Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:39 (GMT +7)

“12 năm nô lệ” những đọa đày không thể bức đoạt ý chí tự do

Được ví như một “viên ngọc đen” của điện ảnh thế giới, với thành tựu nổi bật là “nhà vô địch Oscar” năm 2014 với hàng chục giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có hàng loạt giải thưởng quan trọng như: Giải Quả cầu vàng, Giải Tinh thần độc lập và đặc biệt là Giải Oscar… “12 năm nô lệ” (Twelve Years A Slave) tính đến nay sau 8 năm phát hành vẫn giữ vững sức hút với khán giả. Những gì mà bộ phim thể hiện trong gần 140 phút, không đơn thuần là một vài “lát cắt”, mà là bức tranh toàn cảnh về một thời kỳ đen tối trong đời sống xã hội Mỹ thế kỷ 19.

Nỗi thống khổ và sự thật về bản chất con người

Tác phẩm được xây dựng dựa trên cuốn tự truyện viết bởi một nhạc sĩ có tên Solomon Northup, tái hiện quá trình ông bị đánh thuốc mê, bắt cóc và bán làm nô lệ ở châu Mỹ vào những năm 1850. Đó là 12 năm ròng nếm trải những nỗi thống khổ cùng cực. Từ thân phận một người da màu tự do, là nghệ sĩ vĩ cầm có vợ và hai con nhỏ, cuộc sống đang bình yên và hạnh phúc ở New York, Solomon đã bị hai kẻ da trắng “thuyết phục” đi chơi đàn trong một gánh xiếc lưu động với đãi ngộ hấp dẫn, và lừa bán làm nô lệ.

Cảnh trong phim "12 năm nô lệ"

Khi tỉnh dậy trong một căn phòng đầy rơm rạ và chân tay bị xiềng xích, Solomon bàng hoàng nhận ra bi kịch của mình. Ngay lập tức anh phải nhận lãnh một trận đòn tàn bạo của những kẻ đang giam giữ mình khi lên tiếng khẳng định bản thân là một người tự do. Những kẻ buôn người đã đưa Solomon và những người da màu khác tới New Orleans để bán. Với thân phận mới là nô lệ tên Platt, hành trình 12 năm chịu đựng những đọa đày của Solomon bắt đầu khi được bán cho ông chủ Ford, tiếp đó là cho các đồn điền ở New Orleans và Louisiana.

Qua những từ ngữ mà các chủ đồn điền nói về “nô lệ” - họ chỉ là những “con vật”, “một món hàng”, “một công cụ”,… với những đặc tính: “bẩn thỉu”, “là tài sản”, “thú vật”… Hành động phản ánh sự man rợ, tàn ác, là khi kẻ buôn người bắt các nô lệ tắm rửa qua loa, sau đó đứng xếp hàng trần truồng để các ông chủ lựa chọn. Cái cách họ ôm và xoa đầu nô lệ chẳng khác nào cách “cưng nựng” đối với một con vật trong nhà. Những nô lệ hàng ngày phải vắt kiệt sức lực trên đồn điền với bữa ăn chỉ đủ để,… không chết vì đói, nhưng ban đêm vẫn tiếp tục bị lạm dụng, trở thành trò tiêu khiển nhảy múa phục vụ chủ.

Ảnh minh họa

Một trong những cảnh phim gây ám ảnh đến rợn người, là phân đoạn mô tả Solomon bị treo cổ và phải đứng bằng cách nhón đầu ngón chân trên lớp bùn nhớp nháp, giữa một khu vườn đẹp đến nao lòng. Trong thời lượng kéo dài gần 2 phút ấy, người xem thực sự có cảm giác bị “nghẹt thở” cùng nhân vật.

Nô lệ được xem như một loại tài sản mà người sở hữu hoàn toàn có quyền tước đoạt mạng sống của họ. Solomon đã phải chứng kiến và bị ép buộc “xuống tay” đánh đập chính những người giống mình. Người xem phải rùng mình sợ hãi khi chứng kiến cảnh tên chủ đồn điền Epps đoạt chiếc roi từ tay Solomon và điên loạn đánh cô nô lệ Patsey đến rách tưa da thịt. Hắn không cần biết lý do, rằng do sự ghen tuông của vợ hắn mà Patsey đã lâu ngày chưa được tắm, cô đi xin cục xà bông tắm vì người cô hôi hám và cô ghê tởm chính mình. Nhìn Patsey oằn mình rên rỉ khi được các nô lệ khác chấm rửa vết thương - những vết cắt sâu chằng chịt xếp chồng lên nhau rỉ máu, người xem như cảm nhận sự đau đớn lan ra các giác quan của mình. Thật quá tàn bạo và ám ảnh.

Xem phim, câu hỏi như thường trực bật ra với người xem, là sự nghi hoặc xen lẫn bất an, rằng con người có nhân tính hay không trong một xã hội vô nhân tình, thiếu tình người như vậy?

William Ford - người chủ đầu tiên của Solomon là một người có vẻ tử tế. Nhưng xét đến cùng thì sự tử tế đó là bởi Solomon có giá trị, làm việc tốt. Ông ta ít nhiều biết thương xót trước nỗi đau của người khác, và đó là một mầm thiện nhỏ nhoi được nảy nở trong u ám. Nhưng người chủ thứ hai là Edwin Epps và vợ ông ta (chủ đồn điền trồng cây vải làm quần áo) lại phơi bày sự vô đạo kinh khủng. 10 trong số 12 năm nô lệ, Solomon chịu sự giam cầm của Epps với đầy rẫy sự ác nghiệt, tham lam, sân si, u mê…

Edwin Epps không chỉ thể hiện sự tàn ác qua những đòn roi, lời nói, mà còn ở vẻ mặt quyền lực và thâm hiểm khó trộn lẫn. Mỗi phân đoạn có sự xuất hiện của nhân vật này, là một lần công chúng được thấy sự áp bức cùng cực, bầu không khí xung quanh như bị bóp nghẹt lại. Điểm ấn tượng khi khắc họa nhân vật này, ngoài tính cách đặc trưng kể trên, còn có những “góc khuất” nhỏ nhưng sâu, cho thấy hắn là một người hèn nhát, sợ vợ và ích kỷ.

Có một sự thật đau đớn là, dường như khi bị bức ép đến cùng kiệt, con người ta sẽ dần mất đi bản năng phản kháng. Có thể thấy rõ điều ấy khi Solomon bị thít cổ vào dây thừng và thoi thóp thở, mặc dầu xung quanh đầy rẫy những người nô lệ khác, nhưng họ thản nhiên đi ngang qua, thản nhiên làm việc hàng ngày của mình. Họ e sợ không dám đứng ra cắt dây thừng cho một người giống mình. Phải chăng những hình phạt dã man như vậy đã trở thành quen thuộc đến mức không có gì phải phản kháng?

Không gì có thể bức đoạt ý chí và khát vọng tự do

Mạch phim chậm rãi và có phần u ám, nhưng nó ẩn chứa thông điệp rõ ràng về “tự do” và “khát vọng sự tự do”.

Trong một xã hội mà người nô lệ thấp hèn không hề có tiếng nói về quyền con người cơ bản: quyền sống, tự do, mưu cầu hạnh phúc; khi xã hội đầy rẫy bất công đã tạo ra lối hành xử vô nhân tính, thì nhân vật Solomon đã cho ta thấy một sức mạnh đặc biệt. Sức mạnh mà dù bị bóc lột, đày đọa thân xác đến tàn tạ cũng không thể vùi dập, nằm ở khao khát tự do trong sâu thẳm mỗi con người. Đó là một loại “bản năng” riêng biệt tồn tại riêng có ở con người (so với loài vật), nó chính là “tự do ý chí”. Bởi vì từng là một người tự do, Solomon thấu hiểu tự do tuyệt vời và ý nghĩa thế nào. Và anh, ngay từ khi buộc phải chấp nhận thân phận nô lệ, vẫn kiên quyết rằng mình không chỉ muốn tồn tại, mình muốn sống.

Cái “bản năng” thiên phú ấy như ngọn lửa âm ỉ cháy. Nó tồn tại trong ý nghĩ để con người đối mặt với nghịch cảnh, để nuôi dưỡng hy vọng và đứng lên đấu tranh. Ý chí ấy, không ai có thể bị bức đoạt được, cho dù trong hoàn cảnh nào.

Đạo diễn đã rất tài năng và tinh tế khi dẫn dụ người xem “chạy” theo trường liên tưởng ý chí tự do của nhân vật qua những phân cảnh như: Solomon đốt bức thư mà anh đã dày công mới viết được, những mong được sự trợ giúp để đem gửi nhưng không thành. Ngọn lửa và những đốm than lụi dần trong đêm tối, tựa như hy vọng bị dập tắt. Hay khi Solomon phá nát cây violin như một cách buông xuôi số phận. Song, đằng sau những điều tưởng như ngừng hi vọng, ngừng khao khát ấy, Solomon vẫn thể hiện sự phản kháng của mình trước những bất công, vẫn khích lệ những người cùng cảnh ngộ mạnh mẽ,… như là tự cổ vũ cho chính mình.

Những cảnh trong phim “12 năm nô lệ”

Bởi ý chí không ngừng khát khao tự do mà Solomon đã nắm bắt cơ hội khi gặp được người thợ mộc Canada là Bass. Vô tình nghe cuộc đối thoại giữa Bass và chủ đồn điền Epps, sự chất vấn của Bass đối với Epps: “Tôi chỉ muốn hỏi dưới con mắt của Chúa thì họ có khác biệt gì?” đã nhen lên cho Solomon hi vọng. Một lần nữa, khát vọng tự do thôi thúc anh liều lĩnh tìm kiếm cơ may vùng thoát kiếp nô lệ và hy vọng tìm về với tổ ấm nhỏ của mình. Và lần này, Solomon đã thành công khi Bass nhận lời giúp ông viết/gửi thư cho người thân. Khi một cảnh sát địa phương và một người tên Henry Northup từ một gia đình da trắng (cha của Solomon đã từng phục vụ họ) tìm đến giải cứu cho Solomon, những bước đi của anh vội vã như bay, mặc kệ sự phẫn nộ của Epps. Trở lại là một người tự do, người xem như vỡ òa vui sướng trước cuộc hội ngộ của Solomon với người vợ Anne và các con của ông, và một thành viên đặc biệt nữa - người cháu trai nhỏ bé lần đầu được gặp.

May mắn đã đến với Solomon, nhưng đó không phải là nghiễm nhiên. Nó là sự bù đắp cho ý chí kiên định - một hệ giá trị đích đáng của khát vọng tự do.

Bộ phim quá xuất sắc ở nội dung, diễn xuất tài tình của diễn viên, âm nhạc… Song “điểm trừ” là cách miêu tả thời gian dường như bị… bỏ quên. Điều này khiến người xem mơ hồ không biết nhân vật đang ở giai đoạn nào vì không có bất kỳ cột mốc nào mô tả. Mặt khác, ngoài nhân vật chính thì phim còn tập trung miêu tả khá nhiều những thân phận, con người, nhân vật khác nhau, nên cảm xúc có phần dàn trải, khiến Solomon Northup có lúc tựa như là một nhà ghi chép chứ không phải là một nô lệ thực sự, vì so với các nhân vật khác anh vẫn còn may mắn hơn nhiều. Kết thúc phim, số phận về các nhân vật mà Solomon từng gắn bó, về sau họ thế nào, hoàn toàn bị để ngỏ. Điều này khiến khán giả có chút hụt hẫng. Nhưng tựu trung, “12 năm nô lệ” là bộ phim đáng để dành thời gian theo dõi và hòa chung cảm xúc…

Duy Ngọc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy