Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:51 (GMT +7)

Anh cả

VNTN - Buổi tối mùa đông ở làng sầm sập vào hun hút. Gió ngằn ngặt từ cánh đồng phả lạnh vào các ngõ. Tùng pha ấm trà, ngả lưng trên bộ trường kỷ vừa uống trà vừa xem tin tức thời sự trên ti vi. Có tiếng gọi oang oang ngoài cổng:

- Bố Tùng có nhà không? Đã ngủ chưa đấy? Gớm! Trời rét quá!

Tùng thoáng ngạc nhiên. Chả mấy khi ông trưởng tộc đến nhà mình, mà giọng điệu lại còn có vẻ thân tình đến thế. Có việc gì nhỉ? Anh với tay lấy cái điều khiển bấm nút tắt ti vi, đáp với ra:

- Nhà cháu có nhà. Ông trưởng đấy ạ! Mời ông vào xơi nước!

Tùng vừa trả lời xong thì ông Hàm đã bước vào đến cửa. Ông Hàm người nhỏ thó, lọt thỏm trong tấm áo dạ dày cộp, đầu đội mũ lông che kín cả hai tai, gương mặt nhỏ nhăn nheo, nhàu nhĩ nhưng hai mắt vẫn tinh anh và sắc lẹm. Ông bước vào nhà, liếc nhìn gương mặt Tùng rất nhanh rồi ngồi vào chiếc trường kỷ đối diện. Ông nhấp chén trà Tùng vừa rót mời, hỏi han bâng quơ mấy câu về vợ con Tùng. Tùng đáp lễ xã giao và thầm sốt ruột. Cuối cùng thì ông Hàm cũng vào đề.

- Anh Tùng này! Hôm nay bố anh gọi điện về cho tôi. Có chuyện này, tôi sang bàn với anh.

- Xin lỗi ông! Cháu chẳng có bố nào cả! Chẳng có chuyện gì phải bàn cả.

Tùng bất ngờ không giữ được bình tĩnh. Anh nghe như có những dòng điện chạy giần giật toàn thân.

- Nếu ông sang để nói về chuyện này thì xin mời ông về cho.

Tùng đặt chén trà đánh cộp xuống mặt bàn, đôi mắt long lên như bùng lửa.

Ông Hàm thoáng luống cuống trong giây lát rồi lấy lại bình tĩnh rất nhanh. Giọng ông chùng xuống.

- Anh Tùng ạ! Dù sao thì chuyện cũng qua lâu rồi. Ông ấy vẫn là bố anh. Anh cứ bình tĩnh nghe tôi nói một lần rồi anh xử lý sao cũng được.

Thấy Tùng im lặng, ông Hàm tiếp tục:

- Ông ấy bị tai nạn đã hơn một năm nay, chữa chạy được một thời gian rồi thôi. Giờ ông ấy rất yếu, đi lại cũng khó khăn. Vợ và mấy đứa con trong ấy chỉ lo bài bạc, phá phách, tranh chấp tài sản và hắt hủi ông ấy. Gọi cho tôi lần nào, bố anh cũng khóc. Giờ ông ấy rất hối hận, đau khổ, chỉ mong được về quê. Nếu anh và các em còn chút tình máu mủ đón ông ấy về thì hồng phúc của ông ấy còn chưa hết.

- Trời đất ơi! Máu mủ gì! Hồng phúc gì! Chẳng lẽ ông còn chưa hiểu cái tình máu mủ, cái hồng phúc của ông ấy và cả gia đình nhà ông với anh em chúng tôi hay sao? Cả cái làng này có ai không biết! Tôi nói một lần cuối! Anh em chúng tôi không có bố đã ba mươi nhăm năm nay. Chúng tôi đã cơ nhục tủi hờn như thế nào ông biết hơn ai hết. Hết đời này, chúng tôi không có người bố nào cả. Xin ông nhớ cho!

- Thôi! Tùy anh!

Ông Hàm miễn cưỡng đứng dậy và ra khỏi cửa. Một cơn gió lạnh thốc vào căn phòng. Tùng nghe toàn thân rã rời như vừa trúng cảm. Anh lập cập lại bàn thờ mẹ châm ba nén nhang, gục đầu thổn thức.

***

Làng Điền Thủy ba nhăm năm về trước là một làng chiêm trũng. Trước và sau làng đều là cánh đồng. Đồng sau làng chả mấy năm không phải chống vỡ đê, đồng trước mặt dày đặc chuôm trũng. Làng nghèo nằm biệt lập, cách xa đường quốc lộ nên âm u mãi như tiếng thở dài. Xung quanh làng và ken dày các ngõ là những rặng tre bốn mùa xạc xào tiếng lá rơi.

Một đêm mùa đông, cả làng Điền Thuỷ trầm mặc và u buồn bỗng kinh hoàng thức giấc như trong cơn trấn địa. Tiếng hô giết người, tiếng kêu gào thảm thiết, tiếng khóc, tiếng bước chân lẫn trong tiếng gió u u như xé tan màn đêm quánh đặc. Tiếng gọi nhau, loan tin râm ran và thảng thốt.

- Trời ơi! Cái gì thế bác!

- Giết người!

- Ối! Ai giết ai?

- Có chết không hử?

- Sao lại giết?

- Thằng Nghề giết cô Xuân xóm ngoài.

- Cô Xuân chết ngay rồi.

- Thằng Nghề về nhà tự sát không chết. Người nhà đã cho đi bệnh viện cấp cứu.

- Nghe đâu giết vì cô Xuân không thuận tình lấy hắn.

- Trời ơi! Người ta có chồng, đã có ba thằng con trai còn thuận tình cái gì!

- Còn cô Hà vợ thằng Nghề thì sao! Có vợ rồi sao lại thế?

- Trời! Khổ thân ba anh em thằng Tùng. Bố thì ở xa! Thằng lớn mới mười tuổi. Thằng út mới ba tuổi. Rồi thì sống thế nào?

Cứ thế, chuyện thằng Nghề giết cô Xuân làm chấn động cả làng, cả xã. Suốt mấy ngày, người làng Điền Thủy hầu như không làm ăn gì được. Người ta túm năm tụm ba bàn tán câu chuyện tình ly kỳ rùng rợn, kể chuyện cơ quan chức năng về giám định thi thể cô Xuân, xem đám tang cô Xuân...

Trong đám tang, người làng không sao cầm lòng nổi trước hình ảnh ba anh em thằng Tùng, thằng Định, thằng Phong. Ba đứa trẻ lũn cũn, lụng thụng trong tấm áo tang trắng, đầu đội mũ rơm, chống gậy đáp lễ. Ba gương mặt trẻ thơ ngơ ngác, thẫn thờ. Mà gió mùa đông cứ thông thốc từng cơn tê buốt.

***

Sau đám tang cô Xuân, ông Hàm, trưởng tộc cũng là bác cả, gọi ba anh em Tùng đến nhà để quyết định việc của chúng. Trong buổi gặp đó còn có cả bác Khánh là anh liền kề bố Tùng. Ông Hàm bảo Tùng:

- Cháu năm nay cũng mười tuổi rồi, gặp hoàn cảnh éo le này cũng tự thân vận động làm ăn sinh sống. Học hết lớp 4 cũng biết đọc biết viết. Thế là được. Bác bớt cho mày hai sào ruộng tập cấy hái, trồng trọt mà làm ăn. Đồng làng sau trước thì mênh mông, con cua con ốc chả thiếu. Tay làm hàm nhai cháu ạ! Còn thằng Định về thu xếp quần áo sang đây ở với bác, sáng đi học, chiều về chăn trâu hoặc làm việc đồng cùng bác gái và các anh chị. Thằng Phong còn nhỏ, về ở với bác Khánh.

Ba anh em Tùng nhìn hai bác rồi nhìn nhau ngơ ngác. Tùng nói như mếu:

- Bác ơi! Bác viết thư bảo bố cháu về với anh em cháu ngay đi. Hu... hu...

Thằng Tùng không kìm được cơn tức tưởi, òa lên khóc. Thằng Định, thằng Phong khóc theo và níu chặt tay anh.

Ông Hàm quắc mắt nhìn Tùng:

- Trẻ con biết gì! Nín ngay! Cứ thế mà làm! Bác đã viết thư cho bố cháu nhưng hiện nay chuyện của mẹ cháu quá phức tạp, ảnh hưởng đến công tác của bố cháu. Bố cháu chưa về được.

Tùng đưa hai em về. Căn nhà trống hoác gió lùa tứ phía. Rặng tre vặn kèn kẹt rắc lá khô phủ đầy mái rạ và khoảnh sân trước mặt. Giờ biết làm sao? Tùng đành chuẩn bị đồ đạc cho các em về ở nhà các bác.

Các em đi rồi, buổi tối, Tùng một mình ngồi khóc. Ngọn đèn con leo lét hắt cái bóng to đùng trên vách. Nó nhớ mẹ, nhớ các em, nhớ bố và lo lắng cho mình. Thùng gạo đã gần cạn tới đáy. Gậm giường để khoai tây cũng sắp hết. Bao giờ bố mới về? Nó muốn gào lên mà mệt lả đi. Nó nằm thiếp lúc nào không hay. Cơn mơ đến rất nhanh. Nó thấy mẹ ngồi sàng gạo ngoài hiên còn bố thì lúi húi dán diều. Ba anh em xúm xít bên bố. Thằng Phong ngọng nghịu vòi vĩnh bố vẽ con mèo lên cái diều cong như một chiếc thuyền con. Rồi bố kiệu thằng Phong trên vai và dắt nó với thằng Định lên đê làng. Cánh đồng quê vi vu gió mát, lúa ngả vàng óng, hoa cỏ bời bời lối đi. Ba anh em nó cười nắc nẻ nhìn theo cánh diều bố nó thả lên khoảng trời quê lồng lộng. Cánh diều giấy vun vút bay lên và bay mãi. Nó tìm mọi cách níu sợi dây mà không làm sao kéo nổi cánh diều quay trở lại. Nó òa khóc và chợt tỉnh giấc. Nó tìm giấy bút viết thư cho bố. Những con chữ run rẩy đầy thương nhớ, xúc động, sợ hãi ngả nghiêng hiện lên nhòe nhoẹt. Cuối thư, Tùng viết một dòng chữ thật to: "Bố ơi! Bố nhanh về đi! Con sợ lắm!"

***

Những ngày đầu ở một mình, Tùng sợ nhất những buổi sáng, lúc các bạn trong ngõ đến rủ đi học. Bọn thằng Hùng, thằng Tuấn sáng nào cũng đến gọi. Tùng nhớ quá cây gạo sừng sững đầu làng, nhớ quá con đường đến trường có hai hàng phi lao già, nhớ những trò chơi cùng các bạn trong lớp, nhớ chỗ ngồi có một vết thủng nhỏ trên mặt bàn gỗ và những dòng chữ mực tím viết lăng nhăng. Nhưng việc của nó bây giờ là phải quên. Sáng nào nó cũng luộc mấy củ khoai, ăn xong rồi xách giỏ, xách xô ra đồng. Bao giờ nó cũng ra cổng nhà mẫu giáo đón thằng cu Phong đến lớp. Thằng bé lẫm chẫm chạy theo các bạn. Thấy anh, nó ào đến như một cơn gió. Lúc thì nó mếu máo khóc, mặt nhòe nhoẹt nước mắt, nước mũi, khi thì nằng nặc đòi anh theo về nhà, khi lại bi bô kể chuyện ở lớp, chuyện ở nhà bác Khánh. Mới có mấy tuần mà thằng cu Phong nom gầy hẳn đi, quần áo đầu tóc bê bết bẩn, hai bàn tay đầy nốt ghẻ nước. Tùng gặp em lần nào cũng hứa hẹn chuyện này chuyện khác. Nào là chuyện bố về cho mấy anh em đi thả diều, chuyện đào giun đi câu cá ngoài ao và giúi cho em khi thì củ khoai nướng, lúc là cái ngô luộc. Buổi trưa từ đồng về, nó lại mon men tới lớp mẫu giáo, nhìn Phong qua ô cửa. Thằng Phong thấy anh thì đưa bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy như một chiếc lá non.

 

Biết thằng Định hay thả trâu ở cánh đồng trước làng, Tùng thường mò cua ở chuôm gần đó. Thằng Định luôn hỏi Tùng bao giờ thì bố về. Lần nào, Tùng cũng bảo bố sắp về rồi. Một lần gặp Định, Tùng thấy em khóc nấc lên. Nhìn kỹ, Tùng thấy mặt Định sưng húp híp, má còn lằn những vết đỏ, vết tím. Tùng giật giọng:

- Em làm sao?

- Hu hu... Em ngã...

- Mày nói dối!

- Bác Hàm đánh... Tại em đánh nhau với chị Hà.

- Tại sao mày dám đánh nhau với chị Hà?

- Tại...tại...

- Tại sao?

Tùng nói như gào lên.

- Hu hu... Tại chị Hà bảo mẹ đi... chơi trai... bảo anh em mình không phải con của bố...

Thằng Tùng bủn rủn chân tay, nó chưa hiểu lắm điều thằng Định vừa nói nhưng mơ hồ về một điều khủng khiếp.

- Sao mày không bảo với bác?

- Bác Hàm cũng bảo thế...

Thế là thế nào nhỉ? Sao lại không phải con của bố? Sao bác Hàm cũng nói vậy. Chính nó cũng òa khóc từ bao giờ. Chuôm đồng trắng nước mênh mang nhập nhòa trước mặt. Mấy con le le bất chợt vút bay lên, vừa bay vừa kêu táo tác.

***

Buổi tối hôm ấy, Tùng đến nhà hai bác xin phép đón các em về. Khi nghe Tùng lúng túng nói ý định của mình, ông Hàm trợn mắt lên và gằn giọng:

- Thế tao nuôi dạy em mày không tốt à? Mày định bôi tro trát trấu vào mặt nhà tao à? Một mình mẹ mày chưa đủ làm nhà tao xấu mặt hay sao? Đấy! Mày có giỏi thì mang em mày về mà nuôi xem sao! Không đói rũ họng ra tao bé bằng con kiến. Quân ăn cháo đá bát.

Tùng chẳng biết nói như thế nào, chỉ muốn ngay lập tức đưa em ra khỏi nhà bác. Định cắp túi quần áo đồ đạc nép sát vào anh. Hai anh em ra khỏi cửa còn nghe ông Hàm nói với theo:

- Từ nay trở đi, tao không dính líu gì đến mấy anh em nhà mày nữa nghe chửa?

Vừa đến cửa nhà bác Khánh, Tùng đã nghe tiếng bác gái rít lên:

- Sang đón em hở? Đón thì đón nhưng sau này có ai hỏi gì thì đừng vu vạ cho nhà tao tệ bạc.

Bác Khánh trai tiếp lời:

- Vừa nứt mắt đã hỗn hào. Đúng là quân mất nết. Nhà này không có cái ngữ ấy. Mang em về! Tao chống mắt chờ xem anh em mày nên vương nên tướng gì hay lại thành lũ mèo mả gà đồng, đầu trộm đuôi cướp.

Bác gái giúi túi đồ vào tay thằng Phong như muốn tống khứ ra khỏi nhà những thứ dơ dáy, ghê tởm. Tùng dắt hai em đi như chạy. Đường quê hun hút, lập lòe đom đóm. Mái nhà kia rồi. Đã lâu lắm chúng mới được ôm nhau cùng ngủ trên cái ổ rơm của mẹ. Đêm hôm ấy, Tùng trằn trọc mãi. Nó hết quay sang thằng Định rồi lại lật người qua phía thằng Phong, hít hà mùi tóc khét lẹt của hai thằng em và nghe má mình ròng ròng, nóng hổi những giọt nước mắt.

***

Từ buổi sáng sau khi đón hai em về, Tùng luôn chân luôn tay, làm việc gấp hai ba lần mà vẫn cảm thấy vui. Khi thì đun nước lá xà cừ đặc tắm để chữa ghẻ nước cho các em, lúc đưa em đến lớp, lúc lại ra đồng mót khoai, mò cua, tát vét, đánh riu tép, đặt lờ tôm, cấy hái... Nó thuộc từng bờ ngang, lối dọc, đồng trên, ruộng dưới, ao hồ chuôm trũng. Dần dần nó không khóc nữa, không để ý đến những lời bàn tán ì xèo về gia đình mình, thôi cả việc viết và đợi thư của bố. Bao nhiêu lần nó chờ đợi phấp phỏng là bấy nhiêu hụt hẫng. Bạn của nó bây giờ là gốc lúa, củ khoai, con cua, con cá ngoài đồng, là trăng sao soi đáy nước chuôm làng khi nửa đêm gà gáy, là con cò, con vạc ăn khuya và là mẹ nó nữa. Nó tin mẹ vẫn luôn ở bên anh em nó rất gần. Có một lần nó đi đánh riu đêm, vì nghe tiếng gà gáy, tưởng trời sắp sáng, nó quáng quàng vác riu ra đồng. Ai dè, khi rổ tép đã đầy, trời vẫn còn tối mịt mùng. Nó cắp rổ đến mộ mẹ ở gần chuôm nằm nghỉ cho đỡ mệt. Rồi nó thấy mẹ nó ngồi cạnh bắt chấy cho nó, kể cả chuyện chàng Thạch Sanh cho nó nghe. Bàn tay mẹ nhẹ như làn sương vỗ lưng và hát ru cho nó ngủ. Khi mặt trời lên cao, nó choàng tỉnh dậy đã thấy rổ tép không còn một cọng rác, những con tép còn trong veo lấp lánh nắng.

Mỗi lúc mệt mỏi, muốn buông xuôi, nó lại nghĩ đến hai đứa em và câu nói của ông Hàm “không đói rã họng tao bé bằng con kiến”. Mỗi khi thằng Định muốn bỏ học đi làm cùng anh thì những câu nói của bác Khánh lại như xoáy vào óc nó “đồ mèo mả gà đồng, đầu trộm đuôi cướp”. Ơn giời! Các em nó ngoan ngoãn, học giỏi, chẳng bao giờ làm Tùng buồn.

***

Làng Điền Thủy có nghề chạm trổ truyền thống nhưng bị mai một trong một khoảng thời gian dài. Năm Tùng mười tám tuổi, nghề chạm trổ của làng được khôi phục do có khách về đặt hàng. Tùng quyết tâm đi học nghề và may mắn được một nghệ nhân giỏi nhất làng nhận làm học trò. Buổi sáng đi học nghề, buổi chiều Tùng lại đi làm đồng. Do có năng khiếu, lại quyết tâm học hỏi nên chỉ sáu tháng sau Tùng đã là một tay nghề thạo việc, có thể kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định. Một vài năm sau, Tùng đã một thợ cả có tiếng khắp vùng. Xưởng thợ của Tùng lúc nào cũng tấp nập người học việc, người làm thuê. Các mối hàng của Tùng ngày càng mở rộng. Các đơn đặt hàng ngày càng đa dạng với đủ loại khách hàng cả trong và ngoài nước.

Làng Điền Thủy bây giờ không còn là một ngôi làng nghèo khép kín sau những lũy tre làng. Đường quốc lộ liên xã, liên huyện được xây dựng khiến làng nghề càng mở rộng thông thương với thị trường. Nhà cao tầng san sát mọc lên. Những cửa hàng mỹ nghệ liền kề. Cơ sở và cửa hàng của Tùng đã trở thành thương hiệu số một của làng. Cũng nhờ nghề chạm trổ và cửa hàng mỹ nghệ mà Tùng đã nuôi được các em học hết đại học và lo việc xây dựng gia đình cho các em. Định và Phong đều đã thành đạt và làm việc tại thành phố. Kí ức buồn của anh em Tùng tưởng ngủ yên đằng sau cánh cửa quá vãng, vậy mà câu chuyện của ông Hàm đêm nay lại đưa Tùng trở về những tháng năm xa ngái. Tùng ngồi lặng hàng giờ bên trường kỷ. Khói thuốc ảo mờ ẩn hiện những gương mặt, những hình ảnh cũ. Anh nghe lòng như buốt lạnh bởi những ngọn gió thổi về từ mùa đông năm ấy.

***

Tùng về đến đã thấy Định và Phong trong phòng khách đang nói chuyện với vợ anh. Anh thoáng ngạc nhiên:

- Sao không phải ngày nghỉ mà các chú lại về thế này? Lại về cùng một lúc chứ?

Định ngập ngừng:

- Chúng em có chuyện muốn thưa với anh.

Phong tiếp:

- Chắc anh nghe bác Hàm nói chuyện rồi chứ?

- À! Hóa ra là vậy! Chuyện ấy có cần cả hai chú phải bỏ công bỏ việc mà về không? Thế ý các chú thế nào?

- Hoàn cảnh của bố bây giờ bi đát quá anh ạ! Em định đợt công tác tới vào miền trong, em sẽ đến thăm bố. Định vừa nói vừa nhìn anh có ý thăm dò.

Phong tiếp lời Định:

- Thú thực với anh, em cũng giận bố lắm. Nhưng dù sao, chuyện cũng đã quá lâu rồi. Nếu bố không lâm vào hoàn cảnh hiện tại thì mình chẳng nói làm gì. Trong hoàn cảnh hiện nay của bố mà chúng ta bỏ mặc thì em nghĩ không nên.

Tùng trầm ngâm một lát rồi nói:

- Các chú bây giờ đã trưởng thành. Các chú có ăn có học, nghĩ rộng, nghĩ xa. Anh thì quê mùa, thiển cận. Các chú thấy thế nào là đúng thì cứ làm.

Định phân trần:

- Chúng em hỏi ý anh, anh quyết định như thế nào em xin theo thế.

Tùng nhấp một ngụm trà, nhìn các em một lượt, mắt như có nước mà giọng thì sắc lạnh:

- Anh không có bố nào cả. Các chú có bố thì các chú lo cho bố các chú!

Định và Phong cúi đầu nín lặng hồi lâu. Cả căn phòng bỗng phăng phắc. Ba người đàn ông như hóa tượng. Tùng nhìn dáng hai em ngồi trước mặt lòng chợt se thắt.

***

Một buổi chiều cuối năm, Định và Phong về làng thắp hương cho mẹ và ông bà. Ngồi trên xe, Phong hỏi Định:

- Anh mới đi công tác về đấy à?

- Ừ

- Anh… anh có vào chỗ bố không?

Định trầm ngâm:

- Chú đừng nói với anh cả nhé. Anh mới vào cách đây một tuần. Bố giờ cô độc và buồn lắm. Vợ con thì tệ bạc, tiền của thì không còn. Cứ thế này anh cũng không yên lòng. Nếu hôm nay về hỏi ý bác cả mà không được thì ăn tết xong, anh cũng vào đón bố ra. Xin thất lễ với bác cả một lần. Ý chú thế nào?

- Cả đời em chẳng nhớ bố thế nào, chưa được một lần gọi bố. Em muốn được gặp bố bằng xương, bằng thịt dẫu chỉ một lần.

Sau câu nói của Phong, cả hai anh em đều chìm trong im lặng.

Đã sắp về đến nhà, Định và Phong xuống xe. Con ngõ cuối năm bỗng sáng ấm hẳn lên. Họ bước vào cổng mà phấp phỏng bao điều muốn nói. Vào đến sân, Định bỗng sững sờ. Bên hiên nhà, dưới những chùm hoa giấy đỏ thắm, bố đang ngồi trên xe lăn, vẻ mặt bình yên thoáng chút ngại ngùng còn anh Tùng đang nhẹ nhàng bóp vai cho bố. Thấy Phong và Định về, Tùng cười rạng rỡ nói với bố: Các em về kia rồi bố! Đến lượt Phong thảng thốt. Cả không gian như vỡ òa trong nắng xuân!.

Truyện ngắn. NGUYỄN VĂN SONG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước