Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
21:13 (GMT +7)

Bao nhiêu chỗ lệch cũng kê cho bằng

VNTN - Hướng tới đại hội lần thứ VII của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên, trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) đã đăng tải nhiều bài góp ý kiến xây dựng để Hội và Báo ngày một tốt hơn. Tôi rất cảm động khi đọc những bài viết chân tình của các nhà thơ Nguyễn Hữu Bài, Xuân Nùng, nhất là của nhà nghiên cứu văn học dân gian Nông Phúc Tước… khi các anh gợi nhắc đến một thời hoạt động của Hội trong một niềm tin yêu đáng trân trọng.

Đã có không ít bài viết của hội viên đề cập đến Hội như đã nêu trên, nên trọng tâm của bài viết này, tôi xin góp ý đôi lời với Báo VNTN. Xét về cơ chế tổ chức, Báo VNTN trực thuộc Hội VHNT Thái Nguyên. Công bằng mà nói, trong nhiều năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự cố gắng của các biên tập viên, phóng viên, dưới sự chỉ đạo tích cực, sáng tạo của lãnh đạo Báo, chúng ta đã có sự hoạt động đều tay xoay việc cả về chất lượng lẫn số lượng, nội dung lẫn hình thức. Nhiều chuyên mục, tiểu mục đã chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Tuy vậy, cũng không thể không nhắc tới đôi ba nhược điểm, hạn chế của tờ báo. Nếu không kịp thời xốc lại thì e rằng nó sẽ vẫn tồn tại một cách đáng tiếc. Theo tôi, một trong những nhược điểm cần bàn tới chính là việc sử dụng bài vở về mảng truyện ngắn trong nhiều năm qua của Báo VNTN (là một hội viên thuộc Chi hội Văn xuôi, tôi chỉ xin nói riêng về điều này). Ai cũng biết, Báo VNTN, trước hết các cộng tác viên phải là người Thái Nguyên, và viết về đất, bối cảnh, con người Thái Nguyên là chủ yếu (tác giả nhấn mạnh). Trong mục tôn chỉ mục đích ở Điều lệ Hội VHNT Thái Nguyên đã nêu rõ: “Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên là tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp của những người hoạt động văn học nghệ thuật trong tỉnh Thái Nguyên…” (tác giả nhấn mạnh). Tôn chỉ mục đích của Hội cũng chính là tôn chỉ mục đích của Báo. Tuy đã có nhiều mặt tốt, nhưng về việc đăng tải truyện ngắn trên báo VNTN còn hạn chế. Nhìn trên mặt báo, nhận thấy rất rõ sự “lấn át” của các tác giả tỉnh ngoài trước các tác giả trong tỉnh (khoảng từ 60% đến 80% số lượng truyện ngắn là của các tác giả tỉnh ngoài. Nhiều ban biên tập ở các báo hoặc tạp chí văn nghệ địa phương khác, người ta chỉ sử dụng từ 10% đến 20% bài vở của tác giả ngoại tỉnh). Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã từng phát biểu rành rọt trước đông đảo hội viên hội VHNT Thái Nguyên về vấn đề cần thiết của tính vùng miền: nếu người viết địa phương không đảm bảo nổi bài vở cho tờ báo của địa phương mình thì tốt nhất là nên giải tán Báo (hoặc Tạp chí văn nghệ). Thiết nghĩ, các tờ văn nghệ địa phương rất nên tham khảo ý kiến này. Theo tôi, có thể do sức ép bài vở cho tuần báo mà mấy năm qua tòa soạn đã phải lệ thuộc nhiều vào các tác giả ngoài tỉnh. Thực ra, dùng bài của cộng tác viên ngoài tỉnh, sự vọng ngoại (có chừng mực) không hề sai, mà ngược lại cũng có những mặt tốt. Các cây bút trong tỉnh cũng rất cần sự học hỏi bốn phương, giao lưu để hiểu biết thêm bạn viết ngoài tỉnh. Nhưng một điều chắc chắn là phải luôn thận trọng và có sự chọn lọc. Cái gì mà thái quá cũng dễ gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Mặt khác, cũng đừng đổ lỗi cho người viết Thái Nguyên yếu kém. Tôi biết rất rõ, từ xưa đến nay, Thái Nguyên luôn có một đội ngũ sáng tác khá mạnh. Những năm gần đây các cây bút văn xuôi đã đoạt khá nhiều giải thưởng từ địa phương đến trung ương. Có một việc mà tôi nghĩ là hết sức quan trọng nên muốn đề xuất trong bài viết này. Đó việc Báo (hoặc Ban Chấp hành Hội) nên thành lập một Hội đồng biên tập để giúp Báo hoạt động tốt hơn. Với sự hiểu biết cá nhân, tôi xin phân tích thêm về Hội đồng biên tập. Trước hết, đây không phải là một hội đồng hưởng lương, không phải là một ban biên tập thứ 2, nó không hề can thiệp vào công việc thường nhật của Ban biên tập. Chỉ khi có những vấn đề nổi cộm (về chuyên môn và tư tưởng chính trị) thì Báo mới cần có ý kiến của hội đồng này. Tôi đã từng trao đổi và được biết, với trách nhiệm hội viên, với tình yêu văn chương, yêu Hội, yêu Báo, sẽ không ít hội viên công tâm, đủ tầm hiểu biết chuyên môn và chính trị, sẵn sàng tham gia một cách vô tư, không cầu lợi, nếu hội đồng được thành lập. Cũng cần nói cho rõ thêm, các hội viên và cộng tác viên vẫn luôn tin tưởng ở đội ngũ biên tập viên của Báo. Nhưng có Hội đồng biên tập thì với “con mắt xanh” của tập thể (một tập thể có trình độ chuyên môn và chính trị cao) chắc chắn sẽ giúp cho Báo hoạt động hiệu quả hơn. Từng đã có không ít các tờ báo thành lập kiểu hội đồng này. Như vậy, không chỉ hội viên, cộng tác viên có lợi mà chính các biên tập viên cùng lãnh đạo Báo cũng sẽ thoải mái hơn. Nhất là sẽ tránh được những phản ứng không đáng có. Khi viết về vấn đề này, có một điều làm tôi băn khoăn, đó là chuyện có thể bị hiểu nhầm là tôi kiến nghị vấn đề này vì mục đích tôi muốn tham gia Hội đồng biên tập nên đã cố đề xuất. Nhân đây, tôi cũng muốn bày tỏ ngay rằng, năm nay tôi đã bước sang tuổi 73, cái tuổi đã “được tha” mọi công việc xã hội. Quỹ thời gian của tôi còn rất ngắn. Là một nhà văn, tôi muốn dồn những sức lực cuối cùng để may ra viết thêm vài cuốn sách mà mình mong muốn. Vì vậy, nếu như Ban biên tập có thành lập, mà có ai đó đề cử thì tôi cũng chỉ có thể cảm ơn và từ chối. Xin thành tâm bày tỏ đôi lời như vậy để sòng phẳng mọi vấn đề. Cũng xin được nói thêm, tôi nhớ rất rõ, trong ý kiến kết luận ở một cuộc họp giải quyết kiến nghị của một số hội viên, đồng chí Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã có đề nghị Hội và Báo VNTN cần xúc tiến việc thành lập một Hội đồng dạng như một hội đồng biên tập. Nhưng cho tới nay chúng ta vẫn chưa làm được việc này. Tất nhiên đây là một việc lớn, không do một ý thức chủ quan của bất cứ cá nhân nào có quyền quyết định. Nhưng tôi nghĩ đây là một việc có lợi chung, không có một lí do nào mà không thực hiện. Vì vậy, nhân đây, tôi đề nghị Ban Chấp hành Hội có một cuộc họp trao đổi kỹ về công việc quan trọng này. Thời gian qua, báo VNTN và một số (không ít) hội viên có hiện tượng cơm chưa lành canh chưa ngọt. Nhưng tôi nghĩ, sự trục trặc ấy không thuộc về bản chất. Nếu thực sự cầu thị, bỏ qua những gì về cá nhân, cảm thông lẫn nhau, bước qua sự cố chấp thì ắt con đường thênh thang phía trước sẽ mở. Dân gian có câu bao nhiêu chỗ lệch cũng kê cho bằng. Đó là điều mà tôi - một thành viên từ buổi còn là Ban Vận động thành lập Hội vẻn vẹn có ba cán bộ (đến nay hai người đã mất) cùng bao gian khổ khó khăn, cùng bao người đã làm nên một Hội lớn mạnh như ngày hôm nay, muốn tâm sự cùng các bạn văn chương, nghệ thuật. Có gì làm phiền lòng, mong được sự lượng thứ.

Nhà văn Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại hội có nhiều đổi mới

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Những dấu ấn nhiệm kỳ

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi đưa văn chương của tôi đi xa hơn

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi chắp cánh khát vọng sáng tạo

Các kỳ Đại hội 4 năm trước