Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
06:24 (GMT +7)

Bà Vệ và câu chuyện còn sót lại ở Mỹ Trạng

Ông Nguyễn Văn Tuấn, con trai cả chăm sóc mẹ Tạ Thị Vệ

Lần này tôi trở về, bà Vệ đã yếu lắm. Người con trai cả của bà - ông Nguyễn Văn Tuấn đã đón bà xuống nhà ở xóm dưới để tiện chăm sóc, và nếu bà có về với tiên tổ thì khâu hậu sự cũng thuận.

Bà tên đầy đủ là Tạ Thị Vệ, sinh năm 1924, năm nay đã 99, cầm bằng 100 tuổi còn gì! Hơn năm chục năm qua, tôi đã nhiều lần nghe chuyện về bà, về xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) có nhiều kỳ tích anh hùng. Đôi lần thăm và nghe bà nói chuyện, rời rạc thôi nhưng mạch lạc, rõ ràng. Bà là nhân chứng và luôn là người trong cuộc cuối cùng… Nghĩ vậy nên tôi thấy mình phải viết, viết từ những mảnh ghép đã có trong trí nhớ và tôi cũng coi đó là một câu chuyện còn sót lại ở nơi này.

Bà Tạ Thị Vệ sinh ra tại làng Mỹ Trạng heo hút, tựa lưng vào đại ngàn Tam Đảo. Lúc ấy, cả xã Mỹ Yên bây giờ chỉ có 2 làng là Mỹ Trạng và Yên Rã. Xóm thì nhiều, nào: Chòi, Kỳ Linh, Cao Chùa, Đồng Cháy, Đầm Pháng, Đồng Phiêng, La Hồng, La Giai, La Yến, Làng Lớn, La Hang, Bắc Hà… Nhà bà Vệ ở xóm Chòi. Có lần tôi nghe thầy giáo già Hà Minh kể: Xóm Chòi có từ mấy trăm năm rồi vì trên đó có chòi canh để nghĩa quân Lưu Nhân Chú theo dõi tập trận bên núi Quần Ngựa. Những năm 1918 - 1919, sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do cụ Đội Cấn và cụ Lương Ngọc Quyến khởi xướng dưới ngọn cờ Nam binh phục quốc nổ ra đêm 30, rạng sáng ngày 31/8/1917 thất bại, mấy xóm: Chòi, Cao Chùa lưng núi Tam Đảo thỉnh thoảng lại đón, nuôi các nghĩa sĩ, tàn quân tụt từ trên núi xuống tá túc, trốn giặc hoặc nghĩa sĩ chặn đánh giặc Pháp ở Đèo Nứa, Hoàng Đàm dưới Phổ Yên rồi về đây củng cố lực lượng. Rồi tuổi thơ bà cũng được nghe kể về trận chiến lẫm liệt cuối cùng trên Núi Pháo hùng vĩ dưới mạn Hà Thượng, Cù Vân của đại đô đốc Trịnh Văn Cấn với quân Pháp ngày 11/1/1918 cũng như việc tuẫn tiết của con người yêu nước và quả cảm này đã gieo vào lòng dân Đại Từ ý chí đấu tranh cho độc lập dân tộc hết sức mãnh liệt…

Dãy Tam Đảo điệp trùng trải dài cả trăm cây số, sườn Tây là Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, còn sườn Đông là Thái Nguyên mà chủ yếu các xã thuộc huyện Đại Từ. Đỉnh cao nhất của dãy Tam Đảo là ngọn Chúc Cái 1.592 mét thuộc xã Mỹ Yên, chính nơi xóm Chòi, Cao Chùa… dựa lưng. Được uống dòng nước tinh khiết của đại ngàn, tắm trong khe suối mát lạnh nên con gái nơi đây xinh xắn, khỏe mạnh. Bà Vệ nằm trong số đó. Tháng 3 năm 1945, thiếu nữ 21 tuổi Tạ Thị Vệ theo Cứu Quốc quân Phạm Hồng Thái từ dưới Quân Chu lên, tràn xuống phá kho thóc của Nhật ở làng Tràng Dương dưới Vạn Thọ chia cho người nghèo. Bà hăng hái tham gia các hoạt động của chính quyền xã vừa được thành lập sau Tổng khởi nghĩa. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, quê bà là vùng an toàn, là con đường hành lang lên chiến khu Việt Bắc, công việc cũng nhiều… Ngày 27/7/1947, ngoài xóm Bàn Cờ xã Hùng Sơn có cuộc mít tinh công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước lấy một ngày trong năm để tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái với thương binh, liệt sĩ. Bà là hội viên Phụ nữ Cứu quốc cũng được ra dự. Có lần bà kể: Mít tinh lúc 3 giờ chiều, ngay dưới gốc mấy cây đa, đông bộ đội và nhân dân dự lắm. Ông Lê Thành Ân thay mặt trung ương lên đọc thư cụ Hồ, bà nhớ trong thư có đoạn: “…Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để gìn giữ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào; đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Anh em đã hoàn thành nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả. Song, đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng…”.

Một góc Xóm Chòi. Ảnh: Âu Ninh

Một trong những việc làm đầu tiên hưởng ứng Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 là việc thành lập An dưỡng đường (ADĐ) số 1 tại xóm Đồng Âm xã Lục Ba và bà Nguyễn Thị Đích (bà Bá Huy) là người giúp đỡ cho ADĐ nhiều tài sản. Hàng trăm thương binh đã điều dưỡng tại đây. Ngay sau đó, ADĐ số 2 được thành lập tại làng của bà Tạ Thị Vệ. Bà cùng cán bộ xã vận động gia đình cụ Đặng Văn Ẩm hiến trâu bò, nhà cửa, ruộng vườn cho ADĐ số 2 và đã giúp được rất nhiều thương, bệnh binh…

Từ đốm lửa đầu tiên được nhóm lên là hai cơ sở ADĐ này, nhiều phong trào hiếu nghĩa đã lan rộng ra cả nước, trong đó phải kể đến phong trào “Tấm áo mùa đông chiến sĩ; Phụ nữ nhận chăm sóc và lấy thương binh”… Những năm đầu kháng chiến, Mỹ Trạng, Yên Rã đón khá đông các cơ quan về đóng quân. Xóm bà Vệ là nơi ở của Quân y xá Trần Quốc Tuấn (Quân y viện 354 hiện nay). Thương binh nặng, nhẹ từ các chiến trường được đưa về đây chữa trị. Nhiều đồng chí khỏe lại trở về đơn vị chiến đấu. Không ít đồng chí sau khi phục hồi sức khỏe tại các ADĐ cũng cần thiết lập cuộc sống. Đại Từ phát động phụ nữ nhận thương binh về chăm sóc và lấy làm chồng. Bà Vệ là một trong số hàng trăm chị em vừa sáng lập, vừa thực hiện phong trào hết sức tình người và nhân văn này…

Hội VHNT tỉnh tổ chức chuyến về nguồn thăm lại Xóm Chòi, ngày 11/5/2022. Ảnh: Đào Tuấn

Năm 1965, khi tôi cùng gia đình chuyển lên đây sinh sống, còn được nghe kể và được gặp gỡ nhiều gia đình thương binh như thế. Chuyện rằng, một ngày đẹp trời, những thôn nữ đôi mươi của nhiều xã tề tựu nơi ADĐ, sau khi nghe tâm sự, quán triệt của cán bộ phụ vận, được mời đến nơi ở của anh em thương binh khi họ đắp chăn nằm thành dãy, chỉ hở đôi mắt. Nam nữ, nhìn nhau qua cặp mắt, cửa sổ của tâm hồn. Việc chọn thương binh nào là do chị em quyết định... Bà Vệ xóm Chòi “bốc thăm” nhận chăm sóc và kết duyên với ông Nguyễn Văn Thái, thương binh hạng 2, quê Tiên Du, Bắc Ninh. Bà Gác, thôn nữ xóm Đồng Phiêng thì “chấm” anh Nguyễn Văn Đại người Ninh Bình, chỉ còn một tay trái… Sau đó họ đưa nhau về nhà, cảm động vô cùng… Bà Vệ và ông Thái sinh hạ được 5 người con khỏe mạnh là các anh Tuấn, Dũng, Bằng, Ninh và cô út Nguyễn Thị Thơ.

Năm 1948, cơ quan Hội văn nghệ Cứu quốc, Tạp chí Văn nghệ Cứu quốc, Nhà xuất bản Văn nghệ, Trường Văn nghệ Nhân dân… do ông Tố Hữu chọn địa điểm về đóng quân ngay khu rừng sát nhà bà Vệ. Thế là ông bà được chia sẻ, giúp đỡ các nhà văn nghệ sĩ. Lúc còn khỏe, bà nhớ hết từng người ở đó hoặc hay qua lại, từ ông Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Nam Cao… và chứng kiến những cuộc tranh luận sôi nổi về đối tượng phục vụ của văn nghệ… Bà cùng lớp cán bộ thời ấy tuy chỉ quẩn quanh một góc rừng mà được thấy, được chứng kiến rất nhiều những việc to tát, kể cả việc hy sinh của Bí thư Hội Phụ nữ Cứu quốc Hoàng Ngân và cái chết của nhà văn Ngô Tất Tố… Rồi kháng chiến thành công, để khỏi mang tiếng “Sáng đèn quên mất mảnh trăng giữa rừng”, theo chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu, năm 1959, các cơ quan từng ở đã trở về đặt bia để ghi dấu nơi hoạt động trong kháng chiến ngay trong vườn nhà bà Vệ. Đến năm 2014, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lại về dựng nhà bia, đặt lư hương để hương khói ngày lễ tết, di tích cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Thế là suốt hơn 60 năm qua, dù không được giao nhiệm vụ, không có chế độ phụ cấp, thù lao, bà Tạ Thị Vệ và gia đình vẫn hằng ngày dọn dẹp, đều đặn tuần rằm, mùng một hương khói …

Bà Tạ Thị Vệ được kết nạp Đảng năm 1953, năm nay cũng đã 69 tuổi Đảng. Bà đảm đương nhiều công việc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của xã. Đến những năm 1960, bà giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã… rồi nghỉ hưu, ngày ngày ruộng vườn cùng con cháu và không quên “nhiệm vụ” chăm chút di tích “mái nhà” Văn nghệ kháng chiến ngày xưa.

Còn một chuyện nữa, nhạc sĩ Đặng An Nguyên - Trưởng Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam, tác giả của bài hát “Chiều quê hương” được nhiều người biết đến, chính là viết về mảnh đất Mỹ Trạng – Mỹ Yên này. Đặng An Nguyên là con trai cụ Đặng Văn Ẩm, người có công đóng góp cho An dưỡng đường số 2 ấy. Thời trai trẻ, Đặng An Nguyên đi bộ đội rồi vào Nam chiến đấu. Thống nhất trở về, anh theo đuổi ước mơ của mình. Nhiều tác phẩm của anh đã được công chúng đón nhận nhiệt thành, nhưng có lẽ bài hát “Chiều quê hương” là nổi trội hơn cả, hoặc ít nhất là đối với người Thái Nguyên. Viết đến đây, theo một phản xạ có điều kiện, tôi với tay chọn bài, và ca từ vời vợi nhớ thương, thăm thẳm nỗi niềm của người xa xứ lại vang lên trong căn phòng nhỏ của tôi: Anh đi giữa chiều đầy sương khói. Một thoáng quê hương, bóng chiều khuất núi… Ở một miền quê nửa đồng nửa núi. Để anh khát cháy lòng nơi đầu suối. Thái Nguyên ơi sao mà nhớ, mà thương. Yêu tha thiết mỗi dáng chiều quê hương

Ông Thái thì đã về với tiên tổ hơn hai mươi năm trước. Bà Vệ thì cũng như ngọn đèn trước gió, nhưng tôi tin, dù nhiều năm nữa, nhưng câu chuyện tôi vừa kể trên về bà Tạ Thị Vệ, về mảnh đất Mỹ Yên vùng quê tươi đẹp mà ngót 100 năm qua bà đã gắn bó và cống hiến, sẽ vẫn còn được nhắc nhớ và lưu lại trong lòng những thế hệ sau.

Bút ký. Hữu Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước