Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
17:16 (GMT +7)

Bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình dân tộc Sán Chay trên địa bàn tỉnh

 

1. Nguồn gốc ra đời và quá trình phát triển loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình

Theo truyền thuyết của người Sán Chay điệu múa dân gian Tắc Xình gắn liền với sự tích Tắc Xình, đó là một câu chuyện dài và đầy sức hấp dẫn.

Ngày xửa ngày xưa, người Sán Chay vốn sống ở Trung Quốc. Họ quen sống du canh du cư mà chủ yếu là ở vùng núi hiểm trở. Vì vậy mỗi lần đến sống ở những nơi mới, họ lại phải phát nương làm rẫy, lập làng. Một lần họ đến sống tại vùng mà bên này là nơi sinh sống của người dân còn bên kia là con nương, là rẫy, ở giữa có một dòng sông chảy xiết, mỗi lần qua sông người dân đều vất vả. Hơn nữa ở phía nương rẫy kia có một mụ phù thủy độc ác, chuyên hút máu người. Dân làng mỗi lần đi làm nương đều phải khiếp sợ, không dám đi một mình mà phải đi nhiều người.

Ở một gia đình nọ có hai vợ chồng và hai đứa con. Ngày ngày, cả hai vợ chồng đều dậy sớm nắm cơm và đi phát nương làm rẫy, chập tối mới trở về nhà. Một ngày nọ cả hai vợ chồng đều dậy sớm và đi làm như mọi ngày, nhưng đến sẩm tối không thấy người chồng giục về, người vợ liền lên tiếng gọi “Về thôi mình ơi! Tối rồi”. Tiếng gọi cứ văng vẳng vào rừng, vào vách núi và rồi lại vọng về phía người vợ mà không thấy chồng thưa. Gọi mãi gọi mãi không thấy chồng, người vợ đành lủi thủi ra về. Đến nhà, hai con không thấy bố đâu liền cất tiếng hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bố của chúng con đâu ạ?”. Người mẹ không muốn các con lo lắng bèn nói: “Bố bận bố sẽ về sau”. Bữa cơm tối đã xong mà chưa thấy bố về, hai con vừa khóc vừa hỏi mẹ. Nhưng người mẹ chỉ lảng đi rồi dỗ cho hai đứa con ngủ. Thế nhưng trong sâu thẳm tâm can của người phụ nữ ấy, thì nóng như lửa đốt, dường như nàng linh cảm điều gì đó không tốt đối với chồng mình. Suốt đêm ấy nàng không tài nào ngủ được, hết khóc lóc nàng lại đi đi lại lại, chỉ cầu mong cho chồng mình tai qua nạn khỏi và trời mau sáng. Gà gáy, trời tờ mờ sáng, người mẹ đã vội đi nấu cơm cho hai con và nắm một nắm cơm đem theo. Khi đến nương, nàng đặt vội nắm cơm xuống rồi đi tìm chồng. Nàng vừa gọi vừa khóc tìm. Tìm mãi mà chẳng thấy chồng đâu. Tiếng gào thét cứ vang xa đạp vào vách đá rồi vọng lại phía người vợ mà không thấy người chồng lên tiếng. Nàng cứ đi, đi mãi vào tận cánh rừng sâu, phần vì mệt và khát nước, nên sau khi uống nước xong nàng thiếp đi dưới gốc cây lớn và không biết gì nữa. Thừa cơ hội, mụ phù thủy xuất hiện bắt nàng ăn thịt.

Tối đến hai đứa con tội nghiệp không thấy cha mẹ về kêu khóc thảm thiết gọi. Ngoài trời cơn mưa từ đâu trút xuống, gió to sấm sét ầm ầm, trời tối đen như mực, không biết chuyện gì đã xảy ra với hai đứa trẻ. Trên cao các thần tiên nghe thấy tiếng khóc thảm thiết gọi bố mẹ của hai đứa trẻ liền hỏi Thổ Thần và vén mây xuống xem. Qua lời kể của Thổ Thần, trời cao biết được rằng hai đứa trẻ con khóc vì nhớ bố mẹ đi làm nương không thấy về, bố mẹ chúng đều bị mụ phù thủy ăn thịt. Chính vì vậy thần tiên đã báo mộng cho hai đứa trẻ tội nghiệp để trừng phạt mụ phù thủy độc ác: “Các con nhớ lời tiên dặn, sớm mai tỉnh giấc hai con ra bờ sông gọi bố mẹ cho đến khi nào mụ phù thủy nghe thấy và ra bờ sông gọi các con, thì khi đó các con đừng sợ vì đã có thần tiên giúp đỡ. Tiên sẽ thả hai sợi chỉ vàng từ trên cao xuống, hai con mỗi đứa một sợi đặt vào tai nghe lời tiên hướng dẫn và làm theo”. Sáng sớm mai khi tỉnh giấc người anh bảo người em làm theo đúng lời tiên dặn. Hai anh em dắt nhau ra bờ sông, trời trong xanh mát rượi, nhưng nước sông vẫn cứ cuồn cuộn chảy xiết. Hai đứa làm đúng như lời tiên dặn, hai sợi chỉ vàng đã được thả xuống từ bao giờ. Cứ như vậy lũ trẻ kêu la thảm thiết gọi bố mẹ, vừa lúc đó mụ phù thủy xuất hiện và lên tiếng: “Này hai đứa trẻ kia, đi tìm bố mẹ phải không?”. Hai đứa đồng thanh đáp: “Dạ vâng ạ! Bố mẹ chúng cháu đi làm nương từ hôm qua không thấy về, bà có thấy không ạ, tìm giúp chúng cháu với ?”.  Mụ phù thủy đáp: “Có nhưng họ ở xa lắm các cháu cứ sang đây đi”. Lúc này thần tiên bảo hai đứa trẻ đáp: “Chúng cháu còn nhỏ không sang được sông, bà sang đón chúng cháu nhé”. Mụ phù thủy thấy nước sông chảy xiết thấy sợ cũng đáp: “Bà cũng không sang được”. Thần tiên lại mách hai đứa: “Bà ơi bà, nhà bà có chum không ạ?”, “Có cháu ạ”, mụ phù thủy đáp. Hai đứa trẻ lại nói “Con có nghe thấy bố mẹ bảo, nước sông sâu chảy xiết, thì đem chum ra bờ sông niệm thần chú... chum ơi hãy đưa ta sang sông cứu người thì bà sẽ sang được”. Vì thèm thịt hai đứa trẻ, mụ ta liền làm theo, khi đó thần tiên trên cao làm phép cho bà ngồi vào chum, đi ra giữa sông rồi thu phép lại, chiếc chum nhấn chìm mụ phù thủy dưới lòng sông sâu. Thần tiên báo cho hai đứa trẻ rằng: “Mụ phủ thủy đã chết, không còn gây hại nữa, các con hãy về báo lại cho dân làng biết để ăn mừng”. Nói xong thần tiên thu lại hai sợi chỉ vàng và trở về trời.

Hai đứa trẻ về báo cho dân làng tin vui, họ liền kéo nhau ra bờ sông, lúc đó dòng sông chuyển sang màu đỏ rực như màu máu. Biết chắc mụ phù thủy đã chết, không ai bảo ai, mọi người cầm được vật gì như: gậy, ống tre... cứ thế gõ vào nhau và nhảy múa hô to: “Tắc xình xình sán xúi lầu me cú sui slạy cồng kềnh” thâu đêm suốt sáng.

Cũng từ đó mỗi dịp vào mùa xuân đồng bào Sán Chay lại tiến hành lễ hội Cầu Mùa, trong đó Tắc Xình là phần rất quan trọng, một phần để cầu cho mùa màng bội thu, phần để cảm ơn trời đất đã phù hộ để cho dân bản được ấm no an lành. Đó cũng là ngày hội lớn của đồng bào Sán Chay ở các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, Thái Nguyên.

2. Loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình

Loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình được hình thành và phát triển trên 900 năm cùng với tiến trình hình thành và phát triển cộng đồng người Sán Chay ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Động tác múa và âm nhạc cho múa đơn giản, dễ thực hành, nên nó đã được cộng đồng người Sán Chay ở Thái Nguyên truyền dạy lại từ đời này qua đời khác, trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc. Trải qua thăng trầm của thời gian, múa Tắc Xình vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của người Sán Chay tỉnh Thái Nguyên, nó không thể thiếu trong Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên, là một trong những lễ hội được tổ chức lớn nhất trong năm của người Sán Chay, lễ hội Cầu Mùa là hoạt động sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc với những nét riêng, độc đáo. 

* Về nhạc cụ, đạo cụ và tư thế gõ nhạc:

Múa dân gian Tắc Xình là loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhạc cụ, âm nhạc, tiết tấu và thực hành các động tác múa. Nhạc cụ, đạo cụ Tắc Xình gồm: Trống đất (Náy cau); Trống lớn (An nhọc bấc); Trống nhỏ (Nhọc ý);  Trống nứa (Náy trooc); Chuông nhỏ (Lình); Chiêng; Thanh la; Chập xeng (Sắm sẹ); Kèn tổ sâu (Pó le chửng):  Kèn Pó lè. Bộ đạo cụ có bộ gõ bằng tre gồm: Cây tre, ống mai, ống giang, que gõ.

- Tư thế gõ nhạc gồm có tư thế ngồi và tư thế đứng.

+ Tư thế ngồi: Hai người ngồi đối diện nhau, sử dụng ngọn tre hoặc mai được vót nhẵn, phần gốc chôn chặt xuống đất, phần ngọn có chòm lá hướng lên trời, uốn cong theo hình cần câu, nhờ sợi dây (se bằng vỏ cây tu va) nối với một ống mai già. Ống mai có độ dài khoảng 70 - 80cm được buộc chặt bởi một đầu sợ dây rừng, còn đầu dây bên kia buộc vào ngọn tre còn tươi, để chỏm lá trên đỉnh. Họ dùng hai tay cầm ống tre gõ mạnh xuống đất tạo âm thanh “xình”, gõ 2 thanh tre vào nhau tạo ra âm “tắc”, liên tục, nhịp nhàng.

+ Tư thế đứng: Người gõ tay trái cầm ống mai đường kính 3,5cm, chiều dài 180m, tay phải cầm thanh tre nhỏ vót hình chữ nhật, chiều dài 30cm gõ ngang vào thân ống, người gõ tư thế đứng thẳng. Người gõ nhạc một tay dùng thanh tre già gõ vào ống mai tạo ra âm thanh “tắc”, tay kia cũng gióng mạnh ống mai xuống đất tạo nên tiếng “xịch” và cứ nối tiếp tạo thành âm “Tắc tắc xình, tắc tắc xình, tắc tắc xình, tắc xình, tắc xình...”

* Về âm nhạc và tiết tấu:

Trong tiếng nhạc rộn rã của trống, kèn, chập xeng... những nghệ nhân thực hiện các động tác múa dứt khoát, phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng với bước chân nhún nhảy theo chuỗi âm thanh tắc xình. Người múa cùng người gõ nhạc càng nhiệt tình và phối hợp nhịp nhàng bao nhiêu thì thần linh càng phù hộ cho mùa màng tốt tươi bấy nhiêu.

Khi người làm lễ ra hiệu lệnh, hai người tay cầm ống tre nhấc lên cao ngang mặt, một tay cầm cây gõ hai lần liên tiếp vào ống tre tạo nên âm “tắc, tắc”, rồi cầm ống mai đập mạnh xuống đất phát ra tiếng kêu “xình”. Tiếng nhạc gõ liên tục, không ngừng nghỉ, tạo thành nhịp điệu của bước nhảy và âm thanh tạo thành chuỗi “Tắc - tắc - xình, tắc - tắc - xình...”. Trong vòng âm thanh liên hồi đó, những người nhảy thể hiện động tác khỏe mạnh, nhịp nhàng mô phỏng động tác trong các hoạt động lao động sản xuất của người Sán Chay.

Nhạc Tắc Xình có 8 âm liên tiếp nhưng chỉ có hai âm tắc và âm xình hợp lại. Tắc là âm phát ra bởi tiếng gõ của thanh tre trên thân ống tre, xình là âm phát ra do động tác nện ống tre xuống đất. Các âm tắc và xình phát ra liên tiếp 8 lần theo một trật tự nhất định để kết thành một khúc có giai điệu rất riêng không thể lẫn vào đâu được: Tắc tắc xình; tắc tắc xình; tắc tắc xình - tắc xình - tắc xình…

Điệu múa Tắc Xình có tiết tấu riêng. Tắc thì đưa chân lên, xình thì đặt chân xuống. Hình tượng múa ở đây thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực, đó là ngọn tre và dụng cụ gõ được biểu trưng như cầu nối truyền khí dương từ 4 tầng mây (trời), hoà quyện với khí âm (đất), và âm dương sẽ hài hoà tạo ra sự sinh sôi nảy nở, tác động vào cuộc sống lao động sản xuất, tạo ra tâm lý phù hộ để mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi

* Nội dung và cách thức thực hiện các điệu múa:

Múa Tắc Xình có 09 động tác mô phỏng đời sống của người Sán Chay gồm: Múa thăm đường; múa lập làng; múa bắt quyết; múa đánh mài dao; múa phát nương dọn rẫy; múa tra mố; múa hái lượm; múa hát mừng mùa vụ; múa chim câu. 

Múa thăm đường: Đi tìm những vùng đất mới thường là những người cao niên có uy tín (già làng, trưởng bản, thầy cúng…), thông tường địa lý, nắm bắt được những vùng đất mới có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, phù hợp cho cuộc sống của cộng đồng dân bản lâu dài. Những đặc điểm đó đã được minh chứng trong điệu múa thăm đường với động tác nhảy thăm đường mạnh mẽ, thể hiện việc quan sát thế giới - bước đầu công cuộc chinh phục, khai phá thiên nhiên của người Sán Chay. Động tác múa thăm đường là sự kết hợp với nhạc gõ, hai người nhảy với động tác hai chân chụm cùng nhảy một bước nhún đều nhau. Họ nhún nhảy từ hai bên cánh gà của sân lễ hội tiến dần vào vị trí trung tâm. Khi tiến vào giữa sân khấu họ xoay người, mặt hướng về phía người xem, và sau đó lại nhảy quay mặt về phía sau như thể báo cáo trời đất, thần linh trú ngụ vùng đất khi họ đến để tìm đất lập làng.

Kết thúc điệu múa thăm đường là điệu múa “Lập làng”. Là một dân tộc sớm tiếp thu nền văn minh cây lúa nước, người Sán Chay thường chọn những nơi có địa thế thấp, có thung lũng bằng để khai khẩn đất hoang thành ruộng bậc thang gieo trồng cây lúa. Bên cạnh là đồi núi thấp để phát nương làm rẫy trồng ngô, lúa cạn, rau quả, bông dệt vải… Điệu múa lập làng là hiện tượng quan sát, xem xét địa hình chọn nơi dựng làng, làm nhà khi đã hoàn thành quá trình thăm đường. Ở động tác múa này hai người nhảy quay mặt vào nhau như trao đổi một điều gì đó rồi quay lưng lại nhảy với động tác khom lung hai tay đưa giữa bụng và dang sang hai bên trái, phải như để kiểm tra xem vùng đất này có thể đủ các yếu tố “thiên thời,  địa lợi,, nhân hòa” để lập lập làng, động tác này được lặp đi lặp lại nhiều lần theo nhịp điệu của bộ nhạc gõ.

Điệu múa Bắt quyếtthể hiện tín ngưỡng đa thần của người Sán Chay, đó là là niềm tin hoặc việc cúng bái, tín ngưỡng nhiều thần thánh. Tín ngưỡng đa thần được xây dựng từ những thần thánh cùng truyền thuyết và nghi lễ của họ. Múa Bắt quyết trong vũ điệu Tắc Xình của người Sán chay trong việc chọn đất lập làng với ý niệm tạ ơn trời đất, tạ ơn thành hoàng làng, tổ tiên, ông bà… và trấn yểm không cho ma quỷ quấy rối thôn bản, gia đình tộc người Sán Chay khi đến nơi ở mới lập nghiệp. Động tác múa gồm hai người nhảy cúi khom lưng, hai tay chắp vào nhau ngang bụng xỉa xuống mặt đất theo một vòng tròn quanh sân như động tác bắt quyết của thầy tào trong tang ma, trong lễ hội của người Sán Chay.

Múa đánh mài dao: Khi việc lập làng, thờ cúng đã xong, đồng bào Sán Chay bắt tay vào công việc khai khẩn đất hoang, phát cây dọn nương rẫy để chuẩn bị cho mùa vụ tại nơi ở mới. Công cụ để lao động sản xuất gồm các loại búa, rìu, cuốc, dao… Do đó trong vũ điệu Tắc Xình có điệu múa đánh mài dao để lên rừng đốn cây, phát nương rẫy, các động tác múa mô phỏng những hoạt động trong lao động sản xuất. Múa đánh mài dao ra đời trong hoàn cảnh đó. Thực hiện động tác múa đánh mài dao cho sắc nhọn, mỗi người cầm một đoạn ống tre nhỏ dài khoảng 50cm nhảy hướng mặt về phía người xem rồi đảo lại phía sau, rồi mỗi người nhảy rẽ sang hai hướng sân lễ hội. Các động tác tay, chân phối hợp nhịp nhàng mô phỏng theo động tác kéo dao, mài mạnh cho dao có lưỡi, tái hiện giai đoạn khó khăn đầy gian nan của người xưa tìm lối, mở đường đi. Động tác múa đánh mài dao thể hiện sự khỏe khoắn của người nhảy nhưng không kém phần uyển chuyển, mềm mại.

Múa phát nương: Người Sán Chay tiến hành công việc phát nương vào đầu tháng 4 âm lịch, tức là sau khi chọn đất từ một đến hai tháng. Những ngày chọn để phát nương thường là những ngày thìn, vì theo truyền thuyết của người Sán Chay kể lại rằng: Ông thần nông rất thích những ngày thìn, làm vừa lòng vị thần nông thì mùa màng mới bội thu. Điệu múa phát nương của người Sán Chay cũng gắn liền với truyền thuyết đó. Điệu múa tái hiện lại công cuộc chinh phục thiên nhiên để làm ra thóc lúa, ngô khoai... Đó là một tập thể người (gồm 06 đôi nam, nữ) mặc trang phục truyền thống lên rừng đẵn cây, phát cỏ, đốt dọn nương rẫy, mỗi người một việc theo động tác, nhịp điệu đều nhau một cách thuần thục. Theo nhịp gõ của dàn đạo cụ, người đi trước chân nhảy, tay phải cầm một đoạn gậy tre được đẽo tượng trưng như con dao dài, tay trái để phía sau lưng. Động tác múa phát nương thực hiện một cách dứt khoát, không chút do dự, thoăn thoắt tái hiện buổi lao động thật sự hiệu quả trong việc phát cây dọn cỏ nương rẫy.

Tiếp đến là điệu “Múa tra mố”. Theo tín ngưỡng của người Sán Chay, trước ngày gieo hạt trên nương, họ đều mời thầy cúng làm lễ gieo hạt đầu tiên cho gia đình mình. Công việc gieo hạt trên nương phải được tiến hành đồng loạt, họ cho rằng gieo hạt đồng loạt lúa sẽ mọc đều, chín đều, thường thì công việc tra hạt được bắt đầu từ đỉnh nương đi dần xuống chân nương. Động tác múa tra mố được chia làm hai hàng ngang, hàng nam giới đứng phía trước, hàng nữ đứng phía sau. Theo nhịp điệu của bộ nhạc gõ, hàng nam giới tay phải cầm gậy đặt trên vai phải, tay trái đưa ra phía sau lưng nhảy tiến dần về phía trước, người hơi khom, hai tay cầm gậy, tay trước tay sau thực hiện động tác chọc lỗ. Tiếp đến là hàng nữ giới phía sau động tác chân giống như bước nhảy của nam giới, một tay để ngang hông phía sau như thể nắm hạt giống từ trong giỏ đeo bên thắt lưng đưa sang tay kia để tra hạt giống xuống lỗ. Không chỉ mềm mại, tinh tế và rất đều, điệu múa còn tái hiện lại tín ngưỡng phồn thực, tái hiện lại cảnh âm và dương đối đãi giao hòa. Nó được thể hiện qua chiếc gậy chọc lỗ của nam giới và động tác tra hạt vào lỗ của người nữ giới. Các động tác này thể hiện sự sinh sôi nảy nở với hình tượng hạt giống được gieo vào lòng đất nảy mầm xanh cho thóc, ngô lúc lỉu, mẩy hạt…

Múa hái lượm: Ở cộng đồng tộc người Sán Chay, săn bắn hái lượm vẫn được duy trì cho đến ngày nay thông qua các sản vật nông lâm thổ sản, các loài muông thú… ở trong rừng tự nhiên. Minh chứng đó được thể hiện trong điệu múa hái lượm của họ sau khi công việc trồng cấy đã xong, trong những lúc nông nhàn họ vào rừng hái lượm rau củ quả, săn bắn các loại muông thú để bảo vệ mùa màng và để đảm bảo nuôi sống bản thân được thông qua các động tác múa sinh động, hấp dẫn người xem. Ở động tác múa này các đôi nam nữ bỏ gậy xuống nền đất tạo thành một hàng ngang. Lúc này từng đôi nhảy cũng một chân nhấc lên tương tự như các điệu nhảy phát nương dọn rẫy, tra mố. Chân luôn nhảy theo nhịp thông thường, một chân làm trụ khi múa xong một động tác lại đảo sang chân kia làm trụ giữ thăng bằng khẽ nhảy lên theo nhịp gõ nhạc. Các động tác của chân thường ăn khớp với động tác tay nắm lại đặt vuông góc theo tiếng gõ “tắc, tắc, xình”.

Múa hát mừng mùa vụ: Người Sán Chay quan niệm để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng nên họ có động tác “Múa hát mừng mùa vụ”. Trong lễ cúng cơm mới mừng mùa vụ, lễ vật dâng cúng gồm các sản vật nông nghiệp. Múa hát mừng mùa vụ thể hiện cảnh tượng thiên nhiên tươi đẹp khi những cánh đồng, những nương lúa chín vàng óng. Nét đẹp mang đậm tính nhân văn trong điệu múa này được thể hiện qua bài khấn kể về quá trình sinh trời, sinh đất, con người vật lộn với thiên nhiên, khai phá đất đai làm nương rẫy, ruộng đồng, nên ruộng để con cháu lao động sản xuất làm ra hạt lúa, hạt gạo nay dâng lên thần linh, tổ tiên, ông bà về hưởng lộc. Động tác múa hát mừng mùa vụ trên nền nhạc gõ tắc xình dồn dập sinh động, hai nhóm múa nam nữ hai bên sân, nhảy tiến dần vào giữa sân lễ hội, với điệu nhảy hai chân cùng bật nhẹ đều nhau tiến dần vào bên trong sân. Ở động tác này dáng người múa hơi rướn nghiêng về phía trước giống như hình đàn chim bồ câu đang sải cánh bay và vờn, quấn quýt lấy nhau, lặp đi lặp lại nhiều lần biểu hiện một cuộc sống no đủ khi thể hiện động tác múa này.

Múa chim câu: Chim bồ câu được coi là loài chim biểu tượng của tình yêu chung thủy, hoặc như một vị sứ giả mang đến một thông điệp cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Sán Chay coi chim bồ câu như là một dự báo tốt đẹp trong chu kỳ lao động sản xuất mùa vụ được đền đáp bằng những mùa vàng bội thu, lúa đầy sân, ngô chật bồ… Cứ mỗi độ xuân về với cuộc sống bình yên, no đủ thì tình yêu đôi lứa cũng sinh sôi nẩy nở, do vậy phần kết của múa dân gian Tắc Xình là điệu múa chim câu biểu tượng cho tình yêu đôi lứa bền chặt bên nhau đến suốt cuộc đời mỗi con người. Ở động tác múa này các đôi nam, nữ cùng nhảy bật lên theo tiết tấu của bộ gõ, một tay dang rộng ra phía trước mặt theo kiểu tay nào, chân ấy, hai người múa đối diện chụm lại chạm gần vào nhau giống như hình ảnh đôi chim bồ câu đang gù bón cho nhau ăn, các động tác múa của họ như thể đàn chim bồ câu vừa tìm chọn thóc lúa để ăn và để vờn nhau. Động tác cuối cùng kết thúc vũ điệu, từng đôi nhảy múa chụm đầu ngón tay như hai con chim câu đang rúc đầu vào nhau kết thúc điệu múa Tắc Xình. Có thể nói rằng đây là điệu múa rất độc đáo thể hiện tình yêu đôi lứa của người Sán Chay và điệu múa này trong ngày hội được rất nhiều người yêu thích.

3. Bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình dân tộc Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên - những vấn đề đặt ra

Múa dân gian Tắc Xình vừa là sự gắn kết tâm linh giữa cõi dương với cõi âm, giữa hiện tại và quá khứ, giữa thế hệ trước với thế hệ sau, vừa là sự gắn kết giữa các cộng đồng với nhau, từ đó củng cố niềm tin vào tương lai cho các cộng đồng người Sán Chay. Không chỉ vậy, vũ điệu Tắc Xình còn mang giá trị trong đời sống tinh thần, đời sống xã hội của cộng đồng người Sán Chay, các giá trị văn hóa về văn học, âm nhạc, về nghệ thuật múa… đã thành một nếp sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong đời sống của họ. Với những giá trị đó, loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tại Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL, ngày 25 tháng 8 năm 2014, đây chính là kết quả lao động trí tuệ hết sức to lớn của cộng đồng người Sán Chay của huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên.

Mặc dù sức sống của nó là vậy, nhưng trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của đồng bào Sán Chay cũng đã xuất hiện những nguy cơ về sự mai một và biến đổi dưới nhiều sự tác động khác nhau. Sự mai một đó là do những nguyên nhân sau:

+ Do các thế hệ cha, ông hoặc những người lưu giữ các điệu múa dân gian Tắc Xình cao tuổi lần lượt ra đi theo quy luật của cuộc sống, ngày càng ít dần thế hệ kế thừa; Điều kiện sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chỗ cho các nghi lễ tín ngưỡng được sinh hoạt bình đẳng với các sinh hoạt văn hóa chính thống khác

+  Do chịu sự chi phối của nền kinh tế thị trường, tác động mạnh đến đời sống của mỗi gia đình và cộng đồng, đời sống vật chất của người dân còn thấp nên người dân tập trung vào phát triển kinh tế là chính, vì vậy vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể chưa được người dân quan tâm. Thêm vào đó các giá trị văn hóa ngoại lai ngày càng phát triển dẫn đến các giá trị nghệ thuật dân gian đang dần bị mai một.

+  Do sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương tây, gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần và nhận thức của giới trẻ. Lớp trẻ hiện nay nhận thức về văn hoá dân gian truyền thống còn hạn chế, rất ít quan tâm đến di sản văn hóa phi vật thể, do bị chi phối bởi các trò chơi giải trí, các thể loại âm nhạc, múa, trò chơi hiện đại sẵn có trên mạng internet và các phương tiện thông tin truyền thông. Những yếu tố đó đang làm cho loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình bị mai một và phai nhạt dần cùng các di sản văn hóa phi vật thể khác của đất nước ta. Nó chỉ còn là hình thức bên cạnh rất nhiều loại hình giải trí hiện đại khác.

Thực tế cho thấy ngoài những yếu tố tác động nêu trên, một yếu tố có phần quyết định đó là: Các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc đang trong tình trạng thiếu sự quan tâm của con người, thiếu sự định hướng thiết thực để lớp trẻ kế tục cha ông, gìn giữ những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của dân tộc trong đó có nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên.

* Vậy làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình dân tộc Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên trong đời sống đương đại hiện nay?

Để góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, và thực hiện thành công Đề án tng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019. Trong khuôn khổ Hội thảo, chúng ta cần giải quyết những vấn đề sau:

3.1. Về công tác bảo tồn phát huy giá trnghệ thuật múa dân gian Tắc Xình trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay

Thứ nhất: Ngày nay loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình vẫn còn tiếp tục và đang có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Sán chay ở Thái Nguyên, tuy nhiên sự nhận thức hay là niềm tin của người dân về loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình đã có ít nhiều thay đổi. Để phù hợp với yêu cầu và sự phát triển của thời đại, chính bản thân loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình cũng cần có sự thay đổi cả về nội dung cũng như hình thức (thủ tục nghi lễ), xu hướng chung là giản lược những hủ tục lạc hậu rườm rà và những nghi lễ không còn thích hợp với thời đại.

Thứ hai: Trong tương lai loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình sẽ vẫn  tồn tại như nó đã tồn tại, tuy nhiên nó tồn tại như thế nào lại phụ thuộc vào những người quản lý cũng như ý thức trách nhiệm của từng thành viên trong xã hội. Nhiệm vụ của những người quản lý văn hóa ở địa phương và các cấp ngành văn hóa phải hướng người dân nhận thức được một cách toàn diện, cả những mặt tích cực cũng như những mặt còn hạn chế của loại hình nghệ thuật dân gian này, từ đó có những biện pháp bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả, cần hoàn thiện một cách toàn diện những quan điểm, nhận thức trong đánh giá vai trò vị trí của loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người Sán Chay. Trong đó, việc hướng dẫn nhận thức cho người dân là một việc làm cần thiết để tránh những nhận thức thái quá về mặt giá trị cũng như hạn chế của loại hình nghệ thuật này.

Thứ ba: Các cấp ủy đảng, chính quyền ở các địa phương tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường sự quan tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị, đưa các loại hình di sản này vào trong hệ thống giáo dục ở các cấp học trên địa bàn. Thành lập các câu lạc bộ, các nhóm có chung niềm yêu thích này để bảo tồn, phát triển.

Thứ tư: Hiện nay Nhà nước đã ban hành chính sách tôn vinh các nghệ nhân dân gian bằng nhiều hình thức, nhưng đối với địa phương từ cấp huyện, xã ở tỉnh Thái Nguyên cũng cần có cơ chế cụ thể hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Người dân (đặc biệt là các bậc cha ông, các nghệ nhân) cần có ý thức tự tôn, bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vào cộng đồng người Sán Chay về ý nghĩa của loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình và trong đời sống văn hóa cộng đồng, trọng tâm là hướng vào lòng tự hào dân tộc của người Sán Chay, từ đó, các thành viên trong cộng đồng sẽ tự ý thức bảo vệ di sản này.

Thứ năm: Quan tâm lực lượng nghệ nhân để khai thác vốn tài liệu về nghi lễ truyền thống từ đời này sang đời khác. Chính quyền các cấp và các ngành liên quan hỗ trợ xây dựng các dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hiểu biết của đồng bào, từ đó thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình trong đời sống xã hội.

Ðể thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của đồng bào Sán Chay, trước hết, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình trong đời sống xã hội hiện nay bằng việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống về vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân, từ đó đồng bào có điều kiện giữ gìn, tham gia, phục hồi trong các nghi lễ truyền thống của người Sán Chay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

3.2. Công tác quản lý nhà nước trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay đối với loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình

Một là: Để công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng ngày càng tốt hơn, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã ra đời, đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động văn hóa tâm linh tín ngưỡng. Nhưng khi thực thi còn có sự chồng chéo giữa ngành văn hóa, dân tộc và tôn giáo, do đó trong lĩnh vực này, đề nghị giao cho ngành quản lý nhà nước về tôn giáo thực hiện quản lý toàn diện các hoạt động tín ngưỡng nhằm phù hợp với tình hình hiện nay, có văn bản thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn, phân cấp rõ ràng việc quản lý hoạt động đối với các hoạt động tín ngưỡng. Từ đó, mới có cơ sở pháp lý để hướng dẫn người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương, thuận lợi trong công tác quản lý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đối với các cơ sở này, tránh việc lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan. Cần thiết mở hội nghị tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng đối với những người đang quản lý, đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng.

Hai là: Nhà nước và các cấp các ngành, nhất là ngành văn hóa tại địa phương cần có một kế hoạch cụ thể để bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian này cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác của các dân tộc. Cấp thiết nghiên cứu, sưu tầm văn hóa vật thể, phi vật thể về loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của đồng bào Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên và các địa phương khác như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… để lưu trữ, bảo tồn, nhằm hoàn thiện, làm phong phú thêm các giá trị của nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên nói riêng và nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình ở Việt Nam nói chung.

Ba là: Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo và truyền dạy tài năng trẻ cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường văn hóa nghệ thuật, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh thông qua loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác truyền dạy nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các nghệ nhân trong cộng đồng về phát triển loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình. Thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, góp phần để văn hóa xứng đáng là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là: Đối với chính sách chế độ với nghệ nhân, đề nghị Nhà nước ban hành một chính sách đặc biệt đối với các nghệ nhân dân gian về loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình cũng như nghệ nhân của các ngành nghề khác. Chính sách ấy cần đánh giá đúng vai trò của họ và tôn vinh họ, vì chính họ là người có công lưu truyền các giá trị văn hoá dân gian tại địa phương từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cần tổ chức các buổi gặp gỡ, các buổi sinh hoạt định kỳ để các nghệ nhân có dịp trổ tài vào giao lưu gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Việc làm này cũng rất cần thiết vì các nghệ nhân giỏi về loại hình nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của chúng ta đều rất cao tuổi, trí nhớ, sức khoẻ có thể sẽ giảm sút và một số địa phương nếu không có chủ trương kịp thời khi các nghệ nhân mất đi sẽ bị mai một vốn di sản qúy báu này.

Kết luận

Có thể nói rằng, múa dân gian Tắc Xình của tộc người Sán Chay trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử đều đảm nhiệm vai trò lịch sử lớn lao. Đó là những yếu tố nhằm biểu hiện sức sống và bản sắc của một dân tộc vượt qua mọi thăng trầm trong lịch sử, đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển của cư dân Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời góp những bản sắc độc đáo vào đời sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự tồn tại của nghệ thuật  múa dân gian Tắc Xình của tộc người Sán Chay đã góp phần quan trọng vào việc cùng các thành tố dân gian khác như phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo liên kết các thành viên của cộng đồng Sán Chay trong một môi trường văn hóa - xã hội riêng, phù hợp với cộng đồng mình.

Múa dân gian Tắc Xình luôn gắn bó với các sinh hoạt cộng đồng tộc người Sán Chay, với những lễ nghi, lễ hội của dân tộc mình. Điều đó góp phần làm cho hệ thống múa dân gian này tồn tại mãi với sự phong phú của nó. Không những thế, nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của tộc người Sán Chay trong các hình thái sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng tôn giáo... cũng đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng một xã hội Sán Chay với các mối quan hệ đặc thù của nó.

Múa dân gian Tắc Xình có vai trò rất quan trọng trong đời sống của tộc người Sán Chay. Do đó, nếu không có sự kế thừa, bảo tồn và phát huy thì trong tương lai không xa nó sẽ dần rơi vào quên lãng. Vì vậy, việc kế thừa, sưu tầm, nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy để nó luôn xứng đáng đóng vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Sán Chay là một việc làm rất cần thiết, cấp bách đối với các ngành chức năng, chính quyền... Thực hiện những điều nêu trên không những sẽ bảo tồn và phát huy được giá trị nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của tộc người Sán Chay mà còn tạo được bản sắc riêng của cộng đồng Sán Chay, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú trong kho tàng múa dân gian của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

-----------

Tài liệu tham khảo

1. Dương Viết Á. “Nhạc cụ dân tộc Việt Nam”. NXB Âm nhạc. Hà Nội

2. Đào Duy Anh (1950), “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam”. Nxb Thế giới, Hà Nội 1957.

3. Ăngghen. F. (1984), Nguồn gốc của gia đình của sở hữu tư nhân và của Nhà nước; trong Tuyển tập Mác - Ăngghen, sách dịch, Nxb Sự thật, Hà Nội.

4. Phương Bằng (1981), Dân ca Cao Lan, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

5. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía bắc), (1978), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Lê Ngọc Canh, “Văn hoá dân gian Việt Nam, những thành tố”. Trường Cao đẳng VH TPHCM, 1990.

7. Lê Ngọc Canh (1997), “Tục múa hát nghi lễ cổ truyền của người Cao Lan”, Tạp chí Dân tộc học.

8. Hoàng Tuấn Cư, Bàn Tuấn Năng (2012), “Nghi lễ đám cưới người Sán Chay ở Thái Nguyên”, Sở VHTT và DL Thái Nguyên.

9. Địa chí Thái Nguyên (2009), Nxb Chính trị quốc gia.

10. Nguyễn Văn Huy (1997), Bức tranh văn hoá dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11. Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể múa Tắc Xình, đề nghị đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia của tỉnh Thái Nguyên.

12. Đỗ Đức Lợi, Trần Văn Ái, Nông Quốc Tuấn (2004), “Văn hóa Sán Chay ở Việt Nam” . Đề tài Nghiên cứu khoa học, Bộ VHTT và DL.

13. Phù Ninh, Nguyễn Thịnh (1999), Văn hoá truyền thống Cao Lan, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

14. Tô Ngọc Thanh, Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 2007.

15. Nguyễn Nam Tiến (1973), “Về nguồn gốc và quá trình di cư của người Cao Lan - Sán Chỉ”, Thông báo Dân tộc học số (1).

16. Nguồn gốc dân tộc Sán Chay Ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.

 

Lương Việt Anh

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

3 đã tặng

0

0

0

3

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy