Xem tỷ phú người Tày làm giàu từ cá giống
VNTN - Cứ đến Cổ Lũng (Phú Lương), hỏi anh Phương Văn Vị, người làm cá giống thì người dân và người làm cá ở đây ai cũng biết. Không chỉ là một Trưởng xóm nhiệt tình, uy tín, anh Vị (46 tuổi) còn là một tỷ phú người Tày nhờ nuôi cá giống cực “mát tay”. Hiện anh đang làm chủ một trang trại rộng gần 30.000 m2, hàng năm mang về nguồn lợi không nhỏ.
Trời nắng như đổ lửa. Những ngôi nhà ống chen nhau mọc lên hai bên đường quốc lộ 3, khu vực thuộc xã Cổ Lũng, càng khiến không gian thêm bức bí. Vậy mà chỉ rẽ qua cổng xóm Đường Goòng, bắt vào con đường liên thôn, không khí đã khác hẳn. Cây cối xanh mướt, cảm giác cái nóng giảm đi cả chục độ C. Chạy xe vòng vèo để vào nhà anh Vị trên con đường bê tông mới đổ, hai bên là đồi chè và đồi keo ngút ngát, cảm giác thật dễ chịu.
Làm giàu có dễ như ăn kẹo?
Nhà anh Vị nằm giữa quả đồi thấp như một ốc đảo xanh xung quanh là vô số những đồi, núi đất đầy cây cối. Phía sau lưng và bên phải là hai dãy núi đất trồng keo, chè. Trước sân, vườn ổi sai trĩu quả, đàn gà đang tha thẩn kiếm mồi. Khu chuồng lợn, chuồng gà được quy hoạch gọn ghẽ. Cây ăn quả, rau, lúa… mùa nào thức nấy chẳng thiếu thứ gì.
Quanh nhà anh Vị là những thửa ruộng lô xô, xen kẽ với hệ thống ao xây nuôi cá giống nước trong xanh. Nhìn quang cảnh và cơ ngơi của anh chúng tôi liên tưởng đến một Farmstay (loại hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng, trải nghiệm sản xuất cùng người nông dân) ở vùng đất Cổ Lũng, Phú Lương này...
“Làm cá giống nhanh lắm, lợi nhuận gấp mười lần cấy lúa, lại nhàn chỉ mất chút thời gian buổi sáng vớt bèo cho cá ăn là cá lớn thôi thổi. Đầu năm vừa rồi cả cá lưu và cá hương, cá bột mình xuất khoảng 2 tấn, thu về hơn trăm triệu…”. Như sợ khách không tin anh nhẩm tính: Cá bột (là cá mới nở bé như đầu sợi tóc) mua 400 - 500 nghìn/ 1 cốc. Mỗi cốc giống nuôi đậu được khoảng hơn 2 vạn con. Nuôi tầm hơn tháng thì thành cá hương (bé bằng đầu que hương). Cá hương được giá bán 300 nghìn/1 kg, không thì 200 - 250 nghìn/1kg, mỗi kg được khoảng 1.000 - 1.500 con. Bán không hết thì để sang tháng 10 và sang năm tiếp tục bán cá lưu. Cá lưu tùy kích cỡ giá từ 60 - 150 nghìn/1kg, cá càng to thì giá càng rẻ…
Vừa pha trà anh Vị vừa trả lời điện thoại. “Hai nghìn mét vuông à? Ừ, trên đấy nước lạnh ít màu thì thả trắm với rô phi thôi, chép, trôi phải có màu mới lớn”. Phía bên giọng ngập ngừng: “Nhưng… cháu không có tiền”. Anh cười khà khà: “Thì cứ lấy đi, lo gì, tiền nong tính sau… ”. Xong cuộc gọi, anh Vị giải thích: “Thằng cháu ở Lạng Sơn giáp biên đấy mà. Đây lên đó khoảng 250km nhưng mình vẫn chở cá lên bình thường. Mình còn thường xuyên đi giao cá cho khách ở Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn… ấy chứ”.
Nghe anh chia sẻ về cách làm giàu từ nghề cá giống dễ như ăn kẹo, có lẽ chẳng ai ngờ anh Vị “cá” cũng từng trải qua không ít gian truân để có được khu trang trại bạt ngàn này.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông gốc người Tày, ước mơ của anh Vị thật đơn giản. Anh muốn làm một nông dân chính hiệu sống đàng hoàng trên mảnh đất quê hương, hàng ngày vui thú chăn nuôi và cây trái. Tuy nhiên, làm nông dân cũng chẳng dễ dàng. Bao năm tất bật với ruộng vườn mà cuộc sống mãi vẫn lam lũ. Vậy là ngoài làm ruộng anh Vị còn học thêm nghề thợ xây. Lúc nông nhàn anh cùng đám thợ trong làng đi khắp nơi xây dựng nhà cửa.
Cuộc đời làm thợ quanh năm lấm vôi vữa mà cũng chẳng khấm khá được, ráo mồ hôi là hết tiền, lại phụ thuộc vào chủ. Trong xã Cổ Lũng vốn có nghề nuôi cá giống, năm 2013, đôi lần đi xây ao thuê cho các hộ, thấy đây là nghề đầu tư ít lại thu lợi khá, nhiều gia đình vươn lên giàu có với nghề, anh Vị quyết định bỏ thợ xây về đắp ruộng thành ao để thả cá.
Được Hội Nông dân xã cho đi tham quan một số hộ nuôi cá giống ở Phú Bình và Cổ Lũng, ban đầu anh Vị tận dụng các ruộng xấu, khó canh tác để làm ao thả cá giống. Ao làm xong, anh mua cá bột và cá hương thả xuống, ngày ngày chăm sóc và hồi hộp đợi lúc thu hoạch. Mẻ lưới đầu tiên quét ở ao cá bột, kéo lên thấy trắng trơn, chẳng có bóng dáng một chú cá nào. Ở ao cá hương cũng chả khá khẩm gì, thả vài vạn cá mà cả mẻ lưới chỉ lốm đốm vài chú. Bao công sức và cả tiền vốn lặn hết xuống đáy ao chẳng sủi tăm. Buồn chán anh Vị nghĩ, khéo mua phải giống cá đểu. Thế nhưng khi đi tìm hiểu cách nuôi cá giống của những người đi trước anh mới biết do mình còn thiếu nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật. Nhất là ao thả của anh lúc đầu còn chưa đạt tiêu chuẩn nên cá bột sẽ không có môi trường thuận lợi để tồn tại. Còn với ao cá hương, có thể do nguồn nước trong ao chưa được sạch và trong ao vẫn còn những loại cá khác như rô đồng, cá quả hoặc ếch, nhái nên chúng ăn sạch cá con.
Vậy là anh lại mất ngủ tính toán, tìm nguồn vốn để đầu tư, mua gạch về tự xây bờ kè, xử lý kỹ càng bề mặt đáy rồi mới thả cá. Đúng như mong đợi vụ đó anh đã thành công. Tiền bán cá thu về kha khá đủ để anh trang trải tiền mua gạch và tái đàn cá cho vụ mới.
Hơn mười năm vớt bèo chăn cá, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tự học hỏi, dần dần diện tích nuôi thả cứ thế tăng lên và nghiệp chăn nuôi của anh Vị cũng theo đó mà phát triển. Với diện tích một vài ao nuôi, đến nay anh đã có 8 ao xây kiên cố, mỗi ao rộng cả ngàn mét vuông. Số cá giống bán thu tiền về, còn giúp anh có nguồn vốn trồng rừng, trồng chè, chăn nuôi thêm lợn gà. Đặc biệt, nước bùn non vốn là phân cá bơm lên làm phân bón cho lúa, cây ăn quả và rau mầu. Gặp phân cá cây trái lên tốt bời bời chẳng thấy bị sâu bệnh, nhờ đó mà tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể. Thấy anh Vị mát tay, bà con trong xóm thường đến xem anh nuôi cá giống và học cách làm giàu.
Anh Vị kiểm tra cá giống tại ao nuôi
“Thật thà là cha bền vững”
Đưa khách đi tham quan hệ thống ao nuôi cá của gia đình anh Vị cười thân thiện: Mình vừa làm vừa học hỏi, làm chắc tiến chắc chẳng lo thất bại.
Ghé sát mặt nước, chỉ những những chấm xanh đen li ti chưa bằng đầu tăm đang lẫn dưới những cánh bèo tấm, anh bảo đấy là phân cá và nói chắc hơn đinh đóng cột: Nó phải to bằng ruột bút bi rồi. Tầm này độ tuần nữa sẽ lớn bằng đầu cây hương là có thể xuất bán. Để chứng minh anh chao vợt xuống ao rồi nhấc dần lên. Chao ôi, những chú cá bột li ti như những vảy bạc đua nhau lượn trong chiếc vợt. Thấy khách ngạc nhiên, anh Vị cười thoải mái: Nghề nào nghiệp ấy, ở gần con cá nhiều khác biết hết. Cá cũng như người những hôm trái gió trở giời, thấy khó ngủ là con cá cũng khó chịu, dễ bệnh tật. Nuôi cá giống như chăm trẻ, cá chỉ cần “sổ mũi nhức đầu” là phải biết để điều trị kịp thời.
Chúng tôi thắc mắc không hiểu những chú cá tí hon như vậy, biết cho chúng ăn gì? Anh Vị cặn kẽ giải thích, từ cá bột ban đầu ăn chất màu có trong nước, sau mươi ngày cá lớn dần và bắt đầu ăn thức ăn. Cá trắm ăn thức ăn xanh như rễ và lá bèo tấm, cá chép, cá trôi và các loại khác có thể ăn được các sinh vật phù du…
Anh cười hiền, thật thà kể: Nuôi cá con quan trọng nhất là môi trường nước và lượng thức ăn cho cá. Kinh nghiệm xương máu anh đúc kết được với nghề này là, cho cá ăn đói chút lại an toàn vì cá ăn no ban ngày, đêm đến lười bơi khiến ao nuôi thiếu ôxi, sáng hôm sau là chết nổi trắng. Điều này cả làng cá Cổ Lũng những năm 2006 - 2008 đã từng trả giá. Nhiều hộ gia đình lúc đó, sau một đêm cá chết cả ao, cứ nghĩ do hàng xóm đố kỵ đã bỏ thuốc độc, thả bả phá hoại ao nuôi. Nhưng sự thật là cá con bị chết phần lớn do môi trường nước ô nhiễm, thiếu ô xi.
Khắc phục tình trạng này, ngoài việc chú ý lượng thức ăn của cá, anh Vị còn chú ý tới nguồn nước và mực nước trong ao. Để chủ động nguồn nước, anh thiết kế hệ thống chặn nước mưa ở những đám ruộng phía trên cao để trữ nước. Các ao của anh Vị bố trí theo độ dốc thoải, chảy liên hoàn từ ao cao xuống các ao thấp, nên việc lưu thông nước giữa các ao rất dễ dàng. Ngoài ra ở mỗi ao anh còn đặt một máy bơm hút được nước và phân cá, thường xuyên túc trực để sẵn sàng tháo hoặc bổ sung nước, vệ sinh đáy ao rất chủ động.
Cá bé mực nước thấp, cá lớn mực nước sâu hơn và tính toán thả số lượng cá phù hợp với diện tích mặt ao để cá lớn nhanh, chóng được thu hoạch. Một năm, mỗi ao quay vòng 5 - 6 lượt tháo ao bắt cá, cùng với đó là số tiền bán cá thu về. Trước đây nghề làm cá giống chỉ thu hoạch theo mùa, bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 9 âm lịch khi trời bắt đầu lạnh và trời ít mưa. Bây giờ, có máy móc hiện đại hỗ trợ, nghề làm cá thu hoạch, bán cá quanh năm. Cá giống kích thước nhỏ bán tới gần cuối năm. Số cá tồn còn lại trong ao sẽ được gom thả vào một ao sâu để nuôi và tiếp tục bán rả rích từ trong tết sang tận năm sau. Lúc ấy lại bắt đầu một vụ cá mới.
Anh Vị giới thiệu hệ thống ao nuôi cá của gia đình
Ngày nào cũng vậy, dậy từ 5 giờ sáng vớt xong chục bao tải bèo tấm cho cá ăn, xong việc anh Vị lại có mặt ở những cánh đồng trong xóm để nắm bắt tình hình sản xuất, kịp thời có những tư vấn cho bà con về mùa vụ. Nói về điều này Chị Đặng Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Lũng khẳng định: Không hề giấu nghề, bao kinh nghiệm đúc kết được từ nghề nông anh sẵn sàng chia sẻ với người dân trong vùng, vì vậy anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm từ năm 2014. Xóm Đường Goòng có một nửa số hộ là đồng bào các dân tộc thiểu số, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm nay, người dân trong xóm tin yêu bầu anh Vị là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2019, anh Vị được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên. Vừa rồi hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình anh cùng một hộ bên cạnh đã bỏ 85 triệu đồng làm con đường bê tông liên xóm, dẫn vào tận sân nhà…
8 ao cá giống với diện tích hơn 7.000m2 của gia đình anh Vị hiện đã được xây bờ vững chãi. Các đáy ao được xử lý phẳng có lớp đáy là cát và bùn non rất thuận lợi cho cá phát triển, khi vét lưới bắt cá cũng dễ dàng nhất. Để ao nuôi sạch sẽ, hàng năm vài lần ao được bơm cạn, trang đáy, rắc vôi, phơi nắng để xử lý mầm bệnh. Mỗi năm nguyên tiền bán cá gia đình anh Vị thu về hơn 150 triệu đồng, ngoài ra còn có nhiều nguồn thu khác như: trồng rừng, cây chè, cây ăn quả, lúa…
Từ cá trắm, cá chép giống, sắp tới anh Vị sẽ làm thêm ao cá quả giống, để cung cấp ra thị trường đang rất sôi động và có nhu cầu cao trong việc chăn nuôi cá đặc sản. Trước khi tạm biệt, chúng tôi nói với anh về một khu Farmstay xóm Đường Goòng trong tương lai “dễ như lật bàn tay”, chẳng biết anh có hưởng ứng không, nhưng đáp lại chúng tôi bằng một nụ cười lạc quan chất chứa nhiều dự định.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...