Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
14:15 (GMT +7)

Xong việc mình là… về

- Cuối tháng này, câu lạc bộ chúng ta tổ chức chương trình giao lưu thơ - nhạc, chúng ta sẽ mời các câu lạc bộ bạn đến tham dự. Đề nghị mọi người đăng ký tiết mục.

 Anh chủ nhiệm vừa dứt lời đã thấy tiếng chị Tâm vảnh vót: - Úi giời, giao lưu rồi thì cuối cùng toàn mình diễn cho mình xem thì “giao” làm gì.

Chị Tâm kể vanh vách:

- Các anh chị để ý mà xem, mấy lần câu lạc bộ mình mời giao lưu, lúc khai mạc thì rõ đông, nhưng ai xong tiết mục của họ là họ về. Đến cuối chương trình là chỉ mình xem của mình, các chị thấy có đúng không ạ?

- Đúng, đúng đấy, thế nên chúng ta phải có cách, mọi người nhao nhao hiến kế: “Chia tiết mục của họ ra từ đầu đến cuối, không cho họ về”; “mời họ ở lại ăn cơm”; “nhắc nhở họ không nên về sớm”…

Anh chủ nhiệm để mọi người nói xong mới từ tốn: Đúng là có việc ấy thật. Tôi nhiều lần định trao đổi với các chủ nhiệm bạn để nhắc nhở hoặc có “biện pháp” như các anh chị nói, nhưng cuối cùng lại thôi đấy. Mọi người có biết vì sao không ạ? Vì chính chúng ta khi đi giao lưu cũng thế, cứ xong tiết mục của mình là về luôn.

Anh chủ nhiệm chậm rãi: Họ mời chúng ta, chúng ta mời họ, nó là truyền thống từ trước đến nay của các câu lạc bộ, cuộc sống này không thể nhà nào “tự chơi” nhà ấy. Nhưng các chị nghĩ lại mà xem, hầu như lần nào các chị cũng có lý do xin phép về trước. Ngay như lần giao lưu gần nhất với câu lạc bộ Gió Thu, đến phút chót còn có ba người trong ban chủ nhiệm ở lại. Nhìn các chị em nhà mình “xong việc” là lũ lượt xách túi về, nói thực là tôi rất ngượng, nhưng ai cũng có lý do cả. Người thì bảo về trông cháu, người về nhà có khách đột xuất, người thì bảo đến giờ nấu cơm cho chồng ăn… Đấy, các chị thấy tôi nói có đúng không?

Mọi người im lặng hồi lâu, rồi vẫn tiếng chị Tâm: Suy cho cùng thì mình là nguyên nhân mà cũng là nạn nhân. Các cụ có câu “tôn khả, khả tôn”, mình tôn trọng người khác thì người khác tôn trọng mình. Thực ra nán thêm vài chục phút cũng không ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới”, nhưng bản tính vội vàng lo lắng cho gia đình của phụ nữ nhiều khi lại thành “bất lịch sự”. Ngay như tôi đây, cứ lo đúng giờ phải về nấu cơm cho chồng ăn, nhưng bản thân ông ấy có cần đâu, mình không nấu ông ấy tự nấu, nhưng đã thành lệ mấy chục năm nay, tự mình “trói” mình thôi.

Không biết nội dung cuộc trò chuyện của câu lạc bộ tôi có bị “rò rỉ” ra ngoài hay thế nào mà lần giao lưu ấy các câu lạc bộ bạn không ai “xong việc là về” như mọi khi. Những gương mặt rạng ngời nắm tay nhau hát bài “Kết đoàn” kết thúc chương trình. Tất cả còn chụp chung kiểu ảnh thắt chặt mối quan hệ giữa các câu lạc bộ.

Anh chủ nhiệm câu lạc bộ tôi hỉ hả lắm. Anh bảo chưa lần giao lưu nào vui và hoành tráng như lần này. Mọi người không chỉ đến đông mà chú ý lắng nghe, cổ vũ nhiệt tình từ đầu đến cuối, người diễn trước hay người diễn sau đều có khán giả, ai cũng khen câu lạc bộ mình tổ chức bài bản, chất lượng, bõ công tập luyện, chuẩn bị gần tháng trời.

Anh chủ nhiệm hạ giọng, tủm tỉm: Câu lạc bộ bạn họ “làm mẫu” cho mình rồi đấy, mình giao lưu với họ cũng phải “hết mình” như thế đấy nhé.

- Nhất trí - tiếng chị Tâm lại vảnh vót - đã làm việc gì thì xác định trọn vẹn việc đó, có đầu có đuôi, có trước có sau, các bà nhể.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 4 tuần trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 5 tháng trước