Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:56 (GMT +7)

Báo chí văn nghệ toàn quốc: Còn đó niềm vui và nỗi day dứt

VNTN - Theo Đề án “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo đã và đang thu hút sự quan tâm của cả giới báo chí, thì về cơ bản hệ thống báo chí văn nghệ vẫn giữ nguyên như hiện nay.


Đó là thông tin chính thức của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lí luận phê bình văn học và nghệ thuật Trung ương chủ trì, diễn ra tại thành phố Vũng Tàu vào sáng 22/7 vừa qua, với sự tham gia của hơn 70 cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với văn học nghệ thuật nước nhà nói chung, báo chí văn nghệ nói riêng.

Ghi nhận những đóng góp của hệ thống báo chí văn nghệ cả nước thời gian qua, Báo cáo tại Hội nghị khẳng định: Với trên 80 cơ quan báo chí (thuộc các Hội chuyên ngành trung ương, các Hội VHNT địa phương và một số bộ, ban, ngành), chiếm 1/10 các cơ quan báo chí cả nước, báo chí văn nghệ đã thực hiện nghiêm túc tôn chỉ mục đích; bám hiện thực cuộc sống, nhịp thở của văn chương, khơi gợi và đặt ra nhiều vấn đề lớn và mới mẻ đối với sự phát triển của nền văn học nghệ thuật; góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ chủ quyền đất nước; tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, trái với đường lối của Đảng. Với ưu thế và trách nhiệm, báo chí văn nghệ đã góp phần giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, nâng cao trình độ thẩm mỹ và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Ngoài ra, đây cũng chính là nơi phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn nghệ, nhất là tài năng trẻ.

“Ấm lòng” vì được khen, vì sự quan tâm rất đáng kể của Đảng và Nhà nước đối với báo chí văn nghệ nói riêng và đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, những người trong cuộc lại cảm thấy “chạnh lòng” trước thực tế hoạt động của mình. Công bằng mà nói, số lượng tác phẩm thực sự thành công về giá trị hiện thực, nghệ thuật, gây được sự chú ý của công chúng chưa nhiều. Nhiều tờ báo vẫn thụ động chờ bài của cộng tác viên gửi đến chứ chưa chủ động đặt hàng, tập hợp bản thảo có chất lượng. Mặc dù đã cố gắng đổi mới, nhưng còn chậm, chưa bắt kịp xu thế, chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, chẳng hạn như việc thiết lập các trang thông tin điện tử trên mạng internet vẫn còn là một chuyện xa vời. Vẫn có tạp chí văn nghệ thuộc khu vực Đông Nam bộ đăng tải tin bài không phù hợp tôn chỉ mục đích… Điều đáng nói nữa là, hầu hết các cơ quan báo chí văn nghệ đều được bao cấp, không phải đau đầu giải bài toán tự nuôi nhau, nhưng ảnh hưởng của báo chí văn nghệ ở địa phương còn ít nhiều hạn chế, nhìn từ số lượng bản in. Số báo, tạp chí phát hành khoảng trên, dưới 5.000 bản chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại hầu hết các báo, tạp chí chỉ dao động từ 500 đến 2000 bản/kỳ, phát hành chủ yếu ở các đô thị, hoặc trao đổi giữa các Hội.

Bên lề hội nghị, các nhà báo bảo nhau: thực ra thì có tạp chí chỉ in… 200 bản thôi. Thậm chí một nhà phê bình văn học nổi tiếng nói về một tờ văn nghệ địa phương được tiếng là đi đầu trong việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, rằng: “Tờ ấy bây giờ mỗi số chỉ phát hành một xe máy”, (tức là, mỗi số chỉ có 500 bản, chất lên một xe máy chở đi là xong). Nghe mà không khỏi xót xa, bởi điều đó đặt ra câu hỏi về sức sống, tầm ảnh hưởng của báo chí văn nghệ địa phương đối với công chúng.

Mặc dù nguyên nhân khách quan cũng đã được chỉ ra, là do tình hình suy thoái kinh tế có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động báo chí và sự bùng nổ thông tin điện tử cũng gây trở ngại lớn cho báo in; rằng do báo chí văn nghệ ít giật gân câu khách, nên không thu hút được sự hiếu kì của độc giả… Nhưng có lẽ, cũng nên nghĩ thêm rằng: tại sao độc giả không chọn chúng ta? Phải chăng chúng ta vẫn quen đi trên một lối mòn gây nhàm chán cho độc giả? Và làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa độc giả với báo chí văn nghệ?

Bên cạnh một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí văn nghệ đã được đề cập đến tại hội nghị như đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, đề cao sáng tạo, đầu tư trang thiết bị kĩ thuật và vật chất…, có lẽ sự bứt phá ra sao để tạo dấu ấn trong công chúng của mỗi cơ quan báo chí vẫn là điều cần quan tâm nhất, là câu hỏi vẫn luôn day dứt trong những người làm báo văn học nghệ thuật.

Thu Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy