Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
13:19 (GMT +7)

10 sự kiện chính trị – an ninh nổi bật năm 2015

VNTN - Năm 2015, thế giới và khu vực đã chứng kiến nhiều chuyển biến quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, làm thay đổi đáng kể cục diện quốc tế và khu vực và có tác động mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế.


Mỹ và Cu Ba bình thường hóa quan hệ

Việc Mỹ và Cu Ba mở cửa lại đại sứ quán ngày 20/7/2015 được coi là một động thái quan trọng trong hàng loạt bước tiến hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đây cũng là kết quả của nỗ lực giữa Mỹ và Cu Ba sau 18 tháng đàm phán bí mật, với sự hậu thuẫn của Vatican và Canada. Tổng thống Mỹ B. Obama đã gọi đây là sự chấm dứt “chính sách cứng nhắc và lạc hậu” nhằm cô lập Cu Ba nhưng lại không tạo ra được sự thay đổi nào đối với quốc đảo này. Việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cu Ba là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với hai nước, mà cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Quan hệ giữa Mỹ và Cu Ba từ trạng thái thù địch sẽ chuyển sang một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Thỏa thuận hạt nhân P5+1

Ngày 14/7/2015, tại Vienna (Áo), Iran và các nước nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử, qua đó cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Iran ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Đây là vụ thương lượng vừa kéo dài (12 năm), vừa phức tạp hiếm thấy trong lịch sử ngoại giao thế giới. Về phía Iran, nếu thỏa thuận hoàn tất, Iran sẽ nhận được hàng tỉ USD nhờ các lệnh cấm vận được dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần. Iran đang rất cần sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Về phía Mỹ, thỏa thuận mới giúp Mỹ ngăn được việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và một cuộc chiến không mong đợi nữa ở vùng Vịnh. Mỹ hy vọng thông qua thỏa thuận sẽ thúc đẩy dân chủ ở Iran, đưa Iran vào quỹ đạo do Mỹ kiểm soát.

Mỹ công bố chiến lược quân sự mới

Ngày 01/7/2015, tại Washington, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Quân sự Quốc gia năm 2015. Theo đó, Mỹ xác định, các nhân tố chủ yếu chi phối môi trường chiến lược bao gồm tiến trình toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học công nghệ và sự thay đổi về nhân khẩu học. Quân đội Mỹ phải luôn sẵn sàng để đối phó với “các quốc gia xét lại”, đang thách thức các chuẩn mực quốc tế như Nga, các nhóm bạo lực cực đoan, bao gồm IS, Triều Tiên. Đối với Trung Quốc, chiến lược cho rằng, các hành động xây dựng  đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là “hành động gây căng thẳng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và nhấn mạnh: Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chiếm gần hết Biển Đông là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Thông qua công bố chiến lược quân sự mới, Mỹ muốn gửi một thông điệp cứng rắn với Trung Quốc và khẳng định vị thế sức mạnh quân sự của Mỹ trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực. Về nội dung, nếu Chiến lược Quân sự Quốc gia năm 2011 của Mỹ chủ yếu tập trung vào các thách thức an ninh và mối đe dọa là các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda thì trong Chiến lược Quân sự mới, Nga và Trung Quốc được nêu “đích danh” là hai quốc gia đang đe dọa các lợi ích của Mỹ. Chiến lược cũng cáo buộc Nga về sự hiện diện quân sự trong cuộc xung đột ở Ucraina và việc Nga đang triển khai lực lượng quân sự đến miền Đông Ucraina để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai tại đây. Bên cạnh đó, IS, các nhân tố phi nhà nước vẫn được coi là những mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ vì các tổ chức và phần tử này có thể tạo ra các thảm họa về an ninh.

Quốc kỳ Mỹ lần đầu tung bay tại Cuba sau hơn nửa thế kỷ

Nga không kích IS

Sau hơn 1 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố về chiến lược chống IS và thành lập liên minh chống IS bao gồm gần 60 nước tham gia (hầu hết là các đồng minh của Mỹ), do Mỹ đứng đầu. Liên minh đã tiến hành hàng nghìn vụ không kích vào các mục tiêu của IS, song có một nghịch lý là, Mỹ và liên minh càng không kích, IS dường như càng mạnh hơn. Kể từ ngày 30/9/2015, theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga đã bắt đầu các cuộc không kích lực lượng IS tại Syria. Nga tiến hành chiến dịch không kích IS trước hết là để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga, nhằm “một mũi tên trúng hai đích”, một mặt sẽ triệt tiêu mối đe dọa là IS đối với an ninh quốc gia Nga; mặt khác duy trì chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, phục vụ cho lợi ích chiến lược của Nga; phô trương sức mạnh quân sự, đáp trả việc gần đây NATO tăng thêm lực lượng quân sự sang phía Đông, áp sát biên giới Nga. Bên cạnh đó, Nga muốn khẳng định vị thế trên trường quốc tế, thể hiện vai trò không thể thay thế được của mình trong hệ thống quốc tế hiện nay và chứng minh rằng, Nga đang đóng một vai trò chiến lược quan trọng ở Trung Đông và sẵn sàng đặt sức mạnh quân sự đằng sau hoạt động ngoại giao.

Cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu

Trong những ngày qua, các nước châu Âu phải gánh chịu làn sóng người di cư từ các nước Trung Đông - Bắc Phi. Đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nguyên nhân khủng hoảng di cư được cho là do tình trạng nghèo đói ở các nước Trung Đông - Bắc Phi. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là những cơn địa chấn mang tên “Mùa Xuân Ả Rập” ở Trung Đông - Bắc Phi, hay các cuộc “Cách mạng hoa nhài” ở Lybia, Ai Cập, Syria. Cùng với đó là các cuộc tiến công khủng bố, giết chóc của IS và các tổ chức khủng bố khác đã đẩy người dân của những nước này vào cảnh ly tán, tạo nên làn sóng di cư ồ ạt. Bên cạnh đó, tình trạng kinh tế sa sút, vi phạm nhân quyền và an ninh tại các nước Trung Đông - Bắc Phi đã đẩy người dân đến bước đường cùng, khiến họ phải tìm cách tha hương. EU cùng một lúc phải đối mặt hai cuộc khủng hoảng. Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ tạm lắng xuống thì cuộc khủng hoảng nhập cư lại giáng thêm một đòn nặng, gây bất ổn kinh tế, xã hội. Sự bất đồng trong cách giải quyết đối với người di cư đang gây chia rẽ các nước EU. Điều nguy hiểm hơn là một số chiến binh IS đã trà trộn trong số những người di cư và có thể sẽ thực hiện các cuộc tiến công khủng bố tại các nước châu Âu sau này. Ngoài ra, một vấn đề không kém phần quan trọng là xung đột về văn hóa và tôn giáo. Phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và châu Phi, trong khi người dân và chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một cộng đồng Hồi giáo lớn như vậy ngay trong lòng xã hội của mình.

Căng thẳng quân sự giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên

Ngày 11/01/2015, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tuyên bố, bà sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, nhằm đặt nền tảng cho sự thống nhất hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố trên được bà Park Geun Hye đưa ra 10 ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài phát biểu nhân dịp đầu năm mới tuyên bố, không có lý do gì để không mở cửa đối thoại với Hàn Quốc. Những tuyên bố thiện chí từ cả hai phía làm dấy lên hy vọng vào một bức tranh tươi sáng hơn trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2015. Tuy nhiên, những gì diễn ra ở bán đảo Triều Tiên không như điều mọi người trông đợi. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục diễn biến phức tạp, đỉnh điểm căng thẳng là ngày 20/8/2015 khi Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành bắn pháo qua biên giới của nhau. Trong lúc cả thế giới lo ngại về một cuộc xung đột có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên thì đêm 24/8, tại làng Panmunjom (thuộc Khu phi quân sự trên biên giới giữa hai nước), Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận “tháo ngòi nổ chiến tranh”. Đây là bước đột phá quan trọng trong mối quan hệ liên Triều, mở ra cục diện mới để hai miền Nam - Bắc cùng bàn thảo nhiều vấn đề lớn, hệ trọng trong tương lai. Hai bên còn nhất trí tổ chức cuộc đối thoại liên chính phủ nhằm cải thiện quan hệ liên Triều; đồng ý tổ chức các cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào tháng 10/2015 và tiếp tục tổ chức các cuộc đoàn tụ trong tương lai cũng như sẽ tiếp tục đối thoại và đàm phán trên các lĩnh vực khác. Thực tiễn giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên vừa qua cho thấy, động thái tích cực và sự tôn trọng, kiềm chế từ hai phía là nhân tố rất quan trọng và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Nhà hát Bataclan, nơi vụ tấn công và bắt giữ con tin đêm 13/11

Cộng đồng ASEAN thành lập

Ngày 22/11/2015 đã đi vào lịch sử của ASEAN, đánh dấu giai đoạn mới của khu vực với việc 10 nước thành viên ký Tuyên bố Kuala Lumpur về hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015, một văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hội nhập về kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội sâu rộng hơn của toàn khu vực.

 

Việc ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaixia thể hiện việc hoàn tất kế hoạch xây dựng Cộng đồng trong hơn 10 năm kể từ khi ý tưởng về một Cộng đồng ASEAN lần đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bali, Inđônêxia năm 2003. Quá trình xây dựng Cộng đồng cũng tạo thêm xung lực mới cho những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, tăng cường liên kết kinh tế nội khối, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, ASEAN còn rất nhiều việc phải làm nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hội nhập hơn cùng với tầm nhìn sau năm 2015. ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò, sự đoàn kết trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực thông qua việc đẩy mạnh xây dựng lòng tin thực chất, đề cao luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử chung liên quan đến ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Hội nghị ADMM+ không ra được Tuyên bố chung

Ngày 4/11/2015, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 3 với sự tham gia của 10 Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cùng các Bộ trưởng 8 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ) đã hủy ra tuyên bố chung, trong đó có nội dung về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Lý do của việc hủy bỏ Tuyên bố chung là do bất đồng quan điểm giữa Trung Quốc và một số nước về việc đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung. Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã vận động một số nước ASEAN để không đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung, trong khi Trung Quốc khẳng định, Mỹ và Nhật là hai nước phải chịu trách nhiệm chính khi Hội nghị ADMM+ không ra được Tuyên bố chung. Việc Hội nghị ADMM+ lần thứ 3 không ra được Tuyên bố chung không phải là vấn đề mới. Cách đây 3 năm, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM45) tổ chức tại Cămpuchia cũng không ra được Tuyên bố chung do sự can dự của Trung Quốc. Việc Hội nghị ADMM+ lần thứ 3 không ra được Tuyên bố chung cho thấy sự can dự của các nước lớn vào vấn đề Biển Đông ngày càng gia tăng và nguy cơ hình thành sự phân cực trong cấu trúc chính trị và an ninh khu vực ngày càng hiện hữu, các mâu thuẫn lợi ích, quan hệ lợi ích giữa các nước lớn trong khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trung Quốc bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa

Gần đây, Trung Quốc tiến hành các hoạt động san lấp, tôn tạo, mở rộng các bãi đá, bãi cạn do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Tính đến tháng 6/2015,Trung Quốc đã san lấp được 1.170 ha. Mục đích của Trung Quốc là sẽ biến các đảo đó thành các căn cứ quân sự liên hợp tuyến trước, tạo thành chuỗi liên kết các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Mặc dù vừa qua, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành giai đoạn san lấp đảo, song tại một số điểm như đảo Chữ Thập, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng một đường băng sân bay mới, có kích thước 300 x 55m, trong đó đoạn đã đổ bê tông là 65 x 55m; nhiều thành phần khác cũng đang triển khai xây dựng (trận địa hỏa lực, trạm ra đa trinh sát biển và phòng không, bến cảng, kho tàng, vũ khí, đạn dược, xăng dầu, nước ngọt, lương thực…). Những hành động này được coi là bước leo thang mới trong chiến lược nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Các hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN; đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực.

Vụ tiến công khủng bố ở Paris

Đêm 13/11/2015 tại Paris, hàng loạt vụ nổ đã xảy ra tại sân vận động; các vụ xả súng tại một số nhà hàng, quán cà phê và bắt cóc con tin đã xảy ra tại nhà hát Bataclan. Cuộc tiến công khủng bố tại Paris là một thảm kịch khủng khiếp, xảy ra trong lòng châu Âu cổ kính và yên bình. Các cuộc tiến công khủng bố nhằm vào nước Pháp hay máy bay chở khách của Nga ở Ai Cập gần đây là các vụ tiến công trả đũa của IS đối với các chiến dịch tiến công khủng bố tại Syria gần đây. Pháp có vai trò rất quan trọng tại Syria và lợi ích ở cả khu vực Trung Đông. Mặc dù tham gia chiến dịch IS muộn, nhưng Pháp lại đang trở thành mục tiêu chính của những kẻ khủng bố IS ở châu Âu. Pháp có cộng đồng người Hồi giáo khá đông và nhiều người trong số này vẫn không thể hòa nhập vào xã hội Pháp; những thanh niên người Hồi giáo tại Pháp không xác định được lợi ích quốc gia rõ ràng. Điều này thúc đẩy họ gia nhập IS, tham gia vào các hoạt động khủng bố của IS tại Pháp; chính sách đối ngoại của Pháp đang mất đi chính sách đối ngoại độc lập của mình, vai trò độc lập trong địa chính trị, bản sắc dân tộc của mình. Trong chính sách đối ngoại, Pháp dường như ngày càng phụ thuộc vào Mỹ.

 

Vũ Khanh (Tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy