Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
01:51 (GMT +7)

Yêu cầu hợp ý dân

VNTN - Nhiều ngày qua, cộng đồng xã hội lại nóng lên với những chia sẻ, luận bàn về yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29/11, đó là: “các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết, Tặng quà cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mà hãy dành thời gian chủ động tập trung chăm lo Tết cho nhân dân”. Lời yêu cầu này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân.

Trên các diễn đàn truyền thông, các trang mạng cá nhân, nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình. Bạn đọc Nguyễn Thủy vui mừng: “Rất hoan nghênh và đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấm quà cho cấp trên nhân dịp Tết. Nhưng phải có biện pháp gì và làm như thế nào để lệnh được thực hiện một cách nghiêm minh! Được thành công điều này là lòng dân mừng lắm!”. Bạn đọc Nguyễn Đình Trà chia sẻ: “quan trọng là cái đầu chứ không phải cái tay, ta không lấy quà, trả lại ngay đố ai dám tặng, cần gì phải cấm. Tôi từng là thủ trưởng, tuy không giàu nhưng đã từng trả lại quà, mấy năm sau không ai tặng nữa”. Có người còn thẳng thắn: “phải là cấm cấp trên nhận quà Tết của cấp dưới”… Thái độ của người dân đối với yêu cầu của Thủ tướng, đa phần là ủng hộ, bởi họ kỳ vọng rằng, cùng với những động thái quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thời gian qua, thì hình ảnh một Chính phủ liêm chính sẽ được củng cố trong lòng dân.

Hẳn ai cũng biết rằng, trong đời sống, biếu quà là nghệ thuật giao tiếp, là lẽ sống, mang tính tượng trưng. Và có lẽ, bất kỳ ai trong đời cũng đều từng nhận và cho đi những món quà. Các ngày lễ, dịp đặc biệt trong năm đủ để chúng ta có cơ sở để tặng quà như: sinh nhật, khai trương, kỷ niệm, dịp lễ, Tết… Tặng quà là cách để thể hiện sự quan tâm giữa người với người đối với nhau. Tuy nhiên, nhiều năm nay, truyền thống tốt đẹp tặng quà dịp lễ Tết với thông điệp trao gửi yêu thương đã biến tướng thành vấn nạn quà Tết, là gánh nặng ân tình, trở thành một tục lệ xấu. Dưới tên gọi là “quà biếu Tết”, giá trị món quà vượt ngưỡng tình cảm, trở thành những cuộc mua bán, đổi chác và là đường đi của hối lộ, tham nhũng.

Một yêu cầu hợp ý dân, nhưng dù kỳ vọng và tin tưởng, thì nhiều người cũng bày tỏ e ngại về kết quả của việc thực thi. Những món quà “trên mức tình cảm” với hàng chục, hàng trăm triệu từ nguồn công quỹ là sự trá hình của nạn tham nhũng, hối lộ, lợi dụng lẫn nhau để trục lợi, là biểu hiện của lợi ích nhóm bất chính. Liệu có hay không chuyện những món quà được “phù phép” dưới những hình thức khác? Rồi đây, có thể chuyện quà cáp sẽ không chộn rộn nữa, nhưng ai có thể chắc chắn rằng những món quà không đến được nơi nó cần đến? Có thể đó là một lần chuyển khoản, một chậu cây bon sai quý giá… Trong thời đại công nghệ, chỉ cần một cú click chuột, một cuộc điện thoại, thì chỉ vài phút sau quà đã tới tay người nhận mà không cần người tặng xuất hiện, lễ mễ “tay xách nách mang”…

Đến đây, người ta nhắc lại câu chuyện cũng vào thời điểm giáp Tết năm trước, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ đã công bố các số điện thoại đường dây nóng cho dân để tố cáo việc “tặng quà Tết trái quy định”. Đường dây nóng này đã tiếp nhận hàng trăm tin báo, vậy nhưng khi Tết đi qua vẫn không thấy có vụ tặng quà trái quy định nào được phát hiện. Từ kết quả có được này, thì phải chăng chuyện tặng quà Tết trái quy định đã không còn? Chính phủ đang có những động thái quyết liệt, Thủ tướng thẳng thắn “Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy, cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”. Quả thật, đây là một đề nghị hợp lòng dân và cũng không phải bây giờ mới được nhắc đến. Nhưng liệu rằng sau chỉ đạo ấy, Tết này thủ đô có thực sự vắng bóng những chiếc xe biển xanh các tỉnh về Hà Nội chúc Tết?

Câu chuyện này, hẳn sẽ còn nhiều điều chưa thể bóc tách trong một sớm một chiều. Chỉ biết rằng, người dân chờ đợi sự thay đổi về một cái “Tết sạch” được thực thi từ Trung ương đến địa phương, để quà Tết thực sự mang đúng sứ mệnh là văn hóa chứ không phải là đường đi của lợi ích, lòng tham, sự dối trá…

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy