Bão tan cây còn đau…
Truyện ngắn. NGUYỄN ĐỨC HẠNH
Chúng tôi về Hội trường Cao đẳng Sư phạm sau nhiều năm xa cách. Biết tôi đi bằng xe ô tô riêng, anh Quân hẹn qua nhà đón để cùng xuống. Gặp nhau nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ ôm thật chặt, đẩy ra một chút để ngắm nhìn nhau, rồi đấm lưng, lắc vai miệng cười mà nước mắt cứ lặng lẽ trào xuống má. Trong cuộc đời của mỗi người, khi ta gắn bó với những ai ở lúc đói khổ, gian nan thì nhớ lâu, thương sâu hơn khi gắn bó lúc sang giàu. Trường cũ còn đây mà nhiều người xưa đã vắng bóng. Chỉ hồ nước trong xanh vẫn lặng lẽ soi bóng những đám mây dùng dằng bay qua. Hàng phượng vĩ vẫn những tán lá xanh thơ ngây như thủa nào, một cơn bão vừa đi qua đây, nhiều cành lá xác xơ rơi rụng, vậy mà hoa vẫn đỏ rực rỡ không gió mưa nào dập tắt nổi. Tôi ôm lấy một gốc phượng sù sì, sứt sẹo mà không kìm nổi tiếng nấc, hình như có những bóng mây ngày xưa đang trôi qua dưới đáy hồ…
1. Đêm cuối cùng trước khi lên đường vào bãi đào vàng để kiếm sống, chúng tôi ôm nhau thức trắng đêm. Vợ tôi gục đầu vào vai tôi khóc run bần bật, rồi mếu máo:
- Anh ơi! Chỉ vì em mà anh phải vào đấy. Nhỡ có chuyện gì thì sao? Nếu em không bị nghỉ không lương thì chúng mình rau cháo nuôi nhau. Ở nhà còn có vợ có chồng…
- Không sao đâu. Anh là đàn ông. Anh đi kiếm gạo nuôi con thôi. Có tranh cướp gì với ai đâu mà lo. Ở nhà một suất lương bốn người, không sống nổi. Thi thoảng, đến kì lên lớp, anh vẫn về dạy học cơ mà.
Nói để động viên vợ, kì thực trong lòng như đang có lửa đốt. Ôm chặt vợ, tay vỗ vỗ muốn ru cho em ngủ, nhưng chao ôi, em gầy quá. Trước khi cưới, em là cô sinh viên sư phạm mũm mĩm, xinh xắn, vậy mà giờ đây chạm vào đâu cũng chỉ thấy toàn xương là xương. Cổ họng bỗng nghẹn lại, thấy mình giống Hộ và em giống Từ trong Đời thừa của Nam Cao quá.
Cách đây mấy tháng, tay hiệu trưởng trường em vốn là bạn cũ thời học cấp 3 nhắn tôi vào gặp, sau khi ề à kể chuyện “Ngày xưa, tớ học giỏi thứ nhì, chỉ có đứng sau cậu thôi nhá…”, mãi hắn mới mở lời:
- Số lượng lớp giảm kinh quá. Từ 20 giờ còn 11 lớp, phải cho một số giáo viên vào diện về nghỉ không lương, trong số giáo viên do Công đoàn bình xét, có tên vợ cậu. Ý cậu thế nào?
- Còn thế nào nữa, hoàn cảnh tớ cậu biết quá rõ. Hai suất lương còm bốn người ngắc ngoải. Vợ tớ có lương mà hai con tớ còn bảo “Con nằm mơ được ăn tóp mỡ bố ạ”. Cậu giúp vợ chồng tớ với.
Hắn cười khành khạch mà mắt lạnh ngắt:
- Không phải là không có cách. Nhưng quả thực cũng có cái khó, danh sách vừa đưa ra, giáo viên đã lên đây khóc như mẹ chết, lại còn phòng Tổ chức trên Sở đã cầm danh sách rồi. Cũng khó đấy.
- Tớ biết là khó, nhưng thôi, đã là chỗ bạn bè. Cậu cứ nói thẳng ra đi.
- Qua sông thì phải lụy đò. Cái gì nó cũng có cái giá của nó. Nếu cậu…
Thấy tôi nhìn sốt ruột, hắn đảo mắt nhìn quanh, rồi lấy bút viết một dòng chữ lên mảnh giấy, giơ cho xem rồi xòe bật lửa đốt ngay. Trên tờ giấy ấy ghi một số tiền phải chi ra để cảm ơn các sếp. Trời ơi! Nếu có số tiền đó, tôi đã không phải bấm bụng ngồi đây nuốt nhục mấy tiếng đồng hồ. Tôi đứng dậy ra về. Hôm sau, vợ tôi nhận quyết định về nghỉ không lương một năm. Em nằm khóc một ngày. Sáng hôm sau mắt còn sưng húp đi ra chợ mua quang gánh, cân đĩa để gánh rau bán quanh trường. Giáo án và những tập thơ, em trải ra bàn, ngồi ngắm thật lâu rồi gói lại bằng túi nilông, buộc chặt, cất đi. Tôi lang thang quanh trường mà không biết làm gì. Trường Cao đẳng Sư phạm mái lá tường đất. Các em sinh viên cũng đói. Vậy mà vợ tôi tính đi buôn rau - thứ hàng hóa có lãi suất thấp nhất, nhưng phải bỏ vốn ít nhất, lại đi bán cho thành phần nghèo nhất xã hội là các em sinh viên ăn cơm tập thể, từ vùng cao xuống học, chỉ có hai bộ quần áo, mùa đông không có áo rét? Thi thoảng một số em nấu ăn cải thiện, gánh rau của vợ tôi trông đợi vào túi tiền còm cõi của những cô cậu sinh viên kia. Chán nản, tôi rẽ vào phòng tập thể của Trưởng khoa. Anh Quân đang xây chuồng lợn, bỏ bay và thước vào ngồi tiếp tôi mà cứ chạy ra chạy vào, lo con lợn con mẹ vợ vừa mang xuống cho chạy mất. Đọc tờ quyết định cho nghỉ không lương của vợ tôi xong, anh bần thần, ngơ ngác.
- Cay đắng! Nghề cao quý ơi? Thế này thì làm sao ta làm tấm gương sáng được đây? Có đủ lương của hai vợ chồng mà còn đói. Nay còn một thì tính sao? 13 cân gạo mốc một tháng mà mua làm 3 lần. Tháng này còn “độn” cả phân đạm. Giờ cậu định thế nào? Bọn tớ cũng nghèo quá, chả giúp gì được…
Rưng rưng nhìn anh. Anh cũng khổ quá, đi đào giếng thuê. Chị Quân làm bánh su sê đi giao các quán. Hôm nào ế, cả nhà ngồi ăn trừ cơm, vừa ăn vừa lo đang “cắn” vào tí vốn nhỏ nhoi. Cứ ăn thế này 3 ngày là hết vốn. Mấy tháng trước nuôi được con lợn khoảng 30 cân. Nó ốm chết, cả nhà ôm nhau khóc như cha chết.
- Anh ạ. Đường cùng rồi. Em định vào bãi vàng làm thuê cho ông anh họ, đang là bưởng trong ấy. Anh xếp thời khóa biểu giúp em, 280 tiết dồn cả vào 3 tháng. Em về dạy xong lại đi. Em ở nhà thì con em chết đói mất.
Không biết tôi khóc từ bao giờ, anh Quân giả vờ đi rót nước để ra ngoài lấy khăn lau nước mắt.
- Ừ. Thôi em đi đi. Nhớ cẩn thận. Trong ấy nghe nói đâm chém nhau, chết vì tai nạn, sập hầm, ngạt khí như cơm bữa. Anh chẳng có gan như em. Ở nhà, anh xếp thời khóa biểu cho. Nhưng mày là giáo viên văn, lại là nhà thơ, liệu có làm nổi không? Nhất thổ nhì mộc, nhọc nhằn lắm.
- Không được thì cũng phải được anh ạ. Vì vợ con mà chiến đấu, chứ ai muốn vào cái nơi ấy làm gì…
2. Sáng hôm ấy, gọi bán con chó vàng, lấy tiền đi vào bãi vàng. Con chó vàng là bạn thân của Nhật - con trai tôi. Thằng bé có tình yêu kì lạ dành cho loài chó. Đến nhà ai chơi, dù có chó to và dữ đến mấy, chỉ một lát nó đã có thể vuốt ve, ôm chó vào lòng. Chiều hôm trước nghe nói sẽ bán chó vàng, nó bỏ cơm. Đêm ấy, biết nó không ngủ, quay lưng lại phía tôi, bờ vai bé nhỏ cứ rung lên khe khẽ. Sáng hôm sau, tôi nuốt nước mắt ôm nó vào lòng: - Bố sẽ mua đền cho con một chú chó vàng đẹp hơn con này. Bố hứa đấy…
Nó òa khóc nức nở, nói trong tiếng nấc: - Con không cần con chó khác. Con xin bố. Bố đừng bán em Vàng của con…
Bán con chó được 70 đồng, tôi đưa cho vợ 3 chục, cầm 4 chục còn lại đi mua gạo, cá khô, 1 cái xà beng để vào bãi vàng. Ngồi sau lưng anh xe ôm vào bãi, cắn chặt môi để nén khóc. Những lời cầu xin của con trẻ như mũi dùi nung đỏ, xoáy mãi vào ngực. Đi từ sáng sớm, đến gần 10 giờ đêm mới vào đến bãi vàng, trèo dốc, leo mỏm đá, chân bật máu, mệt đến mức muốn nằm lăn ra ngủ, rồi muốn ra sao cũng được. Nhưng nhớ đến đôi mắt vợ đau đáu nhìn lúc đưa tiễn, tôi lại cắn răng đi tiếp. Ông anh họ lùn tịt, béo tốt, cổ đeo sợi dây chuyền vàng 5 cây to như một sợi dây xích chó, cười khằng khặc:
- Khổ. Thầy giáo chân yếu, tay mềm. Vất đấy. Có nổ mìn phá đá đãi vàng được không? Đội này có năm bưởng, anh cũng chỉ là một trong năm người, chấp nhận vào đây, em phải làm được việc mới được trả lương. Tình anh em, anh chỉ giúp em được một việc: Không bị quỵt lương. Không bị đánh. Thế thôi. Làm thử mấy ngày đi. Thấy không kham được thì về…
Về thì biết trông vào đâu? Đôi mắt to tròn nhìn đăm đắm đầy hi vọng của vợ, hai thằng con xanh xao gầy guộc đứng kiễng chân nhìn qua cửa sổ, xem nhờ ti vi nhà hàng xóm… Cứ 20 hàng tháng chạy vay gạo toát mồ hôi. Chao ôi. Khi đói nghèo quá, những giấc mơ cao đẹp giờ chỉ lập lòe như đom đóm. Dạ dày gào réo. Trong mơ cũng toàn mơ được ăn cơm với thịt.
Tôi lao vào làm việc như điên cuồng trong câm lặng. Quai búa đánh choòng phá đá, dùng thuốc nổ đào hầm xuyên vào lòng đá núi. Hai bàn tay đỏ máu, lấy giẻ cuốn chặt, nghiến răng làm tiếp, thấp thỏm mong đến ngày 25 hàng tháng nhận lương để gửi cho vợ con. Đêm đến nằm trên sạp tre, trăn trở không ngủ được, tiếng mìn nổ liên hồi, rền vang như sét đánh. Đất đá bắn lên rơi xuống lộp bộp, làm thủng cả mái lán đã dùng tới 2 lớp cót ép, 2 lớp ni lông. Sợ nhất là những đêm mưa nơi rừng sâu núi thẳm, tiếng nước mưa lọt qua lỗ thủng trên mái, chạm vào đống quần áo cũ hôi khắm kêu lộp bộp, chạm xoong nồi kêu leng keng, chạm vào mặt lũ cửu vạn đang ngủ say như chết sau một ngày quần quật, kêu lép nhép… Giờ này em và con đã ngủ chưa? Đừng buồn khóc, đừng lo cho anh. Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. Sẽ có ngày trí thức được tôn trọng, được sống đúng nghĩa một con người em ạ…
3. Từ ngày anh vào bãi vàng, thời gian trôi chậm quá. Em gánh rau bán quanh trường lúc lãi thì chẳng được bao nhiêu, lúc lỗ thì mất nhiều vì phải đổ cả gánh rau ế cho người ta nuôi lợn. Em hay có những giấc mơ kì lạ, nhưng phần nhiều là ác mộng. Mơ thấy anh cụt hết cả hai chân, máu me đầm đìa, về nằm bên em mà cứ gọi: lấy cho anh cái bút với quyển sổ, anh phải ghi lại những ngày tháng đau buồn này… Nhưng cũng có những giấc mơ đẹp để em còn có hi vọng mà đi tiếp con đường chông gai của chúng mình. Anh về lúc nửa đêm, bảo đóng chặt cửa, nhìn trước nhìn sau mới lấy trong túi ra một cục vàng to bằng cái ấm pha trà, rồi thì thầm:
- Tự tay anh đào được đấy. Từ nay nhà mình không phải lo đi vay gạo nữa, sẽ mua cho con một cái tivi, đi xem nhờ Tây Du Kí, đứng dán mắt vào khe cửa sổ, người ta còn bịt kín lại, tội lắm… Em đã khóc trong sung sướng, lúc tỉnh dậy, biết là mơ, cứ tiếc mãi. Nhưng cũng vì có những hi vọng ấy mà em có thêm nghị lực để gánh rau đi bán trong mưa dầm mùa đông, gõ từng cửa phòng ở của sinh viên mà mời gọi…
Sáng nay, anh Quân trưởng khoa đến tìm, nói với vẻ mặt nghiêm trọng lắm:
- Em tìm mọi cách báo tin cho chồng em về. 14h chiều mai khoa họp về tinh giảm biên chế, phải giảm 3 biên chế. Nếu nó không về họp thì gay đấy.
Em lo quá. Em chỉ biết anh đi làm vàng ở Võ Nhai, nào có biết cụ thể ở chỗ nào đâu. Nhớ có lần anh nói bắt xe ôm ở Linh Nham, em đèo thằng Nhật đi tìm anh trong vô vọng: Cứ đi mà không biết sẽ tới đâu, có tìm được anh không? Em không biết nữa… Cái xe mini Tàu xuống hơi, hơn chục cây em cố gắng đạp mãi mà hình như xe không chịu đi. Mưa mùa đông lạnh, gió ở đâu nhiều thế, cứ nhè mặt em mà thổi. Con trai mình vừa đói vừa rét, vẫn bậm môi rắn rỏi: - Mẹ ơi, con đói và lạnh nhưng sẽ không khóc đâu. Chỉ cần tìm được bố thôi. Anh ơi. Nó mới 7 tuổi mà gan lì giống anh lắm. Vào đến Linh Nham thì trước mặt là một ngã hai, cả hai ngả đường chạy hun hút vào phía rừng núi âm u. Em không biết sẽ theo ngả nào. Em đành vào quán nước đầu cầu, dồn hết tiền trong người thì vừa đủ mua một cái bánh nướng rắn như đá. Nhìn con ăn ngấu nghiến mà em chảy nước mắt. Đi từ sáng, giờ là 1 giờ chiều, hai mẹ con chưa có một hạt cơm nào. Ở nhà gạo cũng hết. Mấy anh xe ôm trông rất dữ tợn ngồi quanh đợi khách. Một anh râu quai nón rậm rì, xăm trổ xanh lè hỏi em:
- Chị và cháu đi đâu. Xe thủng săm rồi, vá đi. Ông chủ quán đây có thêm nghề vá săm và sửa xe đấy.
- Anh ơi. Anh cho tôi hỏi, anh có biết anh Đức, giáo viên trường Sư phạm làm vàng ở Võ Nhai không?
- Tôi biết. Vừa đầu tháng trước tôi chở anh ta vào bãi. Một tay gầy lẻo khoẻo, vào bãi còn mang theo một bọc sách to đùng phải không? Giời ạ, vào bãi đào vàng thì còn đọc sách làm đéo gì…
- Vâng. Đúng rồi. Qúy hóa quá. Tôi có việc quá khẩn cấp, muốn nhờ anh chuyển hộ một lá thư ngắn cho anh ấy được không anh?
- Được. Tí nữa đằng nào tôi cũng chở khách vào đấy. Nhưng chỉ đến chân đèo Nhâu thôi. Tôi sẽ nhờ bọn gánh hàng vào bãi gửi hộ cho. Dân bãi Nhâu đều quý chồng chị. Vì chồng chị có học thức cao nhất, chuyên làm thư kí viết đơn xin giảm thuế, biên bản chết người do sập hầm do đâm chém nhau cho cả bãi. À, hình như còn viết thư tình hộ một số thằng, hiệu nghiệm lắm. Ha ha… Em mượn giấy bút của chủ quán viết vội mấy dòng, mong anh về kịp họp xét giảm biên chế. Anh ơi. Cố về kịp nhé. Anh mà bị giảm biên chế nữa, nhà mình sẽ sống ra sao?
Khoảng chín giờ tối, em Sĩ chuyên gánh hàng thuê và kiêm làm cave cho cả bãi vào lán, thở hồng hộc, cầm nón quạt lấy quạt để.
- Khiếp. Hơn hai tiếng trèo đèo, về chột mẹ nó lứa đẻ. Đây. Thư tình của thầy giáo đây. Tình cảm thế. Thảo nào, gạ làm một hiệp chiêu đãi không lấy tiền cho nhẹ bụng dưới mà cứ lắc đầu. Chắc để dành tinh trùng về dồn cho mẹ đĩ…
Tôi đọc thư em mà toát mồ hôi. Vừa lo cho mình vừa xót cho em và con. Đường xa, mưa lạnh, hai mẹ con ngơ ngác đi tìm, mà cũng không biết chồng ở đâu mà tìm. Hình như có hai giọt nước mặn chát cứ chực trào ra ở khóe mắt. Biết chuyện, Khoa “Ngựa” gọi tôi sang lán của anh ta. Lán Khoa “Ngựa” đang trúng vàng, các Bưởng chia vàng lấy bát ô tô mà đong. Rượu thịt ngập ngụa. Ra thành phố càn quét gom gần 100 cô gái điếm vào bãi để khao quân. Khoa “Ngựa” lè nhè bảo:
- Nghe tin sáng mai chú về có việc khẩn. Anh quý chú là người có chữ, sống có đức. Anh cho 10 xô đá. Chú tự nghiền tự đãi, được 10 cây cho 10 cây. Không được chỉ nào là do chú số chó mực. Anh quý mà cho. Thằng Hùng Hải Phòng, vác AK đến xin đểu, anh hô anh em vác súng bắn cho chạy tụt quần đùi. Đúng là số khó làm chẳng nên giàu. Tôi hì hục nổ máy nghiền đá, cho chạy qua chớp rồi đem đãi mà chưa được một chỉ vàng cốm. Chả bù cho ông bạn lính của anh Khoa vào chơi hôm nọ, cũng 10 xô đá được hơn 5 cây. Thôi, miếng khi đói bằng gói khi no. Ơn nghĩa ấy, cả đời không quên được. Bác Phán, áo quần rách rưới, hôi mù, đứng ngoài lán vẫy tôi ra ngoài:
- Nghe nói chú về họp giảm biên chế. Ở nhà cô bán rau nuôi hai cháu. Tôi bòn cả tháng được 5 phân vàng cô cục. Tôi cho chú vay. Lúc nào có thì trả. Không có thì thôi. Cùng là cánh áo rách cả, cầm đi, đừng ngại…
Tôi nghẹn cổ không nói, bác Phán suốt ngày cầm cái bát con, đi đãi “xái” chảy ra từ các máy nghiền vàng, gom từng bụi vàng cám. Nào có sung sướng và giàu có gì… Bác Phán ơi!
Gần sáng, tôi đi bộ qua đèo. Hơn 9 giờ mới ra đến bến xe ôm, bảo Tuấn “Túc” - tay lái xe ôm được ca ngợi là “tay lái vàng” của cả xứ Thái.
- Em chạy thế nào thì chạy, đúng 13h30 phải về đến trường để anh dự cuộc họp sinh tử của đời mình.
Hắn cười hì hì:
- Hơi gay anh ạ. Thôi để em cố…
Chưa có chuyến xe nào “bão táp” như chuyến xe này, kể cả khi men sườn núi trơn nhẫy, đá nhọn gập ghềnh, một bên là vực thẳm, chiếc xe Minsk vẫn không giảm xuống dưới 70 cây số một giờ. Ôm chặt lưng áo đẫm mồ hôi của hắn, nhắm tịt mắt, lầm rầm cầu ông bà tổ tiên phù hộ, và tự trấn an mình: - Sống chết có số. Giàu nghèo tại trời…
Xe về đến nhà đúng 13h25 phút, Tuấn “Túc” vừa thở dốc vừa cười nhạt:
- Hoàn thành chỉ tiêu nhá. Nhưng em cũng sợ thọt dái lên cổ. Hồng phúc anh em mình còn to bằng cái đình…
Em ôm chầm lấy tôi mà nghẹn ngào, miệng lắp bắp:
- Em mừng quá… Em cứ đi tìm mà không biết tìm ở đâu… mưa lạnh lắm… hai con mong anh lắm…
Dội nước tắm qua, thay bộ quần áo bùn đất bê bết bằng bộ quần áo diện nhất vẫn để dành, tôi bước vào cuộc họp đúng 14h. Nhưng sao anh em giảng viên trông khuôn mặt đều “đằng đằng sát khí” thế kia. Anh Quân nhìn tôi đầy lo lắng. Ông Trưởng phòng tổ chức béo lùn, mắt ti hí toàn nhìn trộm, tóc chỉ còn vài sợi vắt kiểu “dàn mướp” trên đỉnh sọ bóng loáng, e hèm rồi cất tiếng:
- Kính thưa các đồng chí. Thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế từ cấp trên, hôm nay, tôi triển khai cụ thể đến Khoa các đồng chí. Xét theo số lượng sinh viên đang giảm, khoa ta dôi dư ba đồng chí. Bởi vậy, cuộc họp hôm nay sẽ tiến hành bình xét để tinh giảm ba đồng chí…
Chủ tịch Công đoàn Khoa đứng dậy, vừa nói vừa khóc, nước mắt nước mũi ròng ròng:
-Kính thưa các đồng chí. Cả Khoa ta đã sống bên nhau, đùm bọc nhau như một gia đình bao năm qua. Tuy nghèo khổ nhưng vẫn còn có lương và 13kg gạo sổ. Đấy là một cái phao bé tí để chúng ta bám víu và làm nghề. Phao bé còn hơn không có phao. Nay sẽ phải có ba đồng chí “hi sinh” để chúng ta được “Sống”. Tôi đau lòng lắm. Tôi không chịu được…
Chủ tịch Công đoàn òa khóc nức nở, không nói được nữa. Anh Quân - Trưởng khoa đứng dậy thầm thì, mắt đỏ hoe:
- Ai cũng có tâm trạng như đồng chí thôi. Nhưng nếu cứ khóc lóc thế này thì cuộc họp sẽ không thể kết thúc. Lệnh từ trên đưa xuống, chúng ta phải chấp hành. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung vào nội dung cuộc họp. Đề nghị đồng chí Trưởng phòng tổ chức phổ biến mục đích, yêu cầu, các tiêu chí để phân loại, tiến tới tinh giản đội ngũ giáo viên của Khoa.
Ông trưởng phòng tổ chức lặc lè đi lên bục, cầm micro, đọc choang choang một hồi, rồi kết luận:
- Tóm lại, Khoa ta có 36 đồng chí, năm học vừa qua ai cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Nhưng phải có ai vi phạm, ai kém hơn người khác chứ? Đến trứng gà trứng vịt còn có quả to quả bé. Đề nghị các đồng chí phát biểu, chỉ ra và phân tích những yếu kém nếu có. Sau đó, chúng ta sẽ bỏ phiếu kín để xác định ba đồng chí phải tinh giảm biên chế đợt này. Trường sẽ tổ chức kiểm phiếu và thông báo kết quả sau ba ngày…
Không khí cuộc họp bỗng căng thẳng, nghiêm trọng như trong phòng xử án, tất cả đang chờ đợi chánh án tuyên bản án dành cho bị cáo. Một vài người cắn chặt môi, mồ hôi trán vã ra, như đang giằng xé chuẩn bị quyết định làm một việc gì kinh thiên động địa. Đa số liếc trộm nhau thật nhanh, ánh mắt đầy ngờ vực dò xét. Mấy phút im lặng mà phòng họp như bầu trời u ám chuẩn bị bùng nổ bão tố. Bỗng cô Tin đứng phắt dậy, mặt đỏ, mắt sáng quắc, nói to mà giọng run run:
- Tôi xin có ý kiến. Tôi thấy Khoa ta có ba đồng chí sau đây có nhiều vi phạm, khuyết điểm, đáng phải đưa vào diện tinh giản, đó là cô A, thầy B, và cô C. Và đây là bằng chứng.
Cô Tin cầm cuốn sổ tay bé xíu, đọc vanh vách ngày, giờ, tháng, năm, thầy cô nào đi muộn về sớm bao nhiêu phút, bỏ họp mấy lần, có phát ngôn gì trong bàn trà, tiệc rượu với ý thức không xây dựng Khoa, Trường và hình ảnh người giáo viên nhân dân, có thầy cô đang lên lớp, chạy vào phòng vệ sinh 15 phút không ra. Tiết học có 45 phút mà đi vệ sinh những 15 phút thì đảm bảo chất lượng chuyên môn ra sao? Tất cả há hốc mồm. Chao ôi. Thật là kì công và kĩ lưỡng. Đến công an theo dõi gián điệp cũng chỉ tỉ mỉ và thu thập vật chứng, nhân chứng không thể chối cãi đến thế là cùng.
Cô A là bạn thân của cô Tin òa khóc, đứng dậy nghẹn ngào:
- Tôi không ngờ bạn thân của tôi lại có nghiệp vụ công an giỏi đến thế. Nhưng thưa các đồng chí, chính cô Tin nhờ sinh viên mua hộ 5kg thuốc lá sợi Bắc Sơn, rồi quỵt, đây, có thư của em sinh viên đau đớn gửi tôi đây, giáo viên mà ăn chằng uống chịu thế à.
Thầy B hùng hổ:
- Chó chê mèo lắm lông. Đồ mật thám.
Cô Tin “phản pháo” dữ dội:
- Tình cảm và công việc là hai phạm trù khác nhau. Quân pháp bất vị thân. Tôi phát biểu trên tinh thần dũng cảm phê và tự phê của một đảng viên…
Cô C ngồi khóc lặng lẽ, thầm thì một mình:
- Trời ơi. Vì bát cơm manh áo, con người hóa quỷ như vậy sao. Thì ra, khi cận kề cái chết, con người mới bộc lộ bản chất thực của mình. Thầy cô ơi, bỏ mũ áo đẹp đẽ đi, mình trần hiện ra cũng đáng sợ lắm…
Phần lớn cãi vã nhau ỏm tỏi, mắt long sòng sọc, bọt mép sùi ra, cố kiết chỉ ra kẻ khác là xấu xa, là đáng loại bỏ, còn riêng ta là tốt đẹp và tài giỏi. Anh Quân ôm đầu kêu khổ. Ông trưởng phòng tổ chức nheo nheo mắt nhìn hiếu kì, tay cầm bút gõ nhịp lên bàn, miệng ậm ừ câu gì không rõ. Hắn thấy cay cay khóe mắt, không muốn và không dám xem tiếp vở bi hài kịch đang diễn ra trước mắt. Bỗng một tiếng quát to làm tất cả giật nảy mình, ngơ ngác nhìn quanh:
- Thôi, đủ rồi. Tôi van các người. Các người không thấy nhục sao? Có khác gì loài vật không?
Thầy Thỏa dạy văn lừ lừ đi lên bục diễn giả, hai mắt cũng đỏ lừ:
- Cần ba người hi sinh phải không? Tôi tình nguyện hi sinh, thế là Khoa đã đỡ đi một tử sĩ, đỡ phải đâm chém nhau. Vợ tôi buôn gạo, tối về vẫn có bát cơm ăn. Các đồng chí chỉ trông vào đồng lương và sổ gạo. Ra đường lấy gì mà sống. Nhưng dù là chuyện sống chết, hãy giữ lại một chút liêm sỉ, nhất là khi ta mang danh giáo viên. Khổ nhục lắm. Chào. Tôi về.
Mấy chục con người bỗng ngồi thụp cả xuống, lấy bàn tay che mặt. Có những bờ vai rung lên bần bật. Tất cả dõi mắt sùng kính nhìn theo thầy Thỏa đang thập thõm bước ra sân như con chiên đang ngắm chúa trời. Và hình như từ con người nhỏ bé, lôi thôi ấy đang tỏa ra ánh hào quang đẹp đẽ kì lạ. Ông trưởng phòng tổ chức đứng dậy lắc đầu, thở dài:
- Thôi. Không đấu tố nữa. Cứ như thế này thì đến Tết không xong. Vậy là có đồng chí Thỏa tình nguyện rồi. Còn hai suất nữa. Các đồng chí bỏ phiếu kín, ghi tên hai đồng chí phải bị tinh giản vào. Không cần kí tên nhá.
Ai nấy kín đáo tìm chỗ ghi phiếu, xòe bàn tay che phiếu của mình, dớn dác như quạ vào chuồng lợn, mắt đảo nhìn vòng quanh, môi mím chặt, mồ hôi ròng ròng trên trán, cứ như đang chuẩn bị kí chuẩn y bản án tử hình cho một kẻ nào đó, viết xong phiếu bỗng cười nhạt, lơ láo nhìn vòng quanh, rồi liếm môi liên tục. Một số người chạy đi rót nước uống, cứ ừng ực từng cốc một, như đã nhịn khát vài ngày rồi.
Bỏ phiếu xong, ông trưởng phòng tổ chức cho niêm phong hòm phiếu, bê lên gặp Ban giám hiệu. Tất cả lặng lẽ ra về đi sau ông trưởng phòng tổ chức, cứ như một đoàn đưa tang âu sầu đang đi sau quan tài, tiễn đưa hai linh hồn xấu số của hai mạng người nào đó về cõi vĩnh hằng. Riêng tôi không đi nổi nữa, ngồi thụp vào góc phòng họp, tôi ôm mặt nước mắt trào ra nóng hổi qua những kẽ ngón tay.
***
Quyến luyến mãi rồi cũng phải chia tay, ngắm anh em bạn bè ai cũng thành đạt, hạnh phúc mà mừng vui vô hạn. Phượng vĩ ơi! Chào nhé! Sao bão đã đi qua lâu rồi, thân cây vẫn còn run rẩy? Hình như những nhát chém vào cây đã lành miệng, nhựa không còn chảy nữa mà nỗi đau vẫn lặn thật sâu trong thớ gỗ? Nhưng đó là nỗi đau để cây cứng cỏi, trưởng thành, những “giọt máu” của cây chảy trong quá khứ đã tích tụ lại, hòa quyện cùng hạnh phúc hôm nay, để bung nở thành màu hoa đỏ ngùn ngụt phun lên những quầng lửa khổng lồ, cháy thắm thiết dưới trời.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...