệ nhân được tỉnh đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Làn điệu hát ví của người Tày Định Hóa đã một thời vang lên nó đã làm ấm núi rừng Việt Bắc khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống. Tiếng hát ấy ca ngợi tình yêu, tình cảm yêu quê hương bản làng, thể hiện tinh thần yêu nước khi cách mạng về, tiếng hát ví ấy cũng được áp dụng làm tuyên truyền cho nhân dân đứng lên theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Nhưng ngày nay hát ví đang bị mai một, người biết hát ví ngày càng thưa vắng, điệu hát ấy cần được phục dựng lại làm giàu làm phong phú thêm kho tàng vốn văn hóa văn nghệ dân gian. Đó là cũng là mục tiêu, ý nghĩa của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc ở vùng Chiến khu cách mạng ATK Định Hóa.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy