Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:33 (GMT +7)

Xem tranh khắc gỗ Nhật, nghĩ về nghề khắc của ta

1. Trên mạng xã hội, họa sĩ Đức Hòa giới thiệu mấy sê-ri tranh khắc của các họa sĩ Nhật, từ tranh phong cảnh, sinh hoạt và tranh vẽ nhân vật. Tất cả đều là đỉnh cao của một lối chơi, từ kỹ thuật đến cách nhìn đều thấu đáo kĩ lưỡng. Quả thật không chỉ là những họa sĩ tài hoa họ còn là những thợ kỹ thuật lành nghề trong đồ họa. Tôi khen thì cô con gái (cũng là họa sĩ) bảo: Bố ơi, người Nhật làm cái gì cũng tìm đến tận cùng, đi đến đỉnh cao chứ không nửa vời. Nhưng tính sáng tạo của họ không nhiều. Có lẽ nó đúng một phần. Nó nói thêm: Con đã làm việc với người Nhật. Họ giỏi, kỷ luật nghiêm, khoa học, nhưng khá cứng nhắc. Họ yêu thích cơ khí, ngay từ thế kỉ 17 đã tao được những con búp bê bưng nước di chuyển trên bàn…

Tôi là họa sĩ đồ họa, làm tranh khắc gỗ, những câu chuyện về tranh khắc dưới đây là do quan sát và nghe lại chứ thực tình chưa bao giờ được tiếp xúc hoặc thăm xưởng làm tranh của họa sĩ Nhật.

“Tân Đại kiều” của họa sĩ Kawase Hasui
“Tân Đại kiều” của họa sĩ Kawase Hasui

Tranh khắc của Nhật in khắc đã thành công thức, làm nên một trường phái. Nếu Trung Quốc có Quốc họa thì Tranh khắc gỗ Nhật cũng là thứ gia bảo như vậy. Nhìn tranh khắc Nhật ta nhận ra ngay người Nhật từ cách đi nét, lối diễn hình tỉ mỉ chi tiết công thức. Nếu người Trung Hoa với bút lông mực nho tạo ra những nét mềm mại, mờ ảo hoặc những điểm nhấn cực mạnh thì người Nhật với những nét thanh mảnh kỉ hà giật cục đã thành một phong cách để rất dễ nhận ra họ và nhận luôn ra người bắt chước lối chơi của họ trong tạo hình.

“Hoàng hôn trên bến cảng” của họa sĩ Kawase Hasui
“Hoàng hôn trên bến cảng” của họa sĩ Kawase Hasui

Cũng theo những thông tin của họa sĩ Đức Hòa thì mỗi họa sĩ Nhật đều có đội thợ khắc và đội in. Họ đã được chuyên môn hóa cao. Có họa sĩ Việt còn cho biết thêm: còn có thợ mài dao, thợ sắp giấy in. Thế thì quá chuyên nghiệp như ngành xuất bản. Nước Nhật có môi trường tiêu thụ tranh tốt để họa sĩ tự đủ nuôi gia đình và nuôi đội thợ sáng tác. Mình so với họ là chuyện trên trời dưới đất, có khác nào làm nghiệp dư hoàn toàn. Một đất nước nghệ thuật muốn có sự phát triển thì phải có cái để tựa. Người Nhật có cái ghế tựa, đó là có xã hội tiêu dùng văn hóa, còn ta thì chưa.

2. Khắc gỗ ở ta là nghề lâu nhất, từ khắc ván kinh Phật sang khắc tạo hình làm tranh. Kỹ thuật khắc in đã từng thâm hậu. Khắc gỗ là cái ruột của đồ họa Việt Nam, đáng ra chúng ta phải phát huy cao nhất kỹ thuật này. Những khắc kẽm khắc đồng in nổi in chìm sau này du nhập từ châu Âu về do giao lưu học hỏi thế giới cũng quý, nhưng theo tôi khắc gỗ vẫn phải nên coi là giá trị hàng đầu. Hàng năm, đồ họa của ta làm đủ thứ, đến cả trò chơi độc bản "tóe loe", chẳng có gì tập trung. Chẳng có gì đỉnh cao. Sao không có những chuyên đề hàng năm thi về khắc gỗ? Chỉ thế mới nâng cao được chất liệu.

“Bạn già” - khắc gỗ của chính tác giả
“Bạn già” - khắc gỗ của Đỗ Đức

Trước đây trường Yết Kiêu (trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) lúc còn là hệ Cao đẳng có cụ nghệ nhân tranh Đông Hồ - Nguyễn Đăng Sần là thợ cả trong trường về kỹ thuật khắc gỗ. Lúc về trường, tôi được nghe chuyện cụ từng được giao khắc in một bức kí họa của họa sĩ Nguyễn Thụ. Nghiên cứu một tuần, cụ tách bản kí họa thành 8 ván khắc. Sau đó in ra thì bản in gần như lẫn với bản chính. Xét thế thì cụ đâu có kém gì thợ in ván tranh Nhật. Nên nhớ kí họa thì đậm nhạt trên bức kí họa rất phức tạp mà cụ Sần đã làm được. Ấy vậy mà sau khi cụ nghỉ, nhà trường không tìm nghệ nhân tiếp nối để khai thác truyền thụ kinh nghiệm làm ván khắc cho sinh viên. Đây có lẽ là một mất mát kỹ thuật nghề thượng thặng do chính từ nhà trường đã bỏ rơi những tài năng hiếm hoi giờ khó tìm ra. Còn in kẽm, in đồng thì kỹ thuật sao theo được châu Âu bởi thiếu từ phương tiện vật tư máy móc giấy in, mực in, và máy in. Còn khắc gỗ thì không cần đến máy có thể in tay được. Những kỹ thuật và chất liệu mới học theo cũng chỉ để khoe là ta cũng có, nhưng kết quả chỉ làng nhàng, chẳng đâu vào đâu.

Trên đây là vài suy nghĩ về tranh khắc gỗ Việt Nam sao mãi "lẹt đẹt", không có đỉnh cao mặc dù từng là “vùng rốn” của nghề khắc. Chỉ vì ta cái gì cũng có, nhưng lại làm sàn sàn, thành ra chẳng có cái gì. Tôi nghĩ, tại ta cả.

Đỗ Đức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy