Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
14:09 (GMT +7)

Ba mươi năm lẻ… biết bao nhiêu tình

VNTN - Năm 1979, thầy Hoàng Văn Thể đến trường tôi (trường 10+3 Sư phạm Bắc Thái) dạy một số tiết. Thấy tôi có năng khiếu về văn, thầy hay gặp riêng tôi chuyện trò, động viên tôi viết lách. Một hôm, Hiên, bạn cùng lớp ra thành phố Thái Nguyên về mang theo một bì thư của thầy viết cho tôi: “Tứ, có bài gửi ra cho Ban Vận động thành lập Hội. Nhớ chưa?”. Hiên bảo rằng thầy dặn đi dặn lại, phải đưa tận tay tôi, và nhắc tôi viết bài gửi ra... Bức thư của thầy làm tôi xúc động, sẵn với lòng yêu văn chương mà tôi trào dâng cảm xúc bắt đầu sáng tác các tác phẩm gửi đến Ban Vận động.

Nhớ năm 1985, anh Nguyễn Minh Sơn và anh Hồ Thủy Giang xuống trường tôi viết về thị xã Sông Công mới thành lập. Hai anh đi xe đạp cà tàng, quần áo lấm bụi đường. Tôi đưa các anh đi thăm thị xã, hai anh rủ tôi “sắp thành lập Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, em vào Hội nhé”. Đến năm 1987, Hội VHNT Bắc Thái chính thức được thành lập. Hôm Đại hội, tôi đang ốm phải nằm viện. Nhưng truyện ngắn “Đôi tay nắm màu đỏ” của tôi đã được giải thưởng trong đợt thi viết đầu tiên của Hội, được in trong số đầu tiên của Văn nghệ Bắc Thái. Tôi được kết nạp trở thành lớp hội viên đầu tiên.

Tôi nhớ, hồi đó Hội chỉ có mấy chị em nữ đều thân thiết với nhau: Họa sĩ Dương Thị Nội là chị cả. Chị Trần Thị Vân Trung, xinh đẹp, là giảng viên Đại học Sư phạm Việt Bắc. Các em Nguyễn Minh Hằng, Ngô Thanh Hằng trẻ xinh như người mẫu. Văn phòng Hội có chị Hương, sau có chị Thiện… Cơ quan Hội thân thiết, ấm cúng như gia đình, luôn là nơi anh chị em hội viên tụ họp, trao đổi chuyên môn.

Tôi rất ấn tượng với tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, chân thành, năng nổ của Chủ tịch Hội đầu tiên - nhà thơ Hà Đức Toàn. Anh không viết giỏi nhất, nhưng sự nhiệt tình, khả năng tập hợp, khích lệ hội viên sáng tác của anh thật tuyệt vời. Anh còn luôn quan tâm đến những người viết ở vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Khi nhà thơ Hà Đức Toàn nghỉ hưu, Chủ tịch Hội kế nhiệm là nhà thơ Ma Trường Nguyên. Tự nhận mình là “phu chữ”, anh Nguyên viết khỏe, viết đều, viết ở nhiều lĩnh vực. Anh có những bài viết phê bình, đánh giá rất sát, rất đúng về các cây bút ở Thái Nguyên, đặc biệt là các cây bút nữ. Chủ tịch Hội khóa sau - nhà thơ Đàm Thế Du thì luôn chỉn chu trong công tác tổ chức Hội, rất được hội viên nể trọng. Cũng chính anh là người đề xuất nên tổ chức các Hội VHNT ở các huyện, thành, thị. Người tiếp nối khi anh Du nghỉ hưu là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch - Triệu Văn Doanh. Anh Doanh làm Chủ tịch Hội khi mà cơ chế “xin- cho”, kinh phí cho hoạt động Hội ngày càng thắt chặt, song anh vẫn lo chu toàn các hoạt động của Hội. Anh Doanh cũng là người đã chứng kiến, công nhận sự ra đời của các Hội VHNT các huyện, thành, thị trong tỉnh.

Những hội viên đầu tiên của Hội VHNT Bắc Thái nay nhiều người đã đi xa hoặc đã chuyển sang tỉnh khác, nhưng hình ảnh các bác, các anh vẫn còn mãi trong tôi. Thầy Hoàng Văn Thể, họa sĩ Đỗ Tố, nhạc sĩ Đỗ Minh, nhà văn Vi Hồng, nhà lý luận phê bình Vũ Châu Quán… như vẫn đâu đây.

Nhớ lại thời kỳ đầu ra báo Văn nghệ Bắc Thái (nay là Văn nghệ Thái Nguyên), từ Tổng biên tập Hà Đức Toàn, phó Tổng biên tập Lê Thế Thành đến các biên tập viên, cộng tác viên có nhiều bài đăng đều tham gia bán báo. Có lần anh Lê Thế Thành đi in báo ở Hà Nội bằng chiếc xe máy Simson cũ, giữa trưa hè nắng lửa. Về đến Cải Đan, Phổ Yên, anh say nắng, rẽ vào nhà tôi. Nghỉ một lát, uống cốc nước chanh, ăn suất bún chả tôi mua vội, anh lại tất tả phóng xe máy về Thái Nguyên, kịp đến Tòa soạn. Rồi lại có lần anh Hà Đức Toàn mang xuống giao cho tôi chồng báo dầy, bảo em đi bán và liên hệ xem có ai mua, nói họ đặt báo mình. Tôi bận dạy học, lại công việc gia đình, nhưng vẫn cố gắng đến liên hệ hơn chục nơi nhưng họ đều từ chối, bảo giờ mới thấy có báo này, chưa biết thế nào… Tôi lại lóc cóc đạp xe lên Thái Nguyên trả anh Toàn tập báo. Hội VHNT Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên bây giờ đã trưởng thành và phát triển vượt bậc, khẳng định được vị thế trong cả nước. Nhưng cái “Thuở ban đầu lưu luyến ấy…” sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp đẽ không bao giờ quên với tôi.

Gắn bó với Hội đã hơn 30 năm có lẻ, chứng kiến biết bao thăng trầm của tổ chức Hội từ những ngày đầu thành lập, nay Hội đã chuẩn bị bước vào kỳ Đại hội lần VII. Tôi mong muốn đội ngũ lãnh đạo Hội, mỗi khi tổ chức các cuộc thi, xét đầu tư tác phẩm, luôn chọn được thành phần Ban Giám khảo công tâm, công bằng, có trình độ, để việc trao giải, đầu tư tác phẩm được đúng người, rõ ràng và minh bạch. Đồng thời loại bỏ được sự mất đoàn kết trong Hội, tạo môi trường trong vững ngoài mạnh. Báo Văn nghệ Thái Nguyên cũng ưu tiên hơn việc đăng các sáng tác, nghiên cứu của hội viên, nhằm khích lệ khả năng, niềm hăng say sáng tạo để hội viên cùng chung tay góp sức cho tờ báo của Hội đi bền, đi xa hơn trên chặng đường phát triển.

 

Mai Thắng (Chi hội Thơ)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại hội có nhiều đổi mới

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Những dấu ấn nhiệm kỳ

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi đưa văn chương của tôi đi xa hơn

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi chắp cánh khát vọng sáng tạo

Các kỳ Đại hội 4 năm trước