Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:47 (GMT +7)

Xong việc em là… em về

VNTN - Cầm tờ giấy mời dự hội nghị lên tay, tôi đọc rõ ràng từng chữ: 8 giờ, hội nghị khai mạc, các đại biểu phải có mặt lúc 7 giờ 30 phút để nhận tài liệu.

Ấy vậy mà hơn 8 giờ, khu vực nhận tài liệu vẫn đông nghịt, người đi người lại nhốn nháo. Gần 8 giờ 30 phút, hội nghị mới bắt đầu.

Sau bài phát biểu khai mạc, đến phần đọc báo cáo, là lác đác có người ra về. Họ dùng nhiều cách để ra khỏi chỗ ngồi. Người đưa điện thoại lên tai, giả vờ như có ai gọi, thế rồi tai nghe chân bước. Người làm như là đi uống nước, đi “giải quyết nỗi buồn” rồi tiến thẳng ra chỗ để xe. Giờ giải lao cũng là lúc đại biểu “bốc hơi” nhiều nhất.

Sau giải lao trở vào hội trường, số người còn rất ít. Người ngồi lại chủ yếu là người sẽ đọc tham luận theo chỉ định trước của ban tổ chức hội nghị hoặc sẽ được lĩnh khen thưởng. Tôi lẩn thẩn đếm, số có mặt trong hội trường chỉ chênh với danh sách được lên lĩnh thưởng có… 5 người. Sau khi lĩnh thưởng xong, không ít người ôm phần thưởng đi thẳng ra cửa, chẳng quan tâm ai người lĩnh sau. Khổ nhất là người kết luận hội nghị, lúc đó hội trường trống ngoác, bao nhiêu chỉ đạo cần làm cái này trước mắt, làm cái kia lâu dài rơi vào… thinh không.

Cái việc “ngót” dần người ở các cuộc họp giờ là chuyện xảy ra như cơm bữa. Đến nỗi có nơi phải áp dụng một số biện pháp chống “ngót”. Bạn tôi làm văn phòng, hay phải tổ chức họp hành, bạn bảo phải “bỏ túi” một số “mẹo” nhỏ: Nếu hội nghị có quà thì cuối buổi mới phát, theo bạn đây là giải pháp hữu hiệu nhất. Còn có cách khác là điểm danh cuối buổi, báo về cơ quan người không có mặt, yêu cầu cơ quan kiểm điểm. Biện pháp tức thời là đóng cửa hội trường “nội bất xuất, ngoại bất nhập”... Và bạn còn bật mí thêm kinh nghiệm: Nếu hội nghị tổ chức ăn cơm, thì phải trừ hao đặt cỗ khoảng 30% số người có mặt lúc khai mạc, nhưng cũng tùy tình hình, đến giữa buổi họp mà trời đổ mưa to thì số người ở lại ăn sẽ đông hơn.

Cứ nghĩ mông lung hoài rồi tôi cũng tìm được nguyên nhân vì sao người đi họp lại thích ra sớm. Thứ nhất, có lẽ nội dung cuộc họp không có gì đặc biệt, chủ yếu là những thông tin đã biết. Thứ hai, nội dung cuộc họp và người đi họp ít có mối quan hệ “sát sườn” nào. Thứ ba, người đăng đàn diễn thuyết (hoặc báo cáo) không thuyết phục, không thu hút, khiến người nghe mệt mỏi. Thứ tư, quan trọng hơn hết, là văn hóa hội nghị của không ít cán bộ, đảng viên còn yếu, lại thêm tâm lý đối phó, chủ yếu đến “đánh trống ghi tên”. Vào cuộc họp, họ nói chuyện, làm việc riêng, về sớm, thậm chí có người ngả đầu ra ghế ngủ một giấc ngon lành. Từ đó hiệu quả nhiều cuộc họp mang lại rất hạn chế.

Để “giải cứu” tình trạng cuộc họp càng về sau càng vắng người, tôi nảy ra mấy giải pháp sau: Phải tiết chế tối đa việc tổ chức họp và thành phần mời họp. Nội dung cuộc họp cũng nên “đậm đặc” thông tin thiết yếu, sát sườn với người nghe. Thứ nữa là người báo cáo (hoặc triển khai nghị quyết) phải chuẩn bị “giáo án” sao cho hấp dẫn, đừng nói đều đều ru ngủ, cũng đừng ngọng nghịu “l”, “n” “nẫn nộn” khiến người nghe chỉ muốn bỏ ra ngoài cho đỡ “chối tai”. Và cuối cùng, lãnh đạo cơ quan đơn vị được mời họp nên phân công người dự họp đúng nhiệm vụ, không họp hộ, người đi họp nên hiểu, cách dự họp cũng thể hiện văn hóa mỗi người, hơn nữa mình lại là cán bộ, đảng viên

 

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước