Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:18 (GMT +7)

Xung quanh việc xét hai giải thưởng nhiếp ảnh danh giá nhất: Còn nhiều điều cần bàn

VNTN - Cứ 5 năm một lần (từ 1996), giới văn học nghệ thuật lại tất bật cho việc tuyển chọn, xét duyệt, đề cử tác giả, tác phẩm cho Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Hai giải thưởng danh giá trên đối với riêng ngành Nhiếp ảnh có nhiều vấn đề để bàn trong bối cảnh hiện nay.


Giải thưởng danh giá nhất kèm theo tiền thưởng hàng trăm triệu đồng (thời giá hiện tại), là sự quan tâm lớn của Nhà nước Việt Nam đối với văn nghệ sĩ. Một vài đợt trao giải trước, những tác giả và tác phẩm được trao là những tác phẩm nổi tiếng, có giá trị, có ảnh hưởng khá sâu rộng vào đời sống xã hội. Ở lĩnh vực Nhiếp ảnh đã có 5 Giải thưởng Hồ Chí Minh (HCM) được trao cho các nghệ sĩ: Võ An Ninh, Nguyễn Bá Khoản, Đinh Đăng Định, Vũ Năng An, Lâm Hồng Long. Giải Nhà nước (NN) đến nay đã ngót hai chục tác giả được trao.

Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê năm 1950 (Tác giả Vũ Năng An - Giải thưởng HCM

về nhiếp ảnh đợt đầu tiên 1996)

Gần 20 năm qua hầu như các tác phẩm của nhiếp ảnh Việt Nam được vinh danh Giải thưởng HCM, Giải thưởng NN đều là những tác phẩm về đề tài chiến tranh, đề tài lãnh tụ; cụ thể hơn là những ảnh chụp về mọi hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này không có gì phải bàn cãi, bởi đất nước ta đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho tới thắng lợi cuối cùng 30/4/1975. Mọi hoạt động xã hội đều nhằm phục vụ chiến tranh, văn học nghệ thuật nói chung, Nhiếp ảnh nói riêng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Với đặc thù nghề nghiệp đã có những đóng góp to lớn bằng những hình ảnh chân thực, sinh động về chiến tranh ở chiến trường và cuộc sống ở hậu phương. Nhiếp ảnh Việt Nam những năm đất nước chiến tranh luôn luôn là ngành nghệ thuật đi tiên phong, bởi trong những năm tháng này người nghệ sĩ cũng đồng thời là chiến sĩ, một lực lượng không nhỏ những người cầm máy của các cơ quan tuyên truyền lớn được huy động ra chiến trường…

Với văn học nghệ thuật thì chiến tranh và đề tài về chiến tranh vẫn gây những cảm hứng sáng tạo và thời gian không là trở ngại. Đại văn hào người Nga, Lep Tonxtoi viết bộ tiểu thuyết lừng danh: “Chiến tranh và hòa bình” sau cuộc chiến tranh Nga - Pháp hàng trăm năm, nhưng riêng với Nhiếp ảnh, sáng tạo tác phẩm hay ghi chép, phản ánh cuộc sống bắt buộc phải thông qua sự ghi thực bằng máy ảnh những diễn biến cuộc sống đang trực tiếp diễn ra, không thể hư cấu, thêm thắt, lược bỏ… Thế nên những hình ảnh của nhiếp ảnh là sự trung thực nhất của cuộc sống đang diễn ra, dù chiến tranh hay hòa bình.

Hội đồng xét giải phải hiểu biết, công tâm, khách quan

Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “Hội đồng xét duyệt hồ sơ tác giả và tác phẩm tham dự xét Giải thưởng HCM, Giải thưởng NN của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh sẽ tiến hành vào cuối tháng 8/2015. Theo ông Khánh, năm nay số lượng tác giả đăng ký nộp hồ sơ sẽ khá nhiều, khoảng vài chục người. Ông Khánh cho rằng, bản thân các tác giả phải thực sự quan tâm và đánh giá đúng về tác phẩm của mình. Tác giả phải chọn như thế nào để hội đồng xét thấy xứng đáng, tránh trường hợp gửi tới mấy chục ảnh về cùng một đề tài, hoặc tác phẩm chọn chưa tiêu biểu…”.

Đánh chiếm Phủ Khâm Sai (Bắc Bộ Phủ) ngày 19-8-1945  (Tác giả Vũ Năng An - Giải thưởng HCM về nhiếp ảnh đợt đầu tiên 1996)

Ở nước ta lâu nay cứ mỗi đợt xét phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Giải thưởng HCM, Giải thưởng NN trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là những đợt dư luận xã hội và cả trong ngành bàn cãi, tranh luận trái chiều. Nào là xứng đáng hay chưa xứng đáng, chạy giải, rồi xét duyệt ở cấp cơ sở chuyên ngành thiên vị, thiếu hiểu biết, tiêu cực… Giải thưởng vẫn cứ 5 năm trao một lần, Hội nào, ngành nào ít hoặc không có thì Hội, ngành đó thiệt… Nhà nước vẫn đầy sự quan tâm, ưu ái, khuyến khích văn nghệ sĩ đó thôi. Để được xét giải phải trải qua 3 hội đồng xét duyệt nghiêm ngặt: Hội đồng chuyên ngành, hội đồng cấp Bộ, hội đồng cấp quốc gia.

Ở lĩnh vực Nhiếp ảnh, trường hợp của nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Đinh Quang Thành là một ví dụ. Ông than thở: Trong lần xét trước, khi tác phẩm nổi tiếng của ông: Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất đưa ra, có vị trong hội đồng đã phán: “Tại sao bộ đội lúc ấy (ngày 30/4/1975) lại đội mũ cối. Đây là ảnh bố trí để chụp…, phải là đội mũ tai bèo mới đúng là quân giải phóng khi ấy chứ…”. Đáng tiếc đây là sự “phán” một cách thiếu hiểu biết, có lẽ bởi người phán chưa bao giờ ra chiến trận (bản thân người viết bài này cũng mang danh quân giải phóng tiến đánh từ Quảng Trị cho tới trưa ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn, và toàn bộ Quân đoàn 2 lúc ấy đội mũ cối). Hiện nay giới nhiếp ảnh đang rộ tin về một tác giả gửi tham gia xét Giải thưởng NN chụp một chiếc xe tăng 846 đang tiến vào dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Đã có những bài viết bảo vệ, những luồng ý kiến ủng hộ… Một trong những ý kiến nêu, đại ý: “không phải xe tăng 390, 843, nhưng lâu nay ảnh chụp chiếc xe tăng này đã trở thành biểu tượng trên sách báo, truyền thông mỗi dịp nói về chiến thắng 30/4/1975… Lạ quá, nếu thế thì phải trao ngay giải thưởng cho bà nữ phóng viên người Pháp chụp chiếc xe tăng đầu tiên vào dinh Độc Lập; rồi người chụp chiếc 843 và những chiếc sau đó lần lượt qua cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 thì mới công bằng”.

Riêng mảng tác phẩm nhiếp ảnh về lãnh tụ Hồ Chí Minh, 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An và Đinh Đăng Định, bên cạnh những tác phẩm khác, đã quá xứng đáng nhận giải thưởng HCM vì những cống hiến xuất sắc và tài năng của họ khi chụp những tác phẩm vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chụp về Bác Hồ có rất nhiều nghệ sĩ, phóng viên ảnh thành công. Tuy nhiên, năm 2015 này lại thấy xuất hiện thêm một tác giả người miền Trung trước kia công tác ở một tỉnh phía Bắc, chụp về Bác những lần Bác về thăm tỉnh và tham dự giải thưởng lần này. Chất lượng ảnh của phóng viên tỉnh khi xưa thì ai cũng biết. Nghệ sĩ lão thành Mai Nam thẳng thắn và có phần bức xúc: “Nếu thế thì tôi có hàng trăm ảnh về Bác Hồ…”.

Quyền chọn tác phẩm và tham dự xét giải thưởng là quyền các nghệ sĩ. Xét chọn những tác phẩm, công trình của tác giả nào vào vòng giải là quyền của Hội đồng xét giải. Chính thế nên đòi hỏi hội đồng xét giải cấp cơ sở phải là những người có kiến thức văn hóa sâu rộng, kiến thức và khả năng chuyên môn giỏi. Điều quan trọng nhất, những người “cầm cân nảy mực” ấy phải là những con người trung thực, khách quan, công tâm và không vụ lợi…

Hết đề tài chiến tranh, lãnh tụ, Nhiếp ảnh chọn cái gì để xét giải?

Chiến tranh kết thúc đã 40 năm, lãnh tụ Hồ Chí Minh mất đã 46 năm, một điều lạ của nhiếp ảnh đó là: Đề tài về chiến tranh, đề tài về lãnh tụ vẫn tiếp tục được chọn xét giải. Nhưng lại cũng có điều không lạ, là những tác phẩm về đề tài chiến tranh và lãnh tụ, nhiều ảnh vẫn đang phát huy giá trị cho ngày hôm nay và tương lai.

Vậy nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Phải chăng qua 4 đợt xét chọn trước vẫn còn nhiều tác phẩm và tác giả xứng đáng nhưng chưa được chọn? Phải chăng Nhiếp ảnh Việt Nam 40 năm qua không có tác phẩm, tác giả nào xứng đáng để được xét chọn? Dư luận trong giới nhiếp ảnh “cồn” lên: Những ảnh xứng đáng về chiến tranh, về lãnh tụ đều đã được trao giải rồi, những cuộc sau là “vét” hàng thứ phẩm. Và, một khi hàng “thứ phẩm” muốn được đẩy lên hàng “chính phẩm”, ai dám chắc không có những “gì gì” phía sau…!

Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975, trong 30 năm đã chứng tỏ vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, đã bằng vũ khí sắc bén của mình đi tiên phong ghi chép hiện thực hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, cùng mọi hoạt động xã hội của nước nhà. Thế nên, cho dù đã sau 40 năm nhưng chắc chắn còn nhiều tác phẩm ảnh giá trị của nhiều tác giả tài năng, nhưng vì những lý do nào đó đã bị bỏ sót hoặc đã bị cố tình bỏ qua…

Từ năm 1975 đến nay, sự phát triển của nhiếp ảnh là vượt bậc, bởi nhiếp ảnh là nghệ thuật gắn liền với sự phát triển của công nghệ hiện đại nhất của nhân loại. Công nghệ kỹ thuật số thay đổi hàng ngày, hàng giờ, phương tiện (máy ảnh) của nhiếp ảnh cho phép người nghệ sĩ thực hiện được mọi ý đồ nghệ thuật như mong muốn (khác những phương tiện ngày trước hạn chế). Trình độ kiến thức chuyên môn về nhiếp ảnh 40 năm qua của những người cầm máy Việt Nam không hề thua kém những nền nhiếp ảnh tiên tiến trên thế giới. Và, điều quan trọng là rất nhiều tác phẩm Nhiếp ảnh đẳng cấp quốc tế của Việt Nam nhiều khi tỏ ra vượt trội với các nền nhiếp ảnh khác về nghệ thuật.

Vậy tại sao hai giải thưởng danh giá nhất về văn học nghệ thuật của nhiếp ảnh Việt Nam vẫn cứ xoay quanh hai chủ đề đã nói trên? Phải chăng 40 năm qua nhiếp ảnh Việt Nam quá kém, không có những tác phẩm và tác giả xứng đáng? 40 năm qua nền nhiếp ảnh Việt Nam thụt lùi hoặc dậm chân tại chỗ, ngoài hai đề tài đã nêu, nhiếp ảnh Việt Nam với đội ngũ hội viên nghệ sĩ hơn nghìn người, không còn gì để chọn xét giải?

Đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy, trình độ nhận thức, kiến thức… của nhiếp ảnh Việt Nam. Hiểu biết và nhận thức đúng về cái đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh phục vụ nhân dân, trong bối cảnh hội nhập hôm nay là một điều đòi hỏi sự cầu thị, công tâm, khách quan…

Trao đổi vấn đề này, ông Vũ Quốc Khánh cho biết: “Trong đợt xét chọn này, hội đồng cơ sở của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ quan tâm đến các tác phẩm đương đại, theo tinh thần của Nghị định 90 CP năm 2014 của Chính Phủ ban hành. Thí dụ như những tác phẩm chụp về các công trình lớn, những ảnh về bảo vệ Tổ quốc…”

 

Cao Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy