Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
06:50 (GMT +7)

Xây dựng quy tắc ứng xử của nhà báo, hội viên trên mạng xã hội

VNTN - Người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm như thế nào khi tham gia mạng xã hội? Hội Nhà báo cần cụ thể hóa Điều 5 “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” như thế nào để quản lý thông tin của hội viên trên mạng xã hội? 


Đó là những nội dung cốt lõi của Tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 13/7 vừa qua tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hơn 100 đại biểu là nhà báo, đại diện các cơ quan lãnh đạo, quản lý, báo chí trung ương và địa phương khu vực phía Bắc đã tham dự sự kiện này. Mục đích của buổi Tọa đàm nhằm lấy ý kiến góp ý của các nhà báo, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cấp hội cơ sở về hướng dẫn thực hiện Điều 5 trong 10 Điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam: "Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác". Từ đó xây dựng một bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Mặt khác, sau một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận thì cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên, nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tham gia MXH, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.

Chủ trương của Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam về việc cụ thể hóa Điều 5 trong 10 Điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” bằng một bộ quy tắc ứng xử của nhà báo trên MXH đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu tham dự Tọa đàm. Trước đó, Hội đã tập hợp được hơn 100 ý kiến của hội viên về dự thảo bộ quy tắc này.

Tham gia góp ý với nội dung cụ thể của dự thảo quy tắc, các đại biểu đề nghị làm rõ hai phần:

1) Các nội dung mang tính khuyến khích hội viên tham gia MXH, tranh thủ sự hỗ trợ tối đa của nền tảng và tiện ích của MXH trong việc thực hiện nhiệm vụ và hành nghề hợp pháp; thông qua MXH để nắm bắt thông tin, phát hiện nhân tố mới đồng thời đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực trong xã hội; góp ý kiến xây dựng chế độ, đời sống xã hội…

2) Các nội dung mang tính ngăn chặn, khuyến cáo hội viên không được (hoặc không nên) thực hiện khi tham gia MXH, như: thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Luật Báo chí, các bộ luật có liên quan về quản lý cung cấp, sử dụng, bảo mật thông tin trên mạng internet; đăng tải, phát biểu ý kiến trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, truyền thống văn hóa dân tộc; thực hiện tác phẩm báo chí không đúng quy trình tác nghiệp, sao chép bài viết, hình ảnh của người khác; thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng hoặc sai sự thật gây hoang mang cho nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội; gây tổn hại về thể chất, tâm lý, tình cảm, danh dự, nhân phẩm của công dân; đăng phát các thông tin, hình ảnh làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của hội viên, các cơ quan báo chí và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam…

Xung quanh việc tổ chức văn bản này, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến khác nhau. Một số đề nghị không dẫn lại các nội dung đã được quy định trong Luật Báo chí, Luật An ninh mạng và nhiều luật, văn bản dưới luật khác. Chỉ đưa các nội dung mà pháp luật chưa điều chỉnh đến, thuộc phạm trù đạo đức xã hội và mang tính quy ước để cho hội viên tự giác chấp hành. Trong khi một số ý kiến khác lại cho rằng, vì quy tắc điều chỉnh đến hành vi nên dẫn lại để hội viên nắm vững một cách có hệ thống cũng là cần thiết, và càng đầy đủ cụ thể càng tốt.

Nói như nhà báo Tạ Bích Loan (Đài truyền hình Việt Nam), nhà báo vẫn là nhà báo, dù ở trên mạng xã hội. Khi đưa thông tin tạo cảm xúc tiêu cực thì tốc độ lan truyền sẽ nhanh gấp 4 lần thông tin mang cảm xúc tích cực. Vì vậy, xây dựng một MXH thực sự có ích, lành mạnh là mong muốn và cũng là trách nhiệm của mỗi nhà báo. Từ đó, nhà báo càng phải có tính chuyên nghiệp và trách nhiệm khi tham gia MXH.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh (báo Quân đội nhân dân) và nhiều đại biểu đề nghị, kèm theo quy định phải có chế tài cụ thể, quy định phải gắn với xử lý khi hội viên vi phạm. Còn có hiện tượng “nhà báo hai mặt”, nhà báo không chỉ nói sai quan điểm của Đảng mà còn trái với cả Hiến pháp, nhà báo phát ngôn không chuẩn mực… là do Hội xử lý không nghiêm.

Ngoài ra, có khá nhiều vấn đề cụ thể được các đại biểu sôi nổi thảo luận như: việc nhà báo sử dụng việc sử dụng tên thật hay không sử dụng tên thật khi tham gia MXH; vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí và chi hội, liên chi hội nhà báo đối với việc lãnh đạo, quản lý cán bộ hội viên thực hiện chuẩn mực, trách nhiệm trên MXH…

Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục hoàn thiện và sẽ đưa bộ quy tắc này vào đời sống trong thời gian sớm nhất.

Được biết, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng các quy định, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ phóng viên cơ quan, như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam khuyến khích các cơ quan báo chí đưa ra các quy định đối với cán bộ phóng viên của mình trong việc sử dụng MXH.

Quỳnh Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy