Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
04:02 (GMT +7)

Bản Tèn, một lần trở lại

Mọi việc trên đời hình như đều có sắp đặt. Hò hẹn nhau mãi về một chuyến đi, một lần gặp mặt nhưng lại cứ lần lữa rồi để mặc thời gian nhong nhong rong ruổi, lúc giật mình nghĩ lại thì có khi đã trôi qua đến hàng chục năm. Lời hứa của tôi với cậu học trò người Mông Lí Văn Mùng, khi chia tay với bản “thầy sẽ quay lại sớm thôi”, mà tới giờ, cũng ngót nghét ba mươi năm rồi.

Từ khi có con đường Thái Nguyên - Chợ Mới rộng rãi, thông thoáng và đẹp như tranh, có lẽ chẳng mấy ai lên bản Tèn bằng mạn Minh Lập, Hích, qua Vân Lăng nữa. Con đường mà hơn ba mươi năm trước chúng tôi vẫn thường đi. Hành trình thường là: gửi xe đạp từ chợ Hích, đi bộ khoảng 6km là vào đến UBND xã Vân Lăng, dĩ nhiên là phải lần qua hai cái khe và một lần vượt sông ở bến Vịt. “Sang sông nắng nhuốm bờ Khe Vịt/ Núi vẽ lên trời những nét xanh/ Bản Tèn còn ở phương nào nhỉ/ Đã khói cơm chiều trên mái tranh”. Những câu thơ tôi viết từ năm 1990.

Từ Khe Vịt nhìn hút hết tầm mắt thì sẽ thấy đỉnh núi Tèn lấp ló trong mây, tùy hôm trời quang trời đục, giống như bọn trẻ con chơi đi nú đi tìm. Còn muốn nhìn rõ hơn thì phải lên tới tận chân đèo Bụt, bên phải là dòng sông Cầu trôi như mơ ngủ, bên trái là ngọn núi “bố chồng nàng dâu” một huyền tích minh chứng cho cái sự cô đơn xa vắng heo hút nơi thâm sơn cùng cốc này. “Bản Tèn mảnh đất xa xôi/ Đèo cao dốc dựng ngang trời Vân Lăng”, bên tai tôi đột nhiên văng vẳng câu thơ của thầy Trần Đăng Phụ khi ấy là Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện, một trong những người trong đoàn đưa tôi lên với Bản Tèn, lẫn trong tiếng gió ầm ào và theo nhịp nhún nhảy của chiếc xe mỗi khi lượn qua một góc cua hẹp.

Cũng phải nói thêm, sở dĩ ngày ấy phải “cờ dong trống mở” đưa chân một thầy giáo dạy “ánh sáng văn hóa” là do trước đó, đã đôi lần huyện bố trí giáo viên lên dạy, nhưng đều chưa qua đủ “ba bảy hai mốt ngày” thì đã lặn không sủi tăm. Không ai dám lên và trụ lại ở một nơi mà chót vót đến đỉnh trời, lại chẳng có ma nào biết nói tiếng Kinh, toàn những người Mông đầy bí hiểm. Vậy mà tôi đi, xung phong đi. Lá đơn tình nguyện viết, nộp buổi sáng hôm trước thì hôm sau phòng Giáo dục đã nhắn cho tôi, thông báo Huyện đã ra quyết định chấp thuận và phân công tôi lên công tác tại bản Tèn, thời hạn ít nhất ba năm, cho tới khi phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được cho toàn bản thì sẽ trở về nhận công tác “theo nguyện vọng”. Đây ít nhiều cũng là một sự kiện “chấn động”, bởi lẽ, để dạy xóa mù chữ, chỉ cần một giáo viên tốt nghiệp trung học sư phạm hay 10 + 3 là đủ, huống hồ lại là tôi, dẫu gì cũng đã từng là một học sinh giỏi quốc gia, vào thẳng đại học, giờ ra trường lại đi dạy “xóa mù” trong khi những người khác, họ tìm cách ở lại trường hoặc dạy các trường cao đẳng, chí ít cũng là một trường cấp ba nào đó. Với tôi thì không vấn đề, mỗi người có một lựa chọn, một hướng đi. Cũng có lẽ do đọc những tiểu thuyết của Ma Văn Kháng viết về miền núi, tôi cũng háo hức muốn được một lần tắm mình trong cái không gian dân tộc miền núi ma mị ấy, như một trải nghiệm trong đời…

Còn đang lơ mơ với những hoài niệm chập chờn từ thuở tráng niên xa lắc, xe chúng tôi đã dừng lại trước cổng trường học bản Tèn, cũng là bình địa duy nhất, đẹp nhất của bản. Đây là chỗ ngày xưa, tôi và Hóa (anh bạn người “thổ dân” Vân Lăng, tốt nghiệp sư phạm 10 + 3) lựa chọn để dựng lớp học đầu tiên ở bản này. Trường bây giờ khác thật, khang trang hơn nhiều, hiện đại hơn nhiều. Dãy lớp học xây hình chữ U hướng ra phía cổng có bảng hiệu “Phân trường Bản Tèn” ngự uy nghi, chắc chắn trên hai trụ cổng xây, sơn ve cẩn thận. Tranh thủ nghỉ chân, uống nước trong chiếc quán được đua ra từ mái hiên của căn nhà xây cấp bốn kế bên khuôn viên, ngay cạnh cổng trường. Hóa ra chủ quán lại là cậu học trò cũ, Vương Văn Dí, con anh Vương Văn Minh, trưởng bản ngày xưa.

“Thầy là thầy Thọ?”. Dí nhìn tôi, dường như kiểm tra trí nhớ một chút trước khi buông câu nửa như hỏi, nửa như khẳng định. Lạ là câu nói ấy không đượm chút bất ngờ nào, giống như tôi đã hiện hữu ở đây, từ lâu rồi vậy. “Đúng rồi em. Vẫn nhận ra thầy à!”, tôi nhìn Dí, ngờ ngợ. “Em là Dí, Vương Văn Dí”. Phải rồi, Vương Văn Dí con bác Minh, trưởng bản ngày xưa. Không cởi mở, vồn vã, khéo léo kiểu miền xuôi. Dí lẳng lặng đưa chúng tôi vào nhà, pha nước mời khách. Xen giữa những ồn ào của vài ba đứa trẻ, giữa sự xăng xái của mấy ông khách hiếu động, là câu chuyện giữa thầy trò cũ, chốc chốc lại phải ngưng lại nửa chừng vì trẻ con đùa nghịch, vì có khách tới mua hàng.

“Em được mấy cháu rồi?”. “Dạ bốn, thầy ạ. Con trai em vừa học xong đại học năm kia. Con gái lớn giờ cũng có hai con rồi thầy ạ”. “Vào chào thầy đi, thầy giáo của ông đấy” - Dí vừa xoa đầu một thằng bé lũn cũn chừng ba bốn tuổi đang nhào vào bá cổ ông, vừa nói, nửa như giới thiệu. “Phải gọi là ông giáo”. Tôi bật cười: “Ái dà! Phải gọi là cụ, cụ giáo mới phải. Tôi dạy cả ông nội cháu mà!...”.

Vừa nhấp vội chén nước chè, tôi vừa dõi mắt trông sang phía bên kia đường. Chao! Ngập những hoa là hoa, cả một dải hoa tam giác mạch chạy tít tắp từ vệ đường lên lưng chừng núi. Một vạt núi với những ô rộng hẹp to nhỏ ngắn dài, bắc thang chất chồng lên tới ngang tầm mắt người nhìn. Ruộng bậc thang. Đúng rồi. Người đầu tiên với nhát cuốc đầu tiên làm ra ruộng bậc thang ở đất này là anh Lý Văn Sĩ. Tôi còn nhớ mùa thu hoạch lúa đầu tiên từ cái mảnh ruộng toen hoẻn sát bờ con suối này. Những bông lúa vàng óng được anh cẩn thận rút từng bông như hồi bé bọn tôi thường rút lúa nếp về giã cốm. Từng lượm lúa trĩu hạt nẩy căng ấy được cho vào cối, giã tay, sàng sảy mà thành ra gạo. Phải được một lần ăn bát cơm từ những hạt gạo ấy, vào những khung cảnh ấy, mới thấy nó thơm ngon và thấm thía đến nhường nào…

Dân bản Tèn là dân di cư Cao Bằng về từ dạo bảy chín. Cả thảy chừng tám mươi hộ với gần ba trăm nhân khẩu. Họ định cư chót vót trên đỉnh núi Tèn. Ngọn núi có độ cao 759 mét ngự giữa ngã ba, giáp ranh của 3 huyện là Đồng Hỷ, Võ Nhai và Chợ Mới. Từ năm 1986 sau khi điều chỉnh địa giới các huyện, bản Tèn mới chính thức thuộc về xã Vân Lăng, Đồng Hỷ, chứ trước đó lại thuộc Võ Nhai…

Chỗ bãi bằng trường học bây giờ vốn là bãi rửa quặng của Pháp, cạnh con suối nhỏ nhưng nước rất trong chảy ra từ khe núi, là nhà ở cho giáo viên. Lúc đó, chỉ là một gian nhỏ nằm chênh vênh giữa sườn núi, cách lối đi vài chục mét. Nhà lợp cọ, vách tooc - xi, một cái chái chừng hai mét, đua ra để làm bếp. Trong nhà chỉ duy nhất một cái phản ghép bằng hai tấm ván xẻ, kê trên mấy cái chân cột chôn luôn xuống nền nhà. Mùa đông, sương mù giăng tối tăm mặt mũi, đứng cách nhau hơn mét là đã không nhìn thấy gì, chỉ một màu trắng đục, đặc quánh. Xung quanh chỗ nằm ẩm thấp, mốc meo, giống như người ta búng mực lên riềm các bức tranh cắt trên giấy trắng, dùng để trang trí trong các đám cưới hồi bấy giờ. Mãi sau này, có đến hơn hai năm, cả bản chặt cây xẻ gỗ, mất gần cả mùa hè mới dựng được căn nhà nho nhỏ cho giáo viên. Một căn nhà hai phòng bưng gỗ sao, cột kèo vuông vắn, cũng là căn nhà gỗ xẻ đầu tiên ở bản Tèn. Nhà của dân bản thường là ken bằng nứa ngộ, cột tròn, buộc bằng dây rừng. Sau này quãng những năm 1994, khi tôi đã về Thái Nguyên dạy học, nghe kể Ủy ban huyện đã “ngói hóa” cho lớp học và căn nhà giáo viên ấy. Công phu ghê gớm. Thuyền chở ngói từ Thái Nguyên ngược sông Cầu, đến chân núi Tèn, quãng Khe Hai. Từ đó, ngói được cõng lên bản bằng ngựa, ít thôi, còn lại là bằng sức người. Cả bản già trẻ lớn bé, người ít người nhiều đều đi cõng ngói, vài tuần ròng rã mới đưa được số ngói ấy lên. Ngói lợp bằng mồ hôi, công sức của toàn dân bản Tèn.

Đang dở chừng được dăm ba câu chuyện thì có khách tới mua hàng, một người phụ nữ Mông chừng ngoài ba mươi tuổi. Chiếc váy màu xanh nõn chuối điểm những hoa văn đặc trưng của người Mông, nhưng không sặc sỡ như những váy áo truyền thống. Dí xin phép tôi ra bán hàng. Tôi cũng đứng dậy, lững thững bước qua khuôn viên trường học. Hôm nay Chủ nhật, học sinh nghỉ nhưng sân trường vẫn còn dăm ba đứa trẻ tụ tập, chơi trò chơi gì đó, chỉ thấy thi thoảng lại có tiếng cười khanh khách, giòn tan, nghe hồn nhiên và đáng yêu vô cùng. Sân trường ngày xưa chỉ là khu đất trống, vương vất những mẩu đá quặng, rắn và sắc. Tôi và Hóa đã cùng bà con trong bản, lao động mấy ngày liền, làm nơi vui chơi cho bọn trẻ. Suốt gần bốn tháng trời ăn ở, làm lụng cùng bà con và vận động học sinh đến lớp, chúng tôi mới mở được lớp học đầu tiên. Mười sáu đứa, chủ yếu là con những gia đình ở gần trường. Người Mông thường ở thành những khóm lẻ, dăm ba nhà, chứ ít khi ở tập trung như các bản của người Tày, Nùng. Nhà anh Dì ở gần nhất cũng cách trường tới dăm bảy trăm mét. Những đêm mùa đông, chỉ thấy le lói chút ánh lửa bập bùng.

Chúng tôi dạy học cho cả bản, buổi sáng cho trẻ con, buổi chiều cho người già, buổi tối cho thanh niên. Có người vừa đi học vừa mang theo súng săn và cái đèn pin trên trán, tranh thủ học xong là đi săn đêm. Có hai thầy, chúng tôi tự phân công nhau. Tôi phụ trách dạy học, Hóa tranh thủ nhờ bà con lao động, kiến thiết trường sở. Gọi là “kiến thiết” cho oai chứ thực chất là dựng một cái nhà nhỏ lợp gianh, một gian buồng làm phòng ngủ và làm việc của giáo viên, một gian liền kề làm lớp học, một cái bếp riêng để đun nấu. Tôi làm luôn giáo viên dạy tất cả các môn, từ dạy chơi âm, chơi u, chơi cướp cờ cho bọn trẻ đến chơi kéo co, cầu lông, bóng đá cho thanh niên. Ai đã xem những trận bóng đá buổi tối, dưới những ánh đèn pin nhoang nhoáng mới thấy cảm giác hưng phấn và thú vị đến thế nào. Mỗi cầu thủ một chiếc đèn pin trên trán, lăn xả vào nhau tranh bóng quyết liệt, thi thoảng bóng bay ra bờ suối, bọn trẻ đứng xem lại nhao nhao: “Bóng đi uống nước!”...

Thấy tôi lững thững sải bước trước hiên, một cô giáo nhanh nhảu mời vào nhà. Các cô đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Phòng ở của giáo viên khá là đầy đủ tiện nghi. Dãy nhà xây cấp bốn cao ráo, sạch sẽ. Có tiếng ti vi ở phòng bên cạnh. Tiếng một cô giáo đang nói chuyện điện thoại, hình như là điện về với gia đình. Bữa trước trò chuyện cùng cô giáo Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Lăng, tôi cũng được biết hiện phân trường bản Tèn có 10 thầy cô giáo đang cắm bản, 4 thầy và 6 cô. Cô giáo mời tôi vào nhà, đang pha nước mời khách có cái tên thật đẹp: Dương Thị Thúy Hằng, sinh năm 1994, tốt nghiệp đại học sư phạm khoa Giáo dục Tiểu học. Hằng là giáo viên trẻ nhất ở phân trường này.

“Bản mình bây giờ có bao nhiêu lớp, hả em?”, tôi hỏi Hằng sau khi đã giới thiệu xã giao. “Có 6 lớp, 130 học sinh anh ạ”, Hằng trả lời ngay, một cách chắc chắn. Ý đồ còn biết tôi muốn hỏi nữa, Hằng tiếp tục: “Có lớp 1 đến lớp 5 ạ, lớp 6 thì phải xuống học nội trú ở dưới xã cơ”, “Thế học xa thế, liệu có học sinh nào theo được không?”, “Nhiều chứ ạ. Bản Tèn còn có cả mấy em đã tốt nghiệp cả đại học cơ ạ. Còn cấp hai, cấp ba thì nhiều”...

Có vẻ cô giáo còn bận bịu cho bữa tối, tôi xin phép rời đi. Bọn trẻ ngoài sân trường đã về từ lúc nào, vệt nắng cuối cùng của ngày cũng đã lan xa mãi tận cuối bìa rừng, chỉ thấy còn ánh lên một màu vàng nhạt, trễ nải. Chỗ chếnh mé núi bên phải kia, xưa là nhà anh Dì, phó bản. “Bác Dì đi rồi ạ”, “Đi đâu?”, “Hình như vào Nam, ở Đắc Nông Đắc Lắc gì đó”. Lúc nãy Dí đã nói với tôi như vậy. Giờ anh Dì ở đâu? Những đứa con của anh ấy, tôi dạy tất cả. Buổi sáng là cái Đơ, cái Xì, cái Lầu, chiều là cái Sia, thằng Páo, tối là vợ chồng anh. À, mà cả thằng Sự, thằng Lý tôi dạy mẫu giáo cho nữa. Giờ thì thằng Lý ở đâu? Cái Sia nữa, cô bé có khuôn mặt đẹp và đôi mắt buồn thăm thẳm. Sia lúc đó khoảng mười lăm tuổi, xinh cỡ nhất nhì bản này. Sia ít nói, chỉ có cái nhìn luôn tạo cho người khác cảm giác chơi vơi, hụt hẫng đến lạ. Có điều thật không hiểu, “sia” có nghĩa là tiếng khóc, sao lại đặt cho cô bé này cái tên đó nhỉ. Lúc đó, tôi đang là chàng trai hai mươi ba tuổi. Đã có lúc nghĩ thầm, nếu mình là người Mông. Nếu là người Mông, tôi có thể háo hức và hồn nhiên mà bắt lấy trái mò-pa khi bọn trẻ chơi đùa văng qua văng lại ngày nào. Trái pao ấy, chỉ có người Mông mới được bắt, vì đó là trái hẹn lời yêu. Tôi là thầy giáo người Kinh, là sự ngưỡng vọng của cả bản này. Chính anh Dì, một lần uống rượu, có cả anh Minh trưởng bản, đã thủng thẳng đề nghị “hay là thầy ở lại bản này đi. Thầy ưng đứa gái nào, bản mình sẽ cưới cho thầy đứa đó. Thầy chỉ việc dạy học, cả bản sẽ nuôi thầy”. Tôi chỉ cười “em phải về thôi”…

Ảnh. Đồng Khắc Thọ

Mặt trời đã xuống núi từ lúc nào. Từ dãy nhà tập thể giáo viên, điện bật sáng. Đúng rồi, bản bây giờ đã khác, đã có điện, có trường, có cả dãy nhà tập thể cho giáo viên. Nghe đâu huyện đầu tư cho dân bản, khuyến khích và hỗ trợ cho họ trồng hoa tam giác mạch để thu hút khách du lịch. Cuộc sống đã khá hơn. Thời gian nghiệt ngã và phũ phàng. Thời gian cũng nhân hậu và bao dung. “Thầy và bác tối nay ở lại đây uống rượu”, giọng Dí nhỏ nhẹ, “Em sẽ gọi cả Vương Văn Páo, Lý Văn Mùng nữa ạ. Rồi mai em đưa thầy vào bản, người già vẫn nhắc thầy đấy ạ”. Dí nói, vẫn cái giọng đều đều, rủ rỉ như đang tâm sự. “Bản mình giờ khác lắm, thầy ạ. Có điện nên cuộc sống đỡ hơn. Nhiều nhà có con đi học nội trú trường phổ thông dưới Thái Nguyên thầy ạ, mai thầy vào, khắc biết”. “Thôi, thầy phải về, hẹn em khi khác, thầy sẽ trở lại”, tôi nói mới Dí rồi hấp tấp đứng dậy, vừa như muốn chạy trốn khỏi những kỷ niệm của quá khứ lại vừa như xấu hổ với sự trở lại muộn màng của mình. Thầy sẽ thăm lại các em, một ngày gần đây thôi. Chắc chắn.

“Mình sẽ trở lại”, tôi chợt nhận ra điều đó như một định mệnh. Tôi biết rõ, mình còn nhiều duyên nợ với đất này.

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 10 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước