Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
22:36 (GMT +7)

Xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội

VNTN -Ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là sự kế thừa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời đưa ra vấn đề mới mà Trung ương đặc biệt quan tâm, đó là nhân tố con người và sự phát triển bền vững đất nước.

 

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “Lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay” cho huyện Phú Lương.

 

Để Nghị quyết 33-NQ/TW được triển khai thực sự thiết thực, hiệu quả, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 30, Kế hoạch số 60 với các nội dung cụ thể, sát thực với địa phương. Theo Chương trình, kế hoạch này, mục tiêu chung đến năm 2020 xây dựng, phát triển văn hóa Thái Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, động lực phát triển của tỉnh. Xây dựng con người Thái Nguyên phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng “Thủ đô kháng chiến”. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2020 Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết số 33 như: Xây dựng con người Thái Nguyên phát triển toàn diện, môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa và chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

5 năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 30 như: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa; kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Nhờ vậy mà tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: 5 năm qua, cụ thể hóa Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 30, ngành văn hóa đã triển khai thực hiện bằng nhiều đề án, quy hoạch, kế hoạch. Điểm nhấn là tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn với phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch.

Đơn cử như về di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, toàn tỉnh hiện có nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chay (Phú Lương), Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu (xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ; xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình), Pả Dung của người Dao (xã Phúc Chu, huyện Định Hóa; xã Yên Ninh, huyện Phú Lương), Lễ hội truyền thống Đình Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình)… Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, cá nhân liên quan, các nét đẹp văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn được phục hồi, phát huy trong đời sống tinh thần của người dân thông qua hoạt động lễ hội, biểu diễn, giao lưu văn nghệ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh lại tâm đắc việc thực hiện Nghị quyết số 33 được cụ thể hóa thành nội dung gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được Ủy ban MTTQ các cấp triển khai toàn diện, hiệu quả trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Ông Tùng cho rằng, việc từ tỉnh đến cơ sở 5 năm qua đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chính là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách lối sống.

Tỉnh Thái Nguyên những năm qua cũng là điểm sáng của cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Chủ trương của tỉnh là gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chương trình xây dựng nông thôn. Trong đó, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa ở cơ sở góp phần để người dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng có ý nghĩa.

Cùng với việc đời sống vật chất được nâng cao, đời sống tinh thần của người dân cũng ngày một phong phú. Hiện nay, 100% các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được quy hoạch tổng thể, dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có 139 đơn vị đã xây dựng được quy hoạch chi tiết. Toàn tỉnh có 180 nhà văn hóa cấp xã, gần 2.700 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của hơn 3.500 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. 3 năm qua, số hộ đạt gia đình văn hóa, số cơ quan văn hóa không ngừng tăng lên.

 

Toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của hơn 3.500 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở khu dân cư.

Mới đây, theo chỉ đạo của Trung ương về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này ở các địa phương, đơn vị. Ngoài 6 đảng bộ được Tỉnh ủy kiểm tra trực tiếp, các đảng bộ còn lại sẽ tự kiểm tra, gửi báo cáo về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 30-4. Theo đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy về nội dung này: Quá trình kiểm tra của cấp trên hay tự kiểm tra, hoàn thiện báo cáo của các Đảng bộ không chỉ giúp tỉnh hoàn thiện báo cáo trình Trung ương, mà là dịp các địa phương, đơn vị nhìn lại kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 30. Qua đó, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt, nhất là khắc phục những hạn chế, tồn tại để thực hiện Nghị quyết hiệu quả, sát thực hơn trong thời gian tiếp theo. Đồng chí cũng khẳng định, việc đánh giá, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 cần phải gắn với với kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng (khóa XII) trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng với các nghị quyết, chương trình hành động của địa phương, đơn vị. Bởi lẽ, thực hiện tốt Nghị quyết số 33 cũng chính là việc chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm đưa sự nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển bền vững.

Mai Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy