Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:30 (GMT +7)

Xóa nghèo

VNTN - Thắp xong nén hương bàn thờ chồng, chị Tần ngồi xuống ghế thẫn thờ. Thế mà anh mất thoắt đã gần ba năm. Bệnh ung thư phổi đã cướp đi của chị người chồng yêu quý. Nhà chị, anh cũng là người duy nhất có lương. Anh mất đi  gia đình kinh tế kiệt quệ, khủng hoảng trầm trọng. Sau khi anh mất, chưa có việc gì khác chị vẫn phải đôi quang gánh với chục mớ rau, vài cân quả đi chợ kiếm tiền mua gạo. Ba đứa con đều còn tuổi học phổ thông, vườn tược chỉ có vài chục mét. Tổ dân phố xét thấy chị chẳng có thu nhập bao nhiêu nên xếp gia đình chị vào hộ nghèo. Lúc đầu chưa rõ thế nào, chị nhận. Sau nghĩ lại chị cảm thấy xấu hổ, bức bối. Là người đàn bà còn đủ chân tay, còn sức khỏe, con cũng lành lặn mà lại là nhà nghèo, kém cỏi nhất tổ. Nhìn lên bàn thờ anh, chị lầm nhầm: Anh ơi, em không chịu mãi cảnh này đâu. Anh có thương phù hộ cho em, bày cho em một cách gì đó để em thoát nghèo, nuôi các con học hành tiến tới có việc làm. Em không muốn cúi mặt mãi với bà con đâu anh.

Biết tâm trạng của mẹ nên mấy đứa con chị cũng chăm chỉ học hành. Đứa nào cũng giống tính bố cần cù, chịu khó, tiết kiệm. Chị tin là sẽ tìm ra giải pháp.

Vừa nghĩ đến đó thì có tiếng ai đó ngoài ngõ, nhìn ra là bà Lương, chi hội trưởng phụ nữ. Bà Lương tuổi cao nhưng có tiếng thương người nên vẫn được chị em bầu. Bà Lương hỏi han việc đi chợ, chuyện học hành rồi hỏi sang ý định làm ăn. Chị Tần thổ lộ:

- Em đang nghĩ chuyện muốn nhanh chóng thoát nghèo thì bác đến. Em đang còn bí lắm. Bác có kế gì chỉ bảo cho em với.

Như đã có suy nghĩ từ trước, bà Lương ân cần.

- Này nhé, tớ chỉ có gợi ý, còn cậu phải là người quyết định, phải lấy ngắn nuôi dài. Trước mắt tớ sẽ giúp cho việc bán rau tăng lên đã. Tớ có đứa cháu làm hiệu trưởng trường tiểu học trong phường. Tớ sẽ qua trường đặt vấn đề với trường xin trường giúp xóa nghèo cho nhà cậu bằng cách nhận mua rau cho các cháu bán trú. Tất nhiên rau phải qua công đoạn sạch sẽ an toàn. Cậu có làm được không?

Chị Tần nghe bà nói mắt sáng long lanh:

- Ôi, bác giúp như thế còn gì hơn nữa.

- Tốt lắm. Còn nữa, hôm nào rảnh về quê xem ở quê em có nghề gì mà vốn ít, phương tiện nhỏ, có thể sử dụng lao động của nhà, em học rồi đưa lên đây mà làm, có gì khó khăn các chị giúp một tay.

Được lời như cởi tấm lòng. Chị Tần bắt tay vào ngay. Rau chị bán cho nhà trường ai cũng khen vừa sạch lại tươi, ngon, giá phải chăng. Thế là cả nhà có thêm chút thu nhập. Ngày giỗ mẹ chồng, về quê chị Tần như được mở rộng tầm mắt. Cả làng quê chị sôi động làm ăn giàu có với những nghề truyền thống. Có một nghề chị thấy tuy hơi nhếch nhác nhưng vốn ít mà lại dễ tiêu thụ. Về nhà chị bàn với con, đứa nào cũng hồ hởi sẵn sàng cùng mẹ tiến hành càng sớm càng tốt. Chị hiểu muốn làm cũng phải có vài triệu mua máy và trang bị ban đầu. Chị sang nhà bà Lương trình bày, bà Lương nghe xong cười sảng khoái.

- Tưởng gì, việc nhỏ. Chi hội phụ nữ sẽ cho cậu vay không lãi 2 triệu. Vận động chị em khá giả mỗi nhà cho cậu vay 100 nghìn không lãi được chưa. Chị sẽ hỏi hộ ban quản lý chợ xếp cho chỗ ngồi bán. Mọi người trong tổ ai thích ăn ưu tiên sang nhà mua cho cậu.

Chỉ thời gian ngắn sau, xưởng làm đậu của chị Tần được khắp vùng biết đến, một tay chị vừa sản xuất vừa bán, mấy đứa con tranh thủ giúp mẹ. Cả gia đình mải mê làm kinh tế. Một năm sau, chị Tần đã đăng ký xóa nghèo.

Nhìn mẹ con chị cả tổ ai cũng vui. Thế mới biết việc xây dựng đời sống văn hóa hôm nay các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư chính là đòn bẩy tạo thêm nguồn sinh lực cho mỗi nhà

 

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước