Xuân trên những cánh đồng mẫu lớn
VNTN - Phú Bình được biết đến là vựa lúa của tỉnh với diện tích và sản lượng lúa lớn nhất. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh đang xây dựng, triển khai Dự án cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao với quy mô 226 ha tại 3 xã: Úc Kỳ, Tân Đức và Xuân Phương. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đến nay, việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn huyện Phú Bình đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng mở ra hướng sản xuất mới.
Việc DĐĐT tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xã Tân Đức đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng năng suất cây trồng (Trong ảnh: Trình diễn máy cấy tại cánh đồng Toan xã Tân Đức trong vụ Xuân)
Những ngày đầu xuân, về miền quê lúa Phú Bình có thể cảm nhận được những cánh đồng rộng lớn, thẳng cánh cò bay. Vụ Xuân năm nay là vụ sản xuất đặc biệt đối với người dân các xóm Diễn Cầu, Diễn, Ngoài, Trại Vàng, Lềnh, Quại của xã Tân Đức huyện Phú Bình. Ai cũng cảm thấy phấn chấn bởi đây là vụ thứ hai người dân được sản xuất trên những thửa ruộng lớn, chấm dứt tình trạng sản xuất manh mún thiếu hiệu quả như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Hà, xóm Trại Vàng xã Tân Đức phấn khởi cho biết: “Nhà nước có chính sách DĐĐT tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cày bừa cấy hái. Nhà tôi có hơn 5 sào ruộng như mọi năm phải vài ngày mới cấy xong nhưng năm nay chỉ hơn một ngày gia đình tôi đã cấy xong”. Chung cảm nhận như ông Hà, bà Đào Thị Trọng, xóm Ngoài xã Tân Đức cho biết: “Trước đây, nhà tôi có 4 thửa ruộng nhỏ, khó khăn cho sản xuất vì các ruộng ở xa, khó dẫn nước và chăm sóc lúa sau cấy. Nay được nhà nước cho DĐĐT, chúng tôi thấy việc sản xuất rất thuận lợi và yên tâm hơn nhiều”.
Thực tế, khi mới bước vào triển khai Dự án cánh đồng lớn, xã Tân Đức cũng gặp không ít khó khăn. Song với sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân nên việc DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã hoàn thành kịp tiến độ, không ảnh hưởng đến thời vụ của bà con. Đặc biệt, trong việc chia lô cho các hộ dân, Đảng ủy, UBND xã Tân Đức thực hiện phương pháp ưu tiên các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được lựa chọn những ô ruộng sản xuất thuận lợi hơn. Đảng viên và cán bộ làm gương sản xuất tại những ô còn lại. Nhờ vậy, việc DĐĐT diễn ra nhanh chóng, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã luôn phân công cán bộ chuyên môn và đại diện lãnh đạo xã thường xuyên túc trực trên cánh đồng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Kết quả, đến nay, xã đã DĐĐT được tất cả các diện tích theo kế hoạch. Trước đây, các cánh đồng Toan, Bụt, Pheo, Sâu… của 6 xóm thực hiện dự án có tới trên 1.000 thửa lớn nhỏ thì nay được quy hoạch dồn lại thành 49 ô ruộng lớn của 600 hộ dân trên địa bàn 6 xóm. Để thuận lợi cho việc vận chuyển và sản xuất, xã tiến hành đào, đắp mới hơn 20km đường nội đồng, đường bờ vùng, bờ thửa; kênh mương nội đồng. Nhờ vậy, ngay từ vụ sản xuất đầu tiên trên cánh đồng lớn, xã Tân Đức đã bắt đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: máy cấy cầm tay; sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng một giống, lúa hữu cơ, áp dụng quy trình canh tác cải tiến SRI...
Cánh đồng lớn xã Xuân Phương nhìn từ trên cao
Trong vụ Xuân 2018, nông dân Tân Đức đã nhận đất canh tác trên vùng DĐĐT, đồng thời ký hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với Công ty TNHH Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức người dân trong việc liên kết tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Kết quả, năng suất lúa bình quân đạt 60,5 tạ/ha, tăng 5,5 tạ/ha; giá trị sản xuất sau DĐĐT tăng 41,7 triệu đồng/ha so với trước đây… Hiệu quả xã hội và môi trường cũng được người dân nhìn nhận rõ ràng hơn, để từ đó tăng cường sự gắn kết, liên kết sản xuất giữa người dân trong xã với các tổ chức hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ. Những kết quả bước đầu thuận lợi sẽ là tiền đề để xã tiếp tục rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn trong những vụ tiếp theo.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tân Đức (Phú Bình) cho biết: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi gặp một vài khó khăn do lúc đầu nhân dân chưa hiểu hết được ý nghĩa của dự án, ngại khó, nghi ngờ vào sự thành công của dự án. Tuy nhiên với cách làm bài bản của chính quyền xã cũng như sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, xã đã giao toàn bộ diện tích đến từng hộ dân. Từ thành công này sẽ là bước tiến lớn cho người nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện cánh đồng một giống năng suất cao”.
Cũng giống như Tân Đức, Xuân Phương là 1 trong 3 xã của huyện Phú Bình được chọn làm điểm để thực hiện DĐĐT với diện tích 91,6ha. Để thực hiện nội dung này, ngay khi nhận được kế hoạch của cấp trên, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo DĐĐT và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn giúp người dân nhận thức đầy đủ về mục đích và những lợi ích sẽ được hưởng. Tuy là vụ đầu tiên thực hiện sản xuất thí điểm việc DĐĐT nhưng ngay trong vụ mùa năm 2018, hiệu quả bước đầu đã thấy rõ trên cánh đồng lớn xã Xuân Phương. Bà con tiến hành cấy sớm hơn bởi chủ động được nguồn nước, máy móc cũng tới ruộng rất dễ dàng vì những trục bờ thửa chính đã được quy hoạch lại, còn những bờ thửa manh mún cũng đã san gạt, mặt ruộng cũng không còn chỗ cao, chỗ thấp. Việc lấy nước cũng rất dễ dàng vì hai bên đường đều có hai mương, chứ không phải lấy qua nhà nào cả. Ông Dương Đình Thoa, Trưởng xóm Thắng Lợi, xã Xuân Phương cho biết: “Trước kia, mỗi hộ trong xóm có từ bẩy đến tám thửa ruộng nằm rải rác thì nay đã quy lại thành một đến hai thửa. So với trước, việc dùng máy móc khiến thời gian gieo cấy, cày bừa, gặt được rút ngắn, nếu thuê người gặt thì hết hơn 200 nghìn đồng/sào, còn thuê máy gặt công suất lớn chỉ mất khoảng 120 - 130 nghìn đồng/sào thôi, đỡ được bao nhiêu”.
Trong các xã thực hiện việc DĐĐT, cánh đồng lớn lần này, Úc Kỳ là địa phương được kỳ vọng tạo ra chuyển biến lớn ở cả năng suất và giá trị. Bởi đây là địa phương có giống lúa nếp Thầu Dầu đặc sản. Nếp Thầu Dầu được bà con gieo trồng trên đồng đất Úc Kỳ từ xa xưa, người dân sử dụng gạo nếp chế biến thành nhiều món ăn, gia vị như bánh dày, bánh chưng, tương nếp. Năm 2012, lúa nếp Thầu Dầu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Qua đánh giá của các nhà chuyên môn, do phù hợp với thổ nhưỡng nên loại nếp này trồng ở Úc Kỳ cho năng suất cao và chất lượng tốt, vì lẽ đó, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chương trình phục tráng giống; áp dụng phương pháp canh tác cải tiến SRI để giữ gìn và phát triển giống nếp… Hiện nay, diện tích cấy lúa nếp Thầu Dầu ở xã Úc Kỳ là 71ha (tăng gấp 2 lần so với năm 2012), năng suất lúa tăng từ 33 tạ/ha lên 48 tạ/ha. Nhờ DĐĐT nên việc sản xuất lúa nếp Thầu Dầu gặp nhiều thuận lợi hơn. Năng suất và chất lượng lúa nếp Thầu dầu tăng lên rõ rệt từ sau khi tiến hành DĐĐT.
Bà Dương Thị Cậy, ở xóm Ngoài 1 xã Úc Kỳ chia sẻ: “Những năm qua, nhờ có sự quan tâm của địa phương trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai các chương trình phục tráng nếp Thầu Dầu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất… chất lượng giống, sản phẩm gạo nếp ngày càng nâng lên, được nhiều khách hàng lựa chọn. Do đó, gia đình tôi đã thuê thêm ruộng của các hộ dân khác để gieo cấy 20 sào giống nếp này. Vụ mùa năm 2018, lúa được mùa, mỗi sào gia đình thu được từ 1,6 đến 1,7 tạ, cao hơn năm ngoái từ 0,2 đến 0,3 tạ…”.
Nhờ DĐĐT nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất của
người dân xã Úc Kỳ gặp nhiều thuận lợi
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, 3 xã được chọn làm điểm là Úc Kỳ, Tân Đức, Xuân Phương đã tổ chức DĐĐT được 135/226ha, đạt 60% kế hoạch. Ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Nhờ cách làm bài bản, chắc chắn nên việc DĐĐT trên địa bàn huyện nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Kết quả này sẽ tạo tiền đề để nông dân thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo giá trị gia tăng cao hơn. Khi dồn điền đổi thửa thành công, một số doanh nghiệp đã quan tâm, muốn đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Từ việc quyết tâm thực hiện chủ trương ở cơ sở, năm 2018, sản lượng lương thực có hạt bình quân của huyện Phú Bình đã đạt 79 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt đạt 90,5 triệu đồng. Có thể thấy, việc hình thành cánh đồng mẫu lớn ở Phú Bình là chủ trương đúng và tất yếu, nhận được tín hiệu tích cực từ phía nhân dân. Đây là điều kiện thuận lợi để các xã được chọn làm điểm thực hiện việc DĐĐT tiếp tục triển khai những bước tiếp theo, tiến tới phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng của địa phương mình, góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện Phú Bình nói riêng và Thái Nguyên nói chung.
Dương Văn Mưu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...