Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
11:57 (GMT +7)

Xin đừng “gieo vừng ra ngô”

VNTN - Với những ai yêu thích nghệ thuật cải lương, hẳn biết rằng “Tô Ánh Nguyệt” của Trần Hữu Trang là một trong những tác phẩm thành trì của sân khấu; biểu tượng phụ nữ chịu thương chịu khó, lầm lũi và thanh cao. Vậy nhưng gần đây, mạng xã hội đang nóng lên bởi một “Tô Ánh Nguyệt Remix”, là một phụ nữ chua ngoa, vô học, ích kỷ và hung tợn. Vở hài kịch này được dàn dựng trên sân khấu hải ngoại nhằm mục đích gây cười, nhưng đã làm méo mó nguyên bản một cách trầm trọng. Tác giả là danh hài Trấn Thành đã bị Thanh tra Sở VH-TT TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính  32,5 triệu đồng.

Việc đưa chút tiếu lâm vào cải lương hiện nay không phải là quá mới mẻ, nhưng cải biên các tác phẩm đã “nằm lòng” công chúng không phải là chuyện dễ. Trước Trấn Thành, nhiều nghệ sĩ cũng đã cải biên, thêm mắm dặm muối hài kịch hóa các trích đoạn kinh điển như: Phụng Nghi Đình; Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài; vở cải lương rất sướt mướt như “Người đẹp trong tranh”… Thực tế cho thấy, có rất nhiều chương trình hài trên truyền hình gần đây vay mượn cải lương như: Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Hội quán tiếu lâm,… Nghệ sĩ cải lương Kim Tiểu Long đã rất bức xúc cho rằng, “Tô Ánh Nguyệt Remix” đã phá vỡ một kịch bản cải lương kinh điển, sợ rằng các khán giả Việt trẻ tuổi ở nước ngoài sẽ không hiểu đúng về nghệ thuật cải lương khi xem nó.

Trấn Thành, Ngọc Giàu, Anh Đức biểu diễn vở hài kịch "Tô Ánh Nguyệt Remix" 

 Ảnh cắt từ clip. nguồn: Internet

Nói đến chuyện chuyển thể, cải biên, chúng ta thấy phổ biến nhất là từ văn học sang điện ảnh. Có những sản phẩm điện ảnh còn mang tầm nghĩa sâu hơn tác phẩm văn học nguyên gốc như: “Tướng về hưu” của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi; “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh (đều được chuyển thể từ các truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp). Nhưng cũng có những sự cải biên làm “không tới”, người đạo diễn đã không làm cho chủ đề trong tác phẩm văn học được nổi bật, rõ ràng. Ví như “Trăng nơi đáy giếng” (nhà văn Trần Thùy Mai) của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn không nổi bật được hình tượng nhân vật; hay như “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư) của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thì lại mang một chủ đề tư tưởng riêng, khác với chủ đề của tác phẩm văn học.

Trong quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, cải biên tác phẩm nghệ thuật chính là đang xâm phạm quyền tác giả. Tuy vậy, ở một số nước trên thế giới, pháp luật lại cho phép cải biên và có những quy định chặt chẽ cụ thể trong luật hoặc trong án lệ. Luật sở hữu trí tuệ của Pháp quy định, khi một tác phẩm được công bố, tác giả không thể ngăn cấm việc nhại, chế, cải biên tác phẩm đó bởi vì tuân theo quy luật cần thiết, tính đa dạng của sở thích. Tác phẩm cải biên khác với tác phẩm gốc có thể là do có thêm tính khôi hài hay tính phê phán (trên tinh thần xây dựng). Nếu cải biên dựa trên cơ sở quyền tự do bày tỏ ý kiến mà làm tổn hại đến quyền của tác giả về tài sản cũng như tinh thần (nhân thân) thì vẫn được cho phép như một ngoại lệ. Cũng theo Luật này, việc cải biên cần tuân thủ một số điều kiện: là thiện chí tạo sự vui vẻ cho công chúng, tác phẩm cải biên không thể gây buồn phiền. Nói cách khác, mục đích gây cười phải được thể hiện thật rõ ràng và đặc biệt phải tránh xa sự phỉ báng. Nhìn ở góc độ lập pháp, thiện chí này được coi là điều kiện cần để thực hiện cải biên. Xét theo các án lệ, khi mọi hành vi bắt chước các tác phẩm nghệ thuật gây cười được sẽ không bị chế tài. Và đến nay, theo thực tiễn xét xử, thì luật của Pháp đã cho một kết luận mới, là ngoài cải biên có thiện chí gây cười, thì cải biên để phê phán sinh hoạt chính trị - xã hội không gây cười cũng đã được phép thông qua các án lệ.

Tuy rằng luật pháp Việt Nam chưa có những quy định sát sao và chặt chẽ như ở Pháp. Thông thường, ít ai quan tâm đến khía cạnh pháp lý của hành vi cải biên. Nhưng rõ ràng là chúng ta sẽ không thể chấp nhận một kiểu “gieo vừng ra ngô” lố bịch như “Tô Ánh Nguyệt Remix”. Sự việc này như hồi chuông cảnh báo, một bài học thiết thực đối với những ai đã và đang dấn thân cùng nghệ thuật chân chính.

 

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy