Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
12:11 (GMT +7)
NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X

Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với văn nghệ sĩ

Năm 1987, Hội Văn nghệ Thái Nguyên được thành lập. Hơn 35 năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, văn nghệ sĩ (VNS) Thái Nguyên nhận được nhiều hơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho VNS hoạt động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam cùng các ngành, các cấp trong tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thế, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X”. Ảnh: Kim Ngân
Đồng chí Nguyễn Đắc Thế, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X”. Ảnh: Kim Ngân

Nhiều chủ trương, chế độ, chính sách về VHNT đã được ban hành, tiêu biểu như: Giải thưởng văn học nghệ thuật, Quy chế chi tiêu nhuận bút, Quy định khen thưởng các VNS có giải thưởng tại các cuộc thi trong nước và thế giới… từ đó giúp cho VNS có thêm động lực, phát huy năng lực sáng tạo. Kinh phí hoạt động VHNT tại Hội VHNT được thực hiện theo cơ chế đặt hàng của tỉnh. Ngoài ra, hàng năm, Hội còn được cấp kinh phí từ nguồn đầu tư sáng tạo VHNT của Chính phủ (550 triệu/năm), số kinh phí này đã giúp Hội tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn cũng như hỗ trợ cho VNS công bố và hoàn thành tác phẩm.

Nhiều cuộc thi sáng tác, triển lãm, biểu diễn… được tổ chức rộng khắp từ cấp quốc gia, khu vực, địa phương đã tôn vinh và tạo cơ hội cho VNS thể hiện tài năng sáng tạo, hành nghề; Nhiều trại sáng tác, lớp tập huấn, hội thảo, nhiều chuyến thực tế sáng tác được tổ chức giúp cho VNS được giao lưu, học tập, thâm nhập thực tế, qua đó, bồi đắp dày thêm kiến thức lý luận, kinh nghiệm sáng tác và hoàn thành tác phẩm.

Bên cạnh đó, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (cả tạp chí in và điện tử); trang Văn nghệ của Đài phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên cũng là nơi để VNS thể hiện trách nhiệm cá nhân, là nơi rèn luyện tài năng sáng tạo và là bệ phóng cho VNS bay cao, bay xa.

Những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ

Việc thể chế hóa các nội dung Nghị quyết bằng pháp luật, cơ chế chính sách còn chậm; nguồn lực đầu tư cho các cấp hội trong tỉnh còn ít và chậm, chưa xứng đáng, chậm đi vào cuộc sống; chế độ đãi ngộ VNS còn thấp; chưa chú trọng đúng mức đến công tác đào tạo, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý về VHNT. Việc huy động các nguồn lực phục vụ cho VHNT ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn (đặc biệt là công tác xã hội hóa ở cơ sở). Hoạt động VHNT ở các hội cơ sở, các chi hội VHNT chuyên ngành không đồng đều. Đội ngũ VNS Thái Nguyên đông nhưng ít tác giả, tác phẩm xuất sắc. Tuổi đời VNS cao (trung bình trên 60), thường đau yếu nên khả năng sáng tạo không cao. Sức hút công chúng tham gia vào các hoạt động sáng tạo VHNT không cao (Thái Nguyên chưa có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài)... Những hạn chế bất cập trên đã trở thành điểm nghẽn, lực cản cho sự phát triển VHNT.

Những đề xuất, kiến nghị

Một là: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội là phải tích cực tham mưu về cơ chế chính sách đối với hoạt động VHNT và đội ngũ VNS.  Đặc biệt là các hoạt động mang tính đặc thù, như: chính sách, chế độ chi tổ chức trại sáng tác, các cuộc thi, các cuộc thực tế sáng tác... mang tính đồng bộ, lâu dài và như chế độ chi tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật vừa được HĐND tỉnh ban hành.

Hai là: Tăng cường đầu tư nguồn lực cho VHNT trên cơ sở tính đúng, tính đủ và có ưu tiên, như: Phương tiện phục vụ công tác; kinh phí mua sắm trang thiết bị cho hoạt động Tạp chí điện tử; tăng kinh phí hoạt động thường xuyên/ người ngang bằng với các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh (hiện tại, hội tỉnh  được cấp = 70% so với các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh); Bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên, phụ cấp chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch cho các hội huyện thị trong tỉnh (đối với các hội chưa được cấp kinh phí).

Ba là: Thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu sắc về văn học nghệ thuật để đồng hành cùng văn nghệ sĩ, có tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách thiết thực, phù hợp thực tiễn, khuyến khích, tạo điều kiện cho VHNT phát triển. Đồng thời, hàng năm, tổ chức cho VNS tham gia học tập Nghị quyết, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cũng như phổ biến tình hình chính trị, văn hóa tại địa phương, đất nước...

Bốn là: Đổi mới các hoạt động nhằm thu hút, tập hợp đội ngũ, bổ sung các lực lượng kế cận đi đôi với việc quan tâm đến VNS cao tuổi. Bên cạnh việc tổ chức các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp cho hội viên, Hội thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác, các cuộc triển lãm, đồng thời tuyên truyền rộng rãi, tạo điều kiện cho công chúng biết để tham gia. Trong đó, tổ chức trại sáng tác và cuộc thi giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động VHNT, tổ chức trại sáng tác là tạo môi trường để VNS có điều kiện (điều kiện về thời gian, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, tạo hưng phấn, trách nhiệm…) để phát huy tài năng sáng tạo. Còn cuộc thi được coi là đòn bẩy, là động lực để thúc đẩy sáng tạo qua đó đánh giá được chất lượng cuộc thi và tìm ra những tác phẩm tiêu biểu để tôn vinh.

Năm là: Quan tâm đặc biệt đến việc phát triển lực lượng sáng tác trẻ bằng cách liên hệ, phối hợp với các phòng giáo dục, các trường THPT… tổ chức các cuộc khảo sát (hoặc cuộc thi) từ đó chọn ra những em có năng khiếu để mời tham gia các trại sáng tác, các lớp tập huấn về VHNT.

Sáu là: Củng cố, kiện toàn các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đồng thời từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức, hoạt động, sáng tạo văn học nghệ thuật.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 24-Ctr/TU của Tỉnh uỷ Thái Nguyên về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, nhiệm vụ đặt ra cho văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong chặng đường sắp tới hết sức vinh quang nhưng cũng rất nặng nề, đòi hỏi Văn nghệ sĩ phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước Đảng trước nhân dân để không ngừng rèn luyện, học tập và phát huy tài năng sáng tạo đi sâu vào đời sống, say mê lao động nghệ thuật tạo ra những tác phẩm hấp dẫn, đậm tính nhân văn hướng công chúng tới giá trị chân, thiện, mỹ góp phần xây dựng quê hương Thái Nguyên giàu đẹp.

Nguyễn Đắc Thế

Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy